1. VỊ TRÍ PHÂN LOẠI
Giới | Động vật |
Ngành | Chân khớp |
Lớp | Côn trùng |
Bộ | Hai cánh |
Họ | Culicidae |
Phân họ | Culicinae |
Giống | Culex, Linnaeus, 1758 |
2. THÀNH PHẦN LOÀI VÀ PHÂN BỐ
2.1. Trên thế giới
Culex là một giống lớn và quan trọng của muỗi. Giống Culex có khoảng 769 loài. Bảy loài chưa được xếp vào các phân giống, các loài còn lại thuộc 26 phân giống: Acalleomyia (1 loài), (8), (4), (1), (1), (12), (4), (1), (18), (200), (54), (77), (1), (1), (112), (9), (160), (8), (33), (26), (1), (19), (3), (4), (1) và (3). Loài Culex phân bố ở tất cả các vùng địa lý. Chúng phổ biến ở các vùng nhiệt đới và ít ở các vùng ôn đới mát mẻ, nhưng không xuất hiện ở các vùng Bắc cực, Nam cực [7].
Một số loài thuộc giống Culex là véc tơ truyền bệnh, chúng phân bố như sau: Cx. quinquefasciatus phân bố khắp toàn cầu, Cx. bitaeniorhynchus phân bố ở Nam Á, Tân Ghi Nê, Cx. sitiens phân bố ở Nam Á, Cx. pipiens pallens phân bố ở Phương Đông, Cx. annuliorostris phân bố ở Tân Ghi Nê [3]
2.2. Việt Nam
Theo thống kê của Nguyễn Văn Dũng (2015) [2], cho đến nay ở Việt Nam giống Culex có khoảng 43 loài thuộc năm phân giống, trong đó có một loài chưa định danh để dạng sp:
- Phân giống Culex (Culex) : Cx. alienus, Cx. alis, Cx. edwardsi, Cx. fuscocephala, Cx. gelidus, Cx. hutchinsoni, Cx. mimeticus, Cx. mimulus, Cx. murrelli, Cx. pseudovishnui, , Cx. quinquefasciatus, Cx. sitiens, Cx. tritaeniorhynchus, Cx. vishnui, Cx. whitei, Cx. whitmorei.
- Phân giống Culex (Culiciomyia) : Cx. fragilis, Cx. nigropunctatus, Cx. pallidothorax, Cx. scanloni, Cx. viridiventer
- Phân giống Culex (Eumelanomyia): Cx. brevipalpis, Cx. foliatus, Cx. malayi
- Phân giống Culex (Lophoceraomyia): Cx. bernardi, Cx. bicornutus, Cx. cinctellus, Cx. curtipalpis, Cx. infantulus, Cx. macdonaldi, Cx. minor, Cx. minutissimus, Cx. peytoni, Cx. quadripalpis, Cx. rubithoracis, Cx. sumatranus, Cx. variatus, Cx. wilfredi
- Phân giống Culex (Oculeomyia): Cx. bitaeniorhynchus, Cx. infula, Cx. pseudosinensis, Cx. sinensis
2.3. Khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng
Cho đến nay, khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng đã ghi nhận được 26 loài, trong đó, 2 loài đã định danh đến giống nhưng chưa xác định được loài nên để ở dạng sp1 và sp2:
- Theo nghiên cứu của Hồ Thị Việt Thu và cộng sự (2012) [4], thành phần loài muỗi Culex – mối tương quan giữa mật độ muỗi và tỷ lệ nhiễm vi rút viêm não Nhật Bản trên heo tại TP. Cần Thơ và tỉnh Bạc Liêu, đã xác định được 8 loài muỗi Culex: Cx.tritaeniorhynchus, Cx. sitiens, Cx. gelidus, Cx. vishnui , Cx. pseudovishnui, Cx. bitaeniorhynchus, Cx. fatigans (Cx. quinquefasciatus), Cx. fuscocephala.
- Theo nghiên cứu của Nguyễn Văn Châu và cộng sự 2013 [1], Thành phần loài ruồi và muỗi tại một số vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên ở Nam Bộ đã xác định được 26 loài Culex: Culex bitaeniorhynchus, Cx. bernardi, Cx. brevipalpis, Cx. fuscocephala, Cx. fragilis, Cx. gelidus, Cx. halifaxi, Cx. khazani, Cx. malayi, Cx. minor, Cx. mimeticus, Cx. migropunctatus, Cx. pallidothorax, Cx. pseudovishnui, Cx. quinquefasciatus, Cx. raptor, Cx. rubitthoracis, Cx. sinensis, Cx. sitiens, Cx. tritaeniorhynchus, Cx. vishnui, Cx. vorax, Cx. whitmori, Cx. whitei, Culex sp1, Culex sp2.
3. ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC
3.1 Đặc điểm hình thể
3.1.1. Trứng
Hình 3.1. Hình thể trứng muỗi Culex [9]
Trứng hình bầu dục, thường dính thành bè nổi trên mặt nước. Giống muỗi Culex đẻ trứng thành bè khoảng trên 100 trứng cho tới 200 trứng và nổi trên mặt nước. Tùy thuộc vào nhiệt độ môi trường mà trứng có thể nở thành bọ gậy khoảng 2-3 ngày sau khi đẻ.
3.1.2. Bọ gậy
Hình 3.2. Hình thể ấu trùng muỗi Culex [10]
Bọ gậy muỗi Culex có ống thở (siphon) thường nhỏ, dài và thẳng, có nhiều đôi chùm lông ở xi phông (thường từ ba chùm lông trở lên), đặc biệt có một mấu lồi ở gốc xi phông.
3.1.3. Quăng (Nhộng)
Hình 3.3. Hình thể Quăng (Nhộng) muỗi Culex [11]
Quăng muỗi Culex hình như một dấu hỏi lớn có phểu thở hình ống
3.1.4. Muỗi trưởng thành
Hình 3.4. Hình thể muỗi Culex trưởng thành [12]
Đa số muỗi giống Culex có kích thước trung bình và nhỏ (4–10 mm), màu nâu vàng, ở đốt bàn (chân muỗi) có pulvi.
3.2. Vòng đời phát triển
Hình 3.5. Vòng đời phát triển của muỗi Culex [13]
3.3. Tập tính
Muỗi Culex thường gặp khắp mọi nơi và có số lượng phong phú nhất so với tất cả các loài muỗi. Bọ gậy sinh sống ở nhiều dạng ổ nước khác nhau: từ hố vũng, cống rãnh ;chứa nước thải đến ao hồ, mương máng, đặc biệt có nhiều ở ruộng lúa, có khi còn gặp ở trong các bể nước ăn [3].
3.3.1. Cx. quinquefasciatus
Bọ gậy Cx. quinquefasciatus sống chủ yếu ở các cống rãnh chứa nước thải, các hố vũng, các dụng cụ chứa nước thải và nước ăn, ngoài ra còn gặp bọ gậy ở ao hồ, mương, lạch, ruộng lúa nhưng số lượng bắt gặp ít hơn. Ổ bọ gậy ưa thích nhất của muỗi Cx. quinquefasciatus là nơi chứa nước thải tù đọng giàu chất hữu cơ trong khu vực dân cư. Do vậy, vào mùa khô (từ tháng 12-4) với lượng mưa thấp nên có nhiều nơi chứa nước tù đọng, thích hợp cho bọ gậy Cx. quinqưefasciatus phát triển. Đến mùa mưa, lượng mưa lớn làm trôi các ổ bọ gậy nên mật độ muỗi Cx. quinquefasciatus giảm [3].
Muỗi Cx. quinquefasciatus thích hút máu người hơn so với máu gia súc [3].
Muỗi Cx. quinquefasciatus hoạt động hút máu chủ yếu vào ban đêm. Thời gian hoạt động của chúng diễn ra cao nhất từ 22h đến 3h sáng, trùng hợp với thời gian ấu trùng giun chỉ bạch huyết xuất hiện ở máu ngoại vi của người. Vì vậy, đặc điểm tìm mồi của muỗi Cx. quinquefasciatus rất có ý nghĩa trong việc lây nhiễm ký sinh trùng giun chỉ và chúng là vật trung gian truyền bệnh cho người [3].
Muỗi Cx. quinquefasciatus trú đậu tiêu máu chủ yếu trong nhà. Ở trong nhà, muỗi thường trú đậu ở những chỗ tối, kín gió và ẩm, trên các dây treo quần áo, trong gầm giường, gầm tủ, góc nhà ẩm thấp. Ngoài ra, còn gặp muỗi đậu nghỉ ở vách nhà, bờ tường và các đồ dùng khác có trong nhà. Muỗi hoạt động suốt đêm, nhưng đến lúc bình minh thì hầu hết muỗi đã tìm được nơi trú ẩn thích hợp. Ở ngoài trời, gặp muỗi trú đậu ở bụi cây, hầm hố nhưng ít hơn [3].
3.3.2. Cx. tritaeniorhynchus
Hầu hết các tác giả nghiên cứu về muỗi Cx. tritaeniorhynchus đều cho rằng chúng sinh sản và phát triển chủ yếu ở ruộng lúa. Nguyễn Thị Bạch Ngọc (1996) nghiên cứu phân bố của ổ bọ gậy muỗi Cx. tritaeniorhynchus ở đồng bằng Bắc Bộ theo các loại sinh cảnh như: ở nông thôn; ven nội thành, nội thị; trong nội thành, nội thị cho thấy sự phát triển của bọ gậy Cx. tritaeniorhynchus phụ thuộc vào nhiệt độ, chế độ canh tác lúa màu trên đồng ruộng và phụ thuộc lượng mưa bọ gậy có đỉnh cao vào đầu và cuối mùa mưa, vào giữa mùa mưa, mật độ muỗi giảm do lượng mưa lớn làm cuốn trôi bọ gậy. Còn ở các vùng ven nội, các thủy vực có trong vùng đều là môi trường rất thuận lợi cho ấu trùng muỗi Cx. tritaeniorhynchus sinh sống phát triển, đặc biệt các hố vũng và rãnh, số lượng và tần suất bắt gặp chúng rất thấp ở nội thành [3].
Muỗi Cx. tritaeniorhynchus thích hút máu trâu bò nhất, sau đó là lợn rồi đến người. Qua điều tra, muỗi hoạt động tìm mồi vào ban đêm ở trong nhà, ở chuồng trâu bò và ở chuồng lợn, thấy muỗi tấn công trâu bò với mật độ cao hơn so với muỗi vào đốt người ở trong nhà và muỗi vào chuồng lợn. Tuy vậy, khả năng vừa đốt người, vừa đốt gia súc của chúng là yếu tố quan trọng trong việc lan truyền bệnh [3].
Mùa phát triển của muỗi Cx. tritaeniorhynchus ở trên thế giới và trong nước đều cho rằng, mùa phát triển của chúng liên quan đến việc trồng lúa và phụ thuộc vào cả lượng mưa. Muỗi Cx. tritaeniorhynchus phát triển quanh năm, nhưng có mật độ cao từ tháng 4 đến tháng 9, tùy địa phương và tùy năm mùa muỗi có thể tới sớm từ tháng 3 và kéo dàỉ đến tháng 10. Trong thời gian này, thời tiết ấm áp và các ruộng lúa hầu như thường xuyên có nước, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của loại muỗi này. Mùa phát triển của muỗi phù hợp với diễn biến của bệnh viêm não Nhật Bản, dịch thường xảy ra vào mùa hè và tháng 6 có số người mắc cao nhất, chiếm 73,81% tổng số người mắc bệnh (Phan Thị Ngà và cs., 1991), Vũ Sinh Nam và cs., (1990) nghiên cứu ở nội thành Hà Nội cho thấy có 2 đỉnh, một đỉnh vào tháng 3, 4 và một đỉnh vào tháng 8, nhưng ở ngoại thành chỉ có một đỉnh vào tháng 9 [3].
Muỗi Cx. tritaeniorhynchus hoạt động tìm mồi vào nửa đầu của đêm (từ 20-23g), vào khoảng giữa đêm (23-3 giờ) hoạt động của muỗi giảm xuống, từ 3-5 giờ hoạt động của chúng có tăng lên nhưng số lượng so với nửa đầu của đêm thấp hơn. Với mồi người trực tiếp suốt đêm cho thấy mật độ muỗi đốt người ngồi ở ngoài hiên cao hơn so với ngồi ở trong nhà [3].
Quan sát tập tính rình mồi và đậu nghỉ của muỗi cho thấy, trước và sau khi đốt mồi, muỗi đều có một thời gian nghỉ ở gần với đối tượng hút máu, đó là các bờ tường, vách chuồng gia súc và các cây bụi cạnh chuồng; sau khi hút máu xong trong vòng 1-2 giờ, muỗi bay đi tìm nơi ẩn náu, đến sáng hầu hết muỗi đã rời khỏi nơi hút máu tìm nơi trú ẩn. Các địa điểm ngoài trời muỗi thường trú đậu là các bụi cây ở bờ dậu, cây nhỏ trong vườn, ruộng lúa, dưới cánh các cây bèo ở ao hồ, các hốc đất ẩm thấp và kín gió. Tập tính trú đậu tiêu máu của muỗi phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khí hậu đặc biệt bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi lượng mưa. Trong những tháng mưa nhiều số lượng muỗi trú ẩn trong nhà và chuồng gia súc vào ban ngày gia tăng [3].
4. VAI TRÒ Y HỌC
3.4.1. Viêm não do vi rút [14]
Bệnh viêm não vi rút do muỗi truyền bao gồm một nhóm vi rút gây bệnh được xâm nhập trong thời gian ngắn vào những phần của não, tuỷ sống và màng não, gây viêm cấp ở đó. Các dấu hiệu và triệu chứng của các bệnh này tương tự nhau nhưng mức độ nghiêm trọng và sự tiến triển của mỗi bệnh có khác nhau. Phần lớn bị nhiễm vi rút không có biểu hiện triệu chứng. Trường hợp mắc bệnh nhẹ, thường có sốt, đau đầu hoặc biểu hiện viêm màng não vô khuẩn. Trường hợp nặng, có biểu hiện cấp tính lúc khởi phát, sốt cao, đau đầu, có dấu hiệu màng não, sững sờ, mất định hướng, hôn mê, run, đôi khi co giật (nhất là ở trẻ nhỏ) và liệt cứng. Tỷ lệ chết từ 0,3% - 60%, trong đó tỷ lệ cao nhất do mắc bệnh viêm não Nhật Bản, bệnh viêm não Murray Valley (MVE - Murray Valley Encephalitis) và viêm não tuỷ ngựa miền Đông (EEE - Eastern Equine Encephalitis). Tỷ lệ mắc bệnh để lại di chứng thần kinh của bệnh viêm não vi rút do muỗi truyền xảy ra với tần số khác nhau tuỳ thuộc vào tuổi bệnh nhân và tác nhân gây bệnh. Bệnh để lại di chứng thần kinh nặng nhất ở trẻ mắc bệnh viêm não Nhật Bản (JE - Japanese Encephalitis), bệnh EEE và bệnh viêm não tuỷ ngựa miền tây (WEE - Western Equine Encephalitis). Nhóm vi rút viêm não do muỗi truyền thường gặp là vi rút JE, vi rút EEE, vi rút WEE, vi rút viêm não Saint Louis (SLE - Saint Louis Encephalitis), vi rút MVE, vi rút viêm não Lacrosse (LE- La Crosse Encephalitis), vi rút viêm não California (CE - California Encephalitis), vi rút viêm não Rocio (RE - Rocio viral Encephalitis), vi rút viêm não Jamestown Canyon (JCE - Jamestown Canyon Encephalitis) và vi rút snowshoe hare (SSHE - Snowshoe Hare Encephalitis).
Tác nhân gây bệnh: Nhóm Arbovirus có hơn 550 vi rút khác nhau, được chia thành năm họ: Togaviridae, Flaviridae, Bunyaviridae, Reoviridae, Rhabdoviridae. Mỗi vi rút gây viêm não có tên riêng: vi rút viêm não Nhật Bản (JEV), vi rút viêm não ngựa miền Đông (EEEV), vi rút viêm não ngựa miền Tây (WEEV), vi rút viêm não California (CEV),...bệnh viêm não nguyên phát ở Việt Nam do vi rút viêm não Nhật Bản gây nên.
Phương thức lây truyền: phương thức lây truyền bệnh viêm não vi rút là qua muỗi bị nhiễm vi rút truyền. Mỗi bệnh được xác định có một vài muỗi vectơ chủ yếu truyền đặc hiệu như:
- Bệnh JE do Cx. tritaeniorhynchus, Cx. vishnui, Cx. gelidus.
- Bệnh EEE do Culiseta melanura truyền từ chim sang chim, Loài Aedes và Coquilletidia truyền từ chim hoặc động vật khác sang người.
- Bệnh WEE do Culex (C.) tarsalis
- Bệnh MVE do Cx. annulirostris
- Bệnh SLE do Cx. tarsalis,Cx. pipiens, Cx. quinquefasciatus
Hình 3.6. Chu trình dịch tễ học của bệnh viêm não nhật bản [15]
Ca bệnh lâm sàng: sốt cao 38-40⁰C. Đau đầu, buồn nôn, nôn. Co giật, cổ cứng; rối loạn ý thức, li bì, trạng thái sững sờ, mất định hướng, có cử động bất thường (run giật, múa vờn), hôn mê, nói chậm hoặc không nói được, liệt cứng; Có ứ đọng nhiều đờm dãi; Xét nghiệm máu thường thấy bạch cầu không tăng hoặc tăng ít; nước não tuỷ trong, tăng tế bào bạch cầu và chủ yếu là tế bào lympho.
Ca bệnh xác định: xét nghiệm huyết thanh bằng MAC- ELISA có kháng thể IgM đặc hiệu (+); phân lập vi rút viêm não (+) từ nước não tuỷ hoặc máu bệnh nhân trong thời kỳ cấp tính có sốt cao.
Điều trị: Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu các bệnh viêm não vi rút do muỗi truyền. Bởi vậy, cần phát hiện bệnh sớm và điều trị hồi sức cấp cứu sớm trong giai đoạn cấp tính để hạn chế bệnh tiến triển nặng, giảm biến chứng và giảm tử vong.
4.2. Sốt Tây sông Nin [16]
Sốt Tây sông Nin là một bệnh động vật lây sang người, do muỗi truyền, lưu hành phổ biến ở hầu hết các quốc gia thuộc Châu Phi, Nam Âu, vùng Trung Đông, Tây Á, Châu Úc và Bắc Mỹ. Bệnh thường gặp hơn ở vùng nông thôn đồng bằng và bán sơn địa, nơi lưu trú của các loài thú móng guốc họ ngựa, các loài chim hoang dã như quạ, chim sẻ, ngỗng trời... bệnh cũng có thể gặp cả ở vùng đô thị. Việt Nam và các quốc gia khu vực Đông Nam Á tới nay chưa có ca bệnh được công bố.
Tác nhân gây bệnh: vi rút Tây sông Nin (West Nile virus - WNV), thuộc giống Flavivirus, họ Flaviviridae. Vi rút Tây sông Nin có quan hệ về kháng nguyên với vi rút viêm não Nhật Bản.
Phương thức lây truyền:
- Bệnh lây truyền qua véc tơ, chủ yếu qua vết đốt hút máu của các loài muỗi họ Culex như Cx. univittatus ở Châu Phi, Cx. modestus Nam Âu, Cx. pipens molestus, Cx. quinquefasciatus ở Nam Mỹ,... Có tới gần 40 loài Culex ở Châu Phi, Châu Âu, Châu Á và trên 37 loài ở Châu Mỹ được phát hiện có thể mang vi rút Tây sông Nin. Ngoài ra một số họ muỗi khác như Aedes, Mansonia, Ochlerotstus có mặt ở các vùng lưu hành cũng có thể mang và làm lây truyền mầm bệnh.
- Ngoài đường lây truyền chính do côn trùng đốt hút máu, vi rút Tây sông Nin có thể lây theo một số phương thức khác như truyền máu, ghép phủ tạng có nhiễm vi rút, truyền qua nhau thai, qua sữa mẹ. Cũng đã có những trường hợp lây nhiễm xảy ra trong phòng thí nghiệm khi làm việc với vi rút Tây sông Nin.
Hình 3.7.Chu trình dịch tễ học của bệnh sốt Tây sông Nin [17]
Ca bệnh lâm sàng: Bệnh khởi phát đột ngột với sốt cao trên 38,50C, kéo dài khoảng 7 ngày, sốt kiểu 2 pha (hình yên ngựa), đi cùng với các triệu chứng đau đầu, đau cơ, đau khớp, thường có ban đỏ dát sần hoặc ban kiểu sởi ở mặt và toàn thân; đôi khi có biểu hiện xuất huyết da, niêm mạc, nôn hoặc buồn nôn, tiêu chảy cấp, đau họng và ho, viêm kết mạc và sợ ánh sáng. Một tỷ lệ nhất định bệnh nhân có biến chứng viêm màng não - viêm não, đôi khi có liệt mềm, thay đổi tâm tinh thần gặp ở 1% ca bệnh, thường rơi vào giai đoạn 2 của đợt sốt. Tỷ lệ tử vong chung thường dưới 5% số ca nhập viện, tuy nhiên trong một số vụ dịch có thể lên tới 18%, thường do hội chứng não, hôn mê và tử vong.
Ca bệnh xác định: có thêm 1 hay nhiều kết quả xét nghiệm sau: kháng thể IgM phát hiện trong giai đoạn cấp tính bằng phản ứng MAC- ELISA dương tính; kháng thể IgG phát hiện qua xét nghiệm huyết thanh kép tăng ít nhất bốn lần; phản ứng RT-PCR phát hiện dấu ấn di truyền vi rút dương tính; phân lập được vi rút Tây sông Nin từ máu, dịch não tủy, bạch cầu hoặc mẫu sinh thiết, tử thiết.
Nguyên tắc điều trị: Bệnh sốt Tây sông Nin hiện chưa có thuốc đặc trị, vì vậy điều trị theo các nguyên tắc: phát hiện, chẩn đoán đúng bệnh; điều trị sớm; tập trung chủ yếu điều trị triệu chứng như giảm sốt, giảm đau, chống xuất huyết; chống tổn thương ở tổ chức não, màng não, trợ tim mạch, chống dị ứng; chỉ dùng kháng sinh khi có biểu hiện bội nhiễm vi khuẩn; hạn chế tối đa các biến chứng muộn.
4.3. Truyền bệnh giun chỉ bạch huyết
Bệnh giun chỉ bạch huyết do một loại giun sống trong hệ bạch huyết gây nên. Giun trưởng thành sống trong hạch hoặc mạch bạch huyết, đẻ ra ấu trùng lưu thông trong máu. Bệnh giun chỉ bạch huyết có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nam cũng như nữ. Bệnh gây nhiều biến chứng ảnh hưởng nhiều tới sức lao động, thẩm mỹ và sinh hoạt của người bệnh. Những vùng có bệnh nhiều nhất là châu Phi và châu Á [5].
Tác nhân gây bệnh:Wuchereria bancrofti, Brugia malayi, và Brugia timori. Ở Việt Nam, mới chỉ phát hiện hai loài giun chỉ bạch huyết là Wuchereria bancrofti và Brugia malayi chu kỳ đêm. Ở miền Bắc, thường gặp loài Brugia malayi (khoảng 90 – 95% các trường hợp nhiễm). Ở miền Nam, các điều tra trong những năm gần đây mới chỉ gặp loài Wuchereria bancrofti. Chưa phát hiện Brugia malayi trên súc vật (mèo, khỉ) ở Việt Nam.
Phương thức lan truyền: bệnh giun chỉ lây lan do muỗi bị nhiễm đốt [6].
- Cx. quinquefasciatus, các phức hợp loài Cx. pipiens là véc tơ truyền W. bancrofti chu kỳ đêm vùng đô thị ở khu vực châu Á, châu Phi, Tây Ấn, Nam Mỹ và Micronesia.
- Aedes polynesiensis, Ae. niveus, Ae. poecilus, Ae. samoanus, Ae. scutellaris, và Ochlerotatus togoi (trước đây gọi là Ae. togoi) là véc tơ truyền W. bancrofti và B. malayi ở Nam Á và vùng Thái Bình Dương
- Mansonia annulata, M. bonneae, M. dives và M. uniformis. M. uniformis là véc tơ truyền Brugian filariasis Brunei, Malaysia và Philippines; M. annulifera và M. indiana là vec tơ truyền B. malayi ở Malaysia, Indonesia và Thái Lan
- Các loài Anopheles truyền W. bancrofti ở châu Á: An. jeyporiensis candidiensis và An. minimus ở Trung Quốc; An. flavirostris ở Philippines; An. balabacensis, An. maculatus, An. letifer và An. whartoni ở Malaysia; An. punctula tus, An. koliensis, and An farauti, ở Papua New Guinea, West Papua (Indonesia), đảo Solomon và Vanuatu.
- Ở Việt Nam là: Mansonia annulifera, Mansonia uniformis (sinh sản ở vùng có ao bèo), Culex quinquefasciatus
Hình 3.8.Chu trình dịch tễ học của bệnh giun chỉ hệ bạch huyết W. bancrofti [18]
Ca bệnh lâm sàng: Đa số người bệnh (90 – 95%) nhiễm giun chỉ bạch huyết (có ấu trùng trong máu) nhưng không có các biểu hiện lâm sàng trong nhiều năm hoặc có thể cả đời. Trường hợp có biểu hiện lân sàng, có thể có các triệu chứng khác nhau, thường gặp là [5]:
- Các triệu chứng cấp tính: sốt cao, xuất hiện đột ngột; kèm theo mệt mỏi và nhức đầu nhiều; thường tái phát từng đợt, mỗi đợt kéo dài 3 – 7 ngày; viêm bạch mạch và hạch bạch huyết: thường xảy ra sau sốt vài ngày. Xuất hiện đường viêm đỏ, đau, dọc theo bạch mạch, thường là mặt trong chi dưới. Hạch bẹn có thể sưng to, đau.
- Các triệu chứng mãn tính thường gặp: viêm hoặc phù bộ phận sinh dục (viêm thừng tinh, viêm tinh hoàn, tràn dịch màng tinh hoàn. Trường hợp viêm bạch hạch mãn tính ở bộ phận sinh dục, có thể gây nên triệu chứng bìu voi hoặc vú voi); phù voi chi dưới (là hậu quả của viêm mãn tính hạch và mạch bạch huyết chi dưới, với đặc điểm phù cứng, da dày. Tùy mức độ, phù có thể từ bàn chân lên tới đùi); đái dưỡng chấp (nước tiểu trắng đục như nước vo gạo, để lâu không lắng. Đôi khi lẫn máu. Trường hợp lượng dưỡng chấp trong nước tiểu nhiều, để lâu nước tiểu có thể đông lại).
Ca bệnh xác định: các biểu hiện lâm sàng và phát hiện ấu trùng trong máu ngoại vi (nhuộm và soi tìm ấu trùng, ELISA phát hiện kháng thể, hoặc kháng nguyên giun chỉ trong máu bệnh nhân) hoặc làm siêu âm phát hiện giun chỉ trưởng thành trong hạch và mạch bạch huyết [5].
Điều trị: Diethylcarbamazine (DEC) (biệt dược: Banocide, Hetrazan, Notezine…) dạng viên nén 50mg, 100mg, 300mg. DEC có tác dụng diệt ấu trùng giun chỉ, và phần nào diệt giun chỉ trưởng thành. Thời gian bán hủy của DEC trong cơ thể là 2 – 12 giờ, thuốc thải trừ chủ yếu qua thận [5].
5. BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG
Tương tự như phòng chống muỗi Anopheles (Bài 2 ) và Aedes (Bài 3)
6. PHƯƠNG PHÁP THU THẬP, ĐIỀU TRA
Tương tự như bài muỗi Anopheles (Bài 2) và Aedes (Bài 3)
7. HÌNH ẢNH MỘT SỐ LOÀI MUỖI CULEX CÓ VAI TRÒ Y HỌC
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Nguyễn Văn Châu và cộng sự, 2013. Thành phần loài ruồi và muỗi tại một số vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên ở Nam Bộ. Tạp chí phòng chống Sốt rét và các bệnh ký sinh trùng.
Nguyễn Văn Dũng và cộng sự, 2015. Danh mục các loài muỗi ở Việt Nam. Hội nghị khoa học toàn quốc về sinh thái và tài nguyên sinh vật lần thứ 6.
Trần Thanh Dương và cộng sự, 2015. Kỹ năng nhận biết và phòng chống côn trùng gây bệnh, gây hại. Viện Sốt rét - KST - CT Trung ương.
Hồ Thị Việt Thu và cộng sự, 2012. Thành phần loài muỗi Culex – mối tương quan giữa mật độ muỗi và tỷ lệ nhiễm vi rút viêm não nhật bản trên heo tại TP. Cần Thơ và tỉnh Bạc Liêu. Tạp chí khoa học (Trường Đại học Cần Thơ).
Quyết định số 5047/2002/QĐ-BYT ngày 16 tháng 12 năm 2002 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh giun chỉ bạch huyết tại các cơ sở khám chữa bệnh” và “hướng dẫn tổ chức điều trị hàng loạt loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết tại cộng đồng”.
Moses J. Bockarie, Graham B. White, Erling M. Pedersen, and Edwin Michael, 2009. Role of Vector Control in the Global Program to Eliminate Lymphatic Filariasis. Annu. Rev. Entomol. 54:469–87
http://mosquito-taxonomic-inventory.info/simpletaxonomy/term/6165
http://www.wikiwand.com/en/Culex
https://cdvcd.org/mosquito-life-cycle/
https://www.alamy.com/stock-photo-culex-quinquefasciatus-mosquito-larva-49663289.html
http://animalia-life.club/other/culex-mosquito-pupa.html
https://sdaho.org/2017/06/15/south-dakotas-first-west-nile-case-of-2017-reported/
https://commons.wikimedia.org/wiki/File:Culex_mosquito_life_cycle_en.svg
http://vncdc.gov.vn/vi/danh-muc-benh-truyen-nhiem/1104/benh-viem-nao-vi-rut
https://www.researchgate.net/figure/Schematic-drawing-of-transmission-cycles-and-rural-as-well-as-peri-urban-infections-of_fig3_43079229
http://vncdc.gov.vn/vi/danh-muc-benh-truyen-nhiem/190/sot-tay-song-nin
http://www.pinsdaddy.com/transmitting-west-nile-virus_pvtIrSQhLnX%7CfG09mxnwofngpMKx5fApYiIltDxLM7Y/
https://ca.wikipedia.org/wiki/Filariosi
https://bugguide.net/node/view/33385/bgpage
https://www.scitechnol.com/ArchiveVBJ/previousissue-vector-biology-journal.php
https://www.huffingtonpost.com/entry/the-most-important-vaccine-preventable-cause-of-encephalitis_us_594a8164e4b0d799132a1666