Điểm tin y tế tuần 47

VĂN BẢN PHÁP LÝ MỚI BAN HÀNH
1) Quy định về Hòm thư góp ý tại các cơ sở y tế

Ngày 01/10/2015, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 25/2015/TT-BYT quy định về Hòm thư góp ý tại các cơ sở y tế. Thông tư này quy định về nguyên tắc sử dụng hòm thư góp ý và xử lý thư phản ánh, kiến nghị của nhân dân, vị trí, số lượng đặt, quy cách kích thước, màu sắc của hòm thư góp ý; mẫu thư góp ý; quy trình mở hòm thư góp ý; quy trình tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn, thư góp ý được tiếp nhận từ hòm thư góp ý tại các cơ sở y tế trong toàn quốc.Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 12 năm 2015.
Giao trách nhiệm cho Thủ trưởng các cơ sở y tế trong toàn quốc triển khai đặt hòm thư góp ý để tiếp nhận, xử lý thư góp ý theo quy định; ban hành quy chế nội bộ về sử dụng hòm thư góp ý của cơ sở và quyết định phân công nhiệm vụ cho cá nhân, bộ phận thuộc đơn vị trong việc tiếp nhận và xử lý thư góp ý; tổ chức kiểm tra, đánh giá, tổng hợp, thống kê, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

2) Tiêu chuẩn chức danh giám đốc, phó giám đốc Sở Y tế
Ngày 16/10/2015, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 32/2015/TT-BYTquy định về Tiêu chuẩn chức danh giám đốc, phó giám đốc Sở Y tế thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, quy định về
Tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị; Tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống; Tiêu chuẩn về năng lực và kinh nghiệm công tác (trong đó quy định giám đốc Sở Y tế phải có thời gian từ 02 năm trở lên đảm nhiệm chức vụ Phó giám đốc Sở Y tế hoặc Giám đốc các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tuyến trung ương, tuyến tỉnh hoặc là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh đáp ứng tiêu chuẩn trình độ chuyên môn về y tế, hoặc Bí thư, Chủ tịch UBND cấp huyện. Phó Giám đốc Sở Y tế phải có thời gian từ 03 năm trở lên đảm nhiệm chức vụ Trưởng phòng thuộc Sở Y tế, hoặc Giám đốc, Phó Giám đốc đơn vị sự nghiệp y tế công lập tuyến trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện hoặc là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh hoặc Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện).
Về trình độ, Giám đốc Sở Y tế phải có trình độ chuyên môn sau đại học về y, dược, y tế công cộng, quản lý y tế; ưu tiên người tốt nghiệp đại học chuyên ngành y; … và sử dụng được ít nhất một ngoại ngữ thông dụng: Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc trình độ trung cấp bậc 3 trở lên; đối với những tỉnh có đa số đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì có thể thay bằng tiếng dân tộc thiểu số. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 12 năm 2015.

3) Chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế xã, phường, thị trấn
Ngày 27/10/2015, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 33/2015/TT-BYT Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế xã, phường, thị trấn. Trạm Y tế xã, phường, thị trấn có chức năng cung cấp, thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân trên địa bàn xã. Có nhiệm vụ thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về: y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh; kết hợp, ứng dụng y học cổ truyền trong phòng bệnh và chữa bệnh; chăm sóc sức khỏe sinh sản; cung ứng thuốc thiết yếu; quản lý sức khỏe cộng đồng; truyền thông, giáo dục sức khoẻ. Có nhiệm vụ hướng dẫn về chuyên môn và hoạt động đối với đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản; Nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình; Tham gia kiểm tra các hoạt động hành nghề y, dược tư nhân và các dịch vụ có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân…; Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Trung tâm Y tế huyện và Chủ tịch UBND cấp xã giao.
Về tổ chức, Trạm Y tế xã có Trưởng trạm và 01 Phó trưởng trạm, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Trưởng trạm, Phó Trưởng trạm và luân chuyển, điều động viên chức làm việc tại Trạm Y tế do Giám đốc Trung tâm Y tế huyện quyết định theo thẩm quyền và phân cấp quản lý ở địa phương. Về nhân lực, cơ cấu chức danh nghề nghiệp và số lượng của từng chức danh được xác định trên cơ sở nhu cầu thực tế, khối lượng công việc và đặc điểm, điều kiện kinh tế xã hội của đơn vị hành chính cấp xã nơi có Trạm Y tế.
Về mối quan hệ, Trạm Y tế xã là đơn vị y tế thuộc Trung tâm Y tế huyện, chịu sự quản lý toàn diện, điều hành trực tiếp của Giám đốc Trung tâm Y tế huyện. Chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chủ tịch UBND cấp xã.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 12 năm 2015.

TIN Y TẾ NỔI BẬT
1) Cấp cứu bé bị sốc nặng sau tiêm vắc xin “5 trong 1”

Chiều nay 26.11, tại Khoa Hồi sức cấp cứu Trung tâm y tế huyện Quế Sơn (Quảng Nam), cháu bé 3 tháng tuổi được cấp cứu sau khi bị sốc nặng sau tiêm vắc xin “5 trong 1”. Theo Thanh niên Online, trước đó, khoảng 8 giờ, mẹ cháu bé trú xã Quế An, đưa con đến Trạm y tế xã để tiêm vắc xin. Sau 45 phút, khi về nhà, bất ngờ xuất hiện các dấu hiệu nguy hiểm như mặt mày cháu bé tím tái, không thở được… nên gia đình lập tức chuyển cấp cứu đến Trung tâm y tế huyện. Khoa Hồi sức cấp cứu Trung tâm y tế huyện Quế Sơn chẩn đoán cháu bị sốc phản vệ nặng và tiến hành trợ thở ô xy, truyền dịch và tích cực xử lý..., cháu bé sau đó đã qua cơn nguy kịch, tiên lượng tốt. Qua kiểm tra cho thấy quy trình tiêm vắc xin “5 trong 1” tại Trạm y tế xã Quế An được thực hiện đúng quy trình.
Từ trường hợp này cho thấy thời gian theo dõi sau tiêm ngoài theo quy định chung cần phải cân nhắc khuyến cáo các gia đình phải theo dõi thêm tất cả các dấu hiệu của bé sau khi rời phòng tiêm, tránh để khi có sự cố việc chuyển cấp cứu chậm sẽ rất nguy hiểm.
2) Chiến dịch tiêm vắc xin Sởi và Rubella ở Việt Nam
Dịch sởi bùng phát ở Việt Nam theo chu kỳ từ 3 đến 5 năm một lần, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của đại đa số trẻ em Việt Nam. Đầu năm nay, Việt Nam đã phải đối mặt với dịch sởi nghiêm trọng ảnh hưởng tới 30.000 trẻ em với con số tử vong là 150 trẻ. Theo báo cáo, phần lớn ca mắc sởi không được tiêm vắc xin hoặc hồ sơ tiêm chủng không rõ ràng.
Tại Việt Nam, dịch Rubella bùng phát khoảng hai năm một lần. Dịch rubella gần đây nhất là năm 2010. Hậu quả là đã có rất nhiều trẻ em chào đời mắc hội chứng rubella bẩm sinh (CRS; tim bẩm sinh, điếc, đục thủy tinh thể…). Theo khuyến cáo toàn cầu của WHO trong mục tiêu loại trừ bệnh sởi và kiểm soát bệnh rubella, Bộ Y tế Việt Nam đã đưa vắc xin Sởi và Rubella vào chương trình tiêm chủng.
Tiêm chủng là một biện pháp hiệu quả về chi phí nhằm giảm tỷ lệ tử vong và bệnh tật ở trẻ em. Tổ chức nhi đồng liên hợp quốc, tổ chức y tế thế giới và Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng sẽ hỗ trợ chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt nam để bảo vệ trẻ em khỏi các bệnh có thể phòng tránh bằng vắc xin.
Chiến dịch tiêm vắc xin Sởi và Rubella cho trẻ em từ 1 đến 14 tuổi được triển khai từ tháng 10/2014 đến tháng 2/2015 trên cả nước. Mục tiêu của chiến dịch là giảm thiểu tỷ lệ tử vong và bệnh tật do virus sởi và rubella gây ra và tiến tới loại trừ hoàn toàn các bệnh này tại Việt Nam.


Ban biên tập