Ngày Thế giới phòng chống sốt rét (25 tháng 4) năm 2014: “Đầu tư cho tương lai, đánh bại sốt rét”

Ngày Thế giới phòng chống sốt rét được tổ chức vào ngày 25/4 hàng năm, đánh dấu những nỗ lực của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong việc kiểm soát và loại trừ sốt rét kể từ năm 2007.


Chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống sốt rét năm 2014 và 2015 là: “Đầu tư cho tương lai, đánh bại sốt rét”. Đây là mục tiêu tiếp theo mà WHO nhấn mạnh sau thông điệp “Vết đốt nhỏ, mối đe dọa lớn” nhân Ngày Sức khỏe thế giới 7/4 năm 2014.

Đến thời điểm này, sốt rét cùng với hiện tượng kháng thuốc đang là mối lo ngại của nhiều quốc gia trên thế giới. Hàng năm, có hơn 200 triệu ca mắc sốt rét và cướp đi khoảng 627.000 sự sống, chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi vùng cận sa mạc Sahara châu Phi.

WHO cho biết, trong năm 2013, có 97 quốc gia có bệnh nhân sốt rét. Theo báo cáo sốt rét thế giới năm 2013 của WHO, trong số 103 quốc gia liên tục lây truyền sốt rét vào năm 2000, có 59 quốc gia đang đối đầu với Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) về việc thủ tiêu mắc mới sốt rét. Trong số 59 quốc gia đó, có 52 quốc gia đang trên đà đạt được Đẩy lùi sốt rét (RBM) và các mục tiêu giảm tỷ lệ ca mắc và tử vong sốt rét do Đại Hội đồng Y tế thế giới (WHA) đưa ra là 75% vào năm 2015, bao gồm 8 quốc gia thuộc khu vực WHO châu Phi.

10 sự thật về nguyên nhân, thực trạng, hậu quả và giải pháp kiểm soát sốt rét mà WHO đưa ra gần đây là minh chứng rõ ràng cho sự cần thiết của “Đầu tư cho tương lai, đánh bại sốt rét”. Đó là:

- Sốt rét do ký sinh trùng Plasmodium (nguy hiểm nhất là Plasmodium falciparum) truyền qua các vết đốt của muỗi Anopheles.

- Một nửa dân số thế giới (khoảng 3,4 tỷ người) có nguy cơ mắc sốt rét, nhất là người dân các nước nghèo. Trong năm 2012, có khoảng 207 triệu ca mắc (dao động từ 135 triệu đến 287 triệu) và 627.000 ca tử vong do sốt rét (dao động từ 473.000 đến 789.000). Từ 2000 đến 2012, tỷ lệ mắc mới hàng năm giảm 25% trên toàn cầu và 31% ở châu Phi.

- Tỷ lệ tử vong sốt rét giảm. Từ năm 2000, sự tăng cường đầu tư tài chính và đẩy mạnh các biện pháp phòng chống sốt rét đã làm giảm đáng kể gánh nặng sốt rét ở nhiều nơi, cứu sống khoảng 3,3 triệu người (69%). Tỷ lệ tử vong sốt rét đã giảm 42% trên toàn cầu và 49% ở khu vực WHO châu Phi.

Cả thế giới, từ 2000 đến 2012, ước tính tỷ lệ tử vong sốt rét giảm xuống 42% ở tất cả các nhóm tuổi và 48% ở trẻ em dưới 5 tuổi. Nếu giảm tỷ lệ mắc mới và tử vong do sốt rét hàng năm như năm 2000, khi đó ước đoán tỷ lệ tử vong sốt rét vào năm 2015 giảm 52% ở tất cả các lứa tuổi và 60% ở trẻ em dưới 5 tuổi; điều này mô tả sự phát triển bền vững đối với các mục tiêu của WHA trong việc giảm tỷ lệ tử vong sốt rét là 75% vào 2015.

- Mỗi phút, có một trẻ em châu Phi chết vì sốt rét. Trong năm 2012, trong số 90% ca tử vong sốt rét ở châu Phi, có 77% là trẻ em dưới 5 tuổi.

Trong 3.3 triệu người được cứu sống, có 3 triệu (90%) trẻ em dưới 5 tuổi ở cận sa mạc Sahara châu Phi. Ước tính, từ năm 2000, trong 15 triệu trẻ em vùng cận sa mạc Sahara có nguy cơ tử vong, có 20% trẻ được cứu sống trong tổng số tỷ lệ giảm tử vong ở trẻ em. Vì vậy, giảm tử vong sốt rét về căn bản đã góp phần tiến tới mục tiêu MDG 4: giảm 2/3 tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi trong giai đoạn từ 1990 đến 2015.

- Chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời làm giảm bệnh, giảm lây truyền và ngăn chặn tử vong do sốt rét. Xử lý thử nghiệm chẩn đoán và điều trị không chỉ là công tác kiểm soát bệnh sốt rét mà còn là quyền cơ bản của tất cả các nhóm có nguy cơ.

- Kháng artemisinin là một mối quan tâm lớn. Thuốc mới và kháng artemisinin dẫn đến sốt rét tăng trở lại trong những năm gần đây. Artemisinin là một hợp chất chủ yếu trong phương pháp điều trị kết hợp cho bệnh sốt rét không biến chứng do WHO khuyến cáo. Kháng artemisinin được phát hiện ở 4 nước Đông Nam Á: Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, phương pháp điều trị phối hợp với artemisinin vẫn có hiệu quả cao trong hầu hết các môi trường, miễn là các thuốc được kết hợp có hiệu quả tại địa phương.

- Ngủ màn bảo vệ cá nhân chống bệnh sốt rét, đặc biệt là ở những người có nguy cơ mắc bệnh sốt rét (trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai) ở các vùng lan truyền sốt rét cao. Thông thường, tùy vào loại màn và điều kiện sử dụng, tuổi thọ các màn ngủ dao động 3-5 năm. Theo báo cáo sốt rét thế giới năm 2013, có 86 % dân số ngủ màn.

- Phun tồn lưu trong nhà là biện pháp hiệu quả nhất trong việc làm giảm nhanh sự lan truyền sốt rét. Để có hiệu quả, cần phun ít nhất 80% tổng số nhà ở các vùng mục tiêu. Phun tồn lưu sẽ tiêu diệt các véc tơ muỗi trong vòng 3-6 tháng, tùy vào loại thuốc và bề mặt được phun. Người ta đang nghiên cứu loại thuốc phun có hiệu quả lâu hơn.

- Phụ nữ mang thai đặc biệt có nguy cơ tử vong cao do các biến chứng của sốt rét nặng. Sốt rét cũng là một nguyên nhân gây sẩy thai, sinh non, sót nhau thai và thiếu máu nghiêm trọng ở mẹ, gây thiếu cân cho trẻ sơ sinh. WHO khuyến cáo điều trị dự phòng liên tục cho phụ nữ mang thai sống trong vùng lan truyền sốt rét cao.

- Sốt rét gây ra thiệt hại đáng kể về kinh tế ở các nước có lưu hành sốt rét nặng. Ở các nước này, sốt rét làm cho gia đình và cộng đồng càng nghèo đói, người nghèo không có khả năng điều trị hoặc hạn chế tiếp cận chăm sóc sức khỏe.

Nếu thế giới tiếp tục duy trì và đẩy nhanh tiến độ phòng chống bệnh sốt rét, phù hợp với MDG 6, tiến tới các mục tiêu MDG 4 và 5, cần tăng cường đầu tư nguồn tài trợ cho các quỹ sốt rét. Trong hai năm 2014 và 2015, WHO tiếp tục thực hiện “Đầu tư cho tương lai, đánh bại sốt rét” nhằm tạo sức mạnh cam kết chống lại bệnh sốt rét.

Ngày Thế giới phòng chống sốt rét được các nước thành viên của WHO sáng lập thông qua WHA vào năm 2007. Từ đó, các nước tăng cường hợp tác, tiếp tục đầu tư cho công tác phòng chống sốt rét, tiến đến ngăn chặn và loại trừ sốt rét. Sự hợp tác là cơ hội để: các nước trong khu vực bị ảnh hưởng học hỏi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau; các nhà tài trợ mới tham gia vào chiến dịch toàn cầu loại trừ sốt rét; các chuyên gia và công chúng tham gia nghiên cứu và tổ chức học tập để trao đổi tiến bộ khoa học; các đối tác, công ty và tổ chức quốc tế giới thiệu những nỗ lực của họ và suy nghĩ làm thế nào để tiếp tục mở rộng quy mô can thiệp.

CN. Nguyễn Thị Băng Thanh, CN. Nguyễn Thị Hồng Mến
(lược dịch và tổng hợp)


Tài liệu tham khảo:

1. WHO: “World Malaria Day, 25 April 2014”, http://www.who.int/campaigns/malaria-day/2014/event/en/.

2. WHO: “World Malaria Report 2013”, p.(ix, xiii, xiv), www.who.int/iris/bitstream/10665/97008/1/9789241564694_eng.pdf.

3. WHO (March 2014): “10 facts on malaria”, http://www.who.int/features/factfiles/malaria/malaria_facts/en/.

4. WHO: “Fact sheet”, http://www.searo.who.int/entity/world_health_day/2014/Malaria_factsheet_A4.pdf?ua=1

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,