Điểm tin y tế tuần 50 - 2018

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Hội nghị Y sinh học châu Á

Ngày 6-7/12, Hội nghị Y sinh học khu vực châu Á lần thứ 4 và là lần đầu do Việt Nam đăng cai tổ chức chính thức khai mạc tại Đà Nẵng với chủ đề "Y sinh học thế kỷ 21: Tầm nhìn Á châu". Tham dự Hội nghị có 200 đại biểu đến từ các nước trong khu vực châu Á, Australia, Đức, Do Thái…Theo đó, các đại biểu đã thuyết trình báo cáo các kết quả nghiên cứu mới, thảo luận về các bệnh lý liên quan đến lĩnh vực Y sinh học như : Nghiên cứu về gen gây ung thư gan; nghiên cứu dùng kỹ thuật biên tập gen để điều trị ung thư; nghiên cứu về kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (IVF) và thụ tinh nhân tạo; nghiên cứu dùng "chữ ký gen" để tiên lượng loãng xương; nghiên cứu dùng rt-PA để điều trị thuyên tắc phổi.

Hội nghị Y sinh học Châu Á là một trong những hoạt động của Liên Hội Y sinh học Á châu. Liên hội được sáng lập bởi 12 đại học hàng đầu của châu Á.

2. Hội nghị tập huấn công tác quản lý đầu tư xây dựng và trang thiết bị y tế

Ngày 07 - 09/12/2018, tại Đà Nẵng, Bộ Y tế khai mạc Hội nghị tập huấn công tác quản lý đầu tư xây dựng và trang thiết bị y tế. Đến tham dự Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo các Cục/Vụ/Văn phòng Bộ và các đơn vị thuộc/trực thuộc Bộ Y tế; đại diện Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng và Lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật xây dựng, thiết bị của 09 Sở Y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và các ban quản lý dự án ngành y tế…

Hội nghị nhằm tăng cường năng lực thực hiện công tác đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý tài sản trong quá trình sử dụng tại các cơ sở y tế giúp đơn vị nắm bắt được những vấn đề còn tồn tại, hạn chế tại cơ sở để có các biện pháp khắc phục, điều chỉnh; đồng thời, giúp lãnh đạo, cán bộ các đơn vị triển khai các quy định, quy trình đầu tư xây dựng, mua sắm và quản lý tài sản được đầu tư; tăng cường năng lực quản lý đầu tư xây dựng, cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng, góp phần giảm tình trạng quá tải khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.

Bên cạnh đó, tại Hội nghị đã tổ chức trao khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác quản lý, thực hiện đầu tư xây dựng và thiết bị y tế.

TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Nghiên cứu phương thức mới tiêu diệt mầm bệnh sốt rét trong gan

Trong nghiên cứu trên, các nhà khoa học đã lấy ký sinh trùng trên hàng trăm nghìn con muỗi, mỗi ký sinh trùng được lấy ra đều được để riêng trong mỗi ống nghiệm và được sử dụng các hợp chất hóa học khác nhau nhằm tiêu diệt các ký sinh trùng này khi chúng mới ở trong gan. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành khoảng 500.000 cuộc thử nghiệm kiểu này. Sau khoảng 6 năm nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện 631 hợp chất hứa hẹn trở thành nền tảng để sản xuất các loại thuốc mới có thể ngăn chặn bệnh sốt rét. Đây là một cách tiếp cận mới, tiêu diệt các ký sinh trùng sốt rét từ giai đoạn ủ bệnh, một phương thức mà cho đến nay chỉ rất ít nhà khoa học nghiên cứu

Nhằm đẩy nhanh nỗ lực này, các nhà khoa học đã công bố công trình nghiên cứu của mình trên tạp chí chuyên ngành Science số ra ngày 6/12 để cộng đồng khoa học có thể cùng nghiên cứu hướng phát triển, sớm tìm ra loại thuốc mới an toàn cho người dùng và ngăn chặn hiệu quả ký sinh trùng sốt rét bị giải phóng khỏi gan, thâm nhập vào mạch máu.

2. Phát hiện ruột cũng tham gia tạo máu nuôi cơ thể

Theo Cell Stem Cell, từ trước đến nay, y học cho biết khu vực chính để các tế bào máu được sản xuất là tủy xương. Tuy nhiên, thông qua những bệnh nhân trải qua một ca ghép ruột, các nhà khoa học Mỹ ở Trung tâm Miễn dịch Columbia đã xác định thêm một khu vực mới trong cơ thể tham gia vào việc tạo máu bằng việc quan sát 21 bệnh nhân được cấy ghép ruột và theo dõi quá trình này trong suốt 5 năm. Khu vực ấy được gọi là "blood chimera" vì nó tái tạo chính các tế bào máu của người nhận, nhưng trên cơ sở các mô của người hiến tặng. Trong những lần quan sát, các nhà khoa học không chỉ phát hiện thấy những tế bào gốc tạo máu ngoại lai và tế bào tiền thân - trong niêm mạc ruột của người hiến tặng, mà còn xác định chúng có trong ruột non, gan và hạch bạch huyết. Hơn nữa, theo thời gian, các tế bào này dần được thay thế bằng các mô tạo máu của chính người nhận.

Các nhà khoa học đã tiến hành phân tích những tế bào T miễn dịch của người hiến ruột được lưu thông sau khi cấy ghép. Những tế bào này được sàng lọc trong các cơ quan bạch huyết của người nhận để có được khả năng miễn dịch. Như vậy, các tế bào hiến tặng không còn bị coi là xa lạ và trở thành “người nhà”. Điều này giúp bảo vệ cơ quan cấy ghép khỏi các cuộc tấn công của hệ miễn dịch người nhận. Hiện các nhà khoa học không thể nói chắc chắn ruột sản sinh được bao nhiêu tế bào máu an toàn, nhưng có lẽ khối lượng máu do ruột sản sinh ra đạt đến 10% lượng máu của toàn cơ thể.

3. Anh hoàn thành dự án giải mã gien lớn nhất thế giới

Theo BBC, các nhà khoa học Cambridge, Anh, đã hoàn thành công việc trong dự án giải mã bộ gien lớn nhất thế giới thuộc hệ thống chăm sóc sức khỏe (Dự án 100.000 bộ gien -100.000 Genomes Project). Dự án 100.000 bộ gien liên quan đến những người mắc bệnh hiếm gặp, các thành viên trong gia đình họ và các bệnh nhân ung thư. Trong khuôn khổ của dự án này, cứ 4 người mắc một căn bệnh hiếm gặp thì có một người lần đầu tiên được chẩn đoán. Cho đến nay, cha mẹ của những đứa trẻ mắc bệnh di truyền hiếm gặp thường mất nhiều năm cố gắng tìm hiểu nguyên nhân. Dự án 100.000 bộ gien đã kết thúc "cuộc phiêu lưu chẩn đoán" đối với nhiều gia đình và trong một số trường hợp đã dẫn đến các phương pháp điều trị hiệu quả.

Kết thúc dưa án, các nhà khoa học đã giải mã tới 100.000 gen, trong đó bệnh ung thư và bệnh hiếm gặp được chọn vì tất cả các bệnh này đều có liên quan đáng kể đến sự thay đổi ADN. Khoảng 50% số bệnh nhân ung thư tham gia dự án sau khi có kết quả giải mã bộ gien được tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng đối với các loại thuốc mới hoặc được điều trị đích (targeted therapy) - phương pháp điều trị mới sử dụng các kháng thể đơn dòng (monoclonal antibodies) hoặc các chất ức chế phân tử nhỏ (small molecule inhibitors) để tác động đặc hiệu vào các tế bào ung thư nhưng ít gây hại cho các tế bào của mô bình thường.

Được biết, nếu giải mã bộ gien của tất cả cư dân cả nước thì có thể tăng tốc đáng kể việc chẩn đoán, điều trị và cải thiện các chương trình phòng chống bệnh tật. Hiện nay, việc giải mã ADN chỉ mất 30 phút và tốn chưa đến 800 USD.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,