Điểm tin y tế tuần 45

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Tình hình nhiễm vi rút Zika trên thế giới và Việt Nam

Theo Cục YTDP, ngày 03/11/2016, hiện đã có 73 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận trường hợp nhiễm Zika, trong đó có 12 quốc gia ghi nhận trường hợp nhiễm từ người sang người như: Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha,… Tại các nước khu vực Đông Nam Á, cũng đã ghi nhận sự lưu hành vi rút Zika tại 7/10 quốc gia, đặc biệt tại một số nước như Singapore (442 ca nhiễm), Thái Lan (trên 200 ca nhiễm), Philippines, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, riêng ở Philippines gần đây đã ghi nhận thêm 6 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 23 trường hợp. Các trường hợp mắc chủ yếu mang tính đơn lẻ không bùng phát thành dịch lớn. WHO cảnh báo dịch Zika đang có dấu hiệu lan rộng tại châu Á và có khả năng sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp nhiễm vi rút Zika do sự phân bố rộng của véc tơ truyền bệnh trong khu vực, gia tăng giao lưu, du lịch đến và đi từ các quốc gia có dịch và miễn dịch quần thể thấp.

Tại Việt Nam, tính đến ngày 05/11/2016, đã ghi nhận 36 trường hợp dương tính với vi rút Zika, trong đó TP. Hồ Chí Minh (29), Đắk Lắk (02), Bình Dương (02), Khánh Hòa (01), Phú Yên (01) và Long An (01). Số lượng nhiễm Zika tại TP.Hồ Chí Minh tăng lên trong thời gian qua có lẽ do ngành y tế đang tăng cường giám sát dịch. Hầu hết các ca nhiễm Zika đều có triệu chứng rất nhẹ nên ít người đến bệnh viện khám.

Biểu hiện để nhận biết Zika:

- Sốt nhẹ 37,8 – 38,5oC, mệt mỏi, mọc ban rát sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân.

- Viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt, và suy nhược.

- Một số ít có thể có đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc hoặc ngứa.

Để chủ động phòng chống bệnh do vi rút Zika, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:

1) Người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, cần chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có một trong các biểu hiện nghi ngờ bị bệnh hãy đến cơ sở y tế để khám, tư vấn, điều trị.

2) Chủ động phòng chống muỗi đốt, diệt muỗi, bọ gậy (loăng quăng) gồm:

- Ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày, dùng kem xua muỗi, hương muỗi.

- Diệt muỗi: dùng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hoá chất phòng, chống dịch.

- Loại bỏ bọ gậy (loăng quăng): đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; thu dọn các vật dụng, lật úp dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

3) Phụ nữ chậm kinh 7-10 ngày nên chủ động đi khám thai và siêu âm thai ngay để đánh giá sức khỏe, xác định thai và được tư vấn hẹn lịch khám chi tiết. Phụ nữ có thai nên siêu âm 3 lần trong thời gian mang thai: 12 tuần, 22 tuần và 32 tuần.

2. Xuất hiện chùm ca bệnh quai bị trong trường học

Ngày 05/11/2016, TT YTDP TP. HCM cho biết sau hơn 1 tuần kể từ ngày xuất hiện 03 ca bệnh đầu tiên, đến nay đã có thêm 10 trẻ khác mắc bệnh quai bị. Ổ bệnh nói trên đã tấn công vào trường tiểu học Phan Đình Phùng, quận 3, TP. HCM.

Theo Cục YTDP, hiện nay bệnh quai bị chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, phương pháp chủ yếu là điều trị triệu chứng, tăng cường dinh dưỡng, nâng đỡ cơ thể, phát hiện và xử trí sớm các biến chứng viêm tinh hoàn, viêm màng não...

Để phòng chủ động phòng chống bệnh quai bị, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:

  1. Thường xuyên rửa tay với xà phòng, bảo đảm vệ sinh nhà ở, lớp học, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là đường hô hấp, thường xuyên đeo khẩu trang để tránh những viêm nhiễm gây nên bệnh quai bị.
  2. Tiêm vắc xin phòng bệnh quai bị (vắc xin dịch vụ, người tiêm tự chi trả kinh phí), vắc xin quai bị rất quan trọng cho những trẻ dậy thì, thiếu niên và người trưởng thành chưa có miễn dịch.
  3. Khi có người bị bệnh phải cho nghỉ tại nhà để cách ly (khoảng 10 ngày), tránh lây lan cho các người khác.
  4. Khi có người bị bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử trí kịp thời, đặc biệt là với những trường hợp bị khó nuốt, khó thở, viêm tinh hoàn.

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Kyrgyzstan được WHO công nhận đã loại trừ sốt rét

Theo WHO, ngày 04/11/2016, Cộng hoà Kyrgyzstan nhận được chứng nhận chính thức của WHO về loại trừ sốt rét. Như vậy trên toàn cầu, đã có 32 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận được chứng nhận loại trừ sốt rét của WHO, trong đó có 19 quốc gia trong khu vực châu Âu.

2. Các ca bệnh nhiễm Candida aurisđầu tiên được báo cáo tại Hoa Kỳ

Theo CDC Hoa Kỳ, ngày 04/11/2016, Hoa Kỳ có 13 ca nhiễm Candida auris (C. auris), đây là một vi nấm nguy hiểm và đôi khi gây tử vong đang nổi lên trên toàn cầu, đã được xác định tại Hoa Kỳ, 07 trong số các ca nhiễm xảy ra giữa tháng 05/2013 và tháng 08/2016 đã được khẳng định trong báo cáo hàng tuần (MMWR) và 06 ca khác đã được xác định sau thời gian báo cáo và vẫn đang điều tra.

3. Các nhà khoa học đã tìm ra thuốc điều trị HIV và AIDS

Theo tạp chí Independent, ngày 04/11/2016, các nhà khoa học Israel đã tìm ra một loại protein có thể làm giảm 97% vi rút HIV ở những bệnh nhân bị nhiễm chỉ trong 08 ngày. Loại thuốc mới này chứa thành phần hoạt chất, gọi là Gammora, tạo ra nhiều bản sao DNA của virus HIV đi vào tế bào, khiến các tế bào máu trắng bị hư hỏng và tự hủy, không thể lây lan virus vào máu.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,