Cập nhật dịch tễ học bệnh Zika của Tổ chức Y tế thế giới

Tháng 7/2019, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố hiện tại vi rút Zika (ZIKV) đã lây truyền hơn 87 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Phi, châu Mỹ, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương.

Tỷ lệ nhiễm vi rút Zika ở châu Mỹ lên đến đỉnh điểm vào năm 2016 và giảm đáng kể từ năm 2017 đến năm 2018. Sự lây truyền vi rút Zika đã được thấy ở tất cả các quốc gia châu Mỹ, ngoại trừ Chile, Uruguay và Canada. Tuy số liệu dịch tễ học về lây truyền bệnh vi rút Zika từ các khu vực châu Phi, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương vẫn còn hạn chế, nhưng bằng chứng khoa học đã giúp chúng ta hiểu rõ về lây truyền vi rút Zika trên toàn cầu.

Các nghiên cứu gần đây đã cung cấp thông tin về tỷ lệ mắc bệnh, lưu hành và lây truyền vi rút Zika trên toàn thế giới. Cụ thể, ở Indonesia, một nghiên cứu hồi cứu dựa trên các mẫu huyết thanh thu được trong giai đoạn nhiễm vi rút Zika cho biết khoảng 9% trẻ em nhiễm vi rút Zika dưới 5 tuổi. Trong năm 2015, tại Lào, đánh giá các mẫu huyết thanh của người lớn cho biết gần 10% không có triệu chứng nhiễm vi rút Zika. Thái Lan đã báo cáo lây truyền vi rút Zika theo mùa cũng trùng khớp với vi rút truyền bệnh sốt xuất huyết (Vi rút Zika lây truyền cho người chủ yếu qua vết cắn của muỗi Aedes mang vi rút). Đây cũng chính là muỗi trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết và sốt siêu vi. Ấn Độ đã báo cáo một đợt bùng phát ZIKV ở bang Rajasthan vào năm 2018. Từ năm 2017 đến năm 2018 đã xác định chủng vi rút Zika đã lan rộng từ châu Mỹ đến Cộng hòa Angola liên quan đến Hội chứng đầu nhỏ (microcephaly) ở trẻ sơ sinh. Theo WHO ghi nhận thông tin về các trường hợp sảy thai hoặc thai chết lưu ở những phụ nữ nhiễm vi rút Zika được xác định ở nước châu Á.

WHO cho biết có 61 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới xác định vi rút Zika lây truyền cho người qua véctơ trung gian là muỗi Aedes aegypti, dân gian gọi là muỗi vằn, nhưng thực tế chưa có tài liệu nào chứng minh có sự lây truyền vi rút Zika do muỗi truyền. Tuy vậy, sự lan truyền vi rút Zika vẫn có nguy cơ tiềm ẩn lây truyền từ quốc gia này sang các quốc gia khác. Cũng có thể các quốc gia này đã lưu hành vi rút Zika nhưng chưa được phát hiện ra hoặc chưa công bố. Tất cả các khu vực trên thế giới có báo cáo lây truyền ZIKV đều tiềm ẩn nguy cơ bùng phát vi rút Zika.

Phụ nữ mang thai nhiễm vi rút Zika có nguy cơ mắc Hội chứng Guillain-Barré, kết quả bao gồm: Tăng nguy cơ sinh non, thai chết lưu và di tật bẩm sinh, đặc trưng chung là Hội chứng đầu nhỏ bẩm sinh (CZS), phát triển não bất thường, co rút chân tay, bất thường mắt, vôi hóa não và các biểu hiện thần kinh khác. Do vậy, việc cung cấp chăm sóc lâu dài cho trẻ em và gia đình bị ảnh hưởng rất cần thiết và tốn kém, đòi hỏi cả một hệ thống chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng vào cuộc.

Phân tích giải trình tự vật liệu di truyền ZIKV rất quan trọng, mục đích chứng minh các quốc gia trên toàn cầu đang có nguy cơ lây truyền vi rút Zika. Có hai dòng Zika: dòng châu Phi và dòng châu Á, kể từ đó, nhiều nghiên cứu xác định được kháng thể chống lại ZIKV ở người từ nhiều quốc gia châu Phi và một số nơi của châu Á. Nghiên cứu loài cho thấy vi rút Zika lây lan sang quần đảo Thái Bình Dương và sau đó lây lan đến châu Mỹ có liên quan chặt chẽ đến dòng châu Á. Dịch bệnh ZIKV xảy ra từ năm 2015 đến năm 2016 ở châu Mỹ là do dòng châu Á lây sang gọi là dòng châu Mỹ. Dịch bệnh ZIKV lưu hành ở các quốc gia châu Á là do dòng châu Á được gọi là dòng châu Á. Sự khác biệt về khả năng gây dịch bệnh của các chủng vi rút này chưa hiểu một cách đầy đủ. Sự bùng phát ZIKV vào năm 2018 ở Ấn Độ là do dòng châu Á, chứng tỏ trước đó đã có tiềm ẩn dịch bệnh của chủng châu Á này. Các trường hợp mắc Hội chứng đầu nhỏ bẩm sinh (microcephaly) và tử vong thai nhi đã được xác định ở những phụ nữ mang thai bị nhiễm vi rút Zika đều do cả hai dòng châu Á và dòng châu Mỹ. Dòng châu Á cho kết quả không chỉ giới hạn ở các chủng gây ra dịch bệnh ở châu Mỹ. Các nghiên cứu đã chứng minh, ZIKV đã lưu hành ở châu Phi trong nhiều thập kỷ, nhưng không có báo cáo nào đề cập ảnh hưởng của dòng châu Phi đối với kết quả phụ nữ mang thai. Nghiên cứu invitro trên động vật thí nghiệm nhiễm vi rút Zika của dòng châu Phi cho thấy khả năng gây sảy thai cao hơn là dị tật bẩm sinh trong thai kỳ so với dòng châu Á.

Cập nhật số liệu dịch tễ học ở nhiều khu vực trên thế giới về nhiễm vi rút Zika còn nhiều hạn chế. Phần lớn các trường hợp nhiễm ZIKV đều không có triệu chứng, khi bệnh xảy ra, các triệu chứng thường nhẹ và không rõ ràng, do đó khó phát hiện và báo cáo kịp thời. Nhiều quốc gia còn thiếu hoặc hạn chế về hệ thống giám sát thường xuyên nên báo cáo không kịp thời. Trong trường hợp không có bùng phát dịch bệnh, thông tin thường nghiên cứu dựa trên các báo cáo của bệnh nhân, các trường hợp bệnh nhân là khách du lịch. Ngay cả có trang bị đầy đủ các phòng thí nghiệm, việc giám sát và phát hiện kịp thời các trường hợp nhiễm bệnh vẫn là một thách thức do hạn chế về trình độ xét nghiệm, chẩn đoán. Do thiếu giám sát nên cập nhật số liệu dịch tễ học về lan truyền ZIKV chưa kịp thời, vì vậy không thể đánh đồng cho rằng không có lây truyền ZIKV, đặc biệt các khu vực có mức lan truyền thấp.

WHO cam kết sẽ tăng cường hệ thống y tế công cộng để ứng phó và phát hiện kịp thời việc tái xuất hiện và lây truyền ZIKV trên toàn cầu, bao gồm việc theo dõi Hội chứng di tật bẩm sinh và Hội chứng Guillain-Barré. WHO tiếp tục hợp tác với các cơ quan y tế của các quốc gia để tăng cường năng lực hệ thống y tế, mục đích phát hiện, báo cáo và ứng phó với mối đe dọa tiếp tục lây truyền ZIKV, cũng như các loại vi rút khác do muỗi gây ra và các bệnh mới nổi đang đe dọa sức khỏe cộng đồng.

1. Khu vực châu Phi

Bằng chứng về lây truyền ZIKV đã được xác định ở một số quốc gia của khu vực châu Phi; Xác định các nước đã lưu hành vi rút Zika trước năm 2015, bao gồm các nước: Burkina, Faso, Burundi, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Côte d’Ivoire, Gabon, Nigeria, Senegal, Sierra Leone và Uganda. Năm 2015, thông tin và tuyên truyền về lây truyền ZIKV ở một số quốc gia của khu vực châu Phi vẫn còn hạn chế.

2. Khu vực châu Mỹ

WHO khu vực châu Mỹ (AMRO)/Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) quản lý các bản báo cáo về các trường hợp nhiễm ZIKV và Hội chứng dị tật bẩm sinh ZIKV. Các quốc gia và vùng lãnh thổ trực tiếp báo cáo số liệu dịch tễ học về bệnh ZIKV cho Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO)/WHO. Bản báo cáo tóm tắt các trường hợp nhiễm vi rút Zika và tóm tắt số liệu dịch tễ học về vi rút Zika của các nước được duy trì đăng trên trang web của AMRO/PAHO.

Trong suốt nửa đầu năm 2016, dịch bệnh ZIKV ở châu Mỹ lên đến đỉnh điểm. Năm 2017 và năm 2018, tỷ lệ mắc ZIKV đã giảm đáng kể ở tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2018, tổng cộng 31.587 trường hợp nghi ngờ mắc ZIKV và xác định các trường hợp nhiễm ZIKV trong khu vực châu Mỹ. Trong đó, có 3.473 trường hợp mắc ZIKV (chiếm 11%) đã xác định ở trong phòng thí nghiệm.

Nhìn chung, bệnh ZIKV chỉ lưu hành cục bộ ở một số khu vực châu Mỹ, không phân bố đều ở tất cả các quốc gia. Một số quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt các quốc đảo nhỏ và vùng lãnh thổ, mức lây truyền bệnh ZIKV thấp dưới mức có thể phát hiện. Một số quốc đảo duy trì các chương trình giám sát và đưa ra phương án phù hợp để ngăn chặn sự lây truyền ZIKV, nhưng số liệu báo cáo về việc giám sát không đồng nhất, nhất quán với số liệu báo cáo trong khu vực. Vì vậy, việc còn lại là tiếp tục giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn để đảm bảo dễ dàng phát hiện sớm nguy cơ tiềm ẩn vi rút Zika sẽ quay trở lại.

3. Khu vực Đông Địa Trung Hải

Không có quốc gia nào trong Khu vực Đông Địa Trung Hải của WHO (EMRO) có báo cáo lây truyền ZIKV tại bản địa/tại chỗ (autochthonous transmission). Sự hiện diện của muỗi Aedes aegypti, véc tơ truyền bệnh ZIKV do muỗi Aedes aegypti gây ra đã được ghi nhận ở các nước: Djibouti, Ai Cập, Oman, Pakistan, Ả Rập Saudi, Somalia, Sudan và Yemen. EMRO đã chuẩn bị một kế hoạch để triển khai việc giám sát và đánh giá.

4. Khu vực châu Âu

Mặc dù, các du khách châu Âu báo cáo nhiều trường hợp nhiễm ZIKV liên quan đến việc đi du lịch, nhưng trong báo cáo không có quốc gia nào trong khu vực đề cập đến bệnh lây truyền vi rút Zika tại chỗ/bản địa. Véc tơ truyền bệnh được khẳng định là do muỗi Aedes aegypti lưu hành ở các vùng của Georgia, Bồ Đào Nha, Liên bang Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 12 năm 2017, Viện nhiệt đới và Sức khỏe Cộng đồng của Quần đảo Canary ở Tây Ban Nha đã phát hiện có sự hiện diện của muỗi Aedes aegypti trong một khu vực ở Fuerteventura; tiếp tục điều tra để xác định xem có lưu hành véc tơ truyền bệnh ZIKV hay không.

5. Khu vực Đông Nam Á

Năm 1960, một số quốc gia ở khu vực Đông Nam Á đã lưu hành ZIKV. Mặc dù, khu vực Đông Nam Á từ lâu đã lưu hành ZIKV, nhưng thông tin về dịch tễ học của vi rút Zika và các biến chứng liên quan của bệnh ZIKV ở khu vực vẫn còn hạn chế.

Trước năm 2015, các trường hợp nhiễm ZIKV đã được xác định là các cư dân và các khách du lịch trở về từ Bangladesh, Indonesia, Maldives và Thái Lan, các trường hợp này được xác định bằng xét nghiệm huyết thanh hoặc xét nghiệm phân tử. Thái Lan đã báo cáo xác định các trường hợp mắc Hội chứng đầu nhỏ do dòng châu Á. Việc phát hiện Hội chứng đầu nhỏ do vi rút Zika gây ra còn hạn chế ở khu vực Đông Nam Á. Nguyên nhân thứ nhất, là do mức độ lây lan ZIKV trong cộng đồng thấp; Nguyên nhân thứ hai, là do số liệu dịch tễ học còn hạn chế. Cải thiện việc giám sát, điều tra dịch tễ học rất quan trọng và cần thiết để xác định tỷ lệ nhiễm ZIKV ở khu vực Đông Nam Á và ảnh hưởng của nó đến kết quả sinh nở.

6. Khu vực Tây Thái Bình Dương

Trước khi có dịch bệnh ZIKV xảy ra năm 2015-2016 ở châu Mỹ, đã xảy ra dịch bệnh ZIKV tại (Liên bang Micronesia vào năm 2007, Hòn đảo Polynesia thuộc Pháp vào năm 2013, Quần đảo Cook vào năm 2014, và Tân đảo Caledonia vào năm 2014). Năm 2015, báo cáo các trường hợp nhiễm ZIKV ở trong phòng thí nghiệm, các mẫu huyết thanh của các du khách trở về từ Malaysia và Việt Nam. Xác định việc lây truyền vi rút Zika từ trước năm 2015 bằng việc phân tích các mẫu huyết thanh ở người bệnh hoặc muỗi truyền bệnh tại (Campuchia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Malaysia, đảo Tân Ghi-nê và Philippines).

Dịch bệnh xảy ra trong giai đoạn 2015-2016, tám quốc gia và vùng lãnh thổ khác của Quần đảo Thái Bình Dương lần đầu tiên báo cáo các trường hợp nhiễm ZIKV đã xác định trong phòng thí nghiệm, bao gồm (Quần đảo Samoa, Quần đảo Fiji, Samoa, Quần đảo Solomon, Quần đảo Vanuatu, Quần đảo Marshall, Quần đảo Palau và Quần đảo Tonga). Thông tin về tỷ lệ mắc bệnh ZIKV và dự đoán truyền nhiễm ZIKV ở khu vực Tây Thái Bình Dương vẫn còn hạn chế. Một số quốc gia cập nhật dịch bệnh ZIKV được đánh dấu dưới đây.

  1. Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào

Năm 2019, công bố một kết quả hồi cứu của 359 người hiến máu không có triệu chứng bệnh trong năm 2003-2004 và 687 người hiến máu trong năm 2015, các mẫu huyết thanh này được tiến hành sàng lọc ZIKV IgG bằng cách thử trung hòa vi rút Zika cho thấy tỷ lệ xuất hiện ZIKV được tìm thấy trong huyết thanh là 4,5% của 359 người hiến máu trong năm 2003-2004 và 9,9% trong năm 2015.

  1. Singapore

Tháng 8.2016, Bộ Y tế (MOH) và Cơ quan Môi trường Quốc gia (NEA) tại Singapore báo cáo trường hợp nhiễm ZIKV đầu tiên đã lây truyền ZIKV tại địa phương và các trường hợp nhiễm ZIKV được xác định tại một cụm và 14 cụm nhỏ hơn ở Kallang, còn các trường hợp lẻ tẻ được báo cáo trong năm 2017 và không có trường hợp nào được báo cáo kể từ tháng 1.2018 cho đến nay.

  1. Việt Nam

Sau khi phát hiện các trường hợp nhiễm vi rút Zika tại địa phương vào tháng 3 năm 2016, chính quyền địa phương đã tăng cường các biện pháp giám sát và kiểm soát bệnh do vi rút Zika. Tính đến tháng 3 năm 2017, 23 trường hợp nhiễm vi rút Zika được xác nhận trong phòng thí nghiệm đã được ghi nhận tại Việt Nam. Tháng 6 năm 2016, 01 trường hợp trẻ 4 tháng tuổi sinh sống tại Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk có triệu chứng di tật bẩm sinh nghi mắc chứng đầu nhỏ, được xác định do người mẹ bị sốt xuất huyết (dengue) phát hiện bằng (PRNT) lúc mang thai và đã lây truyền sang con. Mới đây, xét nghiệm bổ sung các mẫu huyết thanh đã xác định bằng chứng có 04 người trong một gia đình và 02 người hàng xóm nhiễm ZIKV, theo kiến nghị gần đây có một ổ dịch cho rằng, khó khăn tiềm ẩn trong việc phát hiện các đợt bùng phát dịch bệnh ZIKV do không có triệu chứng lâm sàng.

Vi rút Zika và Hội chứng đầu nhỏ (microcephaly) ở khu vực Tây TBD

Dịch bệnh ZIKV ở Quần đảo Polynesia năm 2013-2014 ước tính đã lây nhiễm hơn một nửa dân số nói chung. Phân tích hồi cứu cho thấy 08 trường hợp mắc Hội chứng đầu nhỏ trong đợt bùng phát dịch. Năm 2016, Quần đảo Marshall đã báo cáo một trường hợp mắc Hội chứng đầu nhỏ liên quan đến nhiễm ZIKV khi mang thai. Năm 2016, tại Việt Nam xảy ra 02 trường hợp nhiễm ZIKV trong thai kỳ, kết quả thai nhi đều mắc Hội chứng đầu nhỏ và được báo cáo vào năm 2017. Trường hợp đầu tiên, xét nghiệm mẫu huyết thanh phát hiện Hội chứng đầu nhỏ liên quan đến nhiễm ZIKV. Trường hợp thứ hai, người mẹ nhiễm ZIKV dẫn đến thai chết trong tử cung. Xác định nhiễm ZIKV bằng PCR trong bào thai và nhau thai; Chồng của phụ nữ mang thai nhiễm ZIKV trước đó đã đi du lịch đến Malaysia. Phân tích giải trình tự bộ gen ZIKV cho thấy một chủng ZIKV dòng châu Á, liên quan chặt chẽ với các chủng ZIKV từ Malaysia và Quần đảo Polynesia thuộc Pháp; tuy nhiên, so sánh trình tự đoạn gen không mô tả các chủng ZIKV. Việc phát hiện hạn chế Hội chứng đầu nhỏ bẩm sinh trong khu vực Tây Thái Bình Dương có thể là do mức độ lây truyền thấp trong cộng đồng nói chung hoặc hệ thống giám sát và phát hiện bệnh còn hạn chế. Nâng cao hệ thống giám sát, điều tra dịch tễ học là rất cần thiết để xác định tỷ lệ lây truyền ZIKV ở khu vực Tây Thái Bình Dương và ảnh hưởng của nó đến kết quả sinh nở.

ThS. Cao Thị Hường

Lược dịch từ: World Health Organization. Countries and territories with current or previous Zika virus transmission. Updated July 2019. Accessible at: https://www.who.int/emergencies/diseases/zika/epidemiology-update/en/