ĐIỂM TIN Y TẾ TUẦN 40

VĂN BẢN CHỈ ĐẠO

1. Mỗi người sẽ có một mã định danh y tế duy nhất

Bộ Y tế vừa có Quyết định 4376/QĐ-BYT về việc ban hành Quy chế xác lập, sử dụng và quản lý mã định danh y tế (tên tiếng Anh là Health Identification, viết tắt là ID). Theo đó, mã định danh y tế được xác lập tự động từ hệ thống mã định danh của Bộ Y tế dựa trên cơ sở mã số BHXH và thông tin hành chính của người dân.

Theo Quyết định này, các cơ sở y tế trên toàn quốc kết nối với hệ thống mã định danh y tế quốc gia để được cấp tự động ID của người bệnh. Trường hợp cơ sở y tế không kết nối với hệ thống mã định danh y tế quốc gia, cán bộ y tế truy cập vào trang thông tin của hệ thống mã định danh y tế quốc gia để tra cứu ID của người dân. Quyết định 4376/QĐ-BYT có hiệu lực kể từ ngày 24-9.

2. Thanh tra một số hoạt động liên quan lĩnh vực y tế

Ngày 23-9, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức công bố Quyết định số 656/QÐ-TTCP ngày 17-9-2019 của Tổng TTCP về thanh tra việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế; mua sắm trang, thiết bị y tế và vật tư tiêu hao; đấu thầu thuốc chữa bệnh tại Bộ Y tế, Bảo hiểm y tế và một số bệnh viện thuộc Bộ Y tế cũng như tại một số cơ sở y tế địa phương.

Theo Quyết định, nội dung thanh tra, gồm: Thanh tra việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế; mua sắm trang, thiết bị y tế và vật tư tiêu hao; đấu thầu thuốc chữa bệnh tại Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và một số cơ sở khám, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế; kiểm tra, xác minh nội dung liên quan tại một số cơ sở y tế thuộc bộ, địa phương.

Thời kỳ thanh tra từ ngày 1-1-2014 đến ngày 31-12-2018 (khi cần thiết có thể xem xét trước hoặc sau thời kỳ này). Thời hạn thanh tra là 80 ngày làm việc thực tế kể từ ngày công bố Quyết định thanh tra, không kể ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định. Ðoàn thanh tra gồm 16 thành viên do Thanh tra viên cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối kinh tế ngành (Vụ I - TTCP) Vũ Ðức Tâm làm Trưởng đoàn; tổ giám sát hoạt động đoàn thanh tra gồm bốn người do Trưởng phòng Nghiệp vụ III, Vụ Giám sát, Thẩm định và xử lý sau thanh tra Hoàng Ðức Quỳnh làm Tổ trưởng.

3. Các mẫu phiếu và hướng dẫn khảo sát hài lòng người bệnh và nhân viên y tế

Ngày 28/8/2019 vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3869/QĐ-BYT về việc ban hành các mẫu phiếu và hướng dẫn khảo sát hài lòng người bệnh và nhân viên y tế. Ban hành kèm theo Quyết định là các biểu mẫu khảo sát, hướng dẫn phương pháp và phần mềm khảo sát hài lòng bao gồm: Phiếu khảo sát ý kiến người bệnh nội trú; Phiếu khảo sát ý kiến người bệnh ngoại trú; Phiếu khảo sát ý kiến của nhân viên y tế; Phiếu khảo sát ý kiến của người mẹ sinh con tại bệnh viện; Phiếu khảo sát thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ; Hướng dẫn phương pháp khảo sát hài lòng người bệnh, người mẹ và nhân viên y tế; Mẫu phiếu thông tin chung của bệnh viện đăng kí tham gia khảo sát và địa chỉ trực tuyến nhập số liệu khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế tại địa chỉ: http://chatluongbenhvien.vn/.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Bộ trưởng Bộ Y tế tham dự phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc

Từ ngày 23-26/9/2019, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Bảo vệ chăm sóc sức khoẻ Trung ương dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự phiên họp toàn thể cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân tại New York (Mỹ), đồng thời thăm và làm việc tại Đại học Harvard.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có bài phát biểu tại Hội nghị, trong đó nêu rõ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc củng cố hệ thống y tế cơ sở để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt hơn cho người dân, đảm bảo để người dân được thụ hưởng các chương trình chăm sóc sức khỏe do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả. Hệ thống y tế cơ sở được thiết lập từ Trung ương đến địa phương với hơn 11.000 trạm y tế xã. Hầu hết các trạm y tế xã đều có bác sĩ, y tá, nữ hộ sinh, cán bộ y học cổ truyền và hoạt động dựa trên nguyên lý y học gia đình.

Theo báo cáo giám sát tình hình chăm sóc sức khỏe toàn dân năm 2017 do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) tiến hành, chỉ số bao phủ dịch vụ y tế của Việt Nam đạt 73/100 điểm, có thể coi là khá cao so với mức chung trong vùng Đông Nam Á là 59/100 và toàn cầu là 64/100. Chương trình bảo hiểm y tế hiện đạt 90% dân số tham gia bảo hiểm và chính phủ trợ cấp 100% phí bảo hiểm y tế cho những đối tượng dễ bị tổn thương, người có hoàn cảnh khó khăn và trợ cấp 70% cho người nghèo.

2. Tiêm vắc-xin để loại trừ bệnh dại

Phòng bệnh bằng vắc-xin cho người và động vật là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa tử vong do bệnh dại ở người. Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại (28-9) năm 2019 với chủ đề "Bệnh dại: Tiêm phòng vắc-xin để loại trừ" nhằm tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về căn bệnh này.

Phó Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Ðặng Quang Tấn cho biết: Dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi-rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ chó, mèo. Người nhiễm vi-rút dại khi đã xuất hiện triệu chứng lâm sàng thì tỷ lệ tử vong lên đến 100%. Trong khi đó, những ca này hoàn toàn có thể phòng, tránh được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắc-xin kịp thời, đúng, đầy đủ. Từ đầu năm đến nay, nước ta ghi nhận 54 trường hợp tử vong do bệnh dại ở người tại 24 tỉnh, thành phố. Dù số trường hợp tử vong thấp hơn, nhưng bệnh có xu hướng lan rộng thêm tới các địa phương khác.

TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Đột phá trong sử dụng sinh học quang tử để chẩn đoán sớm HIV

Nhóm nghiên cứu của Hội đồng nghiên cứu khoa học và công nghiệp (CSIR) Nam Phi đã thành công trong việc sử dụng tia laser - sinh học quang tử để phân tích tế bào nhằm phát hiện sớm vi rút HIV, vi khuẩn lao cũng như sàng lọc thuốc điều trị không đạt chuẩn.

Tiến sĩ Mthunzi-Kufa cho biết: Việc sử dụng phương pháp quang học đánh dấu ngẫu nhiên (label-free optical method) để phát hiện HIV từ lúc mới xâm nhập cho đến giai đoạn bộc phát. Việc phát hiện này có vai trò quan trọng, bởi các bác sĩ hiện gặp khó khăn khi chẩn đoán chính xác bệnh nhân mắc HIV ở gian đoạn đầu. Do không được chẩn đoán đúng cách và đúng thời điểm, nhiều bệnh nhân không được điều trị kịp thời. Khi bệnh nhân được chẩn đoán, có thể bệnh lý đã diễn biến theo chiều hướng xấu.

Nghiên cứu cho thấy: Các tế bào bị và chưa bị nhiễm biểu hiện quang phổ khác nhau khi được phân tích thông qua các kỹ thuật laser. Đây là phương pháp mới so với các phương pháp thông thường để phát hiện các tế bào bị nhiễm. Nhóm nghiên cứu đã nộp hồ sơ xin cấp bằng sáng chế và công trình đã được công bố trên "Tạp chí sinh học quang tử", gây tiếng vang lớn trong nước và quốc tế.

Ban Biên tập website Viện