ĐIỂM TIN Y TẾ TUẦN 51

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Bộ Y tế hướng dẫn dự phòng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước tác động của ô nhiễm không khí

Theo hướng dẫn này, Bộ Y tế khuyến nghị người dân thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố. Người dân cũng nên hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang bảo đảm chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (bảo đảm kín, khít mặt).

Ngoài ra, cần thường xuyên vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ; Với người hút thuốc lá: nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc lá. Với người không hút thuốc lá nên tránh xa khói thuốc lá.

Trong những ngày này, nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm; Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống; Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga; Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.

Đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu cần lưu ý: Thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn; Hạn chế tối đa đi ra ngoài đặc biệt là vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng. Người bệnh cần tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

2. Khuyến cáo phòng chống bệnh cúm mùa

Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch ... thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Để chủ động phòng chống cúm mùa, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:

  • Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
  • Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
  • Tiêm vắc xin cúm mùa, đây là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất.
  • Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
  • Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

3. Bộ Y tế yêu cầu giám sát thực hiện quy định quản lý hoạt động xét nghiệm

Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn về việc tăng cường rà soát, chấn chỉnh và kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định quản lý hoạt động xét nghiệm. Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu Giám đốc các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, thủ trưởng y tế các bộ, ngành tăng cường thanh kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và khắc phục các hạn chế trong thực hiện các quy định, quy chế chuyên môn về xét nghiệm.

Giám đốc các bệnh viện tăng cường quản lý nội bộ, rà soát việc thực hiện các quy định, hướng dẫn chuyên môn, quy trình để phát hiện, phòng tránh xảy ra những sự việc vi phạm trong cơ quan liên quan đến hoạt động xét nghiệm. Nghiêm túc thực hiện các yêu cầu về thiết lập kế hoạch quản lý chất lượng xét nghiệm, trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo phòng xét nghiệm, nhân viên quản lý chất lượng xét nghiệm và bảo đảm duy trì thường xuyên công tác kiểm soát chất lượng xét nghiệm phục vụ ngườ bệnh.

TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Loại kháng sinh có thể chống lại ung thư

Tác dụng của vancomycin trên hệ vi sinh vật đường ruột thúc đẩy khả năng miễn dịch, đẩy lùi sự tấn công của các tế bào ung thư. Đó là nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Trung tâm Ung thư Abramson thuộc Đại học Pennsylvania, công bố trên tạp chí Journal of Clinical Investigation ngày 9/12.

Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm bơm một lượng kháng sinh vancomycin vào tế bào khối u ở chuột. Họ nhận thấy kháng sinh đã làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột. Nó không chỉ giúp các tế bào miễn dịch tiêu diệt khối u mục tiêu mà còn diệt các tế bào ung thư xa hơn trong cơ thể. Nghiên cứu chứng minh thuốc kháng sinh vancomycin có khả năng làm tăng tác dụng của chính bức xạ giảm phân ở vị trí khối u được nhắm mục tiêu, đồng thời hỗ trợ hệ miễn dịch chống lại các khối u trong cơ thể. Hơn nữa, vancomycin đặc biệt cải thiện chức năng của các tế bào đuôi gai, là tế bào truyền tin giúp tế bào lympho T xác định chính xác mục tiêu tấn công của mình. Các nhà nghiên cứu cũng đã thử nghiệm trên nhiều loại tế bào ung thư khác nhau.

Vancomycin là kháng sinh được sử dụng điều trị một số bệnh nhiễm khuẩn. Thuốc tiêm tĩnh mạch, dùng trong trường hợp nhiễm trùng da phức tạp, nhiễm trùng máu, viêm nội tâm mạc, nhiễm trùng xương và khớp, viêm màng não do vi khuẩn Staphylococcus aureus kháng methicillin. Các nhà nghiên cứu đang lên kế hoạch thử nghiệm loại thuốc này tại các phòng khám.

Ban Biên tập website Viện