ĐIỂM TIN Y TẾ TUẦN 09-10

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Việt Nam nằm ngoài danh sách điểm đến có khả năng lây lan COVID-19

Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế, WHO và CDC Mỹ đều đánh giá cao công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam, cho rằng Việt Nam đã phòng chống dịch bệnh với quyết tâm rất cao, các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch.

WHO đánh giá cao nỗ lực và các biện pháp mạnh tay của Chính phủ Việt Nam trong hai tháng qua và bày tỏ, cộng đồng quốc tế cũng mong Việt Nam chia sẻ các bài học kinh nghiệm về tổ chức cách ly, ngăn ngừa, điều trị dịch bệnh.

CDC Mỹ đã quyết định đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các điểm đến có khả năng lây lan COVID-19 ra cộng đồng. Đồng thời, đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng chống, điều trị dịch COVID-19. Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ cũng sẵn sàng xem xét hỗ trợ thêm Việt Nam các trang thiết bị phòng chống dịch bệnh.

2. Mừng ngày Thầy thuốc 27/2/2020

Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2) năm nay, Bộ Y tế thông báo dừng các hoạt động vinh danh Thầy thuốc để tập trung chống dịch COVID-19. Dịch đã hoành hành, cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng chống dịch, nhưng vất vả, gian nan nhất chính là cán bộ y tế. Tính đến nay, Việt Nam đã bước đầu kiểm soát tốt, khoanh vùng, cách ly, điều trị thành công 16 ca bệnh dương tính với COVID-19.

Trong 65 năm qua, Ngành Y tế Việt Nam không chỉ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe của Nhân dân mà còn có đóng góp ngày càng tích cực vào sự phát triển của y học thế giới. Chính đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế là những người lính xung kích trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh, góp phần quan trọng tạo nên kết quả khả quan mà nhiều quốc gia phát triển có nền y tế hiện đại cũng chưa đạt được.

Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Mạng lưới y tế dự phòng, cơ sở khám chữa bệnh, sản xuất và cung ứng dược phẩm, bảo hiểm y tế, năng lực chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ đều có bước phát triển rõ rệt.

3. Cẩn thận với căn bệnh nguy hiểm nhưng ít biết đến: sốt mò

Sốt mò (scrub typhus) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính lưu hành ở Việt Nam và nhiều nước vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới. Bệnh có biểu hiện đặc trưng bởi sốt cao kéo dài, đau đầu dữ dội, da niêm mạc xung huyết và phát ban, vết loét ngoài da đặc trưng do ấu trùng mò đốt, sưng đau hạch ngoại vi gần nơi vết loét.

Tác nhân gây sốt mò là Orientia tsutsugamushi, một loại vi khuẩn Gram âm thuộc họ Rickettsiacea. Nguồn bệnh và trung gian truyền bệnh là loài mò Leptotrombidium. Bệnh sốt mò lưu hành ở những nơi có cây cỏ thấp, là sinh cảnh tự nhiên của quần thể mò - chuột, thường là vùng nông thôn. Bệnh thường xuất hiện lẻ tẻ, có thể gặp quanh năm, cao điểm là các tháng xuân - hè - thu.

Hiện chưa có vaccine phòng sốt mò, do đó, để dự phòng bệnh, người sống trong vùng có bệnh sốt mò lưu hành cần áp dụng những biện pháp phòng chống ấu trùng mò đốt như tránh đi vào khu vực có lùm cây cỏ lúp xúp, mặc quần áo kín, mặc quần áo có ngâm tẩm các hóa chất chống côn trùng như benzyl benzoat, bôi các hóa chất xua côn trùng như diethyltoluamide lên các vùng da hở. Kiểm soát quần thể mò.

TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. WHO nâng mức cảnh báo dịch COVID-19lên mức cao nhất

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 28/2 đã nâng đánh giá rủi ro toàn cầu do virus corona chủng mới gây ra từ mức “cao” lên “rất cao” sau khi dịch tiếp tục xu hướng lan rộng.

Động thái nâng mức cảnh báo rủi ro của WHO được đưa ra trong bối cảnh dịch COVID-19 có xu hướng lan rộng bên ngoài Trung Quốc đại lục. Đến nay, dịch bệnh COVID-19 đã lan ra tổng cộng 66 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tổng số ca nhiễm do Covid-19 là 88.584 người và tổng số ca tử vong đã lên đến 3.043 người.

Trong đó, số ca mắc COVID-19 tại Hàn Quốc đã vượt 3.700 người, tại Italy đã gần 1.700 người, tại Iran gần 1.000 người, tại Pháp tới 130 người, Đức 129 người. Bên cạnh Italy, các quốc gia Pháp, Đức Pháp, Tây Ban Nha là các quốc gia có số ca tăng nhanh trong vài ngày gần đây tại khu vực châu Âu.

Ban Biên tập website Viện