Điểm tin y tế tuần 26 - 2018

VĂN BẢN PHÁP LÝ CHỈ ĐẠO

1. Triển khai thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ về an toàn thực phẩm

Thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 21/03/2018, Bộ Công thương đã ban hành Công văn số 2129/BCT-KHCN gửi các sở, cơ quan, đơn vị về việc tiếp tục triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương và các nhiệm vụ cụ thể được Chính phủ giao, theo đó Bộ Công thương yêu cầu:

- Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương và Sở Công Thương các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương: Tuân thủ các quy định trong Nghị định 15, đặc biệt là sự thay đổi các quy định về: Cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu; phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm,...; Tiếp tục triển khai công tác quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương theo quy định tại các văn bản hành chính, văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (Danh mục các văn bản tại phụ lục kèm theo công văn) nếu không trái với các quy định tại Nghị định 15 cho đến khi Bộ Công Thương ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thay thế hoặc sửa đổi các văn bản hiện hành.

- Sở Công Thương các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương: Chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố về việc phân công, phân cấp quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý ngành Công thương tại địa phương theo quy định của Nghị định 15 và phù hợp với phân cấp của Bộ Công Thương; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở triển khai thực hiện Nghị định 15

Xem chi tiết công văn số 2129/BCT-KHCN, ngày 21/03/2018 đính kèm.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Tình hình bệnh Cúm A/H1N1 tiếp tục diễn biến phức tạp tại các tỉnh/TP phía Nam

Nhìn chung tình hình bệnh Cúm A/H1N1các tỉnh phía Nam tiếp tục diễn biến phức tap, trong đó đã có đã có 2 ca tử vong. Theo đó, các bệnh viện đã đồng loạt triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch như thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cúm năm 2018 do Giám đốc trực tiếp lãnh đạo; xây dựng kế hoạch cụ thể về phòng chống dịch bệnh tại bệnh viện; thực hiện các quy trình phối hợp các chuyên khoa/phòng khi tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nhiễm cúm….Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị trong bệnh viện; tổ chức thực hiện cách ly, khoanh vùng quản lý những bệnh nhân nghi ngờ nhiễm cúm; tăng cường công tác truyền thông về biện pháp phòng chống lây nhiễm cho nhân viên y tế, cách phòng ngừa nhiễm bệnh cho thân nhân bệnh nhân.

Ngoài ra, BV đã phối hợp chặt chẽ với Viện Vệ sinh dịch tễ TP, viện Pasteur TPHCM trong công tác phòng chống dịch và thường xuyên báo cáo tình hình của chùm ca bệnh cho các cơ quan có liên quan; chích ngừa cúm cho nhân viên y tế…Nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng, phòng chống bệnh cúm A/H1N1, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo:

  1. Lưu ý phòng tránh lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám và chữa bệnh. Người nhà, người bệnh cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 01 mét nếu phải tiếp xúc với người bệnh.
  2. Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Che miệng và mũi khi ho, hắt hơi bằng tay áo, hoặc dùng khăn giấy sau đó bỏ vào thùng rác, nếu che bằng tay thì cần rửa tay ngay sau khi ho, hắt hơi nhằm trách lây nhiễm sang vật dụng khác.
  3. Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hoá chất sát khuẩn thông thường.
  4. Người dân nên tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng…thì thông báo cho trường học, cơ quan, đoàn thể nơi đang học tập, công tác và cơ sở y tế địa phương. Nếu được xác định mắc cúm thì cần được cách ly và đeo khẩu trang.
  5. Những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.
  6. Tránh tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc bệnh cúm.
  7. Không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng virút như Tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc./.

2. Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết vẫn cao

Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 20.522 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 4 trường hợp tử vong tại Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau và Khánh Hòa. Mặc dù, so với cùng kỳ năm 2017 số mắc sốt xuất huyết trên phạm vi cả nước giảm 41,4%, số tử vong giảm 8 trường hợp, tuy nhiên hiện nay khu vực miền Nam, miền Trung, Tây nguyên đang bắt đầu vào mùa mưa, khu vực miền Bắc vào mùa hè...

Đây là điều kiện thuận lợi cho đàn muỗi truyền bệnh sinh sản và phát triển mạnh, nếu không tích cực chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, nguy cơ phát triển nhanh các ổ dịch bệnh dẫn đến bùng phát dịch là rất cao.

Theo Cục Y tế Dự phòng, ngay từ đầu năm, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị với 63 tỉnh, thành phố và các bộ, ngành nhằm triển khai và tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết năm 2018. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết 15/6. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại 16 tỉnh, thành phố trọng điểm về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết.

Đối với người dân, Bộ Y tế khuyến cáo, biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả nhất vẫn là diệt muỗi, diệt bọ gậy và phòng chống muỗi đốt
2. Chặn bệnh mùa hè bằng tiêm vắc-xin

Nước ta nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, vì vậy mùa hè đến là dịp lưu hành nhiều bệnh truyền nhiễm do côn trùng truyền bệnh hoặc do vi khuẩn và virut gây bệnh. Tuy nhiên, chúng ta có thể ngăn chặn một số dịch bệnh trong mùa này bằng cách tiêm phòng vắc-xin.

Viêm não Nhật Bản

Từ tháng 5 đến tháng 7 hằng năm, khi muỗi sinh sản nhiều cũng là lúc dịch viêm não Nhật Bản bùng phát ở Việt Nam. Biểu hiện chính của bệnh là có sốt cao kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương bao gồm: nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa,... Mặc dù khi được chữa trị kịp thời nhưng có khoảng 30-50% trường hợp sống sót để lại nhiều di chứng như bại liệt, liệt chi, động kinh, rối loạn phối hợp vận động.. Tỷ lệ tử vong của căn bệnh này có thể lên đến 30%. Chính vì thế, tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu nhất để dự phòng bệnh.

Loại vắc-xin này đã được Bộ Y tế đưa vào tiêm chủng thường xuyên trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Bệnh thủy đậu

Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, hay gặp ở trẻ dưới 12 tuổi, do virut Varicella zoster gây ra. Bệnh thủy đậu lây truyền qua không khí hoặc qua tiếp xúc với vết ban hoặc dịch tiết từ vết ban. Bệnh thủy đậu thường là nhẹ, nhưng nếu không được chăm sóc tốt cũng dễ bị bội nhiễm dẫn đến viêm phổi thì bệnh trở nên nặng và có thể dẫn đến tử vong.

Hiện nay đã có vắc-xin phòng ngừa thủy đậu cho trẻ trên 1 tuổi. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 15-20% trẻ được tiêm phòng vẫn có thể mắc bệnh, nhưng bệnh thường nhẹ hơn so với người không tiêm phòng.

Bệnh sởi

Bệnh do virut Paramyxo gây bệnh ở thành sau họng và có đường lây truyền cũng giống virut thủy đậu. Triệu chứng khởi phát bệnh là sốt cao, ho, sổ mũi, viêm họng và mắt đỏ. Những dấu hiệu giai đoạn sau là những chấm đỏ đặc thù, sốt, ho, sổ mũi và những chấm trắng nhỏ quanh miệng. Các nốt ban sởi thường có từ 3-5 ngày sau lúc xuất hiện các triệu chứng khởi phát và thường ở đường tóc và mặt. Hiện nay chưa có thuốc điều trị bệnh sởi mà chỉ điều trị triệu chứng và dự phòng bội nhiễm.

Hiện nay đã có vắc-xin phối hợp sởi và Rubella nằm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, có khả năng phòng bệnh cao.

Bệnh quai bị

Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính thường xuất hiện ở trẻ em vào mùa hè. Bệnh lây lan qua đường không khí, tiếp xúc trực tiếp, dùng chung đồ…

Một trong những dấu hiệu thường thấy là sưng tuyến nước bọt ở nền cổ sau vài ngày sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi và chán ăn. Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể để lại di chứng nặng nề, đặc biệt là đối với trẻ trai, như vô sinh. Hiện nay, có thể phòng bệnh cho trẻ bằng vắc-xin kết hợp sởi, quai bị, Rubella. Vắc-xin phối hợp này có thể bảo vệ trẻ cả 3 bệnh nêu trên.

Bệnh thương hàn

Đây là một bệnh dễ bùng phát thành dịch, do lây truyền qua đường nước, đường phân - miệng. Bệnh do vi khuẩn Salmonella typhi, thường thấy trong nguồn nước hoặc thực phẩm mất vệ sinh. Những triệu chứng thường gặp là sốt cao, mệt mỏi, suy nhược, đau bụng, đau đầu, chán ăn và thỉnh thoảng có nổi ban. Mặc dù bệnh nhân đã được chữa trị, khi các triệu chứng bệnh đã hết, nhưng vi khuẩn có khả năng vẫn còn tồn tại trong cơ thể. Những trường hợp này được gọi là người lành mang bệnh và cũng là nguồn lây truyền ra cộng đồng.

Hiện nay, bệnh cũng đã được dự phòng bằng vắc-xin và thường được khuyên cho các vùng kém vệ sinh, có nguy cơ cao nhiễm bệnh.

3. Những yếu tố mới nổi khiến bệnh truyền nhiễm trầm trọng hơn

Một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng tác động của toàn cầu hóa phức tạp hơn nhiều và đã đưa ra một số yếu tố mới nổi có thể làm trầm trọng thêm sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm bao gồm những thay đổi về môi trường, nhân khẩu học, kinh tế, công nghệ...

Tác động của con người

Tác động của con người lên môi trường có thể làm thay đổi rủi ro của các bệnh truyền nhiễm theo nhiều cách. Biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ các vectơ truyền bệnh truyền nhiễm (như muỗi, thường phát triển mạnh ở nhiệt độ ấm hơn) và nhiệt độ bề mặt biển, có liên quan đến dịch bệnh như đại dương ấm hơn tạo điều kiện cho khuẩn tả phát triển mạnh. Các bệnh khác có nguồn gốc từ tiếp xúc với động vật và môi trường của chúng bao gồm Hội chứng hô hấp cấp tính (SARS, từ loài dơi qua mèo cầy ở miền Nam Trung Quốc), virut Hendra (qua loài dơi sang người và ngựa) và virut Nipah (lây từ dơi sang người và lợn)…

Sự tác động xấu của người vào môi trường làm gia tăng bệnh truyền nhiễm từ động vật.

Thay đổi dân số

Ngoài sự gia tăng bệnh truyền nhiễm do khách du lịch mang lại như hội chứng hô hấp Trung Đông, các bệnh khác có thể lây lan do thay đổi nhân khẩu học. Điều này bao gồm việc đô thị hoá ngày càng tăng dẫn đến sự gia tăng bệnh sốt xuất huyết (vì vectơ muỗi phổ biến nhất ở các thành phố) nhưng có thể giảm sốt rét (một phần do thiếu các khu vực sinh sản nước ngọt cho muỗi truyền bệnh sốt rét). Sự thay đổi dân số có thể phá vỡ cơ sở hạ tầng y tế công cộng, bao gồm các chương trình nước sạch, vệ sinh và miễn dịch, có thể dẫn đến bùng phát dịch bệnh ở những người tị nạn và những người di cư nội bộ. Điều kiện sống đông đúc cũng liên quan đến việc gây bệnh truyền nhiễm mạnh hơn như bệnh lao.

Du lịch và giao lưu thương mại

Những thay đổi về kinh tế có tác động khác nhau đối với các bệnh truyền nhiễm. Tăng sự giàu có quốc gia nói chung liên quan đến sự thay đổi từ các bệnh truyền nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm (như bệnh tiểu đường và bệnh tim). Hiện tượng phức tạp này được gọi là “chuyển dịch dịch tễ học”, nghĩa là nơi có điều kiện vệ sinh và chăm sóc y tế tốt hơn dẫn đến tuổi thọ tăng cao kéo theo nhiều bệnh lý tuổi già và thương tích. Bên cạnh đó, việc kéo dài chuỗi cung ứng các sản phẩm thực phẩm có thể dẫn đến sự bùng nổ bệnh truyền nhiễm trên phạm vi quốc tế, chẳng hạn như trường hợp hàng chục người Australia bị viêm gan virut A (loại bệnh gây tổn hại gan) sau khi ăn các loại quả mọng đông lạnh được trồng tại Chile và Trung Quốc.

Kháng kháng sinh và dược phẩm giả

Chuỗi cung ứng toàn cầu trong dược phẩm cho phép người tiêu dùng tiếp cận với nhiều loại thuốc, kể cả kháng sinh với giá rẻ hơn. Nhưng điều này dẫn đến hệ quả là sự thiếu hụt toàn cầu của một số thuốc kháng sinh khi chuỗi cung ứng này gặp trở ngại. Chẳng hạn, thiệt hại gần đây tại các cơ sở sản xuất thuốc ở Puerto Rico đã dẫn đến tình trạng thiếu thuốc ở Hoa Kỳ. Ngoài ra, thuốc kém chất lượng và thực hành kê toa kém không đúng hoặc dưới chuẩn của thuốc tạo điều kiện cho vi khuẩn tiếp xúc với nồng độ kháng sinh thấp. Điều này làm cho một số vi khuẩn không bị tiêu diệt mà còn tìm cách hoặc tự biến đổi để tránh các loại thuốc. Bên cạnh đó, sự gia tăng của dược phẩm giả (hàm lượng hoạt chất chữa bệnh chỉ để đối phó với các xét nghiệm thuốc của cơ quan quản lý) cũng gây ra tình trạng kháng thuốc và tạo điều kiện cho các bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh chóng.

Thay đổi công nghệ

Thay đổi công nghệ cũng có tác động hỗn tạp đến tỷ lệ mắc bệnh và cách lây lan của bệnh truyền nhiễm nhưng chủ yếu theo hướng tích cực là ngăn chặn ngay từ cửa khẩu đối với mầm bệnh. Mặc dù tốc độ của du lịch hàng không ngày càng tăng nhưng cũng gây ra nhiều rủi ro về bệnh lây nhiễm nên các quốc gia đều đã phát triển những công cụ tốt hơn để theo dõi và phân tích dịch bệnh. Ví dụ như cải tiến trong phân tích gene và phần cứng máy tính cho phép xác định nguồn gốc của nhiều tác nhân gây bệnh, bao gồm Ebola, cúm, sởi, nhiễm trùng do thức ăn và vi khuẩn kháng kháng sinh. Quan trọng hơn, phân tích gene có thể cho phép nhận biết nhanh chóng và kiểm soát dịch bệnh.

4. Bọ ve đe dọa World cup 2018

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, Nga có số ca mắc bệnh TBE (viêm não do bọ ve cắn) được báo cáo cao nhất toàn cầu, trong đó số trường hợp mắc bệnh này hằng năm phải nằm viện từ 5.500 đến 10.000 người.

Hiệp hội trên mô tả TBE là “một loại viêm não do virus gây ra lây lan qua bọ ve và thường phát triển từ tháng 4 đến tháng 11, cao nhất vào đầu và cuối mùa hè. Các ký sinh trùng này hút máu có thể lây truyền bằng cách cắn người. Người hâm mộ có thể tiếp xúc với bọ ve bị nhiễm bệnh nếu họ đến khu vực có nguy cơ TBE.

Các triệu chứng đầu tiên của TBE giống như bệnh cúm và sau một tuần không có triệu chứng, trước khi giai đoạn thứ hai liên quan đến não và dây thần kinh. TBE có thể biến chứng lâu dài bao gồm: trí nhớ kém, co giật, nhức đầu và tê liệt, trong đó những trường hợp nặng nhất dẫn đến tử vong… Bọ ve là các động vật nhỏ giống nhện, chúng cắn để bám chặt lên da và hút máu. Bọ ve sống ở da thú và lông của nhiều loài chim và động vật.

Hiệp hội Viêm não tại Vương quốc Anh cũng đưa cảnh báo đối với tuyển Anh về nguy cơ có thể mắc bệnh viêm não do bọ ve (TBE) khi đại bản doanh của “Tam sư” đóng tại vùng đang có mật độ lây nhiễm cao. Cảnh báo trên được đưa ra ngay trước khi đoàn quân của HLV Gareth Southgate chuẩn bị đáp chuyến bay đến Nga. Tại đây, tuyển Anh đóng quân ở RestMix Club thuộc thị trấn Repino, ngoại ô thành phố St Petersburg, là khu vực có mức độ nhiễm virus khá cao.Trước cảnh báo trên, Hiệp hội Bóng đá Anh cho biết họ sẽ thực hiện tất cả mọi biện pháp phòng ngừa cần thiết và cấp bách trong thời gian đội tuyển Anh lưu trú ở Nga để tranh tài tại World Cup 2018.

Tương tự Anh, Liên đoàn Bóng đá Đức cũng đưa ra khuyến cáo người hâm mộ nước nhà nên chiêm chủng ngừa TBE trước khi đến Nga cổ vũ cho đội tuyển.

Ban Biên tập website Viện