VĂN BẢN PHÁP LÝ, CHỈ ĐẠO
1. TP. Hồ Chí Minh siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19
Từ ngày 27/4/2021 đến nay, Thành phố ghi nhận nhiều ca nhiễm trên địa bàn với nhiều chuỗi lây nhiễm. Đặc điểm lớn nhất của đợt dịch này là chủng virus Delta lây nhiễm mạnh trong gia đình, khu dân cư, nơi làm việc, đặc biệt là các tòa nhà văn phòng, chung cư, các cơ sở sản xuất thực phẩm đông lạnh. Sự lây nhiễm từ gia đình vào nơi làm việc và từ nơi làm việc về nhà đã làm cho dịch lây lan rất nhanh và rộng trên địa bàn Thành phố. Trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm trong những ngày gần đây lên đến 03 con số và có những ca bệnh chưa rõ nguồn lây, dự báo sẽ xuất hiện nhiều ca nhiễm trong cộng đồng.
Để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh COVID-19, ngày 19/6/2021 Thành phố đã ban hành Chỉ thị 10/CT-UBND về siết chặt và tăng cường biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Theo đó, UBND TP. HCM yêu cầu mọi người dân ngoài chấp hành nghiêm việc thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 của Thủ tướng Chính phủ và các Công văn số 1749/UBND-VX ngày 30/5/2021, Công văn số 1931/UBND-VX ngày 14/6/2021, Công văn số 1948/UBND-VX ngày 16/6/2021 và tăng cường thêm các biện pháp:
- Dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, dừng hoạt động các chợ tự phát. Không tụ tập trên 03 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tuân thủ triệt để quy tắc 5K của Bộ Y tế; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 1,5 mét giữa người với người tại các địa điểm công cộng; … Yêu cầu mọi người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, xí nghiệp và các trường hợp khác … Cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu để phục vụ người dân Thành phố và nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp được tiếp tục hoạt động nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch đã quy định… Dừng các hoạt động hội họp không cần thiết. Trong trường hợp cần thiết phải tổ chức các cuộc họp, sự kiện, đảm bảo không tập trung quá 10 người trong một phòng, ngoại trừ các cuộc họp đặc biệt quan trọng được chính quyền địa phương cho phép và phải tuân thủ tuyệt đối quy tắc 5K của Bộ Y tế.
- Thực hiện việc cách ly, phong tỏa đối với các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao để kiểm soát tình hình dịch bệnh tại các địa phương.
- Các cơ quan, đơn vị nhà nước tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết mới đến làm việc tại công sở. Số lượng người làm việc cụ thể tại công sở do Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết định và không quá 1/2 tổng số người lao động để đảm bảo duy trì các nhiệm vụ của đơn vị; riêng lực lượng vũ trang và ngành y tế Thành phố đảm bảo 100% quân số. Đối với số lượng cán bộ công chức người lao động thuộc lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19 các cấp, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm phân công, bố trí phù hợp với yêu cầu công tác.
Chi tiết Chỉ thị 10/CT-UBND ngày 19/6/2021.
2. Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19
Ngày 18/6/2021, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2995/QĐ-BYT về việc: “Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19” áp dụng cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở tiêm chủng Nhà nước và tư nhân trên cả nước. Mục đích khám sàng lọc là phát hiện và phân loại các đối tượng trước khi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 để đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành và bãi bỏ Quyết định số 1624/QĐ-BYT ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca.
Chi tiết Quyết định số 2995/QĐ-BYT ngày 18/6/2021.
TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN
1. Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam
Tính đến 6h sáng ngày 21/6, Việt Nam có tổng cộng 13.258 ca mắc COVID-19 trong đó 7.963 ca đang điều trị, 5.229 ca đã khỏi bệnh và 66 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay là 9.989, ghi nhận ở 42 tỉnh thành.
Riêng trong đợt dịch lần thứ 4 được tính từ ngày 27/4 đến 6 giờ ngày 21/6, TP. HCM đã ghi nhận 1.651 ca nhiễm trong cộng đồng với 23 chuỗi, ổ lây nhiễm đã được xác định với nhiều mối liên hệ dịch tễ khác nhau; trong đó chuỗi lây nhiễm điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng đã phát hiện tổng cộng 520 trường hợp dương tính. TP. HCM đã lấy mẫu 688.555 người, trong đó 13.767 F1, hơn 82.700 F2 và hơn 592.000 diện F khác liên quan các ca Covid-19 cộng đồng, tính đến ngày 20/6. Hiện chiến dịch tiêm chủng lần 4 cũng đã được bắt đầu triển khai với tổng số 836.000 liều được cấp và được dự kiến hoàn thành trước 27/6.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe là hơn 172.746, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện là hơn 1.937; cách ly tập trung tại cơ sở khác là hơn 40.264; số còn lại tại nhà, nơi lưu trú.
Về thông tin tiêm chủng, tính đến 16 giờ ngày 20/6, Việt Nam đã thực hiện tiêm 2.422.643 liều vaccine phòng Covid-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ hai mũi là 121.683 người.
TIN Y TẾ QUỐC TẾ
1. Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới
Tính đến ngày 21/6, thế giới ghi nhận hơn 179.252.416 triệu ca mắc trong đó có 3.882.008 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục đã đạt 163.805.325 người, 11.565.083 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 82.622 ca nguy kịch.
Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 34.406.001 triệu người, trong đó có 617.166 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 29.934.361 ca nhiễm, bao gồm 388.164 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 17.927.928 ca bệnh và 501.918 ca tử vong.
Indonesia, Philippines và Malaysia là ba quốc gia có số ca nhiễm cao trong khu vực Đông Nam Á. Số ca nhiễm tại Indonesia hiện là 1.989.909 triệu người, trong đó có 54.622 ca tử vong. Philippines ghi nhận tổng cộng 1.359.015 ca nhiễm, bao gồm 23.621 ca tử vong. Trong khi đó, Malaysia xếp thứ ba với 696.408 ca bệnh và 4.408 ca tử vong.
Ban Biên tập website Viện