Mối liên quan giữa hiện tượng El Nino và sự gia tăng bệnh sốt xuất huyết

Sự gia tăng nhiệt độ có liên quan đến sự biến đổi khí hậu toàn cầu có tính chất lặp lại định kì là điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển của muỗi và có thể gây nên sự lan truyền của bệnh sốt xuất huyết Dengue trong cộng đồng.

Các nhà nghiên cứu dịch tễ học bệnh sốt xuất huyết ở Đông Nam Á từ thập kỷ trước đã tình cờ phát hiện ra một mối liên quan rất đáng ngạc nhiên rằng cả 8 quốc gia được tiến hành nghiên cứu có số lượng bệnh sốt xuất huyết tăng cao hơn so với bình thường vào năm 1997-1998. Vào thời điểm đó, nhiệt độ trung bình tăng 1,5oC so với trung bình các năm trước và trùng hợp với hiện tượng El Nino mạnh nhất trong một thế kỷ qua. Không những vậy, cả 8 quốc gia được nghiên cứu đều nằm tong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với độ ẩm cao và lượng mua nhiều vì vậy đây là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển.

Sốt xuất huyết Dengue là một bệnh truyền nhiễm do trung gian truyền bệnh là muỗi, thường gặp ở các quốc gia vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Các triệu chứng của bệnh có thể kể đến như đau đầu, đau khớp và nếu không được điều trị có thể dẫn đến tình trạng xuất huyết đa cơ quan do sự suy giảm của số lượng tiểu cầu. Hiện nay, bệnh chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh đang trong giai đoạn nghiên cứu.

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue là muỗi Aedes aegypti, chúng sinh trưởng và phát triển trong các vật chứa nước đọng sạch như các vật phế thải đọng nước xung quanh nhà, hốc cây, vỏ dừa, hoặc thậm chí là lốp xe cũ phế thải. Tác giả Panhuis cho biết sốt xuất huyết thường gia tăng vào mùa mưa và nước đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của muỗi. Chính yếu tố này dẫn đến dịch bệnh sốt xuất huyết có tính chất lặp lại, định kì và đây là bài toán nan giải chưa có đáp án hóa giải của các nhà khoa học.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu tại 273 tỉnh, thành phố ở các quốc gia như Thái Lan, Campuchia, Lào, Việt Nam, Malaysia, Singapore, Philippines và Đài Loan với tổng diện tích nghiên cứu là 10 triệu km2. Số liệu dịch tễ học bệnh sốt xuất huyết được thu thập bằng cách phối hợp với cộng tác viên tại các điểm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu nhận thấy dịch bệnh xảy ra với số lượng người mắc nhiều nhất vào năm 1997 - 1998, trùng hợp với thời điểm El Nino đang diễn ra. Sự gia tăng số lượng bệnh nhân cao hơn rất nhiều so với số lượng mắc bệnh được ghi nhận và thống kê trong khoảng thời gian 18 năm. Nghiên cứu cho biết, dịch bệnh sốt xuất huyết này làm ảnh hưởng đến 450.000 người, trong khi con số này trung bình trước đó ghi nhận chỉ đạt khoảng 200.000 người.

El Nino là một hiện tượng biến đổi khi hậu mang tính chất định kì với đặc trưng là hiện tượng nước biển gia tăng nhiệt độ và ấm lên ở khu vực xích đạo phía Đông của Thái Bình Dương, đôi khi người ta còn gọi lại hiện tượng Dao động phương Nam. El Nino gây ra mưa bão, lụt lội, gây ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của con người. Ngoài ra, hiện tượng khô hạn tại các quốc gia thuộc đông bán cầu cũng là một trong những tác động dễ thấy của El Nino. El Nino là một hiện tượng thiên nhiên chứ không phải do con người tạo ra. Một trong những nguyên nhân lớn gây ra hiện tượng El Nino là sự thay đổi hướng gió, tuy nhiên đến nay các nhà khoa học vẫn chưa có lời giải đáp hoàn toàn thống nhất. Những nguyên nhân khác bao gồm sự thay đổi áp suất không khí, Trái Đất nóng dần lên, hay cả các cơn động đất dưới đáy biển. Tại Mỹ, hiện tượng El Nino có thể lảm gia tăng lượng mưa ở California và bờ biển vùng vịnh nhưng làm khô hạn tại Ohio và Tây Bắc Thái Bình Dương. Theo các nhà nghiên cứu khí tượng học, hiện tượng El Nino có chu kì khoảng 4 - 16 tháng. Tuy nhiên, những tác động của El Nino không phải lúc nào cũng chắc chắn xảy ra.

Bên cạnh đó, tác giả còn cho biết ở các nước Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan và Malaysia hiện tượng El Nino thường làm gia tăng nhiệt độ dẫn đến khu vực này nóng hơn. Không những vậy, bản thân những khu vực này đã có độ ẩm rất cao và theo đặc điểm sinh trưởng của muỗi chúng phát triển rất mạnh ở vùng có khí hậu nóng và ẩm ướt và đây là yếu tố thuận lợi thúc đẩy sự gia tăng của dịch bệnh một cách đáng bất ngờ đến vậy. Như chúng ta đã biết, số lượng trứng đẻ của mỗi con muỗi cái từ 60 -100 trứng /lần đẻ, trứng muỗi có màu đen, riêng rẽ từng quả một đính vào thành vật chứa hay chìm xuống nước, điều kiện thuận lợi trứng muỗi có thể tồn tại đến 6 tháng. Vì vậy, chỉ cần cơn mưa đầu tiên xuất hiện trong vòng 2 đến 3 ngày sau chúng ta nhận thấy số lượng muỗi tăng lên. Vì vậy, cách vệ sinh lu khạp bằng cách cọ rửa hàng tuần được khuyến cáo đến người dân nhằm hạn chế sự gia tăng muỗi.

Ngoài ra, còn có nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến sự bùng phát của dịch bệnh sốt xuất huyết. Giả thuyết được đặt ra liệu dân cư của một khu vực có dịch bệnh sốt xuất huyết đã có nhiễm virut Dengue trước đây hay không và hiện tại miễn dịch với bệnh hoặc bản thân virut đã có sự thay đổi so với vụ dịch xảy ra năm 1997 - 1998.

Theo tác giả, hi vọng chúng ta có thể theo dõi tình hình và dự đoán được dịch bệnh tại khu vực Đông Nam Á chi tiết và có hệ thống. Tuy nhiên, chúng ta có thể dự đoán được dễ dàng hơn và chính xác hơn về sự thay đổi của khí hậu so với dự đoán về tình hình dịch bệnh. Nếu thật sự có sự liên quan về dịch bệnh sốt xuất huyết với hiện tượng biến đổi khí hậu trong hiện tượng El Nino, chúng ta cần có dữ liệu khí hậu nhằm giúp dự đoán về chiều hướng của dịch bệnh được tốt hơn.

Theo trung tâm dự báo Khí hậu tại Cơ quan khí quyển đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) nhận định rằng El Nino năm 2019 sẽ là kỉ lục ấm nhất lịch sử và đây là điều kiện vô cùng thuận lợi cho muỗi sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ. Ngoài ra, trong giai đoạn El Nino đầu năm 2019, khu vực Đông Nam Á được các nhà khí tượng Mỹ nhận định sẽ cùng khu vực Nam Á (Ấn Độ - Pakistan) và phần Đông nam bán đảo Ả Rập, là 3 nơi có nhiệt độ ấm hơn. Theo ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Việt Nam cho biết: “Sang năm 2019, do tác động của hiện tượng El Nino nên thiên tai tiếp tục có diễn biến phức tạp , số lượng cơn bão ít hơn nhưng cường độ mạnh và dị thường hơn, số lượng trận mưa lớn không nhiều nhưng khốc liệt hơn năm 2018…”. Dưới tác động của hiện tượng nóng lên của toàn cầu đi cùng với đặc điểm độ ẩm cao, theo báo cáo thống kê của Viện Sốt Rét - KST- CT TP.HCM từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng một cách đáng kể và vô cùng phức tạp so với cùng kì năm 2018. Ngoài ra, trong hai tuần trở lại đây, với sự xuấ hiện vài cơn mưa đầu mùa tai khắp các tỉnh thành phía Nam đã làm cho muỗi có điều kiện sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ vì vậy dự báo dịch bệnh sẽ còn gia tăng trong thời gian sắp tới theo nhận định của các chuyên gia. Đứng trước tình hình này, chúng ta cần có những biện pháp nhằm nâng cao ý thức cộng đồng và là giảm số lượng người mắc cũng như tử vong do bệnh gây ra.

BS. Nguyễn Bá Nam; ThS. Lê Tấn Kiệt

Bài viết được dịch từ bài báo “Dengue Fever Epidemics Linked with El Niño, Study Says” của tác giả Wendel, J. trên tạp chí Eos, đăng ngày 9 tháng 10 năm 2015; doi:10.1029/2015EO037169; cùng với những tổng hợp từ thực tế Việt Nam năm 2019.