Điểm tin y tế tuần 02

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Thả muỗi ngăn ngừa sốt xuất huyết

Theo các nguồn thông tin đại chúng, thực hiện kế hoạch dự án “Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết (SXH) tại Việt Nam” trong thời gian tới sẽ thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia ở 4 phường trên địa bàn TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) nhằm ngăn ngừa bệnh sốt xuất huyết. Kế hoạch của dự án năm 2017 đã được Bộ Y tế phê duyệt bao gồm các hoạt động sẽ triển khai tại TP. Nha Trang gồm: tuyên truyền đến người dân bằng nhiều hình thức trước khi thả muỗi; khảo sát lấy phiếu đồng thuận ngẫu nhiên; tiến hành thả muỗi ở 4 phường (Vĩnh Trường, Phước Long, Vĩnh Phước và Vĩnh Thọ).

2. Chống kháng thuốc - Cần sự chung tay của nhiều bộ, ngành và nhân dân

Ngày 05/01/2017, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra thực hiện kế hoạch chống kháng thuốc, trong đó tập trung vào nhóm thuốc kháng sinh - một vấn đề cấp thiết ở Việt Nam hiện nay.

Một nghiên cứu do WHO công bố, tỉ lệ kháng penicillin của Streptococcus pneumoniae ở Việt Nam tới 71,4%, đứng thứ hai là Hàn Quốc (54,8%) và Hồng Kông (43,2%), Đài Loan (38,6%). Vi khuẩn kháng với cephalosporin thế hệ 3, 4 cũng tăng theo từng năm. Tỉ lệ dùng kháng sinh không phù hợp ở Việt Nam tới 74%. Tại Việt Nam, vi khuẩn kháng thuốc với cephalosporin thế hệ 3 và 4, fluroquinine và aminosid tăng lên theo từng năm. Sự đa kháng thuốc kháng sinh ở các bệnh viện khiến cho nhiễm khuẩn bệnh viện đang gia tăng.

Để ngăn chặn kháng thuốc kháng sinh theo “Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020” đòi hỏi không riêng Bộ Y tế, mà còn phải có sự chung tay của nhiều bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ NN&PTNT, cũng như ý thức của từng người dân, trong đó có vai trò không nhỏ của các bác sĩ.

3. Lập Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia

Theo các nguồn thông tin đại chúng, ngày 05/01/2017, Chính phủ đưa ra Nghị quyết thành lập Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia trực thuộc Bộ Y tế.

Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, có chức năng tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc thuộc danh mục thuốc mua sắm tập trung cấp quốc gia do Bộ Y tế ban hành và tổ chức đàm phán giá thuốc thuộc danh mục thuốc đàm phán giá theo quy định của pháp luật. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia. Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.

4. TP HCM: Xuất hiện ổ dịch thủy đậu trong khu chế xuất

Theo báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam, ngày 05/01/2017, tại Công ty Gunze đã ghi nhận 30 trường hợp mắc bệnh thủy đậu. Trường hợp đầu tiên khởi phát ngày 17/11/2016 với các triệu chứng nổi bóng nước trên da, sốt, đau đầu, uể oải, chán ăn… Trường hợp mới nhất khởi phát ngày 22/12/2016.

Các chuyên gia y tế, bệnh thủy đậu có thể lây lan qua những giọt nước nhỏ trong không khí từ miệng hay mũi của một người bị nhiễm. Ví dụ, người bệnh hắt hơi, ho, hoặc có thể lây nếu đụng chạm đến ban ngứa từ người bị thuỷ đậu. Bệnh cũng có thể lây lan từ tiếp xúc quần áo, ăn uống sử dụng chung đồ sinh hoạt cá nhân… Nếu bị mắc bệnh thủy đậu, người bệnh cần phải được cách ly, nghỉ học, nghỉ làm để không lây lan ra cộng đồng. Sử dụng các biện pháp phòng tránh như rửa tay bằng xà phòng. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần hợp tác với ngành y tế, để phòng bệnh cho công nhân.

5. Cảnh giác với bệnh liên cầu khuẩn lợn dịp Tết

Theo báo Hà Nội mới, ngày 06/01/2017, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết, hằng năm, Bệnh viện này tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn, phần lớn đều liên quan đến ăn tiết canh hoặc tham gia giết mổ lợn. Vào dịp Tết, khi nhu cầu tiêu dùng và hoạt động giết mổ lợn tăng cao, người dân cần cảnh giác với bệnh liên cầu khuẩn lợn. Người dân đang có xu hướng tìm mua lợn ở các vùng núi, vùng dân tộc ít ngườivì nghĩ đây là lợn “sạch” trong khi vi khuẩn liên cầu có thể cư trú ở vùng họng con lợn mà không gây bệnh. Do vậy, nếu ăn thịt chưa nấu chín hoặc tiết canh từ loại lợn này thì nguy cơ nhiễm bệnh vẫn rất cao.

6. Rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều, tấn công người dân vùng lũ

Theo báo Phụ nữ, ngày 04/01/2017, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định cho biết đang tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhân trúng độc do bị rắn lục đuôi đỏ cắn.

Từ tháng 12/2016 đến nay Bệnh viện Đa khoa Bình Định đã tiếp nhận 24 ca bệnh. Đây là số bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn gây ngộ độc cao kỷ lục từ trước đến nay. Hiện nay, mỗi ngày Bệnh viện phải tiếp nhận từ 3 đến 4 ca. "Rắn lục đuôi đỏ cắn thường không nguy hiểm nếu được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nhiều trường hợp chuyển nặng dẫn đến rối loạn đông máu. Vị trí bị rắn cắn có thể sưng bầm, phù nề".

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,