Bệnh sán dây (Taeniasis)

Bệnh sán dây (Taeniasis) là do các loài sán dây trưởng thành gồm Taenia saginata, Taenia solium và Taenia asiatica ký sinh trong ruột gây nên. Bao gồm 2 loại là sán dây lợn và sán dây bò. Bệnh sán dây có thể ký sinh ở người dưới hình thức sán trưởng thành và ấu trùng.


NGUỒN NHIỄM
- Ổ chứa: sán dây trưởng thành sống ở ruột non của người; ấu trùng sán dây lợn sống ký sinh ở trong tổ chức của một số động vật có vú như người, lợn, lợn rừng, trâu, bò, lạc đà, cừu, dê, ngựa, thỏ, chó, mèo.
- Thời gian ủ bệnh: sán dây trưởng thành khoảng 8-10 tuần, ấu trùng sán dây lợn khoảng 9-10 tuần.
- Thời kỳ lây truyền: sau khoảng 10 tuần, sán trưởng thành sống trong ruột non của người, những đốt sán già tự rụng theo phân bài tiết ra ngoài. Trong đốt sán có trứng sán, khi đốt rữa ra trứng sẽ giải phóng và nếu người ăn phải trứng sán dây lợn sẽ gây bệnh ấu trùng sán dây lợn.

PHƯƠNG THỨC LÂY TRUYỀN
- Người ăn phải thịt lợn, thịt bò có ấu trùng sán (nang sán) chưa được nấu chín sẽ phát triển thành sán dây lợn/bò trưởng thành ký sinh ở ruột non của người.
- Người ăn phải trứng sán dây lợn, trứng sẽ phát triển thành nang trùng sán trong cơ thể (người gạo); rất hiếm gặp bệnh ấu trùng sán dây bò.


Chu kỳ phát triển của sán dây bò.


BIỂU HIỆN BỆNH
Bệnh sán dây trưởng thành thường không biểu hiện triêu chứng rõ rêt.
Một số trường hợp có biểu hiện lâm sàng:
- Đau bụng, rối loạn tiêu hóa hoặc có triệu chứng thần kinh (suy nhược).
- Dấu hiệu chính là thấy đốt sán ra theo phân hoặc tự bò ra ngoài hậu môn trong lúc tắm, lúc ngủ đốt sán bò ra giường, ra quần áo, bò lên người bệnh và người nằm cùng giường. Đốt sán nhỏ, dẹt, trắng ngà như sơ mít, đầu sán bằng phẳng cử động linh hoạt
- Một số trường hợp có trứng sán trong phân được phát hiện.


Trứng sán dây (nhìn bằng kính hiển vi)

Bệnh ấu trùng sán lợn: triệu chứng bệnh tùy thuộc vị trí ký sinh và đóng kén của ấu trùng mà bệnh sẽ xuất hiện các triêu chứng khác nhau: Tại não cũng tùy thuộc vị trí mà triệu chứng biểu hiện chức năng cũng khác nhau: động kinh, liệt, nói ngọng, rối lọan ý thức và có những cơn nhức đầu dữ dội;
Khi ấu trùng cư trú ở mắt gây các triệu chứng chèn ép sau nhãn cầu, tăng nhãn áp, giảm thị lực, song thị,…
Ấu trùng cư trú ở cơ vân: xuất hiện các nang dưới da với kích thước 0.5-2cm, di động dễ dàng, không ngứa, thường ở cơ bắp tay, chân hoặc cơ liên sườn, cơ lưng, ngực; các nang này có thể gây ra triệu chứng máy, giật cơ.

CẬN LÂM SÀNG
-Phát hiện sán trưởng thành:
+ Phát hiện kháng nguyên trong phân bằng kỹ thuật ELISA;
+ Phát hiện các đốt sán chui ra tự nhiên ở hậu môn.
- Phát hiện bệnh ấu trùng sán lợn:
+ Sinh thiết các nang sán dưới da tìm ấu trùng sán dây lợn;
+ Chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner) não tìm các hình ảnh đặc hiệu (các nang sán là những nốt dịch có chấm mờ, kích thước 3-5mm, đôi khi nang có kích thước lớn đến 10mm, rải rác có nốt dạng vôi hóa);
+ Chẩn đoán huyết thanh học (ELISA) phát hiện kháng thể và kháng nguyên ấu trùng sán dây lợn trong huyết thanh bệnh nhân;
+ Một số trường hợp nhức sau nhãn cầu, tăng nhãn áp, giảm thị lực nếu nghi ngờ sán ở ổ mắt thì nên soi dáy mắt để xác định;
+ Xét nghiệm công thức máu toàn phần có thể có bạch cầu ái toan (E) tăng.

ĐIỀU TRỊ
Nguyên tắc điều trị
- Điều trị sớm: cần thiết chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán ra theo phân hoặc đốt sán ra quần lót / quần đùi để tránh những biến chứng do sán dây gây ra.
- Không nên điều trị bằng thuốc đông y, thuốc nam hoặc các thuốc cổ điển đối với bệnh sán dây vì dể xảy ra biến chứng nguy hiểm.
- Điều trị bệnh ấu trùng sán dây nên thực hiện ở cơ sở y tế trang bị phương tiện cấp cứu tốt, có bác sĩ chuyên khoa theo dõi.

Thuốc điều trị
Một số thuốc đặc hiệu cho bệnh sán dây và ATSL như Praziquantel, Niclosamide và Albendazole.
- Điều trị bệnh sán dây trưởng thành: praziquantel 15-20mg/kg cân nặng liều duy nhất hoặc niclosamide liều duy nhất 2 gam cho người lớn hoặc có thể lặp lại liều trong vòng 7 ngày nếu cần thiết .

PHÒNG BỆNH
- Vệ sinh cá nhân, không ăn thịt bò/lợn tái hoặc chưa nấu chín; thực hiện ăn chín, uống sôi, ăn rau sống phải rửa sạch dưới vòi nước.
- Quản lý và xử lý nguồn phân tươi hợp lý, tránh reo rắc mầm bệnh ra môi trường. Phát hiện và tẩy sán trưởng thành sớm nếu bị nhiễm bệnh.

Nguồn: www.impe-qn.org.vn

Bs Đặng Thị Nga