Điểm tin y tế tuần 50

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1) Chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Sở Y tế và Phòng Y tế

Ngày 11/12/2015, Bộ Y tế và Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Phòng Y tế thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Theo đó, Sở Y tế chịu sự chỉ đạo tổ chức, biên chế và hoạt động của UBND cấp tỉnh, … và chịu sự chỉ đạo hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, nghiệp vụ của Bộ Y tế.

Phòng Y tế là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, có chức năng tham mưu, giúp UBND huyện thực hiện quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn huyện, chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của UBND cấp huyện, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Y tế.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 25/01/2016.

2) Kiểm tra an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm

Ngày 01/12/2015 Bộ Y tế ban hành Thông tư số 48/2015/TT-BYT Quy định hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.

Nội dung kiểm tra đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm: Hồ sơ hành chính, pháp lý của cơ sở và các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Nội dung kiểm tra đối với cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố: Hồ sơ hành chính, pháp lý của cơ sở và các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Kiểm tra đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được áp dụng cho các đối tượng là các Cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế; Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố;Cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm không thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ NN & PTNT, Bộ Công Thương; cơ sở sản xuất, kinh doanh nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý từ 02 Bộ trở lên trong đó có sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2016.

3) Kế hoạch tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức

Ngày 10/12/2015 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2218/QĐ-TTg về kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đảm bảo đến năm 2021, về cơ bản không tăng tổng biên chế Bộ, ngành ở Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương so với biên chế được giao năm 2015:

- Số cán bộ công chức viên chức (CBCCVC) được tuyển dụng mới không được vượt quá 50% số CBCCVC đã tinh giản biên chế hoặc nghỉ hưu đúng tuổi, thôi việc theo quy định pháp luật. Tỷ lệ tinh giản tối thiểu 10% biên chế của từng Bộ, ngành; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp:

- Khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Nguồn thu sự nghiệp được dùng để trả lương thay thế việc trả lương từ Ngân sách Nhà nước.

Đối với tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp: Giữ ổn định biên chế đến năm 2016; Được khoán hoặc hỗ trợ kinh phí với nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao từ năm 2017. Quyết định 2218/QĐ-TTg có hiệu lực từ 10/12/2015

4) Quy định một số nội dung và mức chi cho các chương trình, dự án

Ngày 16/11/2015 Bộ Y tế - Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 38/2015/TTLT-BYT-BTC quy định một số nội dung và mức chi đặc thù áp dụng cho các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ do Bộ Y tế là cơ quan chủ quản quản lý chương trình, dự án.

Nội dung và mức chi đối với đào tạo trong nước thời gian từ dưới 3 tháng, từ 3 đến dưới 6 tháng, từ 6 tháng trở lên và đào tạo từ xa theo hình thức hỗ trợ trực tuyến.

Nội dung và mức chi cho đào tạo ngắn hạn tại nước ngoài áp dụng theo quy định tại Thông tư 139/2010/TT-BTC. Đào tạo dài hạn tại nước ngoài áp dụng đối với các dự án sử dụng nguồn viện trợ không hoàn lại, áp dụng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 144/2007/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG ngày 05/12/2007.

Nội dung và mức chi cho hỗ trợ khám chữa bệnh; người dẫn đường, điều tra, thống kê; chi biên, phiên dịch tiếng dân tộc; hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật; triển khai các hoạt động mang tính nghiên cứu khoa học nằm trong hoạt động được dự án, chương trình hỗ trợ kinh phí; truyền thông, giám sát, đánh giá các hoạt động chuyên môn tại cộng đồng thuộc dự án, chương trình đều được qui định tại Thông tư liên tịch này.

Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/12/2015.

5) Thiết bị chẩn đoán nhanh ung thư: Có đáng tin?

Hiện nay trên thị trường đang có nhiều loại que thử UT, HIV, viêm gan B, viêm gan C được quảng cáo là có xuất xứ từ Nhật Bản, Canada, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp... với giá từ 250.000 - 550.000đ/que (loại dùng một lần) hoặc 1.750.000đ/que (loại dùng nhiều lần). Theo lời quảng cáo, chỉ cần khoảng từ 5ml dung dịch nước tiểu hoặc máu, test trong thời gian từ 5 - 15 phút là có thể biết chính xác một người có bị mắc bệnh ung thư hay không.

Ngày 15/122015 Bộ Y tế cho biết, hiện nay không có bất kỳ một loại que thử nào có thể xác định được ung thư do Bộ Y tế cấp phép mà chỉ có duy nhất 2 loại que thử định tính phát hiện các chất trong máu có thể là dấu hiệu nhận biết ung thư. Đó là que thử: Bionline AFP (phát hiện định tính AFP trong huyết tương hoặc huyết thanh người) và que thử Bionline CEA (phát hiện định tính trong huyết tương hoặc huyết thanh người) đã được Bộ Y tế cấp phép.

Để biết chính xác một người có mắc căn bệnh ung thư hay không cần phải đến cơ sở y tế có uy tín kiểm tra theo một quy trình y học chặt chẽ, với phương tiện kỹ thuật ngày càng hiện đại, việc chẩn đoán ung thư ngày càng nhanh và chính xác hơn. Ngoài khám lâm sàng, bệnh nhân có thể được chỉ định đi chụp X-Quang, chụp nhiệt, siêu âm hay chụp cắt lớp vi tính, chẩn đoán tế bào học hoặc làm các xét nghiệm huyết học.

TIN CHUYÊN MÔN

1) Nhiễm HIV/AIDS không phải là dấu chấm hết của cuộc đời

Ngày nay, HIV/AIDS vẫn được xác định là một trong những vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng, mỗi năm có khoảng 12.000 người nhiễm mới và 2.000-3.000 trường hợp tử vong do HIV/AIDS gây tác động rất lớn về sức khỏe, kinh tế - xã hội. Với sự phát triển của y học cùng sự ra đời của thuốc ARV (thuốc kháng HIV), căn bệnh thế kỷ này không còn là “bản án tử hình”. Điều trị bằng thuốc kháng virut ARV giúp người nhiễm HIV tăng khả năng hồi phục hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ mắc những bệnh nhiễm trùng cơ hội, giảm tử vong, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, điều trị ARV kịp thời cho người nhiễm còn là một trong các biện pháp dự phòng làm giảm khả năng lây lan HIV ra cộng đồng.

Để thực hiện thành công mục tiêu 90-90-90 (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) và tiến tới kết thúc dịch AIDS, nước ta cần quyết liệt triển khai toàn các biện pháp dự phòng, chẩn đoán, điều trị và can thiệp giảm tác hại, ưu tiên tập trung các địa bàn có dịch HIV và có nguy cơ xuất hiện dịch HIV cao; triển khai đồng bộ biện pháp như dự phòng, điều trị, truyền thông thay đổi hành vi nguy cơ. Xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV tập trung chủ yếu dựa vào cộng đồng. Tổ chức thực hiện điều trị ARV theo tiêu chuẩn mới của Bộ Y tế và tiếp tục truyền thông về lợi ích của điều trị bằng ARV, lợi ích của BHYT trong chăm sóc, điều trị HIV/AIDS để người nhiễm HIV tiếp cận điều trị một cách bền vững.

2) Đề phòng cúm A/H7N9 có thể lây từ biên giới vào cuối năm

Cục Y tế dự phòng cho biết WHO, Ủy ban quốc gia Y tế và Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc thông báo tiếp tục ghi nhận thêm 06 trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm trên người, trong đó 04 trường hợp nhiễm cúm A/H9N2 đang trong tình trạng nhẹ và 02 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 trong tình trạng nguy kịch.

Cục Y tế dự phòng khẳng định, tại Việt Nam, hiện chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm cúm A/H7N9, cúm A/H9N2. Để chủ động phòng chống cúm A/H7N9 trên người, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thường xuyên rửa tay với xà phòng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Người dân không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc; đảm bảo an toàn thực phẩm. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết, người dân phải báo ngay chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Người trở về từ quốc gia có dịch bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi. Khi có biểu hiện như sốt, ho, đau ngực, khó thở, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Ban Biên Tập

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,