Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến hết năm 2022 ước tính có 249 triệu trường hợp mắc bệnh sốt rét tại 85 quốc gia và tăng 5 triệu trường hợp bệnh sốt rét (THBSR) so với năm 2021. Từ năm 2000 đến năm 2014, mặc dù xu hướng số THBSR dao động nhưng nhìn chung vẫn giảm, từ 243 triệu xuống 230 triệu trường hợp ở 108 quốc gia có sốt rét lưu hành so với năm 2000. Kể từ năm 2015, số ca sốt rét đã tăng lên; số trường hợp bệnh sốt rét năm 2020 được ước tính tăng 11 triệu so với năm 2019. Mặc dù, đã tăng cường mở rộng khả năng tiếp cận màn tẩm hóa chất diệt côn trùng và thuốc điều trị để phòng bệnh sốt rét cho trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai, nhưng số người mắc bệnh sốt rét vẫn tăng. Trong 5 năm qua, số trường hợp bệnh sốt rét tăng chủ yếu ở các quốc gia trong khu vực Châu Phi[4].
Hình 1. Bản đồ phân bố gánh nặng bệnh sốt rét toàn cầu năm 2022
(nguồn: World malaria report, 2023)
Trước thực trạng đó, WHO đã đưa ra thêm 01 khuyến cáo mới về việc sử dụng vắc xin -R21/Matrix-M phòng bệnh sốt rét cho trẻ em. Khuyến cáo này dựa trên cơ sở của nhóm tư vấn chiến lược gồm các chuyên gia về tiêm chủng (SAGE), tư vấn chính sách về sốt rét (MPAG) và được Tổng giám đốc WHO thông qua vào tháng 9 năm 2023[1].
R21/ Matrix-M là loại vắc xin sốt rét thứ hai được WHO khuyến cáo, sau vắc xin RTS,S/AS01 (Mosquirix) năm 2021. Cả hai loại vắc xin này đều được chứng minh là an toàn và hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh sốt rét ở trẻ em và được phép triển khai rộng rãi trong cộng đồng. Sốt rét vẫn đang là một gánh nặng về bệnh tật và ngày càng quan trọng đối với trẻ em ở khu vực châu Phi, nơi có gần nửa triệu trẻ em tử vong mỗi năm do căn bệnh này. Với loại vắc xin mới này, liều tiêm tổng số 04 mũi đối với trẻ em, trong đó lứa tuổi từ 5 - 9 tháng tuổi được tiêm trước 03 mũi, mỗi mũi cách nhau 01 tháng. Mũi thứ tư nhắc lại được tiêm vào thời điểm trẻ được 24 tháng tuổi[1].
Hiện tại nhu cầu về vắc xin sốt rét đã được cấp phép là rất nhiều. Tuy nhiên, do nguồn cung RTS, S sẵn có đang còn hạn chế nên vắc xin phòng sốt rét R21 sẽ được WHO ưu tiên cho trẻ em sinh sống ở các khu vực dễ bị mắc sốt rét, nơi mà bệnh sốt rét vẫn đang là nguy cơ cao đe doạ đến sức khỏe cộng đồng.
Cả 2 loại vắc-xin R21 và RTS, S đều có tác dụng chống lại KSTSR do P. falciparum, loại ký sinh trùng nguy hiểm nhất và phổ biến nhất ở lục địa châu Phi. Những khuyến cáo cập nhật của WHO về vắc xin sốt rét được đưa ra dựa trên kết quả của Chương trình triển khai vắc xin sốt rét do WHO điều phối, qua đó gần 2 triệu trẻ em ở Ghana, Kenya và Malawi đã được tiếp cận với vắc xin sốt rét đầu tiên RTS, S/AS01.Việc giới thiệu thí điểm vắc-xin sốt rét đầu tiên này đã mang lại nhiều hiệu quả đáng kể trong việc giảm bệnh sốt rét nặng, giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong ở trẻ em.
Hình 2. Vắc xin phòng bệnh sốt rét RTS,S/AS01 (Mosquirix)
Hình 3. Vắc xin sốt rét R21/Matrix-M do đại học Oxford (Anh) nghiên cứu và phát triển và do viện huyết thanh Ấn Độ (SII) sản xuất
(nguồn: www.novavax.com/science-technology/vaccine-pipeline/malaria-investigational-vaccine)
Một số đặc điểm chính của vắc xin sốt rét R21/Matrix M[1]
Ít nhất 28 quốc gia ở Châu Phi đã có kế hoạch triển khai tiêm vắc xin sốt rét do WHO khuyến cáo như một phần của chương trình tiêm chủng quốc gia của họ. Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (Global Alliance for Vaccines and Immunization-GAVI) đã phê duyệt cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để triển khai vắc xin sốt rét cho 18 quốc gia khác. Vắc xin RTS, S sẽ được triển khai ở một số quốc gia châu Phi vào đầu năm 2024 và vắc xin sốt rét R21 dự kiến sẽ được cung cấp cho các quốc gia vào giữa năm 2024. Sau khi có khuyến cáo của WHO về loại vắc xin thứ 2 về phòng bệnh sốt rét R21/ Matrix-M, Ghana đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn loại vắc xin này do Đại học Oxford nghiên cứu và phát triển. R21/Matrix-M đã được chứng minh là có hiệu quả lên tới 80% trong một thử nghiệm được thực hiện với 400 trẻ em ở Burkina Faso, được công bố vào tháng 9/2022[1].
Công cuộc tìm kiếm, nghiên cứu và phát triển vắc xin phòng bệnh sốt rét của nhân loại cho tới nay vẫn vô cùng nan giải, đã trải qua nhiều thập kỷ, nguyên nhân là do ký sinh trùng gây bệnh này rất phức tạp, nó có hơn 5.000 gen với rất nhiều đặc thù khác nhau (để so sánh một cách đơn giản: Như virus corona gây bệnh COVID-19 phức tạp như vậy tới nay chỉ mới ghi nhận có 12 bộ gen khác nhau), khiến các nhà khoa học bào chế vắc xin rất gian nan tìm cách khống chế. Do đó việc nghiên cứu, phát triển thành công các loại vắc xin phòng sốt rét này đã mở ra một kỷ nguyên mới, là cơ sở giúp thực hiện chiến lược loại trừ bệnh sốt rét một cách hiệu quả, bền vững, mà trước mắt là loại trừ sốt rét do P. falciparum trên phạm vi toàn cầu và đảm bảo cho các quốc gia giữ vững những thành quả đã, đang đạt được trong công tác phòng chống, loại trừ sốt rét trong giai đoạn vừa qua.
BS. Nguyễn Văn Hoàn (tổng hợp và dịch)
Nguồn tham khảo: