Ngày 25/4/2023, Viện Sốt rét - KST - CT TP.HCM cùng với Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, Uỷ ban nhân dân huyện Vĩnh Cửu tổ chức Lễ phát động hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống Sốt rét năm 2023 tại Trung tâm văn hóa, thể thao và truyền thanh huyện Vĩnh Cửu với sự tham gia của các đại biểu đến từ các ban ngành, đoàn thể của huyện Vĩnh Cửu cùng các em học sinh và nhân dân trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu với chủ đề “Đầu tư, đổi mới và hành động để không còn bệnh Sốt rét”.
Ngày Thế giới phòng chống Sốt rét 25/4/2023 được kỳ họp thứ 60 Đại Hội Đồng Y tế Thế giới tháng 5/2007 ấn định là ngày để ghi nhận nỗ lực toàn cầu nhằm kiểm soát bệnh sốt rét một cách hiệu quả. Mục đích của sự kiện này là cho các quốc gia đang ở trong vùng bị ảnh hưởng có cơ hội học hỏi lẫn nhau và hỗ trợ các quốc gia để cùng nỗ lực chống lại căn bệnh này. Ngày Thế giới phòng chống sốt rét còn có cơ hội để các nhà tài trợ mới liên kết với các đối tác toàn cầu chống lại sốt rét và cùng với các Viện nghiên cứu có những công trình nghiên cứu khoa học có ích cho cộng đồng.
Sốt rét là một căn bệnh đe doạ tính mạng, gây ra bởi ký sinh trùng Sốt rét được truyền sang người thông qua các vết đốt của muỗi Anophen bị nhiễm bệnh. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2021 trên toàn cầu ước tính có khoảng 247 triệu người mắc sốt rét, số ca tử vong do sốt rét khoảng 619.000 trường hợp. Tuy nhiên, căn bệnh này có thể phòng ngừa và chữa trị được. Việt Nam đã có thành công lớn trong phòng chống sốt rét và hiện đã thực hiện từ chiến lược phòng chống sốt rét sang loại trừ sốt rét. Phấn đấu đến năm 2030 loại trừ bệnh sốt rét trên toàn quốc.
Trong những năm qua, bệnh sốt rét ở Việt Nam đã được khống chế và đẩy lùi, không để dịch sốt rét xảy ra, thu hẹp dần phạm vi lưu hành bệnh sốt rét, chúng ta đã thực hiện thành công mục tiêu phòng chống sốt rét trong những năm gần đây, đặc biệt năm 2022 cả nước có 456 người mắc, có 01 trường hợp tử vong, trong đó khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng chỉ có 20 trường hợp mắc và không có trường hợp tử vong. Bộ Y tế ghi nhận và đánh giá cao sự nổ lực của các cán bộ y tế và đội ngủ làm công tác Phòng chống Sốt rét ở tất cả tỉnh/thành phố trong nước đặc biệt khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng đã có nhiều cố gắng đóng góp công sức trong công tác PCSR. Riêng tại tỉnh Đồng Nai, nhiều năm qua số ca mắc bệnh sốt rét rất ít, đặc biệt năm 2022 toàn tỉnh ghi nhận 02 trường hợp mắc (Ngoại lại) và dự kiến tỉnh sẽ đạt tiêu chí loại trừ sốt rét trong năm 2023.
Sốt rét là một căn bệnh lâu đời, hiện chưa có vắc-xin nhưng bệnh có thể phòng ngừa và điều trị khỏi. Chính vì vậy, để làm giảm số ca mắc, việc phòng chống muỗi truyền bệnh vẫn được xem là biện pháp hữu hiệu nhất thông qua nhiều phương pháp khác nhau như diệt muỗi bằng hoá chất hoặc ngăn sự tiếp xúc giữa người và muỗi truyền bệnh. Phát động chiến dịch truyền thông giáo dục sức khoẻ phòng chống sốt rét, đặc biệt tập trung vào nhóm đối tượng nguy cơ cao là dân di biến động vào các khu vực có sốt rét lưu hành, tăng cường vận động nhân dân tích cực làm tốt vệ sinh môi trường, triển khai các biện pháp bảo vệ cho cá nhân và cộng đồng. Bên cạnh đó, điều tra chủ động và điều trị sớm, kịp thời để góp phần đạt được các mục tiêu giảm tử vong, giảm mắc và không để xảy ra dịch bệnh.
Phòng chống bệnh sốt rét cũng như các bệnh truyền nhiễm khác, chỉ riêng ngành Y tế sẽ không thể giải quyết được vì nó liên quan nhiều đến các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường, đòi hỏi vai trò và trách nhiệm của chính quyền, ban ngành và nhiều lĩnh vực khác nhau; cùng đẩy mạnh công tác xã hội hoá phòng chống sốt rét, trong đó truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng. Các cơ quan báo đài cần tích cực phối hợp và đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động cộng đồng xã hội để cùng chung tay đẩy lùi bệnh sốt rét, tiến tới loại trừ sốt rét vào năm 2030, góp phần chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân.
TS. Đoàn Bình Minh - Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM phát biểu tại buổi lễ
Chúng ta đạt được những thành công nhưng vẫn còn khó khăn thách thức, bệnh sốt rét vẫn là mối đe doạ và có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào. Nhiều vấn đề chuyên môn, kỹ thuật như ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc, muỗi kháng hoá chất, sự phục hồi muỗi truyền bệnh ở các vùng ngừng các biện pháp can thiệp cùng mầm bệnh (ký sinh trùng lạnh) luôn có trong cộng đồng là nguyên nhân lan truyền tự nhiên tại chỗ sốt rét ở khu vực này. Bên cạnh đó, sự biến động về dịch tễ sốt rét (giao lưu ngày càng nhiều vào các vùng sốt rét lưu hành, sinh thái môi trường bị thay đổi); di biến động dân cư khó kiểm soát (dân đi rừng, ngủ rẫy, di cư tự do, giao lưu biên giới…); kinh tế xã hội vùng sốt rét nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao.
Các yếu tố có tính bền vững như công tác xã hội hoá phòng chống sốt rét, sự quan tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương có lúc, có nơi còn hạn chế. Mạng lưới y tế cơ sở luôn là vấn đề mấu chốt để phát huy và duy trì thành quả phòng chống sốt rét đạt được như ở những vùng sâu, vùng xa hiệu quả hoạt động chưa cao do đặc điểm địa bàn phức tạp và với kiến thức chuyên môn hạn chế; y tế tư nhân chưa được quản lý đúng mức; chất lượng các biện pháp kỹ thuật như điều trị bệnh nhân, phun tẩm hoá chất diệt muỗi chưa cao, xem nhẹ công tác giám sát dịch tễ, quản lý ca bệnh, phát hiện sớm và điều trị sớm ngay từ tuyến cơ sở.
Viện đề nghị các đồng chí Lãnh đạo tăng cường chỉ đạo ngành y tế, hệ thống tổ chức phòng chống sốt rét tại địa phương đẩy mạnh hoạt động xã hội hoá công tác phòng chống sốt rét, tăng cường công tác giám sát dịch tễ sốt rét, chú trọng tại các vùng có nguy cơ xảy ra dịch, vùng xa, vùng sâu, hướng dẫn biện pháp phòng chống sốt rét ở những xã vùng sốt rét lưu hành, nhiều năm ổn định. Thực hiện tốt công tác quản lý, điều trị ca bệnh: đảm bảo uống thuốc đủ liều, đủ ngày điều trị; củng cố và xây dựng mạng lưới y tế thôn bản, quan tâm công tác quản lý y tế tư nhân, làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục phòng chống sốt rét.
Để ngày Thế giới phòng chống Sốt rét 25/4 năm nay thêm ý nghĩa, cũng như mong muốn tiếp nối chuỗi hoạt động nhân văn “Xe đạp đến trường”, Viện đã tổ chức Lễ trao tặng xe đạp cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Trong khuôn khổ chương trình, 30 chiếc xe đạp đã được trao tặng đến 30 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chăm ngoan học giỏi trên địa bàn.
Lãnh đạo các đơn vị tặng xe cho các em học sinh
“Xe đạp đến trường” là Dự án mang tính nhân văn với hoạt động trao tặng xe đạp đến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập. Dự án do Viện trưởng và Đoàn Thanh niên Viện Sốt rét - KST - CT TP. Hồ Chí Minh sáng lập và thực hiện. Từ năm 2019 đến nay, Dự án trao tặng được hơn 240 chiếc xe cho các em học sinh thuộc các tỉnh Bình Phước, Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Quảng Bình và Tây Ninh để làm phương tiện đến trường.
Với mong muốn tiếp nối chuỗi hoạt động đầy ý nghĩa này, hôm nay Viện tổ chức Lễ trao tặng xe đạp cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Viện mong các em học sinh sẽ chăm ngoan, học giỏi hơn nữa để sau này góp sức cho quê nhà. Chúc các em sẽ có thật nhiều sức khoẻ, tự tin, sáng tạo và bản lĩnh hơn trong học tập và trong cuộc sống!
Đoàn Viện chụp ảnh lưu niệm
Toàn cảnh Lễ phát động hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống Sốt rét 25/4 và
Lễ trao xe đạp cho các em học sinh năm 2023
Một số hình ảnh diễu hành hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống sốt rét 25/4
Dương Lê Thục Hà