ĐIỂM TIN Y TẾ TUẦN 49

VĂN BẢN PHÁP LÝ, CHỈ ĐẠO

1. Một số nội dung được mới được thông qua, điều chỉnh trong kì họp Quốc hội thứ 8

Về tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường, Bộ luật vừa được thông qua điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam (vào năm 2028) và đủ 60 tuổi đối với nữ (vào năm 2035). Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động là đủ 60 tuổi 3 tháng với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ. Người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.... có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn. Lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao được nghỉ hưu muộn hơn, nhưng không quá 5 năm so với quy định.

Về nghỉ lễ, tết, ngoài 10 ngày nghỉ theo quy định hiện hành, Bộ luật bổ sung thêm một ngày nghỉ vào dịp Quốc khánh. Chính phủ sẽ lựa chọn ngày nghỉ vào 1/9 hoặc 3/9 tuỳ theo lịch từng năm. Quy định này được 452 đại biểu tán thành (93,58%).

Về giờ làm việc bình thường, Bộ luật Lao động 2019 vẫn giữ quy định hiện hành là không quá 8 giờ mỗi ngày và 48 giờ mỗi tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì giờ làm việc không quá 10 giờ trong mỗi ngày và không quá 48 giờ mỗi tuần. Ban đêm, giờ làm việc được tính từ 22h đến 6h sáng hôm sau.

Về làm thêm giờ, Bộ luật quy định doanh nghiệp chỉ được sử dụng lao động làm thêm giờ khi có sự đồng ý. Số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường mỗi ngày. Nếu doanh nghiệp tính giờ làm việc theo tuần, tổng số giờ làm việc và làm thêm không quá 12 giờ mỗi ngày; không quá 40 giờ mỗi tháng. Bộ luật cũng nêu rõ, doanh nghiệp đảm bảo giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ mỗi năm.

Về nghỉ trong giờ làm việc, người lao động làm việc từ 6 giờ trở lên trong ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút; ban đêm được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục; nếu lao động làm việc theo ca thì thời gian nghỉ được tính vào giờ làm việc. Người lao động làm việc theo ca được nghỉ 12 giờ trước khi chuyển sang ca khác. Đồng thời, mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục.

2. Tăng cường công tác tiêm chủng

Để tiếp tục giữ vững và duy trì những thành quả trong phòng, chống dịch bệnh mà công tác tiêm chủng (CTTC) đã đem lại từ nhiều năm qua; nâng cao chất lượng, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, sử dụng vắc-xin trong nước; ngày 29/11/2019, Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 28/CT-TTg về việc tăng cường CTTC.

Theo đó, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan bảo đảm đủ nguồn vắc-xin cung ứng cho CTTC, đáp ứng nhu cầu phòng bệnh chủ động của người dân. Đồng thời, tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn tiêm chủng an toàn, giám sát và xử trí kịp thời các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ tham gia CTTC. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý CTTC trên cả nước, nhất là chú trọng việc ứng dụng tại tuyến cơ sở. Tăng cường xã hội hóa CTTC nhằm huy động các nguồn lực để phát triển hệ thống tiêm chủng, tăng thêm các hình thức dịch vụ tiêm chủng, sử dụng thêm nhiều loại vắc-xin mới, vắc-xin phối hợp. Xây dựng kế hoạch, lộ trình bổ sung vắc-xin mới vào tiêm chủng mở rộng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, phù hợp điều kiện của Việt Nam. Xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản phục vụ hoạt động dự phòng, nâng cao sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu góp phần đổi mới cơ chế tài chính cho tuyến y tế cơ sở. (Xem chi tiết văn bản)

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Việt Nam khống chế được dịch HIV/AIDS

Năm 2019 là năm thứ 11 dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được khống chế. Số người nhiễm mới, người chuyển sang AIDS và người tử vong do AIDS đều giảm. Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, 9 tháng năm, có gần 7.800 ca nhiễm HIV mới phát hiện, gần 3.000 bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS, gần 1.500 người tử vong. Tuổi người nhiễm chủ yếu 16-29 và 30-39. Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (65%) và qua đường máu (17%), mẹ sang con 2%, còn lại không có thông tin về đường lây truyền. Việt Nam đang triển khai nhiều dịch vụ can thiệp dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV. Điển hình là điều trị thuốc ARV cho người nhiễm HIV, tư vấn xét nghiệm tại cộng đồng, điều trị dự phòng bằng thuốc ARV trước phơi nhiễm (PrEP), điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone và Buprenorphine... Việt Nam là một trong số ít quốc gia chi trả điều trị HIV/AIDS bao gồm cả thuốc ARV thông qua Quỹ bảo hiểm y tế.

TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Dịch bại liệt bùng phát ở Philippines

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 1/12 thông báo tin này đến các quốc gia để cảnh báo. Theo đó, trường hợp đầu tiên được xác định vào ngày 14/9, bệnh nhân là một bé gái 3 tuổi ở miền nam Philippines. Vi rút phân lập từ bệnh nhân này có mối liên hệ về di truyền với chủng vi rút bại liệt tuýp 2 (VDPV2) trước đó được phân lập từ các mẫu giám sát lấy từ môi trường ở Manila và Davao. Cho đến nay, Philippines ghi nhận 8 ca bại liệt từ ngày 14/9 đến 27/11, sau 19 năm loại trừ vi rút này. Bộ Y tế Việt Nam cảnh báo tiêm vắc xin cho trẻ.

Để ứng phó với dịch bệnh, Philippines đã thực hiện chiến dịch tiêm vắcxin bại liệt quy mô lớn trên cả nước đối với tất cả trẻ em dưới 5 tuổi. Mục tiêu, hơn một triệu trẻ em được sử dụng vắc xin bại liệt trong chiến dịch. WHO nhận định nguy cơ lây lan dịch bệnh bại liệt từ Philippines ra các nước ở mức thấp. Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ phát hiện ca bệnh mới tại Philippines do khả năng miễn dịch cộng đồng của nước này thấp.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,