Ngày Sức khỏe thế giới năm 2014: Ngăn chặn bệnh lây truyền qua các véc tơ trung gian "Vết đốt nhỏ, mối đe dọa lớn"

Hơn một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc các bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết, bệnh Leishmaniasis, bệnh Lyme, bệnh sán máng, sốt vàng da,... do trung gian truyền bệnh là muỗi, ruồi, ve, ốc nước ngọt và vectơ khác. Mỗi năm, hơn một tỷ người bị nhiễm và hơn một triệu người chết vì bệnh do véc tơ truyền.


Ngày Sức khỏe thế giới (07 tháng 4) năm 2014, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) làm nổi bật tính đe dọa nghiêm trọng và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh do véc tơ truyền, với khẩu hiệu “vết đốt nhỏ, mối đe dọa lớn”.

WHO cũng nhấn mạnh rằng các bệnh này hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Tài liệu mới công bố của WHO nhan đề “Khái quát chung về các bệnh véc tơ truyền” (“A global brief on vector-borne diseases”) phác thảo các bước để chính quyền các cấp, các nhóm cộng đồng, các hộ gia đình và các cá nhân trong việc bảo vệ, phòng tránh dịch bệnh.

Theo Tổng Giám đốc WHO - TS. Margaret Chan: “Một chương trình sức khỏe toàn cầu đem lại ưu thế cao hơn trong việc phòng chống véc tơ, với các biện pháp can thiệp đơn giản và hiệu quả như tẩm màn và phun tồn lưu, đã cứu được hàng triệu sinh mạng và tránh nhiều đau khổ cho con người. Không một ai trong thế kỷ 21 phải chết vì bất cứ vết đốt nào của muỗi, muỗi cát, ruồi trâu hay ve cả.”

Những bệnh do véc tơ truyền ảnh hưởng đến những người dân nghèo, nhất là nơi có nhà ổ chuột, thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh khó khăn. Người bị suy dinh dưỡng và người có miễn dịch suy yếu rất dễ mắc các bệnh này.
Bệnh sán máng, được truyền qua các loại ốc nước ngọt, là loại bệnh phổ biến nhất trong tất cả các bệnh lây truyền qua véc tơ, ảnh hưởng đến gần 240 triệu người trên thế giới. Trẻ em sống và chơi gần nguồn nước bị nhiễm ấu trùng sẽ rất dễ bị bệnh này, gây ra thiếu máu và suy giảm khả năng học tập. Bệnh có thể được kiểm soát thông qua điều trị toàn dân định kỳ cho các nhóm có nguy cơ với thuốc đặc trị và an toàn, cũng như cải thiện xử lý nguồn nước sạch và điều kiện vệ sinh.

Trong vòng hai thập kỷ qua, nhiều bệnh truyền qua trung gian véc tơ quan trọng đã xuất hiện và lây lan sang nhiều khu vực mới trên thế giới. Sự thay đổi môi trường, sự gia tăng ồ ạt trong du lịch và thương mại quốc tế, những thay đổi về canh tác trong nông nghiệp và đô thị hóa nhanh đang gây ra sự gia tăng về số lượng và lan truyền của nhiều vectơ trên toàn thế giới và tạo cho nhóm mới như là khách du lịch và thương gia dễ mắc bệnh do véc tơ truyền.

Ví dụ, hiện nay muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết được tìm thấy ở 100 quốc gia, hơn 2,5 tỷ người (chiếm hơn 40% dân số thế giới) có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết. Gần đây, bệnh sốt xuất huyết đã được báo cáo ở Trung Quốc, Bồ Đào Nha và bang Florida (ở Mỹ).

Các báo cáo từ Hy Lạp nói rằng bệnh sốt rét đã quay trở lại nước này lần đầu tiên sau 40 năm qua. Chính vì vấn đề này mà chúng ta phải liên tục xử lý thường xuyên để đảm bảo rằng bất cứ bệnh nhân sốt rét nào cũng được điều trị kịp thời.

Tiến sĩ Lorenzo Savioli, Giám đốc Sở Kiểm soát các bệnh nhiệt đới lãng quên của WHO cho biết: “Phòng chống véc tơ vẫn là công cụ quan trọng nhất trong việc ngăn chặn sự bùng phát của bệnh do các véc tơ truyền”. “Tăng ngân sách phòng chống các bệnh véc tơ truyền và sự cam kết của chính phủ là cần thiết để duy trì các biện pháp phòng chống véc tơ, cũng như các loại thuốc điều trị và các công cụ chẩn đoán - và để tiến hành nghiên cứu cần thiết khác"

Ngày Sức khỏe Thế giới năm 2014, WHO kêu gọi tập trung đổi mới về biện pháp phòng chống véc tơ và cung cấp hệ thống nước sạch, điều kiện vệ sinh môi trường tốt hơn là chìa khóa chiến lược của Tổ chức y tế thế giới được nêu trong năm 2011. Lộ trình loại trừ và tiêu diệt các bệnh nhiệt đới bị lãng quên đã được đặt mục tiêu cho giai đoạn 2012-2020.

CN. Nguyễn Thị Băng Thanh, CN. Nguyễn Thị Hồng Mến