Điểm tin y tế tuần 51

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1) Bắt đầu từ ngày 01/01/201610, 10 luật mới có hiệu lực, bao gồm:

1. Luật nghĩa vụ quân sự 2015

2. Luật kiểm toán nhà nước 2015

3. Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015

4. Luật tổ chức Chính phủ 2015

5. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015

6. Luật tổ chức Quốc hội 2014

7. Luật bảo hiểm xã hội 2014

8. Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi 2014

9. Luật Căn cước công dân 2014

10. Luật hộ tịch 2014

2) Hướng dẫn mới về tiền lương của người lao động

Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 05/2015/NĐ-CP về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất có hiệu lực từ ngày 01/01/2016. Theo đó:

- Tiền lương làm căn cứ để trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương, tạm ứng tiền lương là tiền lương theo hợp đồng lao động.

- Tiền lương trả cho một ngày làm việc xác định bằng tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng (số ngày làm việc bình thường trong tháng không quá 26 ngày).

- Bãi bỏ quy định về việc phải trả lương ngay trong tháng làm việc cho người lao động, chỉ còn quy định về việc trả lương một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần và được trả vào thời điểm trả lương.

- Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc hoặc mất việc làm.

Bộ Y tế khuyến cáo không sử dụng nước giải khát bất thường về màu sắc, mùi vị

Để đảm bảo an toàn thực phẩm dịp tết Nguyên đán Bính Thân sắp tới và thời gian vừa qua hàng loạt vụ việc thực phẩm bẩn bị cơ quan chức năng phát hiện gây hoang mang trong nhân dân.

Ngày 22/12/2015 Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo các sản phẩm rượu, bia, nước giải khát, nếu người tiêu dùng thấy có bất thường về cảm quan, màu sắc, mùi vị cần tạm dừng sử dụng và báo ngay cho các cơ quan chức năng.

TIN Y TẾ NỔI BẬT

1) Phát động cuộc thi ảnh “Vì sức khỏe nhân dân”
Ngày 22/12/2015 Bộ Y tế đã chính thức phát động cuộc thi ảnh “Vì sức khỏe nhân dân” dành cho tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước, không giới hạn độ tuổi.

Cuộc thi nhằm tôn vinh những tấm gương tiêu biểu trong ngành y tế, tuyên truyền những hoạt động của ngành để người dân hiểu hơn sự hy sinh thầm lặng, những cống hiến của các thầy thuốc thông qua những hình ảnh đẹp của cán bộ y tế trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Ban tổ chức nhận ảnh đăng ký dự thi đến hết ngày 25/1/2016. Lễ trao giải dự kiến được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2016.

Địa chỉ tiếp nhận ảnh dự thi: Toà soạn Sức khoẻ 42 Phan Văn Trị, Phường 2, Quận 5, TP. HCM hoặc email: thianhvisuckhoenhandan@gmail.com.

2) Sử dụng vắc xin ngừa sốt xuất huyết hay không

Tại Việt Nam, đến cuối năm 2015 có khoảng 80.000 ca mắc sốt xuất huyết, bệnh tăng cao so với năm 2014. Tuy nhiên việc sử dụng vắc xin sốt xuất huyết hay không đang phải cân nhắc thận trọng bởi hiệu lực bảo vệ và những vấn đề liên quan khác.

Trong đó ở Việt Nam hiện đang lưu hành 4 type D1, D2, D3, D4, trong khi hiệu lực bảo vệ ở type cao nhất cảu vắc xin đạt trên 60%, các type còn lại đạt thấp hơn, có type chỉ đạt trên 40%. Có thể khi tiêm vắc xin phòng được type này nhưng vẫn mắc các type còn lại. Một người đã mắc sốt xuất huyết trước đó, nhưng khi mắc bệnh lại type khác thì bệnh có nguy cơ biểu hiện nặng hơn.

Các chuyên gia về chiến lược tiêm chủng của WHO đang nghiên cứu và tháng 4-2016 sẽ tư vấn về hiệu quả bảo vệ, chi phí, gánh nặng bệnh sốt xuất huyết và sử dụng văcxin một cách an toàn. Sau khi WHO có khuyến cáo, Việt Nam sẽ có quyết định của riêng mình.

Ở châu Á, Philippines là quốc gia đầu tiên ở khu vực và là quốc gia thứ hai trên thế giới cho phép sử dụng vắc xin Dengvaxia.

3) Bệnh do vi rút Zika xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới

Năm 1947, lần đầu tiên bệnh do vi rút Zika được ghi nhận tại khu rừng Zika của Uganda, tác nhân gây bệnh là một loại vi rút được đặt tên là vi rút Zika theo nơi phát hiện đầu tiên, bệnh thường có biểu hiện sốt, nổi mẩn và một số triệu chứng khác như đau cơ, nhức đầu, đau mắt, thời gian ủ bệnh từ 3-12 ngày. Bệnh lây truyền chủ yếu qua muỗi Aedes (loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết), bệnh cũng có thể lây truyền qua đường máu, từ mẹ sang con khi sinh và qua đường tình dục. Hầu hết các trường hợp nhiễm vi rút Zika có biểu hiện triệu chứng nhẹ và vừa hoặc không có biểu hiện triệu chứng do đó nhiều trường hợp mắc bệnh có thể không được phát hiện; hầu hết các trường hợp bệnh đều có khả năng hồi phục, chưa ghi nhận tử vong (ngoại trừ một số thông tin liên quan đến bệnh tại Brasil gần đây cho thấy về dịch tễ học có thể có liên quan của vi rút Zika đối với các trường hợp thai nhi tử vong).

Sau khi phát hiện tại Uganda, đến năm 1954, tiếp tục ghi nhận ở Nigeria và trở thành chủng vi rút lưu hành ở nhiều nước châu Phi. Tại châu Á cũng đã ghi nhận trường hợp mắc đầu tiên năm 2007 tại đảo Yap thuộc Liên bang Micronesia, năm 2013 ghi nhận ở French Polynesia, sau đó lây lan ra các đảo khu vực Thái Bình Dương, bao gồm cả New Caledonia, đảo Cook, đảo Easter, Thái Lan

Theo báo cáo của WHO, năm 2015 bệnh tiếp tục ghi nhận tại một số quốc gia khu vực châu Mỹ, châu Phi.

Hiện nay, bệnh do vi rút Zika chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh; do đó, ngoài việc triển khai các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ tại các cửa khẩu phải đồng thời triển khai các biện pháp nhằm hạn chế sự lây truyền của bệnh tương tự phòng chống bệnh sốt xuất huyết bằng cách diệt muỗi truyền bệnh và các ổ chứa của muỗi, bọ gậy là biện pháp hiệu quả để phòng bệnh.

Ban Biên tập