VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO
1. Ban hành tài liệu hướng dẫn quy trình kỹ thuật Huyết học-Truyền máu-Miễn dịch-Di truyền-Sinh học phân tử
Ngày 20/ 07/ 2017, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3336/QĐ-BYT, về việc ban hành tài liệu hướng dẫn quy trình kỹ thuật Huyết học-Truyền máu-Miễn dịch-Di truyền-Sinh học phân tử
Ban hành kèm theo Quyết định này tài liệu “Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Huyết học- Truyền máu- Miễn dịch- Di truyền- Sinh học phân tử”, gồm 64 quy trình kỹ thuật.
Tài liệu “Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Huyết học- Truyền máu- Miễn dịch- Di truyền- Sinh học phần tử” ban hành kèm theo Quyết định này được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Căn cứ vào tài liệu hướng dẫn này và điều kiện cụ thể của đơn vị, Giám đốc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xây dựng và ban hành tài liệu Hướng dẫn quy trình kỹ thuật thuật chuyên ngành Huyết học- Truyền máu- Miễn dịch- Di truyền- Sinh học phân tử phù hợp để thực hiện tại đơn vị.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
2. Ban hành danh mục 49 sinh phẩm chấn đoán in vitro được cấp số đăng ký lưu hành tại việt nam - đợt 33
Ngày 21/07/2017, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3366/QĐ-BYT về việc ban hành danh mục 49 sinh phẩm chấn đoán in vitro được cấp số đăng ký lưu hành tại việt nam - đợt 33
Ban hành kèm theo Quyết định này danh mục 49 sinh phẩm chẩn đoán in vitro được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam - Đợt 33.
Các đơn vị có sinh phẩm chẩn đoán in vitro được phép lưu hành tại Việt Nam quy định tại Điều 1 phải in số đăng ký được Bộ Y tế Việt Nam cấp lên nhãn và phải chấp hành đúng các quy định của pháp luật Việt Nam về sản xuất và kinh doanh sinh phẩm chẩn đoán in vitro. Các số đăng ký có ký hiệu SPCĐ-TTB-...-17 có giá trị 05 năm kể từ ngày cấp.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN
1. Hội nghị tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết tại khu vực phía nam
Theo báo Sức khỏa & Đời sống, ngày 20/7/2017, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết (SXH) cho khu vực phía Nam.
Chủ trì Hội nghị, GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế; Tham dự có Lãnh đạo các Vụ, Cục, Viện, Bệnh viện, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Lãnh đạo Sở y tế, Trung tâm y tế Dự phòng và Trung tâm Truyền thông - GDSK của 33 tỉnh/TP phía Nam
Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS.TS.Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: Tình hình dịch SXH tại nhiều nước trong khu vực vẫn duy trì ở mức cao, ở nước ta hiện đang trong thời điểm mùa dịch, số mắc có xu hướng tăng hàng tuần. Theo các chuyên gia nhận định trong những tháng cuối năm 2017, dự báo dịch SXH diễn biến phức tạp với những lý do: Mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình tăng cao dẫn đến véc tơ truyền phát triển mạnh; Chưa có kinh phí từ Chương trình mục tiêu, nhiều địa phương không cấp kinh phí cho phòng chống SXH; Nguy cơ do tập quán tích trử nước người dân chưa thay đổi đáng kể, sự phối hợp của người dân chưa cao; Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng chưa được sử dụng; Do đô thị hoá nhanh, nhiều công trình xây dựng phát sinh các ổ bò gậy khó xử lý; Việc triển khai các biện pháp phun hoá chất và diệt loăng quăng ở khu vực thành thị gặp nhiều khó khăn… Để tăng cường các biện pháp thật căng cơ, quyết liệt nhằm khống chế ở mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong. Thứ trưởng đề nghị Hội nghị tập trung thảo luận tìm ra biện pháp tối ưu trong triển khai phòng chống dịch SXH; Về công tác truyền thông, hoạt động kiểm tra giám sát, vệ sinh môi trường diệt loăng quăng, tập huấn cho cán bộ phòng, chống dịch, chăm sóc và điều trị; Đẩy mạnh kiểm tra xử lý vi phạm hành chính đối các cơ sở, hộ gia đình không hợp tác phòng chống dịch.
Theo báo cáo của lãnh đạo Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế, tính đến tuần 28 năm 2017 cả nước ghi nhận: 49.209 ca SXH, trong đó; Miền bắc: 4.509 ca, Miền Trung:12.180 ca, Tây Nguyên: 5.327 ca, đáng lưu ý Miền Nam: 26.806 ca, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2016. Hoạt động trọng tâm trong 6 tháng cuối năm: Tập trung mọi nguồn lực, chủ động phòng chống dịch nhằm giảm tỷ lệ mắc và giảm tử vong do SXH, khổng chế kịp thời, không để dịch lớn xẩy ra. Đẩy mạnh chiến dịch người dân tự diệt muỗi, diệt loăng quăng phòng, chống SXH tại tất cả các xã/phường nguy cơ 2 tuần/lần, tại các ổ dịch 1lần/tuần. Tổ chức tập huấn cho cán bộ các tuyến về hướng dẫn, chẩn đoán, điều trị, phân loại bệnh nhân và chuyển tuyến kịp thời, an toàn. Ra soát, đảm bảo nhu cầu về trang thiết bị, dịch truyền để triển khai các biện pháp giảm tử vong do SXH. Đặc biệt cần tuyên truyền cho người bệnh, người chăm sóc, gia đình người bệnh về phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh SXH, một số kiến thức cơ bản về phòng bệnh. Đối các bệnh viện cần chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân.
2. Hội thảo "Phổ biến kết quả mô hình ước tính gánh nặng bệnh tật do viêm gan vi rút B và C và phân tích hiệu quả đầu tư"
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, tại Việt Nam, gánh nặng bệnh tật do nhiễm viêm gan vi rút B và C rất lớn. Ước tính có khoảng 7,8 triệu trường hợp nhiễm viêm gan B mãn tính và hơn 991.000 trường hợp có vi rút viêm gan C trong máu trong năm 2017. Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo "Phổ biến kết quả mô hình ước tính gánh nặng bệnh tật do viêm gan vi rút B và C và phân tích hiệu quả đầu tư" do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức ngày 21/7/2017, tại Hà Nội do GS.TS.Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì. Tham dự Hội thao có TS.Lokky Wai, Trưởng đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo một số Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế và Tổ chức WHO tại Việt Nam
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Viêm gan vi rút là một trong những bệnh được mệnh danh là "kẻ giết người thầm lặng", gây ra cái chết của hàng triệu người trên thế giới. Hiện nay, có khoảng 325 triệu người (tương đương 4% dân số thế giới) đang bị nhiễm vi rút viêm gan B và C; ước tính có khoảng 57% trường hợp tiến triển thành xơ gan và 78% các trường hợp ung thư gan tiên phát do nhiễm vi rút viêm gan B và C. Mỗi năm có khoảng 1,34 triệu người tử vong do viêm gan B và C, tương đương với số tử vong do bệnh lao và sốt rét, nhiều hơn số ca tử vong do HIV/AIDS.
Tại Việt Nam, tình trạng viêm gan vi rút B và C là vấn đề y tế công cộng. Tỷ lệ nhiễm viêm gan B là khoảng 6%, có vùng lên đến 20%; ở vùng sâu, vùng xa có tỷ lệ mắc cao hơn do điều kiện chăm sóc y tế chưa thuận lợi. Viêm gan C có tỷ lệ mắc từ 0,4% đến 4%. Nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh là nhóm tiêm chích ma túy và nhóm quan hệ tình dục đồng giới. Vì vậy, gánh nặng bệnh tật của vi-rút viêm gan B và C tại nước ta rất lớn. Mỗi năm có hàng ngàn người tử vong do 2 bệnh này…
TS.Lokky Wai, Trưởng đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam cũng nêu rõ: Kết quả mô hình ước tính gánh nặng bệnh tật do viêm gan vi rút B và C cho thấy trong tổng số 7,8 triệu người nhiễm viêm gan B thì có hơn 51.000 người bị xơ gan, khoảng 14.000 người bị ung thư tế bào gan tiên phát và trên 32.000 trường hợp tử vong liên quan đến gan. Trong khi đó, năm 2017, ước tính có khoảng 43.230 ca được chẩn đoán đang được điều trị. Bên cạnh đó, trong số hơn 991.000 người nhiễm vi-rút viêm gan C thì có hơn 13.000 bị xơ gan mất bù (giai đoạn cuối của bệnh xơ gan hay còn gọi là xơ gan cổ trướng), gần 6.000 ca bị ung thư tế bào gan và hơn 6.400 ca tử vong liên quan đến gan. Đã có 74.000 người được điều trị trước đó...
THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ
1. Hy hữu trẻ sơ sinh tử vong vì lây viêm màng não qua nụ hôn
Theo Health.com, cái chết của cô bé Mariana Sifrit, 18 ngày tuổi vì viêm màng não. Các bác sĩ cho biết em bị mắc căn bệnh nhiễm trùng chết người ngay sau khi phơi nhiễm với vi rút herpes, có thể từ nụ hôn âu yếm của một người lớn nào đó. Mariana chào đời khỏe mạnh, nhưng em đã bị ốm và ngừng thở khoảng một tuần sau đó. Em được đưa gấp đến bệnh viện và được chẩn đoán bị viêm màng não HSV1, cũng là loại vi rút gây sùi mào gà và loét miệng. Vì cả cha mẹ em đều có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút herpes, các bác sĩ kết luận rằng Mariana đã nhiễm vi rút từ người nào đó khác. Mẹ của Mariana, Nicole Sifrit, tin rằng ai đó bị nhiễm vi rút "đã chạm vào tay Mariana, và sau đó bé đưa vào miệng".
Hai tháng đầu đời là thời gian dễ bị tổn thương nhất:
+ Viêm màng não có thể do vi khuẩn hoặc vi rút, bao gồm vi-rút herpes HSV1. Các bác sĩ đặc biệt lo ngại về viêm màng não trong 2 tháng đầu đời của trẻ, vì hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ.
+ Bởi vì cơ thể của trẻ chưa được trang bị để chống lại các mầm bệnh thông thường, nhiễm trùng cũng có thể gây nhiễm trùng máu và phù quanh tim. Nếu trẻ bị sốt thì cần được quan tâm nghiêm túc. Các bác sĩ sẽ phải theo dõi sát ngay cả khi trẻ không co vẻ ốm lắm.
Ngay cả bệnh "nhẹ" cũng có thể gây tử vong:
+ Ở người lớn, vi rút herpes gây ra các vết loét ở miệng và tổn thương ở bộ phận sinh dục. Nhưng nó có thể nguy hiểm hơn nhiều đối với những em bé chưa hình thành kháng thể đối với vi rút này. Điều này cũng đúng với enterovirus - một nhóm vi rút chỉ có thể dẫn đến các triệu chứng giống cảm lạnh ở người lớn.
+ Vì chúng ta biết những vi rút này có thể gây ra viêm màng não ở trẻ nhỏ, nên bất cứ ai có dấu hiệu nhiễm trùng, dù là sổ mũi nhẹ, ho, sốt, phát ban hoặc có vết loét miệng đều không được ở gần bé.
Vi rút herpes có thể lây lan theo nhiều cách:
+ Khi trẻ còn rất nhỏ nhiễm vi rut gây bệnh herpes, thường là vì lây truyền từ mẹ sang con. Điều này có thể xảy ra ngay cả khi người mẹ mang vi rút nhưng không hề có triệu chứng.
+ Nhưng đã có những trường hợp vi rút lây sang trẻ từ những người khác trong gia đình. Herpes thường lây lan qua tiếp xúc với vết mụn rộp ở miệng, nhưng tổn thương cũng có thể xuất hiện trên ngón tay hoặc các bộ phận khác của cơ thể. Nếu em bé chạm vào một trong những tổn thương này và sau đó chạm vào miệng, nhiễm trùng có thể xảy ra.
Thận trọng, nhưng không hoảng sợ:
+ Tất cả những người chăm sóc trẻ đều cần rửa tay thường xuyên, và bạn nên tránh hôn em bé, đặc biệt là lên mặt hay tay. Hãy hôn lên chăn, hoặc quần áo của bé, nếu phải làm vậy".
+ Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người đã có chẩn đoán herpes hoặc đã từng bị mụn rộp ở miệng. Bạn không nhất thiết phải có những thương tổn hoặc triệu chứng nhìn thấy được thì mới truyền virut. Bất cứ ai có các triệu chứng cảm lạnh hoặc cúm đều phải giữ khoảng cách.
+ Cha mẹ cũng không nên cho trẻ sơ sinh đến những chỗ đông người hoặc không gian kín chật hẹp (như xe buýt hoặc máy bay) nếu có thể, do khả năng lây truyền mầm bệnh. Đồng thời, không ai muốn cứ loanh quan trong 4 bức tường. Nếu bạn muốn đi dạo hoặc đến công viên ngoài trời ở nơi thông thoáng thì điều đó thường là ổn.
+ Việc rút ra bài học từ cái chết của Mariana là rất quan trọng, nhưng cũng cần nhớ rằng những bi kịch như thế này rất hiếm xảy ra. Mọi người không nên quá hoang mang mà chỉ cần tuân theo các nguyên tắc chung, như rửa tay, không hôn trẻ khi không cần thiết, và tránh xa em bé nếu bạn có bất kỳ vết loét hở nào.
Ban Biên tập website Viện