ĐIỂM TIN Y TẾ TUẦN 41

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Có 56 loại phụ gia phẩm màu được dùng trong thực phẩm

Nội dung này nằm trong Thông tư số 24/2019/TT-BYT của Bộ Y tế về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm, áp dụng từ ngày 16/10/2019.

Cụ thể, tại Thông tư này, Bộ Y tế công nhận 56 loại phụ gia phẩm màu được phép dùng trong thực phẩm, như: Curcumin; các bon thực vật; màu ngô tím; màu bắp cải đỏ và hàng trăm phụ gia khác là chất bảo quản, chất điều vị, chất tạo ngọt…

Khi sử dụng phụ gia, phải đảm bảo một số nguyên tắc nhất định:

  • Phụ gia thực phẩm phải là loại được phép sử dụng và đúng đối tượng thực phẩm;
  • Không vượt quá mức sử dụng tối đa;
  • Hạn chế đến mức thấp nhất lượng phụ gia cần thiết để đạt được hiệu quả như mong muốn…

2. Bán thuốc diệt côn trùng chung với thực phẩm bị phạt đến 3 triệu

Từ ngày 15/10/2019, Nghị định 71/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp sẽ có hiệu lực.

Theo đó, sẽ phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng nếu có các hành vi vi phạm trong hoạt động mua bán chế phẩm côn trùng, diệt khuẩn như sau:

  • Bày bán chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn không tách biệt với nơi bày bán các loại thực phẩm;
  • Điều kiện bảo quản chế phẩm không đáp ứng yêu cầu bảo quản ghi trên nhãn chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn;
  • Không cung cấp đầy đủ thông tin hoặc cung cấp sai về các đặc tính nguy hiểm của hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn, gây hại cho sức khỏe…

Ngoài bị phạt tiền, người nào vi phạm còn có thể bị đình chỉ hoạt động mua bán chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế từ 01 - 03 tháng.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Lo ngại bệnh tay chân miệng bùng phát trong thời gian tới

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 20.000 ca mắc tay chân miệng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2018 và có nguy cơ bùng phát trong các tháng tới. Năm học mới bắt đầu hơn một tháng, thời tiết giao mùa dễ dàng thuận lợi cho virus tay chân miệng phát triển nếu không vệ sinh phòng bệnh tốt. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để phòng bệnh tay chân miệng là điều “xa xỉ” khi trẻ học cả ngày ở trường, trong khi nhiều trường học không có xà phòng để học sinh rửa tay, nhà vệ sinh xuống cấp. Tình hình dịch bệnh tay chân miệng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát rộng, đặc biệt trong các tháng 10, 11. Nguyên nhân bệnh tay chân miệng có thể gia tăng nhanh do trẻ em, học sinh tập trung trở lại vào năm học mới, vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi học tập, vui chơi của trẻ chưa được đảm bảo, nhất là tại các trường mầm non, cơ sở giáo dục đào tạo…

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm, thường có khả năng tự khỏi và ít gây biến chứng. Tuy nhiên, bệnh tay chân miệng do virus Enterovirus 71 (EV71) được coi là nguy hiểm bởi kèm theo nhiều biến chứng khác. Biến chứng nguy hiểm nhất của EV71 đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của trẻ là viêm não, màng não. Hiện nay, bệnh tay chân miệng chưa có vaccine phòng bệnh.

Theo khuyến cáo ngành y tế, cả cha mẹ và trẻ em phải hình thành thói quen thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước đang chảy nhiều lần trong ngày; trước khi bế trẻ, chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, thay bỉm; vệ sinh miệng, họng cho trẻ sạch sẽ; vệ sinh đồ chơi, vật dụng cầm nắm của trẻ thường xuyên. Các trường học tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở học sinh rửa tay bằng xà phòng để ngăn ngừa bệnh hiệu quả. Ngoài ra, tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc với người bị tay chân miệng hoặc những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Với trẻ đang bị mắc tay chân miệng cần cách ly trẻ ở nhà 10 ngày, không nên đưa trẻ đến lớp hay nơi tụ tập đông người để phòng lây nhiễm sang các trẻ khác.

2. Nỗ lực kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện vì sự an toàn của người bệnh

Ngày 30/9, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam và CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đã tổ chức hội nghị tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại Khoa Gây mê hồi sức và hồi sức tích cực trong cơ sở khám chữa bệnh.

Phát biểu tại hội nghị, PGS. TS Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ Trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương nhấn mạnh: Kiểm soát nhiễm khuẩn có vai trò quan trọng trong khám bệnh, chữa bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tại các quốc gia châu Âu khoảng 5%, trong khi con số này tại các nước thu nhập thấp và trung bình là 5,7%-19,1%. “Đây là một trong các nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh, tăng biến chứng, ngày điều trị, chi phí nằm viện, tỷ lệ tử vong. Nhiễm khuẩn BV cũng gây quá tải, giảm chất lượng và uy tín bệnh viện và trở thành gánh nặng chăm sóc y tế. Đôi khi biến chứng của nhiễm khuẩn BV còn nặng hơn chính bệnh mà bệnh nhân mắc phải”.

Theo Bộ trưởng, đến nay công tác kiểm soát nhiễm khuẩn đã đạt được một số kết quả nhất định, bước đầu thực hiện giám sát ca bệnh nhiễm khuẩn BV, giám sát tuân thủ vệ sinh tay, giám sát tuân thủ các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, giám sát vi sinh vật gây nhiễm khuẩn BV và kháng kháng sinh, từng bước chuẩn hóa công tác khử khuẩn, tiệt khuẩn, tăng cường vệ sinh BV, chủ động phòng chống bệnh dịch... Mặc dù vậy, nhiễm khuẩn BV đang là vấn đề rất đáng quan ngại hiện nay. Nghiên cứu của BV Bệnh Nhiệt Đới Trung ương (2013), khảo sát tại khoa Hồi sức tích cực của 15 BV từ 3 miền Bắc, Trung, Nam cho thấy tỷ lệ là 27,3%, tỉ lệ sử dụng kháng sinh thay đổi ở các khoa và BV dao động từ 60,5% đến 99,5%. Các BV tuyến trung ương có tỷ lệ nhiễm khuẩn BV cao hơn và tác nhân hàng đầu gây nhiễm khuẩn BV. Đặc biệt các vi khuẩn gram âm kháng với nhiều loại kháng sinh đặc trị như kháng với nhóm carbapenem dao động từ 50% đến 75%.

TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Máu nhân tạo truyền cho mọi nhóm máu

Các nhà nghiên cứu Đại học Y khoa Quốc phòng Nhật Bản đã thử nghiệm truyền máu nhân tạo trên cơ thể 10 con thỏ bị xuất huyết nghiêm trọng. Kết quả, 6 con sống sót, đạt tỷ lệ tương đương khi truyền máu thật, không có trường hợp nào đông máu và kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Transfusion (Mỹ).

Thiếu hụt tế bào tiểu cầu và hồng cầu nghiêm trọng ở người có thể dẫn đến tử vong. Hiện nay, thời gian lưu trữ tối đa các tế bào tiểu cầu và hồng cầu lần lượt là 4 và 20 ngày. Các cơ sở y tế luôn phải đảm bảo dự trữ một lượng lớn tiểu cầu và hồng cầu hiếm thuộc tất cả các nhóm máu cho trường hợp khẩn cấp. "Máu nhân tạo sẽ tăng cơ hội sống sót cho bệnh nhân sống ở vùng sâu vùng xa bởi rất khó dự trữ đủ lượng máu ở các khu vực này", ông Manabu Kinoshita, phó giáo sư miễn dịch học tại Đại học Y khoa Quốc phòng, thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,