Những thách thức về phòng chống bệnh sốt rét, sốt xuất huyết

Sốt sét được biết đến từ hàng nghìn năm, sốt xuất huyết được ghi nhận từ hơn 2 thế kỷ nay. Mặc dù đã từ hơn một thế kỷ xác định được các tác nhân gây bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, hơn một nửa thế kỷ tìm ra thuốc điều trị hiệu quả, tìm ra hóa chất diệt côn trùng, nhưng đến nay, các bệnh này vẫn tiếp tục ám ảnh và “chế nhạo” loài người. Các bệnh này đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử của nhân loại, thuộc nhóm “vua của các bệnh”.

Đối với sốt rét, hàng năm vẫn tiếp tục có hàng trăm triệu người mắc, nửa triệu người tử vong, đặc biệt là ở những quốc gia, lãnh thổ nghèo đói và lạc hậu. Sốt rét là nguyên nhân thứ năm tử vong do các bệnh truyền nhiễm trên toàn thế giới (sau nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm HIV/AIDS, các bệnh tiêu chảy, bệnh lao phổi) và ở châu Phi là thứ hai sau nhiễm HIV/AIDS. Theo báo cáo sốt rét toàn cầu mới nhất (2014), lan truyền sốt rét xảy ra ở tất cả sáu khu vực của WHO. Trên toàn cầu, ước tính có khoảng 3,2 tỷ người có nguy cơ bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét, 1,2 tỷ người có nguy cơ cao. Theo ước tính, năm 2013 có 198 triệu trường hợp mắc sốt rét trên toàn cầu (khoảng 124 - 283 triệu) và có 584.000 người tử vong do sốt rét. Nhiều nhất là ở châu Phi, nơi có khoảng 90% các ca tử vong do sốt rét, chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi, chiếm 78% của tất cả các trường hợp tử vong. Hàng năm có hơn 30.000 trường hợp mắc bệnh sốt rét ở du khách từ thế giới phát triển đến vùng lưu hành sốt rét. Với sự giao lưu, đi lại ngày một dễ dàng và phổ biến, thế giới như bị thu hẹp lại, cùng với sự phổ biến của sốt rét quanh năm, nên sốt rét vẫn là một mối nguy hiểm tồn tại đối với nhân loại ở khắp nơi trên thế giới. Hầu hết các khu vực, sốt rét và đói nghèo cùng tồn tại. Những nỗ lực để kiểm soát bệnh sốt rét đang được tăng cường, với sự gia tăng tài trợ từ các nguồn cho các quốc gia, việc chẩn đoán và điều trị được cải thiện tốt hơn, bảo hiểm y tế gia tăng, tăng độ bao phủ bằng các biện pháp phòng chống muỗi và cung cấp rộng rãi màn tẩm hóa chất tồn lưu lâu. Cũng theo báo cáo sốt rét năm 2014, năm 2000 có 106 quốc gia có lan truyền bệnh sốt rét, 64 quốc gia đang trên đà đạt được mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về đẩy lùi tỷ lệ mắc mới sốt rét. Trong đó, 55 quốc gia đang trên đà đạt mục tiêu Đẩy lùi bệnh sốt rét và mục tiêu của Đại Hội đồng y tế thế giới về giảm tỷ lệ mắc mới sốt rét còn 75% vào năm 2015. Nếu tỷ lệ giảm hàng năm như trong 13 năm qua được duy trì, thì đến năm 2015 tỷ lệ tử vong sốt rét ước giảm 55% trên toàn cầu và có thể giảm hơn nữa trong những năm sau. Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề phải làm và thách thức cũng ngày càng tăng. Mặc dù tài trợ quốc tế và trong nước cho phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét đạt 2,7 tỷ USD trong năm 2013, tăng gấp ba lần so với năm 2005, nhưng vẫn còn rất thấp so với nhu cầu khoảng 5,1 tỷ USD để đạt được mục tiêu toàn cầu phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét. Mặc dù, đến cuối năm 2013, liệu pháp artemisinin kết hợp đã được thông qua như là chính sách quốc gia về điều trị cho tuyến đầu trong 79 trên 88 quốc gia mà P. falciparum lưu hành phổ biến, tuy nhiên, nhiều bệnh nhân, đặc biệt là ở châu Phi và Ấn Độ, vẫn chưa nhận được sự điều trị như mong muốn. Thuốc giả làm tăng tỷ lệ tử vong cũng như kháng thuốc của P. falciparum đối với artemisinin đã được phát hiện ở 5 quốc gia của khu vực tiểu vùng sông Mekong: Campuchia, CHDCND Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Ở nhiều khu vực dọc biên giới Campuchia - Thái Lan, P. falciparum đã trở nên kháng với hầu hết các loại thuốc điều trị sốt rét hiện có. Kháng hóa chất diệt côn trùng cũng đã xuất hiện ở 49 trong 63 quốc gia báo cáo trên toàn thế giới kể từ năm 2010; trong đó có 39 quốc gia báo cáo đã kháng với hai hay nhiều hóa chất.

Đối với sốt xuất huyết, hàng năm có khoảng 100 triệu trường hợp mắc, phần lớn là trẻ em dưới 15 tuổi, tỷ lệ tử vong trung bình do sốt xuất huyết khoảng 2,5 - 5%. Bệnh lưu hành trên 100 quốc gia thuộc các khu vực có khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới như vùng Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, châu Mỹ, châu Phi với khoảng 2,5 tỷ người sống trong vùng nguy cơ. Yếu tố góp phần quan trọng cho sự hồi sinh của bệnh sốt xuất huyết trên toàn thế giới trong vài thập kỷ qua bao gồm sự gia tăng số lượng và diện tích của các đô thị đông dân cư, làm cho sự lây lan của bệnh, sự thích nghi và phát triển của các vectơ sốt xuất huyết, đặc biệt là véc tơ chính của bệnh sốt xuất huyết - muỗi Aedes aegypti. Trong ba thập kỷ qua, số lượng người sống ở các thành phố trên thế giới đã tăng gấp đôi từ 1,7 lên 3,5 tỷ người và dự kiến sẽ tăng lên 4,9 tỷ vào năm 2030 và hầu hết là ở châu Á. Hơn nữa, việc tăng giao lưu, đi lại toàn cầu tạo điều kiện lan tràn virus gây bệnh, lan tràn các yếu tố di truyền của virus, tạo nhiều cơ hội cho các biến thể của virus phát triển, tạo điều kiện xảy ra dịch với độc lực cao hơn. Đến nay, vắc xin sốt xuất huyết chưa có, các nghiên cứu đang nỗ lực tìm kiếm, tuy nhiên có nhiều hạn chế, cũng như đối với sốt rét - cần có một vắc-xin đa giá cho cả bốn type huyết thanh của bệnh sốt xuất huyết. Do đó, phòng chống véc tơ vẫn là chiến lược quan trọng trong phòng chống sốt xuất huyết. Nhưng việc sử dụng rộng rãi và thường xuyên hóa chất diệt côn trùng dẫn đến kháng hóa chất trên toàn cầu.

Ngày nay, với sự nóng lên toàn cầu có thể đe dọa tăng mật độ muỗi truyền bệnh sốt rét, sốt xuất huyết cùng với sự lan rộng của muỗi truyền bệnh khác như chikungunya, viêm não Nhật Bản, giun chỉ bạch huyết..., đòi hỏi chúng ta phải tập trung hơn nữa những nỗ lực phòng chống bệnh. Tuy nhiên, bệnh sốt rét, sốt xuất huyết khó có thể loại trừ khỏi nhân loại nếu như việc phòng chống không có sự phối hợp của cộng đồng, của ngành y tế và chính quyền các cấp, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của chính phủ và sự nỗ lực cao của ngành y tế.

PGS.TS. Lê Thành Đồng

Tài liệu tham khảo:

1. World Malaria Reports. http://www.who.int/malaria/publications/world_malaria_report/en/.

2. The Challenge of Malaria. http://www.malariasite.com/challenge-of-malaria/.

3. Challenges in dengue surveillance and control. http://www.wpro.who.int/wpsar/volumes/02/2/2011_ED_Lee/en/.

4. WHO Report on Global Surveillance of Epidemic-prone Infectious Diseases - Dengue and dengue haemorrhagic fever. http://www.who.int/csr/resources/publications/dengue/CSR_ISR_2000_1/en/.