Bệnh do sán máng (Schistosomiasis) xuất hiện châu Âu

Một ổ dịch bệnh do sán máng đường niệu sinh dục đã được phát hiện ở châu Âu, với những bệnh nhân bị ảnh hưởng ở Pháp [1],[2], Đức [1],[2] và Ý.

Các ca bệnh có nguồn gốc từ Corsica - ở một con sông ở phía bắc của Porto-Vecchio (một điểm du lịch nổi tiếng, đón tiếp 3000 - 5000 người mỗi ngày trong suốt mùa hè). Sự xuất hiện của bệnh sán máng được cho là có liên quan với những người bị nhiễm bệnh đến từ nơi có lưu hành Schistosoma haematobium ở châu Phi. Trứng sán máng phát tán ra môi trường qua nước tiểu của người nhiễm và vào các giống ốc sinh sống dọc theo sông. Tiếp theo nhiễm trùng ở ốc nước ngọt planorbid, Bulinus truncatus - là các loài ốc phổ biến ở Corsica [3] sau đó đã xảy ra dịch. Điều này cho thấy khả năng tương thích của các ký sinh trùng ngoại lai với ốc địa phương.

Sự lan truyền dường như đã xảy ra từ năm 2011. Sự việc được phát hiện muộn (vào tháng 5/2014) có liên quan đến việc chẩn đoán sai ở những bệnh nhân tiểu ra máu trong những năm trước đó. Những người này chưa bao giờ đến châu Phi do vậy yếu tố dịch tễ liên quan đến bệnh đã được loại trừ trong tiền sử bệnh của họ. Sự bùng phát dịch này là điều bất ngờ; ca bệnh cuối cùng do S. haematobium ở châu Âu được ghi nhận và được chữa khỏi năm 1967 là ở miền nam Bồ Đào Nha. Sau đó, bệnh sán máng đường niệu sinh dục đã được tuyên bố loại trừ ở châu Âu.

Sự bùng phát dịch này đặt ra một số câu hỏi. Phải chăng những người ban đầu bị nhiễm đã tiểu trở lại vào dòng sông mỗi năm, góp phần quan trọng vào việc duy trì mầm bệnh? Các phân tích cho thấy cả khách du lịch và người dân địa phương đều bị nhiễm. Có phải sự biến đổi khí hậu ở miền nam châu Âu đã làm quá trình lan truyền không bị gián đoạn trong suốt mùa đông trong những năm gần đây? Có hay không sự tác động của những thay đổi về nhiệt độ và lượng mưa ở Địa Trung Hải đến các bệnh lan truyền do ốc nước ngọt? [4]. Bệnh truyền nhiễm lây lan qua ốc đã không được xem xét trong cuộc khảo sát lập bản đồ biến đổi khí hậu đã tạo ra một lỗ hổng trong quản lý các bệnh truyền nhiễm ở châu Âu [5].

Nghiên cứu sinh học phân tử trên chủng sán máng ở Corsica đã cho thấy: ngoài S. haematobium thuần, hầu hết trứng được thu thập từ các bệnh nhân là ở dạng giống lai của S. haematobium và sán máng ở các loài vật nuôi Schistosoma bovis. Điều này chứng tỏ con người có thể bị nhiễm với các chủng khác nhau của S. haematobium, hoặc nhiễm dạng lai giữa các giống đã xảy ra ở Corsica. Hơn nữa, sự tham gia của dạng lai này sẽ gây ra rất nhiều hậu quả. Nó làm tăng phạm vi, khả năng lan truyền của vector. Từ khi ốc lây truyền S. bovis (Planorbarius metidjensis) phổ biến rộng rãi, đã làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh đến Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, và Ý.

Ngoài ra, vai trò tiềm năng của các loài gia súc khác cần được đánh giá ở Corsica - nơi dê, cừu và gia súc chăn nuôi là một hoạt động nông nghiệp phần lớn không được kiểm soát. Các ổ của S. bovis được biết đến ở Corsica [6], Sardinia [7] Bồ Đào Nha [8] và Tây Ban Nha [8]. Sự thích nghi của con người đối với dạng lai giữa sán máng người và sán máng ở vật nuôi ở châu Âu là một mối đe dọa nghiêm trọng. Những hiểu biết về bệnh lý của sán máng dạng lai giữa S haematobium - S bovis ở người rất ít. Thực tế, những trứng sán dạng lai đã được tìm thấy trong nước tiểu của bệnh nhân ở Corsica, trứng nở và phát triển thành công các giai đoạn ấu trùng trong cơ thể động vật nhuyễn thể (Boissier J, chưa công bố), cho thấy các loài sán lai có thể kéo dài chu kỳ phát triển. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa biết độc tính cũng như những đặc điểm dịch tễ học của loài sán này.

Một sáng kiến châu Âu được đưa ra, đồng điều phối bởi Ủy ban phản ứng nhanh với các bệnh ký sinh trùng nguy hiểm và Liên đoàn các nhà ký sinh trùng học châu Âu (Parasitic Disease Threat Quick Response Committee of the European Federation of Parasitologists), để đánh giá các câu hỏi của đợt dịch này; đánh giá các tiềm năng nguy cơ ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, và Ý; và thiết lập mạng lưới các chuyên gia châu Âu về ốc truyền bệnh và các bệnh lây truyền qua ốc để hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động.

Nhiều bài học đã được rút ra từ vụ bùng phát dịch này. Trong lộ trình 2015 - 2020 của WHO để vượt qua những gánh nặng toàn cầu do các bệnh nhiệt đới bị lãng quên, ngoài bệnh sán máng còn các bệnh giun sán lây truyền qua ốc khác, bao gồm sán lá lây truyền qua thực phẩm: bệnh sán lá gan lớn là một mối đe dọa đang nổi lên trên toàn thế giới như là hậu quả của biến đổi khí hậu toàn cầu [9] và Opisthorchis felineusis cũng mới nổi ở châu Âu [10]. Vào ngày Sức khỏe thế giới (07/4/2014), Tổng giám đốc WHO - Dr Margaret Chan nhấn mạnh cần quan tâm nhiều hơn về tác động của biến đổi khí hậu lên các bệnh truyền nhiễm lây truyền qua vector. Đợt bùng phát dịch bệnh sán máng này, cùng với sự xuất hiện của fascioliasisO. Felineus ở châu Âu, cho thấy sự cần thiết phải công nhận: ngoài các bệnh truyền nhiễm lây truyền qua muỗi thì các loài ốc vectơ và các bệnh lây truyền qua ốc cũng là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng mới ở châu Âu.

*Jérôme Boissier, Hélène Moné, Guillaume Mitta, M Dolores Bargues, David Molyneux, Santiago Mas-Coma

Univ. Perpignan Via Domitia, IHPE UMR 5244, CNRS, IFREMER, Univ. Montpellier, F-66860 Perpignan, France (JB, HM, GM); Departamento de Parasitologia, Facultad de Farmacia, Universidad de Valencia, Burjassot, Valencia, Spain (MDB, SM-C); and Department of Parasitology, Liverpool School of Tropical Medicine, Liverpool, UK (DM)boissier@univ-perp.fr

Tài liệu tham khảo:

1. Berry A, Moné H, Iriart X, et al. Schistosomiasis haematobium, Corsica, France. Emerg Infect Dis 2014; 20:1595–97.

2. Holtfreter MC, Moné H, Müller-Stöver I, et al. Schistosoma haematobium infections acquired in Corsica, France, August 2013. EuroSurveillance 2014; 19:20821.

3.Doby JM, Rault B, Deblock S, Chabaud A. Bulins et bilharziose en Corse. Répartition, frtéquence et biologie de “Bulinus truncatus”. Ann Parasitol Hum Comp 1966; 41:337–49.

4. Mas-Coma S, Valero MA, Bargues MD. Climate change effects on trematodiases, with emphasis on zoonotic fascioliasis and schistosomiasis. Vet Parasitol 2009; 163: 264–80.

5.Semenza JC, Suk JE, Estevez V, et al. Mapping climate change vulnerabilities to infectious diseases in Europe. Environ Health Perspect 2012; 120:385–92.

6. Brumpt E. Cycle évolutif complet de Schistosoma bovis, infection naturelle en Corse et infection expérimentale de Bulinus contortus. Ann Parasitol Hum Comp 1930;8: 17–50.

7.Sadun EH, Biocca E. Intradermal and fl uorescent antibody tests on humans exposed toSchistosoma bovis cercariae from Sardinia. Bull WHO 1962; 27:810–14.

8. Ramajo Martín V. Contribución al estudio epizootiológico de la esquistosomiasis bovina (Schistosoma bovis) en la provincia de Salamanca. An Fac Vet León 1972; 18:151–214.

9. Mas-Coma S, Valero MA, Bargues MD. Fasciola, lymnaeids and human fascioliasis, with a global overview on disease transmission, epidemiology, evolutionary genetics, molecular epidemiology and control. Adv Parasitol 2009; 69:41–146.

10. Pozio E, Armignacco O, Ferri F, et al. Opisthorchis felineus, an emerging infection in Italy and its implication for the European Union. Acta Trop 2013; 126:54–62

ThS. Trần Mỹ Duyên
(dịch từ The Lancet Infectious Diseases Volume 15, Issue 7, Pages 747-866 (July 2015), www.thelancet.com/infection)