Đôi nét về bệnh giun sán và cách phòng chống, kiểm soát bệnh

Bệnh do nhiễm giun sán là một trong những bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất trên toàn thế giới, tất cả mọi người đều có nguy cơ bị mắc các bệnh giun sán và hầu như không gây được miễn dịch bảo vệ suốt đời cho người bệnh sau khi nhiễm, tạo ra gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Các bệnh về giun sán thường tiến triển âm thầm trong một thời gian dài, gây hại cho sức khỏe của con người, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi là bệnh ký sinh trùng nhiệt đới bị lãng quên (NTDs).

Ước tính tỷ lệ nhiễm mới nhất năm 2016 của Dự án Gánh nặng bệnh tật toàn cầu (GBD) cho thấy có khoảng 800 triệu trường hợp mắc bệnh giun đũa, 450 triệu trường hợp mắc bệnh giun móc, 435 triệu trường hợp mắc bệnh giun tóc, 190 triệu trường hợp mắc bệnh sán máng và 75 triệu trường hợp mắc bệnh sán lá lây truyền qua đường thực phẩm trên toàn thế giới.

Hình 1.Bản đồ thế giới cho thấy sự phân bố gánh nặng của giun sán về các yêu cầu đối với hóa trị dự phòng (PCT) can thiệp năm 2016. Sau khi khảo sát bản đồ bệnh, các quốc gia đã xác định yêu cầu PCT đối với giun truyền qua đất (STH), bệnh giun chỉ bạch huyết (LF), bệnh onchocerciasis (Oncho) và/hoặc nhiễm Schistosoma (SCH), can thiệp đơn lẻ hoặc kết hợp.

(Nguồn: http://www.who.int/neglecteddiseases/preventivechemotherapy/databank/en/index.html)

Các trường hợp nhiễm giun sán tập trung nhiều hơn ở khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới. Phát hiện này một phần liên quan đến các yếu tố khí hậu địa phương tạo điều kiện cho trứng STH và ấu trùng phát triển trong môi trường và các yếu tố khác thúc đẩy sự hiện diện liên tục hoặc thường xuyên của các loài vật chủ trung gian truyền bệnh như côn trùng và các loài ốc.

Hình 2. Bản đồ thế giới về tỷ lệ đói nghèo trầm trọng được định nghĩa là phần trăm dân số sống ít hơn 1,9 đô la Mỹ mỗi ngày từ năm 2008 đến 2017 theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới

(Nguồn: http://databank.worldbank.org/data/home.aspx )

Tuy nhiên, nhiễm giun sán cũng có thể được truyền ra bên ngoài các khu vực vực nhiệt đới và cận nhiệt đới, bao gồm cả ở các vùng cận Bắc cực và Bắc cực. Ở tất cả các nơi trên thế giới, gia đình thuộc diện nghèo và điều kiện sống thiếu vệ sinh vẫn là yếu tố góp phần mạnh mẽ cho nguy cơ nhiễm. Có một sự tương đồng đáng chú ý giữa các bản đồ về tỷ lệ mắc bệnh giun sán (Hình 1) và tỷ lệ quốc gia đói nghèo trầm trọng (Hình 2). Do đó, nhiễm giun sán không phải là bệnh “nhiệt đới”, chúng có thể được coi đúng hơn là những căn bệnh đói nghèo toàn cầu.

Tại Việt Nam, theo điều tra của các Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn Trùng và các tỉnh thành từ năm 2013-2017, tỷ lệ nhiễm giun trên cả nước trong những năm qua vẫn ở mức cao. Tỷ lệ nhiễm chung các loại giun ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc trung bình khoảng 65%, Đồng bằng sông Hồng khoảng 41%, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 26%, Tây Nguyên 28%, Đông Nam Bộ khoảng 13% và Đồng bằng sông Cửu Long 10%. Đối tượng nhiễm cao là học sinh tiểu học, trẻ em lứa tuổi mầm non và phụ nữ tuổi sinh sản. Đặc biệt trẻ em từ 12 đến 24 tháng tuổi có tỷ lệ nhiễm giun cao tại các tỉnh như Quảng Trị 27% - 47,5%, Điện Biên 33,2%, Kon Tum 22,6%, Lai Châu 23,5%, Yên Bái 19,2%. Hoạt động phòng chống giun sán đã đạt được những kết quả khích lệ như giảm tỷ lệ nhiễm giun, giảm được cường độ nhiễm và giảm tác hại của bệnh giun tới người bệnh và cộng đồng.

Bệnh giun truyền qua đất và bệnh lây truyền từ động vật sang người là các loại bệnh giun sán quan trọng nhất.

1. Giun truyền qua đất (còn gọi là giun đường ruột)

Trong số 20 bệnh có trong danh sách các bệnh nhiệt đới bị bỏ quên của WHO, giun truyền qua đất là bệnh phổ biến nhất (>1 tỷ người mắc bệnh) và gánh nặng nhất (gánh nặng toàn cầu của 3 triệu DALY). Nhiễm giun truyền qua đất ảnh hưởng đến các cộng đồng nghèo nhất và thiếu thốn nhất. Phân bố rộng rãi ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới vì chúng có liên quan đến việc thiếu vệ sinh, xảy ra bất cứ nơi nào có nghèo đói, với số lượng lớn nhất xảy ra ở châu Phi hạ Sahara, châu Mỹ, Trung Quốc và Đông Á. Chúng lây truyền qua trứng có trong phân người, từ đó làm ô nhiễm đất ở những khu vực vệ sinh kém. Hơn 267 triệu trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo và hơn 568 triệu trẻ em ở độ tuổi đi học sống ở những khu vực mà các ký sinh trùng này lây truyền mạnh mẽ, và cần được điều trị và can thiệp phòng ngừa.

Hình 3.Ấu trùng giun truyền qua đất bị ô nhiễm ở những khu vực kém vệ sinh

(Nguồn: https://www.who.int/intestinal_worms/epidemiology/en/)

Các loài chính gây bệnh cho người là giun đũa (Ascaris lumbricoides), giun tóc (Trichuristrichiura) và giun móc/mỏ (NecatoramericanusAncylostoma duodenale). Giun đường ruột tạo ra một loạt các triệu chứng bao gồm các biểu hiện ở ruột (tiêu chảy, đau bụng), khó chịu và suy nhược nói chung. Giun móc gây mất máu đường ruột mãn tính dẫn đến thiếu máu. Những người có nguy cơ gồm:

  • Trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo

  • Trẻ em trong độ tuổi đến trường

  • Phụ nữ lứa tuổi sinh sản (bao gồm cả phụ nữ mang thai trong quý hai, quý ba thai kỳ và phụ nữ cho con bú).

  • Người làm trong một số ngành nghề có nguy cơ cao như thợ hái chè hoặc thợ mỏ.

1.1. Lây truyền

Giun truyền qua đất sống trong ruột của những người bị nhiễm bệnh nơi chúng sản xuất hàng ngàn quả trứng mỗi ngày và được thải qua phân. Khi điều kiện môi trường thuận lợi, trứng phát triển thành giai đoạn lây nhiễm. Ở những khu vực thiếu vệ sinh, những quả trứng này làm ô nhiễm đất. Điều này có thể xảy ra theo các cách:

  • Trứng giun có trong rau được người bệnh nuốt vào khi rau không được nấu chín kỹ, rửa hoặc gọt vỏ.

  • Trứng được nuốt vào từ nguồn nước bị ô nhiễm.

  • Trứng được nuốt bởi những đứa trẻ chơi trong đất bị ô nhiễm và sau đó đưa tay vào miệng mà không rửa.

Ngoài ra, trứng giun móc nở trong đất, giải phóng ấu trùng sau đó trưởng thành thành một dạng có thể chủ động xâm nhập vào da. Con người bị nhiễm giun móc chủ yếu do đi chân trần trên đất bị ô nhiễm.

Không có lây truyền trực tiếp từ người sang người, hoặc nhiễm trùng từ phân tươi, vì trứng thải qua phân cần khoảng 3 tuần để trưởng thành trong đất trước khi chúng trở nên lây nhiễm. Vì những con giun này không nhân lên trong vật chủ là người, nên việc tái nhiễm chỉ xảy ra do tiếp xúc với các giai đoạn lây nhiễm trong môi trường.

1.2. Tình trạng bệnh và triệu chứng

Tình trạng bệnh liên quan trực tiếp đến số lượng giun chứa trong người bệnh. Những người bị nhiễm cường độ nhẹ (vài con giun) thường không bị ảnh hưởng bởi nhiễm trùng. Nhiễm trùng nặng hơn có thể gây ra một loạt các triệu chứng bao gồm các biểu hiện đường ruột (tiêu chảy và đau bụng), suy dinh dưỡng, suy nhược và suy yếu nói chung và suy giảm sự tăng trưởng và phát triển thể chất. Nhiễm trùng cường độ rất cao có thể gây tắc nghẽn đường ruột nên được điều trị bằng phẫu thuật. Nhiễm trùng đồng thời với các loài ký sinh trùng khác là thường xuyên và có thể có ảnh hưởng thêm về tình trạng dinh dưỡng và bệnh lý nội tạng.

2. Bệnh giun sán lây truyền từ động vật (Zoonosis)

Hình 4. Các bệnh từ động vật lây lan giữa người và động vật

(Nguồn: https://www.cdc.gov/onehealth/images/zoonotic-diseases-spread-between-animals-and-people.jpg)

Bệnh lây truyền từ động vật còn được gọi là zoonosis là một trong những bệnh phổ biến nhất trên trái đất và chịu trách nhiệm cho > 60% các ca bệnh nhiễm trùng và 75% các bệnh truyền nhiễm mới nổi ở người. Một số zoonosis ở người quan trọng nhất và thường được biết đến gây ra bởi ký sinh trùng giun hoặc sán, bao gồm nhóm các loài giun tròn (trichinellosis), nhóm sán dây (cysticercosis, echinococcosis) và nhóm sán lá (schistosomiasis).

Bảng 1: Zoonosis giun sán quan trọng từ các nguồn thực phẩm của con người (theo McCarthy & Moore năm 2000)

Sinh vật

Vật chủ chính, tự nhiên

Vật chủ trung gian

Phân bố

Nhóm các loài giun tròn

Trichinellosis 

Trichinella spiralis

Lợn

Xác thối

Trên toàn thế giới

Anisakiasis 

Anisakis pseudoterranova

Cá heo, cá voi, hải cẩu, hải mã

Cá trích, cá tuyết, cá thu, cá hồi

Trên toàn thế giới

Nhóm sán dây

Cysticercosis 

Taenia solium

Con người

Lợn

Trên toàn thế giới

Echinococcosis 

E.granulosus, E.multilocularis

Các ĐV ăn thịt: chó, cáo, chó sói, cá đuối

ĐV ăn cỏ, đặc biệt là cừu

Nam Mỹ, Địa trung hải, Châu Á, Úc, Newzealand

Nhóm sán lá

Schistosomiasis 

Schistosoma japonicum

Cừu, gia súc, ngựa

Ốc nước ngọt

Châu Á Thái bình dương

Clonorchiasis 

Clonorchis sinensis

Chó, mèo, lợn, chuột, lạc đà

Ốc, cá chép

Châu Á Thái bình dương

Opisthorchiasis 

Opisthorchis viverrini

Chó, mèo, lợn

Cá nước ngọt, ốc

Đông Âu, Châu Á Thái bình dương

Paragonimiasis 

Paragonimus westermani

Mèo nhà, mèo hoang

Ốc nước ngọt, cua

Châu Á Thái bình dương

Fasciolosis 

F. hepatica, F. gigantica

ĐV ăn cỏ, cừu, gia súc

Ốc nước ngọt,

rau quả

Trên toàn khu vực Châu Phi, Châu Á

Bệnh lây truyền từ động vật là một bệnh lây lan giữa động vật và người. Ngoài được gây ra bởi ký sinh trùng giun sán thì có thể được gây ra bởi virus, vi khuẩn và nấm. Đối với các bệnh do động vật gây ra bởi ký sinh trùng, các loại triệu chứng và dấu hiệu có thể khác nhau tùy thuộc vào ký sinh trùng và người bệnh. Đôi khi những người bị nhiễm bệnh có thể rất ốm yếu nhưng một số người không có triệu chứng và không bao giờ bị bệnh. Những người khác có thể có các triệu chứng như tiêu chảy, đau cơ và sốt.

Thực phẩm có thể là nguồn lây nhiễm một số bệnh từ động vật khi động vật như bò và lợn bị nhiễm ký sinh trùng như Cryptosporidium hoặc Trichinella. Mọi người có thể mắc bệnh cryptosporidiosis nếu họ vô tình nuốt thức ăn hoặc nước bị ô nhiễm bởi phân từ động vật bị nhiễm bệnh.

Thú cưng có thể mang và truyền ký sinh trùng cho người. Một số ký sinh trùng của chó và mèo có thể lây nhiễm cho người. Những con non, như chó con và mèo con, có nhiều khả năng bị nhiễm giun đũa và giun móc….và có thể truyền sang người như bệnh ấu trùng giun đũa chó, mèo Toxocariasis, bệnh Toxoplasma Gondii. Ngoài ra, động vật hoang dã cũng có thể bị nhiễm ký sinh trùng có thể lây nhiễm cho người. Ví dụ, mọi người có thể bị nhiễm ký sinh trùng gấu trúc Baylisascaris nếu họ vô tình nuốt phải đất bị nhiễm phân gấu trúc bị nhiễm bệnh.

Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm zoonosis, kể cả những người khỏe mạnh. Tuy nhiên, một số người có thể gặp nhiều rủi ro hơn những người khác. Những người này có nhiều khả năng mắc bệnh hơn và thậm chí tử vong bao gồm:

  • Trẻ em dưới 5 tuổi

  • Người lớn trên 65 tuổi

  • Những người có hệ miễn dịch yếu

3. Phòng chống và kiểm soát

Cắt đứt nguồn lây bệnh: Làm giảm cường độ nhiễm giun, giảm tỷ lệ nhiễm bằng cách chủ động phát hiện và điều trị cho người bệnh, điều trị hàng loạt ở những vùng có tỷ lệ nhiễm cao.

Giám sát vệ sinh môi trường: Vệ sinh môi trường, quản lý rác thải, nước thải từ các hộ chăn nuôi, quản lý nguồn phân thải ra môi trường.

Chống lây nhiễm:

  • Truyền thông giáo dục y tế về nguyên nhân lây nhiễm, tác hại và biện pháp phòng chống bệnh cho cộng đồng người dân có kiến thức, thái độ, hành vi tự bảo vệ mình tự giác phòng chống bệnh hiệu quả.

  • Phát động phong trào dọn dẹp vệ sinh môi trường.

  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân (ăn chín, uống sôi; vệ sinh, nấu ăn và chuẩn bị thức ăn đúng cách; rửa tay đầy đủ và vệ sinh chung).

  • Kiểm soát véc tơ và phòng ngừa hoặc điều trị nhiễm trùng ở động vật nuôi.

Có sự phối hợp giữa các Ban, ngành, đoàn thể: Sở Y tế, Giáo dục, Chi cục Thú y, Sở Văn hóa -Thông tin, Hội liên hiệp Phụ nữ…. để công tác Phòng chống giun sán đạt kết quả tốt.

Võ Thị Hoài, Trần Thị Xuyến

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Andrew A Cickyham, A walk on the wild side emerging wildlife diseases, BMJ. 2005 Nov 26; 331(7527): 1214–1215.

2. Bộ Y tế, Hướng dẫn tẩy giun đường ruột tại cộng đồng, Quyết định số 6437/QĐ-BYT ngày 25 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

3. Centers for Disease Control and Prevention (CDC), Zoonotic Diseases, https://www.cdc.gov/onehealth/basics/zoonotic-diseases.html.

4. GBD 2016 DALYs and HALE Collaborators. Global, regional, and national disability-adjusted life-years (DALYs) for 333 diseases and injuries and healthy life expectancy (HALE) for 195 countries and territories, 1990-2016: a systematic analysis for the Global Burden of Disease Study 2016. Lancet. 2017; 390: 1260-1344.

5. Hotez PJ, The Global Burden of Disease Study 2010: interpretation and implications for the neglected tropical diseases. PLoS Negl Trop Dis. 2014; 8: e2865.

6. Jennifer Keiser, Highlighting Operational and Implementation Research for Control of Helminthiasis, Advances in Parasitology, Volume 103, Pages 1-174 (2019).

7. Mark W. Robinson, Zoonotic helminth infections with particular emphasis on fasciolosis and other trematodiases, Philos Trans R Soc Lond B Biol Sci. 2009 Sep 27; 364(1530): 2763–2776.

8. World Health Organization (WHO), Soil-transmitted helminth infections, https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/soil-transmitted-helminth-infections.