ĐIỂM TIN Y TẾ TUẦN 47

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Việt Nam sẽ dự báo được dịch sốt xuất huyết trước sáu tháng

Với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nhà khoa học ở Vương quốc Anh, Việt Nam đã được lựa chọn vào Dự án mô hình thử nghiệm hệ thống cảnh báo dịch sốt xuất huyết tích hợp dữ liệu quan trắc từ vệ tinh. D-MOSS có thể dự báo các đợt dịch sốt xuất huyết bùng phát trước tới 6 tháng. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên được lựa chọn thử nghiệm mô hình này. Mô hình này cần nhiều chỉ số khác nhau như khí hậu, thời tiết, lượng mưa, độ ẩm, vấn đề di dân... Do đó, mô hình này nếu hoàn thiện sẽ giúp ích rất nhiều cho công tác lập kế hoạch phòng, chống sốt xuất huyết cũng như triển khai các biện pháp kỹ thuật cho phòng chống SXH theo đúng khu vực dự báo có sốt xuất huyết tăng.

Tuy nhiên, thời điểm này Việt Nam vẫn còn gặp hạn chế do chỉ có một số hạn chế có sẵn. Vì thế, cần phải bổ sung thêm các chỉ số để mô hình có tính chính xác cao hơn. Theo bà Sitara Syed, Phó Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam cho biết, hệ thống sẽ cảnh báo sớm cho ngành y tế rằng sắp tới có dịch sốt xuất huyết xuất hiện tại thời điểm nhất định trong năm, ở địa bàn nhất định trong năm. Như vậy nó sẽ giúp cho ngành y tế có thể lên kế hoạch phòng chống rất sớm để trong tương lai nhằm giảm thiểu tác động của dịch sốt xuất huyết. Việt Nam sẽ triển khai hệ thống D-MOSS tại bốn địa phương là Hà Nội, Đồng Nai, Khánh Hoà, Đắk Lắk. Dự kiến đến tháng 6, 7-2021 chính thức đưa hệ thống vào vận hành.

2. Đề xuất tăng thuế, kiểm soát chặt quảng cáo thuốc lá trên Internet

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, theo WHO, Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới, đứng thứ ba tại ASEAN sau Indonesia và Philippines. Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành thì Việt Nam hiện có 45,3% người hút thuốc lá, nghĩa là cứ hai người có một người hút thuốc. Hiện nay, có khoảng 53,3% người không hút thuốc lá bị phơi nhiễm khói thuốc lá trong gia đình, 36,8% người không hút thuốc lá làm việc trong những tòa nhà bị phơi nhiễm khói thuốc lá. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40 nghìn người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá. Mặc dù giá bán thuốc lá tối thiểu đã được điều chỉnh tăng và đã tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình từ năm 2013, nhưng giá bán tối thiểu và mức điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt còn thấp và giá xuất xưởng thấp so với mặt bằng các nước trong khu vực. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng tiêu dùng trong người dân và thu hút người hút mới, đặc biệt là những đối tượng nghèo và thanh thiếu niên.

Trong khi đó, tình hình buôn lậu thuốc lá điếu ngoại qua biên giới vẫn còn phức tạp. Cho đến nay, việc thực hiện thí điểm bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu chưa được thực hiện, còn tồn sáu triệu bao chưa được xử lý. Để kiểm soát việc quảng cáo sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là sản phẩm thuốc lá mới trên môi trường mạng, youtube, mạng xã hội, facebook…, Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có biện pháp kiểm soát chặt chẽ môi trường Internet đối với loại hình thuốc lá. Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục truyền thông về tác hại của thuốc lá và các quy định pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá, ưu tiên các hoạt động truyền thông ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá trong giới trẻ.

3. Bộ Y tế khai trương Cổng Dịch vụ công

Ngày 13/11, Bộ Y tế chính thức khai trương Cổng Dịch vụ công. Cổng Dịch vụ công Bộ Y tế là cổng tích hợp thông tin về dịch vụ công trực tuyến, về tình hình giải quyết, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở tích hợp và chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ Y tế. Cổng Dịch vụ công Bộ Y tế đi vào hoạt động sẽ cho phép công dân, doanh nghiệp dễ dàng tiến hành nộp hồ sơ trực tuyến, tự tra cứu và biết được tình trạng giải quyết thủ tục hành chính của mình mà không phải đến tận nơi cơ quan giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, công dân, doanh nghiệp có thể giám sát chất lượng các dịch vụ công một cách công khai, minh bạch, thông qua phản hồi, đánh giá quá trình giải quyết thủ tục hành chính của mình.

Ngoài ra, Cổng Dịch vụ công Bộ Y tế còn giúp cải tiến, nâng cấp và đơn giản hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính, nhằm từng bước cải thiện sự phục vụ công dân, doanh nghiệp với chất lượng và hiệu quả tốt nhất; đồng thời tiết kiệm được chi phí do tập trung quản lý tại một hệ thống duy nhất. Hiện nay, Bộ Y tế là một trong ba Bộ tiên phong kết nối Cổng Dịch vụ công của Bộ với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công các bộ, ngành và đã thử nghiệm kết nối với Cổng Dịch vụ công địa phương (tỉnh Bắc Ninh). Đồng thời, Cổng Dịch vụ công Bộ Y tế cũng sẽ được liên thông, kết nối với Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ Y tế, Cổng Một cửa Quốc gia và tới các địa phương trong cả nước trong lộ trình tiếp theo.

TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Ca dịch hạch thứ ba tại Trung Quốc

Ca bệnh được cơ quan y tế địa phương báo cáo ngày 17/11, là người thứ ba ở Trung Quốc bị dịch hạch trong vòng một tháng qua. Bệnh nhân giấu tên cho biết một tuần trước khi phát bệnh đã ăn thịt thỏ. Nhà chức trách cũng cho biết bệnh nhân thứ ba không liên quan đến hai ca dịch hạch thể phổi trước đó tại Bắc Kinh. Trong khi đó cơ quan y tế Bắc Kinh thông báo sức khỏe một trong hai bệnh nhân hiện đã ổn định, trường hợp còn lại chuyển biến "tương đối nghiêm trọng" dù ban đầu có dấu hiệu phục hồi.

Dịch hạch là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do trực khuẩn Yersinia pestis trong cơ thể động vật gặm nhấm gây ra. Bệnh tiến triển cấp tính và lây lan nhanh chóng với tỷ lệ tử vong cao. Bệnh dịch hạch ở người bao gồm các thể hạch, nhiễm khuẩn huyết, thể phổi và màng não. Trong đó, thường gặp là thể hạch và nguy hiểm hơn cả là thể phổi. Dấu hiệu là phát bệnh đột ngột, ớn lạnh, mệt mỏi, đau cơ, đau bụng, buồn nôn và đau đầu.

2. Diệt trừ thành công vi rút bại liệt

Tuyên bố được WHO đưa ra ngày 24/10 - Ngày Bại liệt Thế giới. Chủng vi rút bại liệt tuýp 3 (WPV3) đã bị tiêu diệt. Trường hợp mắc bệnh cuối cùng là vào năm 2012 tại Bắc Nigeria. Thế giới đạt thêm bước tiến mới trong quá trình xóa sổ hoàn toàn căn bệnh từng là nguyên nhân gây tử vong và bại liệt cho hàng triệu trẻ em.

Trong tuyên bố chính thức, WHO cho biết WPV1 là chủng vi rút bại liệt duy nhất còn tồn tại. David Salisbur, Chủ tịch Ủy ban Diệt trừ Bại liệt toàn cầu cho biết, loại trừ vi rút bại liệt tuýp 3 là một thành tựu quan trọng trong quá trình tiến tới xóa bỏ căn bệnh này. Trước đó chủng vi rút bại liệt tuýp 2 (WPV2) đã bị xóa sổ. Bệnh bại liệt chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi, từng là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 500.000 người mỗi năm. Năm 1988, khi WHO đưa ra chương trình dập dịch, bệnh bại liệt đến nay đã giảm hơn 99%. Vi rút bại liệt tuýp 1 hiện chỉ tồn tại ở Afghanistan và Pakistan. Nếu bị tiêu diệt thành công, bệnh bại liệt sẽ trở thành đại dịch thứ 2 trên thế giới sau đậu mùa, bị loại bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, các cuộc xung đột chính trị diễn ra tại hai nước này là thách thức đối với nỗ lực của các chuyên gia.

Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, WHO đề ra mục tiêu diệt trừ hoàn toàn bệnh bại liệt vào năm 2023.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,