ĐIỂM TIN Y TẾ TUẦN 48

VĂN BẢN PHÁP LÝ, CHỈ ĐẠO

1. Phê duyệt kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa ký ban hành Quyết định số 5349/QĐ-BYT phê duyệt kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử. Hồ sơ sức khỏe điện tử là bản tin học hóa của hồ sơ sức khỏe được lập, hiển thị, cập nhật, lưu trữ và chia sẻ bằng phương tiện điện tử, giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe; qua đó giúp chủ động phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe của mình.

Theo dự kiến, đến năm 2020, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, đạt tối thiểu 80% người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử, hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Sở Y tế và Trung tâm Dữ liệu Y tế Quốc gia. Đến năm 2025 có 95% người dân trên toàn quốc có hồ sơ sức khỏe điện tử, được cập nhật thông tin sức khỏe thường xuyên và được kết nối với tất cả các cơ sở KCB trên cả nước. (Xem chi tiết văn bản)

2. Chính thức bỏ chế độ "viên chức suốt đời" từ 1/7/2020

Chiều 25/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức với 426/454 đại biểu bấm nút tán thành (chiếm 88,20%).

Theo Luật vừa thông qua, tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi luật này có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn, không ký hợp đồng không xác định thời hạn (kể cả đối với trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn lần 2), trừ viên chức được tuyển dụng mới vào đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Quy định này áp dụng đối với viên chức được tuyển dụng sau ngày Luật này có hiệu lực (1/7/2020). Viên chức đã được tuyển dụng trước đó cơ bản không có sự thay đổi về chế độ hợp đồng làm việc so với hiện hành. Việc quy định như vậy là phù hợp với Điều 240 của Bộ Luật Lao động hiện hành và Điều 220 của Bộ Luật Lao động (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua. Việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước ngày 1/7/2020 được thực hiện theo quy định của Luật này.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Năm 2019, không ghi nhận tai biến tiêm chủng do chất lượng vắn xin

Theo Cục Y tế dự phòng, tính đến 30-9, cả nước ghi nhận ghi nhận 41.837 trường hợp phản ứng thông thường và 23 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng. Theo đó, có 41.837 trường hợp phản ứng tại chỗ (sưng, nóng, đỏ đau tại vị trí tiêm), sốt <39oC và các triệu chứng khác. Về tai biến nặng sau tiêm chủng, đến 30-9, ghi nhận 23 trường hợp trong chương trình tiêm chủng mở rộng và một trường hợp trong tiêm chủng dịch vụ. Các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng các vắc xin trong Tiêm chủng mở rộng ghi nhận tại 16 tỉnh, thành phố, bao gồm:Bình Dương, Bình Định, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Gia Lai, Hà Nội, Lai Châu, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Sơn La, Tiền Giang, Thái Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Long.

Theo ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, các trường hợp tai biến nặng kể trên đã được Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vắc xin cấp tỉnh và cấp Bộ Y tế họp đánh giá và kết luận, ghi nhận bốn trường hợp phản ứng phản vệ do đặc tính cố hữu của vắc xin (17,4%); chín trường hợp do trùng hợp ngẫu nhiên (39,1%); 10 trường hợp không rõ nguyên nhân (43,5%).“Không ghi nhận trường hợp nào thuộc một trong ba nhóm nguyên nhân: do chất lượng vắc xin, do thực hành tiêm chủng, do lo sợ. Các trường hợp tai biến nặng đều được tiêm chủng theo đúng quy trình”, ông Tấn cho hay.

2. Cùng hành động để kết thúc đại dịch HIV/AIDS

Đó là chủ đề của Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS năm nay (từ ngày 10-11 đến 10-12) và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1-12). Chủ đề nêu trên nhằm thực hiện các mục tiêu 90-90-90 và các mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, tiến tới kết thúc đại dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, tính đến tháng 9-2019, số người nhiễm HIV ở nước ta là hơn 211 nghìn người, số người tử vong do AIDS là hơn 103 nghìn người. Hiện nay, việc điều trị ARV tiếp tục được mở rộng cho 140 nghìn người bệnh, với tỷ lệ tuân thủ sau 12 tháng điều trị đạt 88%. Đáng chú ý, việc điều trị người bệnh chuyển đổi điều trị từ viện trợ sang bảo hiểm y tế với hơn 40 nghìn người bệnh đang nhận thuốc ARV qua bảo hiểm y tế. Hiện nay, dịch HIV/AIDS đã và đang có xu hướng giảm, tuy nhiên tốc độ giảm đang chậm lại. Bên cạnh đó, tỷ lệ mắc HIV trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM) đang có xu hướng gia tăng và tỷ lệ mắc mới HIV trong nhóm này cao nhất trong các nhóm nguy cơ cao… Vì vậy, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay sẽ triển khai và tập trung vào các mục tiêu như: Huy động sự tham gia của các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách và toàn thể cộng đồng tham gia để đạt được các mục tiêu 90-90-90 (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình; 90% số người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 90% số người đang được điều trị có tải lượng HIV ở mức thấp) và mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS.

TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Cắt nguồn nuôi tế bào ung thư tụy

Thuốc L-asparaginase và thuốc MEK bỏ đói tế bào ung thư tụy, ức chế sự phát triển khối u, mở ra triển vọng điều trị ung thư tụy.

Hai loại thuốc này đã được sử dụng riêng biệt để điều trị nhiều loại ung thư, trong đó có ung thư máu, ung thư da. Song, hai loại thuốc khi sử dụng cùng lúc có khả năng thu nhỏ kích thước khối u tụy, theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Sanford Burnham Prebys Medical Discovery, mới công bố trên tạp chí Nature Cell Biology. Nhóm nghiên cứu thí nghiệm trên chuột, dùng thuốc L-asparaginase làm giảm lượng asparagine - chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển các tế bào ung thư tụy. Các tế bào ung thư tụy có khả năng tạo ra một đường phản ứng với những tác động từ bên ngoài, do vậy rất khó bị tiêu diệt hoàn toàn. Chúng cũng có khả năng tự tạo asparagine. Dựa trên cơ chế này, nhóm sử dụng thuốc ức chế MEK, chặn đường phản ứng, ngăn quá trình tự sản sinh asparagene và sự phát triển của khối u. "Các khối u tụy gần như đã được loại bỏ hoàn toàn", bác sĩ Ze'ev Ronai, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,