Dự án “phòng chống giun sán trẻ em lứa tuổi học đường khu vực Nam bộ - Lâm Đồng” sau hơn một năm thực hiện.

Năm 2010, Viện Sốt rét - KST - CT TP Hồ Chí Minh được Bộ Y tế phê duyệt dự án “Phòng chống giun sán trẻ em lứa tuổi học đường khu vực nam bộ - Lâm Đồng giai đoạn 2010 - 2013”.

Mục tiêu của Dự án nhằm xây dựng mô hình phòng chống giun, sán cho trẻ em lứa tuổi học đường dựa vào cộng đồng tại Khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng. Trong đó từng bước thực hiện:

- Giảm 50% tỷ lệ và cường độ nhiễm giun, sán ở trẻ em lứa tuổi học đường;

- Nâng cao năng lực giám sát của hệ thống y tế và nhận thức của cộng đồng về phòng chống bệnh giun, sán;

- Từng bước chuẩn hóa mô hình phòng chống bệnh giun, sán dựa vào cộng đồng.

Dự án triển khai tại 4 tỉnh thành phố, 12 quận,huyện, 36 xã phường và 36 trường tiểu học, năm 2012 Dự án triển khai tại 4 tỉnh thành phố, 12 quận, huyện 144 xã, phường và 287 trường tiểu học, đến 2013 Dự án sẽ triển khai trên phạm vi toàn bộ các trường tiểu học của 4 tỉnh thành thuộc Dự án.

Bước đầu thực hiện dự án, Viện đã tổ chức thực hiện các hoạt động: xây dựng và triển khai áp dụng cơ chế phối hợp phòng chống giun sán giữa ngành y tế với ngành giáo dục; nâng cao hiểu biết và tham gia của cộng đồng; nâng cao năng lực phòng chống chống giun sán của các tuyến y tế (tổ chức, nhân lực, chuyên môn nghiệp vụ…) tại 4 tỉnh thí điểm.

Lãnh đạo Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM đã chủ động làm việc với lãnh đạo Sở Y tế, Sở Giáo dục - Đào tạo, Trung tâm Y tế Dự phòng, Trung tâm Phòng chống sốt rét các tỉnh: Lâm Đồng, Tây Ninh, Sóc Trăng và TP. HCM để thông báo và thống nhất với địa phương việc triển khai các hoạt động của dự án trên địa bàn. Thống nhất, phân công trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị tham gia. Ký kết trách nhiệm thực hiện dự án giữa Viện với các các Sở Y tế, Giáo dục.

Lãnh đạo VSR-KST-CT TP.HCM làm việc với Lãnh đạo Sở Y tế, Sở GD&ĐT,
TTYTDP/ TTPCSR Tây Ninh (ảnh trên) và Lâm Đồng.

Tại các địa phương triển khai dự án, tiến hành thiết lập mạng lưới cán bộ y tế, giáo dục các tuyến phụ trách công tác phòng chống giun, sán của đơn vị và địa phương.

Tiếp tục thực hiện kế hoạch của dự án với phương châm từng buớc chuyển giao chuyên môn, kỹ thuật cho tuyến dưới, năm 2011 và 5 tháng đầu 2012 Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM đã tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế và giáo dục về chuyên môn, kỹ thuật, kỹ năng truyền thông, nâng cao năng lực giám sát, lập kế hoạch, tổ chức thực hiện công tác phòng chống giun sán tại địa phương với gần 500 lượt cán bộ tham dự. Viện đã thiết kế biểu mẫu báo cáo về công tác phòng chống giun, sán cho từng tuyến y tế và trường học nhằm thu thập thông tin về tình hình nhiễm các bệnh giun, sán tại khu vực, đồng thời kết hợp với địa phương xây dựng, củng cố và mở rộng hệ thống mạng lưới cán bộ y tế, giáo dục phụ trách theo dõi các hoạt động phòng chống giun sán tại địa bàn mình phụ trách.

Tập huấn cho cán bộ y tế và giáo viên về công tác phòng chống giun, sán.

Triển khai công tác tại thực địa: năm 2011 Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM phối hợp với các đơn vị tổ chức điều tra ban đầu đánh giá tỷ lệ và cường độ nhiễm giun. Tổng cộng hơn 5.000 mẫu phân đã được xét nghiệm tìm trứng giun sán. Trong đó, ở tỉnh Lâm Đồng có tỷ lệ nhiễm giun cao nhất. Nhiễm giun móc chiếm đa số ở các địa phương điều tra. Năm 2012 tiến hành điều tra giữa kỳ để đánh giá hiệu quả dự án sau một năm thực hiện.

Trong năm 2011 và 2012 đã tổ chức tẩy giun hàng loạt cho trẻ em lứa tuổi tiểu học (kể cả những em không đến trường) với trên 180.000 trẻ được uống thuốc, đạt độ bao phủ 95%.

Tổ chức uống thuốc tẩy giun tại trường tiểu học

Ngoài các hoạt động nêu trên, công tác truyền thông giáo dục về phòng chống bệnh giun, sán cũng được chú trọng với nhiều hình thức tuyên truyền như: tổ chức 24 buổi mít tinh tuần lễ vệ sinh môi trường, băng rôn, khẩu hiệu, phát 10.000 tranh, 468 buổi phát thanh, 5 buổi truyền hình trên đài trung ương và địa phương.

Mít tinh tuần lễ vệ sinh môi trường phòng chống giun, sán

Quá trình triển khai thực hiện dự án đã đón nhận được sự ủng hộ tích cực của chính quyền địa phương các cấp, các ban nghành đoàn thể, học sinh, thầy cô giáo và phụ huynh. Ngoài ra, dự án cũng nhận được sự hỗ trợ thuốc tẩy giun của Tổ chức Y tế thế giới, các thiết bị vệ sinh nước uống của Công ty TNHH Đại Đồng Phúc (Số 18 Hậu Giang Phường 12, Quận 6, TP. Hồ Chí Minh.

Với sự quan tâm của Bộ Y tế, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị cũng như sự nỗ lực của từng cán bộ, bước đầu triển khai dự án đã đạt được những kết quả khích lệ.

CN.Dương Công Thịnh