Điểm tin y tế tuần 03

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Thành lập hội đồng cấp nhà nước xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú”lần thứ 12.

Ngày 06/01/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 08/QĐ-TTg về việc Thành lập hội đồng cấp nhà nước xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú”lần thứ 12.

Theo đó các phiên họp của Hội đồng phải có ít nhất 75% tổng số thành viên của Hội đồng tham dự, trong đó có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng được ủy quyền. Các cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu phải được ít nhất 90% số phiếu đồng ý của tổng số các thành viên Hội đồng. Thông báo công khai Danh sách trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ khi có kết quả xét tặng danh hiệu của Hội đồng theo quy định của pháp luật. Hội đồng gửi hồ sơ đến Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, trình Chủ tịch nước. Cá nhân có hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú” không tham gia Hội đồng.

Thành phần Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú” lần thứ 12 ban hành kèm theo Quyết định này.

2. Ban hành quy trình tiến hành cho một cuộc thanh tra trách nhiệm về giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực y tế

Ngày 09/01/2017, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 55/QĐ-BYT, về việc Ban hành quy trình tiến hành cho một cuộc thanh tra trách nhiệm về giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực y tế.

Quy trình này quy định các bước tiến hành và nội dung thanh tra trách nhiệm về giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực y tế và áp dụng đối với các thanh tra viên, cán bộ làm công tác thanh tra y tế, thành viên đoàn thanh tra về giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực y tế.

Ban hành kèm theo Quyết định này là Quy trình thanh tra trách nhiệm về giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực y tế.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Trực tuyến trên 700 điểm cầu triển khai nhiệm vụ của ngành y tế trong năm 2017

Theo báo Sức khỏe và Đời sống, ngày 12/01/2017, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2017 với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đến dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, các đại biểu là đại diện các Bộ, ban ngành Trung ương, các đại biểu địa phương gồm Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, các hội và đặc biệt có sự tham gia của 700 điểm cầu ở các tỉnh, quận, huyện, thị xã với trên 12.000 đại biểu của cả nước tham gia.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ y tế PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, năm 2016 Bộ Y tế đã đề ra và triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án với mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm. Năm 2016, ngành y tế đã hoàn thành vượt 2 chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao với số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 25 giường, tăng 0,5 giường so với chỉ tiêu đề ra, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 81,7%, vượt 5,7% so với kế hoạch, đạt và vượt 11/14 chỉ tiêu cơ bản của ngành. Bên cạnh những thành tựu mà ngành y tế đã đạt được, vẫn tồn tại nhiều thách thức như hệ thống y tế cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân, thiếu các cơ sở chăm sóc sức khoẻ người già, các bệnh không lây nhiễm; hoạt động y tế cơ sở và chăm sóc sức khoẻ ban đầu chưa hiệu quả, chưa tạo được niềm tin của người dân; một số dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại; tình hình ngộ độc thực phẩm vẫn còn diễn biến phức tạp, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe; tại một số bệnh viện cấp trung ương, tình trạng quá tải vẫn xảy ra, tỷ lệ hài lòng của người bệnh có tăng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; việc đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho y tế còn thấp; số người chưa tham gia bảo hiểm y tế chiếm khoảng 18%; đào tạo nhân lực y tế chưa đạt yêu cầu, không đồng đều về chất lượng và giữa các vùng miền .... Theo đó, ngành y tế đã đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm là: (1) Phát triển y tế cơ sở; (2) Giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ KCB; (3) Đẩy mạnh công tác y tế dự phòng phù hợp với tình hình mới; (4) Phát triển nguồn nhân lực y tế, tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; (5) Tiếp tục đổi mới toàn diện thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế; (6) Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính từ huy động, phân bổ đến sử dụng hiệu quả nguồn tài chính y tế; (7) Tập trung đổi mới, củng cố và hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế từ trung ương đến địa phương; (8) Đổi mới mô hình tổ chức, quản lý an toàn thực phẩm, dược, vắc xin, sinh phẩm và trang thiết bị y tế; (9) Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe.

Chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao những thành tựu mà ngành y tế đạt được trong thời gian qua. Thủ tướng cho biết, trong năm qua, ngành y tế đã có nhiều chuyển biến tích cực, không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ... Tuy nhiên các cán bộ y tế cần nỗ lực hơn nữa để phục vụ người dân ngày một tốt hơn. Bởi đây không chỉ là vinh dự mà còn là trách nhiệm của mỗi cán bộ y tế. Thủ tướng đã gọi những người thầy thuốc là "những chiến sĩ thầm lặng" trên mặt trận bảo vệ sức khỏe người dân.Thủ tướng đề nghị ngành y tế tiếp tục đổi mới, với trọng tâm là y tế cơ sở, hướng tới việc chăm sóc cho từng người dân. Ngành y tế nên chú trọng đến công tác y tế tại các địa phương, lấy sự hài lòng của người bệnh là mục tiêu quan trọng nhất. Tập trung đẩy nhanh công tác xây dựng bệnh viện tuyến cuối, chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực để đưa các bệnh viện vào hoạt động, xây dựng mạng lưới y tế cơ sở với tinh thần mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện phát triển y tế ngoài công lập ....

2. Họp nhóm Đối tác y tế quý IV năm 2016 và triển khai kế hoạch 5 năm 2016-2020

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, ngày 11/01/2017 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp nhóm đối tác y tế (HPG) với chủ đề “Kế hoạch hành động nhằm thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) liên quan đến y tế gắn kết với Kế hoạch 5 năm ngành y tế.” HPG lần này diễn ra dưới sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế; GS.TS.Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế và ông Youssouf Abdel-Jelil, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Trẻ em UNICEF, quyền Điều phối viên Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến. Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh tới chương trình hành động phù hợp với phát triển bền vững. Trong thời gian tới, có những vấn đề trọng tâm ngành y tế và các đối tác phát triển có thể chung tay giúp đỡ như: già hóa dân số, đổi mới cơ chế tài chính, đổi mới toàn diện ngành y tế, điều chỉnh giá dịch vụ y tế, mô hình bác sĩ gia đình gắn với chăm sóc sức khỏe ban đầu và phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm (NCDs), đẩy nhanh y tế cơ sở (với trực tuyến 700 đầu cầu gói dịch vụ y tế cơ bản tới tuyến xã diễn ra vào sáng 2.11). Đổi mới toàn diện hệ thống y tế trong đó có an toàn thực phẩm và dược phẩm theo mô hình FDA, quản lý tập trung ở tuyến tỉnh, tuyến huyện,…

Ông Youssouf Abdel-Jelil, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Trẻ em UNICEF khẳng định, Liên Hợp quốc tại Việt Nam luôn song hành cùng các đối tác phát triển khác hỗ trợ cách tiếp cận toàn quốc để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam. Liên hợp quốc tập hợp được nhiều kinh nghiệm kỹ thuật và chiến lược đa dạng phù hợp với các Mục tiêu Phát triển Bền vững và cam kết sẽ luôn sẵn sàng mang những kinh nghiệm đó hỗ trợ ngành Y tế Việt Nam.

3. 22 ca tử vong do tai biến sau tiêm trong năm 2016

Theo báo Tuổi trẻ, ngày 11/01/2017, trong báo cáo của Bộ Y tế, năm 2016 đã có đến 22 ca tử vong sau tiêm chủng. Trong số này, có 3 bé tử vong sau tiêm vắc xin BCG, 1 bé sau tiêm hai mũi viêm gan B và BCG, 5 bé sau tiêm vắc xin viêm gan B, 11 bé sau tiêm vắc xin Quinvaxem, 1 bé sau tiêm vắc xin sởi- rubella và 1 sau tiêm vắc xin viêm màng não do não mô cầu. Ngoài ra, có một số trường hợp tai biến sau tiêm vắc xin 5 và 6 trong 1 dịch vụ, nhưng Bộ Y tế cho biết đều cấp cứu kịp thời. Qua đánh giá của các hội đồng chuyên môn thì các ca tử vong kể trên chủ yếu do bệnh sẵn có từ trước, không trường hợp nào tìm thấy mối liên quan với chất lượng vắc xin và dịch vụ tiêm chủng.

Tuy nhiên kể từ 01/7/2016, nghị định quy định về hoạt động tiêm chủng đã có hiệu lực thực hiện, trong đó các trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắc xin dẫn đến tử vong hoặc di chứng không hồi phục đều được bồi thường.

4. Lần đầu tiên Việt Nam sản xuất thuốc điều trị ung thư

Theo nguồn thông tin đại chúng, ngày 14/01/2017, Công ty cổ phần Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) đã chính thức được Bộ Y tế cấp số đăng ký cho phép sản xuất thuốc điều trị ung thư đầu tiên tại Việt Nam.

Sau hơn 2 năm thực hiện, dự án đã nghiên cứu chế tạo và xây dựng tiêu chuẩn thiết bị phân lập isolator tương đương thiết bị ngoại nhập; triển khai sản xuất được 5 thiết bị isolator chuẩn bị xuất cho các bệnh viện phục vụ công tác pha chế thuốc điều trị ung thư trước khi hóa trị cho bệnh nhân nhằm bảo vệ chống phơi nhiễm cho nhân viên y tế và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, dự án đã hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất 6 hoạt chất thuốc tiêm, 10 sản phẩm thuốc tiêm đông khô điều trị ung thư quy mô công nghiệp và đã được Bộ Y tế cho phép sản xuất, cung cấp cho trên 50 bệnh viện ung bướu, bệnh viện đa khoa cấp tỉnh có khoa ung bướu trên toàn quốc với số lượng trên 400.000 lọ...

5. 11 tỉnh, thành có người nhiễm vi rút Zika

Theo báo điện tử Đài tiếng nói nhân dân TP. HCM, ngày 13/01/2017, Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết hiện vi rút Zika đã ghi nhận tại 11 tỉnh, thành và chủ yếu tại Đông, Tây Nam bộ. Vừa qua, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và Pasteur TP.HCM, Pasteur Nha Trang đã lấy 4.674 mẫu (lấy từ vùng có dịch; trong cộng đồng, mẫu lấy từ phụ nữ mang thai) xét nghiệm Zika, kết quả có 212 mẫu dương tính với Zika.

Trong số các mẫu nhiễm Zika, TP.HCM chiếm nhiều nhất với 186 mẫu. Tiếp đến là các địa phương khác, ghi nhận 1 - 7 ca: Bình Dương, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Bình Phước, Đắk Lắk, Phú Yên, Đồng Nai, Cần Thơ. Có 28 trường hợp là phụ nữ mang thai dương tính với Zika nhưng hiện chỉ ghi nhận trường hợp ở Đắk Lắk sinh con bị dị tật đầu nhỏ. Lý giải sự khác biệt giữa hai miền Nam - Bắc về sự xuất hiện của vi rút Zika, ông Phu cho rằng tại miền Nam dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh hơn, muỗi truyền vi rút gây bệnh sốt xuất huyết và Zika phát triển mạnh, lưu hành quanh năm nên cũng có thể là yếu tố khiến vi rút Zika lưu hành cao hơn. Tại miền Bắc, muỗi truyền sốt xuất huyết và vi rút Zika lưu hành hạn chế hơn nên yếu tố lây lan cũng thấp hơn.

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Pháp: Số lượng bệnh nhân cúm nhập viện tăng đột biến

Theo báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam, ngày 13/02/2017, các phòng cấp cứu tại các bệnh viện Pháp đang phải đối mặt với lượng quá tải bệnh nhân nhập viện do dịch cúm bùng phát bất thường trong năm 2017.

Tất cả các khu vực của Pháp đều bị ảnh hưởng bởi dịch cúm. Bộ trưởng Y tế Pháp Marisol Touraine cho biết, bệnh dịch năm nay đang diễn biến phức tạp và giới chức y tế nước này đang áp dụng mọi biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh lan rộng. Cuối tuần qua Bộ Y tế Pháp cũng đã ra lệnh điều tra về việc 13 người dân tử vong trong một nhà dưỡng lão tại Lyon, nơi có khoảng 72 trong số 110 người ở đó mắc cúm..

2. Phát hiện gen mới điều chỉnh sự di căn của ung thư

Theo báo Sức khỏe và Đời sống, ngày 14/01/2017, nghiên cứu do Viện Wellcome Trust Sanger thực hiện đã phát hiện ra một đích sinh học mới cho các thuốc để giảm sự di căn của khối u ở bệnh nhân ung thư. Nghiên cứu được thực hiện trên chuột biến đổi gen đã tìm thấy 23 gen có liên quan tới di căn ung thư. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng một trong những gen đích, Spns2 dẫn tới giảm ¾ di căn khối u.

Khối u di căn đến những vị trí khác của cơ thể là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho bệnh nhân ung thư. Trên 90% trường hợp tử vong do ung thư là vì nguyên nhân này, tuy nhiên, quá trình di căn của khối u vẫn chưa được làm rõ. Loại bỏ gen Spns2 gây ra sự thay đổi lớn nhất, làm giảm khoảng 4 lần sự di căn của khối u tới phổi. Sau đó các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu ảnh hưởng của gen này lên di căn của các ung thư khác từ đại tràng, phổi và vú và chỉ ra rằng Spns2 cũng làm giảm di căn của những loại ung thư này. TS David Adams từ Viện Wellcome Trust Sanger cho biết: “Mất gen Spns2 làm giảm hình thành khối u nhiều nhất và thể hiện một đích trị liệu mới. Chuột thiếu Spns2 có tỷ lệ tế bào miễn dịch khác với bình thường, có vẻ giúp hệ miễn dịch loại bỏ ung thư. Các thuốc nhắm vào đích này có thể giúp giảm hoặc ngăn ngừa sự di căn của các khối u trong cơ thể.

Liệu pháp này sẽ cho phép các bác sĩ tăng gấp 2 lần tỷ lệ sống sót của bệnh nhân cũng như kéo dài thời gian sống của họ lên đáng kể. Đương nhiên, thử nghiệm thành công trên chuột đã là một thắng lợi và sắp tới, các nhà khoa học sẽ hy vọng lặp lại thành công với các thử nghiệm lâm sàng.

3. Cứ 9 người thì 1 người chết vì ô nhiễm không khí

Theo báo Tiền Phòng, ngày 13/01/2017, thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới, cứ 9 người thì có 1 người chết vì bệnh liên quan ô nhiễm không khí. Hơn 90% dân số thế giới đang phải hít thở bầu không khí không đạt tiêu chuẩn chất lượng khiến gia tăng nguy cơ ung thư phổi, nhiễm trùng đường hô hấp, đột quỵ, bệnh tim mạch và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Tuần qua, ô nhiễm không khí đã lên mức báo động ở Sydney (Úc), London (Anh), Bắc Kinh (Trung Quốc)… Đối với những khu vực có cảnh báo ô nhiễm không khí, người dân thường được khuyên không nên đi ra ngoài nếu không có việc cần thiết. Trong trường hợp bắt buộc phải đi ra ngoài, không nên đi ở đường lớn vì mức độ ô nhiễm ở đó thường cao nhất. Với cư dân sống dọc trục đường chính bị ô nhiễm, nên sử dụng máy lọc không khí. Trong thời điểm có cảnh báo ô nhiễm, nên đóng chặt cửa và bật máy lọc không khí hoặc máy điều hòa nhiệt độ.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,