Điểm tin y tế tuần 29 - 2018

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết

Bệnh SXH đã giảm trong những năm gần đây; tỷ lệ mắc, tử vong thấp nhất so với các quốc gia trong khu vực. Tại Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 20.522 trường hợp mắc, 04 trường hợp tử vong tại Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau và Khánh Hòa. So với cùng kỳ năm 2017 số mắc cả nước giảm 41,4%, số tử vong giảm 8 trường hợp. Như vậy, số trường hợp mắc SXH chưa có dấu hiệu gia tăng trong các tháng đầu năm và giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2017 (theo trang điện tử CYTDP)

Tuy nhiên, hiện nay khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên đang bắt đầu vào mùa mưa, khu vực miền Bắc vào mùa hè, đây là điều kiện thuận lợi cho đàn muỗi truyền bệnh sinh sản và phát triển mạnh.

Cục Y tế dự phòng dự báo: Dịch bệnh SXH trong thời gian tới vẫn có thể diễn biến phức tạp, có nguy cơ gia tăng số trường hợp mắc. Nguyên nhân là do ở Việt Nam có tình trạng khan hiếm nước sạch, đặc biệt là vùng nông thôn khiến người dân có thói quen tích trữ nước trong lu, bể, dễ tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh sản. Bên cạnh đó, việc không thường xuyên vệ sinh, thay nước trong lọ hoa, bể cây cảnh cùng với điều kiện nhà ở, nhà trọ, lán trại, các công trình xây dựng, chuồng trại thiếu vệ sinh, hệ thống xử lý nước thải không đảm bảo ở các vùng ven đô cũng là yếu tố giúp muỗi truyền bệnh SXH phát triển và nguy cơ gây dịch bệnh rất lớn.

Vào thời điểm hiện nay, mật độ muỗi bắt đầu gia tăng vì thời tiết miền Nam bước vào mùa mưa. Các địa phương nếu không tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh thì nguy cơ phát triển nhanh các ổ dịch bệnh dẫn đến bùng phát dịch rất cao.

Nước ta hiện lưu hành 4 tuýp virus SXH, bệnh không có miễn dịch chéo nên một người có thể mắc nhiều tuýp. Miễn dịch của bệnh không bền vững suốt đời nên một người có thể mắc bệnh nhiều lần trong đời. Người bệnh cũng sẽ trở thành nguồn lây nếu muỗi đốt người bệnh rồi đốt sang người khỏe mạnh. Do đó, người dân không nên chủ quan với căn bệnh này. Việc huy động cộng đồng, chính quyền các cấp vào cuộc phòng chống dịch bệnh đóng vai trò quan trọng. Đặc biệt, vụ dịch năm 2017 xảy ra tại Hà Nội là một bài học.

Vì vậy, việc phòng chống bệnh sốt xuất huyết hiện nay chủ yếu dựa vào việc loại bỏ các nguồn lây bệnh. Mặt khác, biến đổi khí hậu cùng với sự nóng lên của trái đất, hiện tượng El Nino, phương tiện giao thông hiện đại, đô thị hóa không kiểm soát, di biến động dân cư làm công tác phòng, chống SXH trở nên khó khăn hơn.

2. Phát hiện bệnh nhân bị nhiễm bệnh sốt mò

Bệnh nhân Nguyễn Thị N. (SN 1946, ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng đau bụng, sốt liên tục (39 - 40 độ), nôn nhiều, nổi ban đỏ rải rác toàn thân, xung huyết kết mạc mắt, phù nề 2 mắt, không ăn uống được.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) thăm khám, hội chẩn và phát hiện bệnh nhân có 1 vết đốt ở vùng cánh tay trái, kèm theo nổi hạch nách trái kích thước 1-2cm. Bệnh nhân bắt đầu có các biến chứng viêm phổi và nghi ngờ viêm màng não cấp. Bác sĩ kết luận, bệnh nhân bị sốt mò hay còn gọi là bệnh Rickettsia.

Theo các bác sĩ điều trị, đối với bệnh sốt mò, các bác sĩ phải có kinh nghiệm và chuyên môn thì khi thăm khám ban đầu mới có thể phát hiện sớm. Bệnh có nhiều biểu hiện như các nốt đốt đóng vảy đen, mọc ở chỗ kín, nách, bẹn cổ… các biểu hiện này giống với triệu chứng của nhiễm trùng huyết nên khá dễ nhầm lẫn. Để chữa trị và hạn chế biến chứng do bệnh, chúng ta phải có các xét nghiệm và hội chẩn đúng giúp phát hiện bệnh sớm. Nhất là đối với người cao tuổi sức đề kháng yếu, căn bệnh dễ gây ra biến chứng nguy hại như viêm phổi cấp, suy đa tạng, viêm màng não.

Tổn thương do bị mò đốt thường thấy ở mắt cá chân, thắt lưng, chỗ quần áo bó sát vào da.... Vì ấu trùng mò không nhìn thấy được bằng mắt thường nên hầu hết mọi người đều không biết sự có mặt của chúng, cho đến khi thấy xuất hiện có vết đốt và những biến chứng trên cơ thể. Tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bệnh nhân sẽ có nguy cơ thiệt mạng khác nhau.

TIN Y TẾ THẾ GIỚI

1. Vacxin mới phòng HIV giai đoạn đầu đã thử nghiệm thành công

Theo Independent, các nhà khoa học đã rất lạc quan sau đợt thử nghiệm đầu tiên về vắc xin HIV trên người. Đợt thử nghiệm này được thực hiện trên 393 người tại 12 phòng khám HIV ở Đông Phi, Nam Phi, Thái Lan và Mỹ. Theo báo cáo đăng tải trên Tạp chí The Lancet, tất cả người được thử đều tạo ra kháng thể phòng HIV trong quá trình thử nghiệm.

Nhóm nghiên cứu cho hay, loại vắc xin tốt nhất được thử nghiệm đã bảo vệ 67% mẫu thử đối với virus HIV. Sau đợt thử nghiệm thành công lần này, các nhà khoa học sẽ tiếp tục thử nghiệm lần 2, diện rộng hơn trên 2.600 phụ nữ ở vùng cận Sahara, châu Phi.

Khác với thuốc điều trị dự phòng, thuốc phòng HIV có thể ngăn ngừa nhiễm HIV sau khi tiếp xúc với người bệnh không an toàn. Tuy nhiên loại thuốc này phải được sử dụng thường xuyên, không giống vắc xin có thể bảo vệ con người lâu dài khỏi virus HIV.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,