1. Tình hình dịch bệnh năm 2014
Trên thế giới: Trong năm 2014, tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp, nhiều dịch bệnh mới nổi và nguy hiểm phát sinh, gia tăng đột biến tại nhiều nước trên thế giới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và kinh tế. Bệnh Ebola bùng phát mạnh mẽ, hiện dịch bệnh Ebola vẫn đang diễn biến phức tạp. Bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người mới phát sinh như cúm A(H7N9), cúm A(H5N6) đã bùng phát tại Trung Quốc và lây lan ra một số quốc gia châu Á (Đài Loan, Hồng Kông, Malaysia) với hàng trăm trường hợp mắc và tử vong. Dịch bệnh MERS-CoV tiếp tục hoành hành ở các quốc gia khu vực Trung Đông. Bệnh sởi ghi nhận ở 178/194 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dịch hạch đã bùng phát tại Madagascar cuối năm 2014 với 40 trường hợp tử vong, 119 trường hợp mắc. Các dịch bệnh mới nổi và nguy hiểm có nguy cơ cao xâm nhập và bùng phát vào nước ta qua người nhập cảnh vào Việt Nam, các phương tiện vận chuyển hàng hóa trở về từ vùng dịch và việc buôn lậu gia cầm chưa được kiểm soát triệt để.
Tại Việt Nam: Năm 2014 ngành y tế đã tích cực, chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh; ngăn chặn không để các dịch bệnh truyền nhiễm gây dịch đặc biệt nguy hiểm như sốt xuất huyết do vi rút Ebola, MERS-CoV, dịch hạch, cúm A(H7N9), cúm A(H5N6) xâm nhập vào nước ta. Các dịch bệnh lưu hành trong nước như cúm A(H5N1), sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét, dại ... đều có số mắc và tử vong giảm đáng kể so với giai đoạn 2009 - 2013. Việt Nam tiếp tục giữ vững thành quả thanh toán bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh. Tuy vậy, trong năm 2014, ghi nhận sự gia tăng về số mắc, tử vong liên quan đến sởi do sự tích lũy số trẻ không có miễn dịch sởi trong nhiều năm tại cộng đồng, đặc biệt tại một số địa phương có tỷ lệ tiêm phòng vắc xin sởi thấp không đạt tỷ lệ bao phủ trên 95% ở quy mô xã, phường tạo vùng "lõm" về tiêm chủng tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; còn xảy ra tình trạng lây chéo tại một số bệnh viện do chưa làm tốt việc cách ly bởi sự quá tải và tâm lý người dân muốn chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Bên cạnh đó, một số bệnh dịch lưu hành có nguy cơ bùng phát mạnh nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời như sốt xuất huyết, tay chân miệng.
Nhìn chung, hoạt động phòng, chống dịch bệnh trong năm 2014 đã đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay, Bộ Y tế cơ bản đã xây dựng đầy đủ các hướng dẫn chuyên môn, các khuyến cáo phòng chống dịch bệnh và có đủ năng lực để xét nghiệm sàng lọc, phát hiện các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi như Ebola, MERS-CoV, cúm A(H7N9), cúm A(H5N6).
Về bệnh sốt rét: Trên thế giới hiện vẫn còn 97 nước có lưu hành sốt rét. Số trường hợp mắc và tử vong do sốt rét ngày càng giảm. Tuy nhiên, tình hình ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc đang tăng lên và có xu hướng lan rộng và đã ghi nhận tại một số quốc gia khu vực tiểu vùng sông Mê Kông: Căm pu chia, Thái Lan, Myanmar. Tại Việt Nam, từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận 27.868 trường hợp sốt rét, 73 trường hợp sốt rét ác tính, 06 trường hợp tử vong tại Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình, Đồng Nai, An Giang, Bình Phước. Phân bố ký sinh trùng sốt rét tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên (86,3%). So với năm 2013, số bệnh nhân sốt rét giảm 21,3%, bệnh nhân có ký sinh trùng sốt rét giảm 8,0%. Việt Nam là một trong 4 quốc gia khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông đã ghi nhận sốt rét kháng thuốc Artemisinin. Đến nay kháng thuốc ghi nhận tại 4 tỉnh: Bình Phước, Gia Lai, Đắk Nông và Quảng Nam. Các tỉnh có ký sinh trùng sốt rét tăng so với cùng kỳ năm 2013: Quảng Bình, Bình Thuận, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Tây Ninh, Lai Châu, Hà Giang. Các tỉnh, thành phố có ký sinh trùng sốt rét giảm so với năm 2013: Quảng Nam, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thái Nguyên, Thanh Hoá, Bình Dương, Quảng Ngãi, Kon Tum, Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Phước. Các tỉnh, thành phố không ghi nhận trường hợp nhiễm ký sinh trùng sốt rét: Sơn La, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hà Nam. Khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng, sốt rét giảm so với năm 2013. Bệnh nhân sốt rét giảm 18,18%. Bệnh nhân sốt rét ác tính giảm 17,14% (29/35). Tổng số ký sinh trùng sốt rét (+) giảm 14,87%. Có 03 ca tử vong do sốt rét, tăng 01 ca so với cùng kỳ năm 2013. Không có dịch sốt rét xảy ra trong khu vực, tuy nhiên hiện nay vẫn tồn tại các điểm sốt rét dai dẳng: xã Đắk Ơ, Bù Gia Mập, Đắk Nhau (Bình Phước), các điểm sốt rét gia tăng cục bộ tại xã Tà Năng, Đạ Quyn, Đà Loan; TT. Đạ Tẻh, xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh, huyện Di Linh (Lâm Đồng), huyện Tân Châu, Tân Biên, Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Khu vực vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tình hình sốt rét phức tạp; di biến động dân khó kiểm soát; sốt rét kháng thuốc có nguy cơ tăng và lan rộng; muỗi An.epiroticus, véc tơ truyền bệnh sốt rét chính ở đồng bằng Nam Bộ, tăng sức chịu đựng và kháng với các hóa chất đang sử dụng hiện nay.
2. Kế hoạch hoạt động năm 2015
- Mục tiêu chung là giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội.
- Mục tiêu cụ thể: Tăng cường công tác chỉ đạo phòng chống dịch, củng cố Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, tăng cường trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên; Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm và đáp ứng nhanh và xử lý triệt để các ổ dịch, giảm số mắc và tử vong các bệnh truyền nhiễm, ngăn chặn kịp thời bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm không để xâm nhập vào Việt Nam; Tăng cường năng lực hệ thống điều trị để phát hiện sớm, thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, giảm biến chứng và giảm quá tải bệnh viện tuyến cuối; Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng chống dịch bệnh; Tăng cường hiệu quả phối hợp liên ngành liên quan triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, kiểm tra, giám sát các hoạt động tại địa phương; Đảm bảo đủ kinh phí, thuốc, vật tư, hóa chất đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch tại các cấp.
- Chỉ tiêu chuyên môn: 100% bệnh, dịch bệnh mới phát sinh được phát hiện và xử lý kịp thời; 100% đối tượng kiểm dịch y tế biên giới được giám sát, kiểm tra và xử lý y tế theo đúng quy định, không để dịch bệnh xâm nhập qua cửa khẩu; 85% cán bộ làm công tác thống kê báo cáo bệnh truyền nhiễm được tập huấn về giám sát, công tác thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm, nâng cao chất lượng và áp dụng hệ thống báo cáo điện tử; Giảm 5-10% số mắc, chết bệnh truyền nhiễm phổ biến so với trung bình giai đoạn 2010 - 2014; Chỉ tiêu đối với Bệnh sốt rét năm 2015 (Không để dịch bệnh lớn xảy ra; Tỷ lệ mắc: <0,35/1.000 dân;Tỷ lệ chết:< 0,02/100.000 dân).
- Về tổ chức thực hiện: Bộ Y tế giao cho các viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur; Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng:
+ Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, hỗ trợ Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Phòng chống sốt rét, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế giám sát chặt chẽ bệnh dịch, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
+ Tiếp tục triển khai hệ thống giám sát trọng điểm cho một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: cúm, sốt xuất huyết, sốt rét, dịch hạch, sốt xuất huyết.
+ Xây dựng bộ chỉ số giám sát, cảnh báo, dự báo dịch bệnh cho một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, sốt rét, dịch hạch.
+ Tăng cường công tác xét nghiệm chẩn đoán sớm tác nhân gây bệnh, giám sát sự biến chủng của tác nhân gây bệnh.
+ Thành lập các đội đáp ứng nhanh, đội cơ động chống dịch hỗ trợ các tỉnh, thành phố điều tra, xử lý dịch bệnh.
+ Tổ chức đào tạo và chuyển giao kỹ thuật xét nghiệm, giám sát, phòng chống bệnh truyền nhiễm.
+ Dự trữ hóa chất khử khuẩn, thiết bị, vật tư chuyên dụng, sinh phẩm, hóa chất sẵn sàng công tác xét nghiệm, triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh và kịp thời hỗ trợ địa phương khi có dịch bệnh.
+ Nghiên cứu khoa học về dịch tễ học, vi sinh vật học, miễn dịch học và các yếu tố liên quan của các bệnh dịch.
+ Thành lập các đoàn công tác trực tiếp hỗ trợ, giám sát các địa phương giám sát, xử lý ổ dịch.
(Bài viết được tổng hợp từ Kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2015 ban hành kèm theo Quyết định số 319/QĐ-BYT ngày 29/01/2015 của Bộ Y tế, Báo cáo tổng kết công tác phòng chống bệnh sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng năm 2014 toàn quốc và khu vực).
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG - TP. HỒ CHÍ MINH
Số 685 Trần Hưng Đạo - Phường 1 - Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh | www.impehcm.org.vn
Điện thoại: 84-028-3923.7117 / 3923.9940 / 3923.7422 / 3923.8091 / 3923.9946 - Fax: 84-8-3923.6734
Giấy phép số 125/GP-BC (9/4/2007)