1. Đặc điểm chung
Chuột thuộc giới Animalia, ngành Chordata, lớp Mammalia, bộ Rodentia, liên họ Muroidea, gồm 6 họ: Platacanthomyidae, Spalacidae, Calomyscidae, Nesomyidae, Cricetidae, Muridae.
Họ chuột phân bố rộng, chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Có những loài phân bố khắp thế giới như chuột cống và chuột nhắt nhà, một số loài phân bố hẹp và chỉ có mặt tại Việt Nam như chuột vàng, chuột su ri lông mềm, chuột đàn và chuột đồng núi cao. Chuột ở Việt Nam có trọng lượng dao động từ vài gam (chuột nhắt), đến khoảng 1kg (chuột đất lớn).
Trên thế giới có khoảng 1.300 loài chuột, thuộc 280 giống. Tại Việt Nam đã phát hiện khoảng 33 loài thuộc 13 giống và giống phụ. Các loài chuột có một số đặc điểm chung như: mõm nhọn, mắt đen, to, lông mềm, đuôi dài và có một lớp vẩy ngắn nhỏ. Bộ răng của chuột gồm 4 chiếc, răng cửa và 12 răng hàm, răng phát triển nhanh, mỗi năm dài thêm khoảng 12mm, do vậy chuột rất thích gặm nhấm. Răng của chuột khoẻ có thể gặm nhấm các đồ dùng bằng gỗ, đồ dùng bằng nhựa, gặm nhấm không chỉ để tìm kiếm thức ăn mà còn làm mòn và hạn chế sự phát triển của răng để không ảnh hưởng đến đời sống của chuột. Răng cửa chuột còn dùng để giữ thức ăn, cắn nhau và đào hang.
1.1. Các giác quan của chuột:
Bộ lông chuột có những lông “cảnh giác” dài, rất nhạy cảm và có vai trò trong thăm dò, tìm kiếm thức ăn.
Những râu mép trên mặt chuột có thể là cơ quan rất nhạy cảm, nhờ râu mà chuột có thể phán đoán kích thước các lỗ hổng cũng như kích thước của hang.
Xúc giác của chuột đóng vai trò trong việc tìm kiếm, xác định đường đi.
Khứu giác của chuột rất nhạy bén và có vai trò quan trọng. Khi kiếm ăn, chuột chủ yếu sử dụng bộ phận khứu giác nhạy cảm để phân biệt thức ăn và những cá thể khác, chuột thường thông qua mùi có thể phân biệt được các thành viên trong bầy với những kẻ lạ mặt và có thể phát hiện hoặc né tránh các đồ vật, bẫy có mùi của con người. Chuột gần như không phân biệt được màu sắc của vật thể nhưng chuột có thể phát hiện mồi độc ở nồng độ rất thấp (0,5 PPM). Tuy nhiên khi ăn mồi độc, mùi vị thức ăn sẽ lấn át được mùi vị thuốc nên chuột vẫn ăn mồi độc bình thường.
Trong lúc vận động, thính giác nhạy cảm và các bộ phận giác quan là lông mao phủ trên toàn bộ cơ thể chuột, râu sẽ giúp cho chuột hoạt động trong đêm tối dễ dàng và phát hiện rất nhanh hướng của kẻ thù. Đây cũng là một trong những thích nghi rất cao của chuột trong điều kiện sống, kiếm ăn gần người về tính năng bảo vệ.
1.2. Khả năng vận động:
Chuột không những có các bộ phận giác quan nhạy cảm mà ở chúng khả năng vận động cũng rất linh hoạt. Nhờ khả năng này mà chuột có thể đến được những nơi cao, kín đáo... và lẩn trốn dễ dàng.
Chuột cống và chuột nhà có khả năng chui qua mọi lỗ hổng đường kính 2 cm trở lên. Leo trèo dễ dàng trên các dây mắc ngang và đường thẳng đứng. Khi gặp nguy hiểm có thể nhảy xa 1 đến 2 m và từ độ cao 15 m nhảy xuống đất mà không bị chết.
Chuột cũng có thể leo trèo cây, leo dây, ống thoát nước... thẳng đứng để chui vào nhà, lên tầng nhà cao và di chuyển từ nhà này sang nhà kia.
Khả năng bơi của chuột cống cũng rất lớn. Chúng có thể bơi xa tới 0,8 km và bơi ngược dòng nước chảy. Chuột nhà còn có thể leo được lên mái ngói và các mặt tường xù xì thẳng đứng...
1.3. Tập tính ăn của chuột:
Thức ăn có lẽ có tính chất quyết định nhất lên đời sống của chuột. Đa số các loài chuột ăn tạp, thức ăn có nguồn gốc động vật và thực vật. Tuy nhiên, những loài chuột khác nhau sẽ ở những địa phương khác nhau lại có những ưa thích riêng. Chuột cống rất ưa thích các loại thức ăn thừa của người. Chuột nhà, nhắt, lắt... lại ưa thích ăn những loại có hạt có chất dinh dưỡng lớn hơn. Ngũ cốc, hoa quả, sâu bọ, cua cá...vẫn là nguồn thức ăn chủ yếu của chuột.
Mức độ ưa thích mồi mang tính địa phương là do điều kiện sống ở từng địa phương chi phối. Nhu cầu về thức ăn và nước uống của chuột là khá lớn tùy thuộc vào loại và thể loại thức ăn mà loại chuột đó sử dụng.
Chuột nhắt, chuột nhà có nhu vầu thức ăn hạt lớn hơn nhiều so với chuột cống. Chuột cống cần nước nhiều hơn chuột nhắt và chuột nhà. Các loài chuột thường rất thận trọng khi gặp một loại thức ăn mới. Với loại thức ăn này thời gian đầu chúng chỉ thường nếm thử, sau mới ăn thật. Thức ăn hấp dẫn nhất với chuột là những thức ăn có sẵn ở địa phương.
1.4. Đặc điểm hoạt động:
Theo giai đoạn phát triển, nguồn thức ăn, các hoạt động sinh lý của chuột có thể thay đổi. Chẳng hạn khi còn nhỏ dưới 1 tháng tuổi chúng không ra khỏi hang, sau đó chúng theo mẹ ra ngoài. Từ 3 tháng trở đi là thời kỳ chúng hoạt động mạnh nhất. Khi chuột chửa và cho con bú, cường độ hoạt động có giảm. Khi về già, khoảng trên 1 năm rưỡi, hoạt động của chuột giảm rõ rệt.
Chuột khá nhanh nhạy, hay “đa nghi” trong hoạt động sống của chúng rất thận trọng, dè dặt, chuột thường đi theo lối mòn cố định nên con người thường tìm lối đi của chuột để đặt bẫy. Khi chúng hoạt động thường các con nhỏ ra khỏi nơi ẩn nấp trước, sau các con lớn mới xuất hiện. Nơi hoạt động là những nơi có nhiều thức ăn, xung quanh tổ và một số nơi khác. Chẳng hạn như chuột cống không ở hang trong nhà suốt năm mà có 4 - 6 tháng chuyển ra sống ở cạnh rãnh nước, bờ sông, bờ mương, ruộng lúa... Chuột thường kiếm thức ăn ở những khu vực cố định và hơi xa nơi ở của chúng. Khi ra nơi kiếm ăn thường đi theo những đường mòn cố định. Đường mòn này thường men theo chân tường, đồ vật hoặc có những vật khác che khuất.
Thời gian hoạt động, chuột ít hoạt động vào ban ngày chủ yếu là ban đêm, hầu hết các loài chuột đều bắt đầu hoạt động kiếm ăn vào lúc chập tối: chuột cống 19 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, chuột nhà 17 giờ đến 6 giờ, hoạt động mạnh nhất là từ 20 giờ đến 24 giờ. Một số ít loài như chuột hoang đồng cỏ hoạt động ban ngày. Khi mưa bão chúng ẩn nấp trong hang. Nếu trong một lãnh thổ có 2 - 3 loài cùng sinh sống thì chúng phải “lựa” để không va chạm lẫn nhau. Chẳng hạn nếu có chuột cống và chuột nhà cùng một địa điểm thì chuột nhà trước đây hoạt động chủ yếu trong đêm, nay sẽ chuyển thời gian hoạt động vào ban ngày.
1.5. Đặc điểm sinh sản của chuột:
Thường thì cứ mỗi 3 tuần. Trung bình một con chuột cái sinh từ 4 đến 7 lứa mỗi năm, mỗi lứa chuột lớn có thể đẻ từ 8 đến 12 con, chuột nhắt là từ 4 đến 6 con và có thể nuôi sống từ 40 đến 60% tùy theo loài. Vì vậy trung bình một năm mỗi con chuột cái có thể đẻ 30 đến 40 con chuột con và nuôi trưởng thành khoảng 20 con (đối với loài chuột nhắt).
Thời kỳ sinh sản sung mãn nhất của chuột lớn thường là mùa xuân và mùa thu. Chuột nhắt thường không biểu hiện thời kì sinh đẻ sung mãn nhất, nhưng chúng đẻ liên tục không ngớt trong suốt năm. Vì những loài gặm nhấm nói chung, loài chuột nói riêng thường đạt đến độ trưởng thành trong khoảng khoảng 2 đến 3 tháng sau khi sinh nên số lượng cá thể gia tăng trong quần thể chuột từ một cặp riêng lẻ có thể lên đến 15,000 con trong vòng 1 năm.
Sinh sản của chuột chịu ảnh hưởg của rất nhiều nhân tố ngoại cảnh: thức ăn, nhiệt độ, độ ẩm, nơi ở, bệnh tật..., tất cả những yếu tố này đồng thời cùng tác động đến đời sống của chuột. Vì vậy sinh sản của chuột hoặc tăng cường hoặc bị hạn chế do điều kiện hoàn cảnh của thời gian đó quyết định.
1.6. Đặc điểm phân bố:
Nơi ở của chuột rất đa dạng. Có thể gặp chúng trong rừng già, rừng thứ sinh như chuột rừng, chuột bung kem, chuột cây, trong khu vực dân cư như chuột nhà, chuột lắt,… ngoài đồng ruộng như chuột đồng bé, chuột bụng bạc,… Chuột có khả năng đào hang ổ, mỗi loài hang của chúng có thể đơn giản hoặc phức tạp.
Theo phân bố sinh thái, nơi cư trú của chuột có thể có 3 nhóm chủ yếu sau:
- Nhóm chuột nhà: bao gồm những loài chuột sống gần người trong khu dân cư thành thị hay nông thôn, trong các khu vực xây dựng công xưởng hay khu chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thuộc nhóm chuột này, ở Việt Nam có loài chuột cống, chuột nhà, chuột lắt (Rattus exulans), chuột bang (Rattus nitidus), chuột nhắt nhà (Mus musculus)... Đây là nhóm chuột phá hại lương thực, vật dụng hàng ngày của người, làm ô nhiễm lương thực, thực phẩm và là những loài mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm truyền sang người và gia súc.
- Nhóm chuột đồng: bao gồm các loài chuột sống ở đồng lúa, ruộng bãi... như các loài chuột đồng lớn (Rattus argentiventer), chuột đồng nhỏ (Rattus losea), chuột cống nhum (Bandicota indica), chuột lợn nhỏ (Bandicota savilei), chuột nhắt đồng (Mus caroli)... Nhóm chuột này phá hại thóc lúa, hoa mùa ở ngoài đồng ruộng từ khi gieo trồng đến khi thu hoạch. Các loài chuột còn mang mầm bệnh nguy hiểm cho người và gia súc.
- Nhóm chuột rừng: gồm các loài chuột chủ yếu sống ở rừng miền núi, trung du và cả đồng bằng như các loài chuột khuy (Rattus rattus sladeni), chuột núi, chuột hươu lớn... Nhiều loại chuột trong nhóm này phá hại lúa nương, lúa ruộng ở miền núi và trung du, khoai sắn trồng ven rừng, hại cây rừng. Những loài trong nhóm chuột rừng đôi khi tràn ra ruộng lúa gây ra tác hại rất lớn.
1.7. Quan hệ xã hội của các loài chuột:
Trong xã hội các loài chuột, quan hệ xã hội mang tính mạnh yếu rõ rệt. Thường những con to khỏe lấn át những con bé, yếu. Tính chất này không những thể hiện trên cùng một loài mà còn ở những loài khác nhau. Trên một khu vực kiếm ăn, thường có nhiều loài cùng chung sống để tận dụng tối đa nguồn thức ăn và nơi ở của nơi đó, những con chuột to khoẻ sẽ chiếm những vị trí thức ăn phong phú hơn, thuận lợi hơn, nơi ẩn náu kín đáo hơn... còn những con nhỏ hơn thì phải sống ở những nơi điều kiện ít thuận lợi hơn và phải kiếm ăn khi các con to vắng mặt.
Trong các đợt tiêu diệt chuột bằng mồi độc, bẫy thường thấy những ngày đầu chuột cống chết và sa vào bẫy nhiều hơn, còn ngày sau đấy là chuột nhà, chuột lắt, chuột nhắt nhà... hoặc những con chuột còn non. Điều này có lẽ do tính chất của mối quan hệ trên chi phối. Chuột cống là loại chiếm cứ trên đất, còn chuột nhà, chuột nhắt nhà... thì bị đẩy lên mái nhà tầng trên cao, nên khi chuột cống giảm, chuột nhà, chuột nhắt nhà... xuống sàn nhà kiếm thức ăn tự do hơn. Điều này có lẽ giải thích phần nào vì sao đêm đầu đánh mồi độc và đặt bẫy chuột vẫn nhiều. Trong một phạm vi giới hạn của tính chất này, yếu tố cạnh tranh giao loài có thể cũng có một vai trò nhất định trong phân chia vùng sống và quan hệ xã hội.
1.8. Biến động số lượng của chủng quần chuột:
Trong tự nhiên số lượng chuột là rất đông đúc nhưng thường phân bố không đồng đều. Có những khu vực mật độ chuột rất cao nhưng cũng có những vùng mật độ chuột rất thấp. Ngay cả trong một khu vực cũng phân bố không đồng đều. Trên những sinh cảnh khác nhau, mật độ chuột rất khác nhau, sự khác nhau này chủ yếu là do điều kiện sống ở nơi đó quy định như nơi ở, nguồn thức ăn, khí hậu thuận lợi, bảo vệ... Vì vậy, số lượng các loài chuột thường không cố định mà luôn luôn biến đổi theo mùa và theo năm.
Vào những năm hoặc mùa có điều kiện sống thuân lợi, thức ăn dồi dào, khí hậu ấm áp..., các yếu tố tự điều chỉnh (các hoocmon) kích thích chuột sinh sản mạnh và dẫn đến tăng số lượng quần thể.
Khi số lượng tăng quá cao, các yếu tố tự điều chỉnh cũng lại tác động lên đàn theo hướng ngược lại. Trong quần thể chuột sẽ xuất hiện hiện tượng giảm tỷ lệ sinh đẻ, tăng tỷ lệ tử vong và xuất hiện những nhóm nhỏ di cư khỏi quần thể. Trong giai đoạn này các bệnh dịch ở chuột thường hay xuất hiện và lây lan từ khu vực này sang khu vực khác.
Khi có mầm bệnh, các yếu tố sinh sản, tử vong, di cư... luôn luôn giữ cho số lượng quần thể ở một địa phương ở một giới hạn nhất định. Trong điều kiện thức ăn kém, nơi ở bị mất, khí hậu không thuận lợi... chuột cũng giảm sinh sản, tăng tử vong... và dẫn đến số lượng chuột cũng giảm xuống.
Đặc điểm sinh học này là cơ sở rất quan trọng trong kế hoạch làm vệ sinh môi trường, triệt nguồn thức ăn, nơi ở của chuột để một phần hạn chế số lượng chuột, hạn chế các tác hại của chúng gây ra.
1.9. Tác hại về kinh tế do chuột gây ra
Chuột là động vật có xương sống gây hại lớn cho con người cả về kinh tế và sức khỏe. Chuột sống ký sinh gần người, thức ăn chủ yếu là thức ăn của người.
- Chuột gây hại cho nông nghiệp:
Mỗi ngày một con chuột nhắt ăn một lượng thức ăn bằng 50 - 75% khối lượng cơ thể của nó. Nhưng thiệt hại đáng kể do chuột gây ra là số nông sản bị vương vãi dơ bẩn.
Theo thống kê hàng năm, trên toàn thế giới có khoảng 33 triệu tấn lương thực bị chuột phá hại, số lương thực này có thể đủ nuôi 100 triệu người trong một năm.
- Chuột gây thiệt hại đồ dùng trong gia đình:
Không phải chỉ ăn hại, để mài mòn răng, chuột còn cắn phá cả các vật liệu không ăn được như các hòm tủ làm bằng gỗ, các đường dây điện, dây phơi, buộc… gây hỏng đồ đạc, phương tiện, máy móc. Các mặt hàng tạp hóa như xà phòng, đồ nhựa, bao tải, đục khoét các đệm mút, đồ nhôm... gây hại đáng kể ảnh hưởng đến kinh tế.
2. Chuột là vật chủ ưu thích của nhiều loài ngoại ký sinh gây bệnh
Chuột là vật chủ ưa thích của nhiều loài ngoại ký sinh, trong đó có nhiều loài ngoại ký sinh mang mầm bệnh truyền cho người và gia súc. Bệnh truyền từ chuột sang người qua vết đốt của các loài ngoại ký sinh, qua phân, truyền qua thức ăn, nhiễm nước tiểu chuột…
Các loài bọ chét Xenopsylla cheopis là ký sinh chủ yếu trên các loài chuột (chuột cống, chuột đồng, chuột nhắt...), là véc tơ gây bệnh dịch hạch chính tại Việt Nam. Ngoài ra còn có các véc tơ truyền bệnh khác như: Xenopssylla vexabilis hawaiiensis truyền bệnh dịch hạch ở Tây Thái Bình Dương; (Leptopsylla) segnis truyền bệnh dịch hạch ở Nam Phi; Pulex irritans truyền dịch hạch ở Đông Bắc Trung Quốc, Bắc Triều Tiên. Tất cả các véc tơ trên đều ký sinh chủ yếu trên các loài chuột. Bệnh dịch hạch là bệnh nguy hiểm nhất mà chuột gây ra cho người, người mắc bệnh dịch hạch dễ dẫn đến tử vong. Bệnh đã từng làm chết hàng triệu người ở châu Á, châu Âu, châu Phi trước kia và ngày nay vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực phía Nam, miền Trung - Tây Nguyên nước ta bệnh xảy ra trên người và động vật, cho đến năm 2003 bệnh không còn xuất hiện ở người.
Ấu trùng mò Leptotrombidium (L.) deliense sống ký sinh chủ yếu trên các loài chuột (chuột đồng, chuột nhà, chuột rừng, chuột hươu, chuột bụng trắng, suriphe) gây bệnh sốt mò. Bệnh sốt mò còn được gọi là sốt bụi rậm, sốt ban nhiệt đới, sốt triền sông Nhật Bản (Tsutsugamushi) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn ký sinh Rickettsia Orientalis (Rickettsia Tsutsugamushi) qua véc tơ chính là loài mò Leptotrombidium (L.) deliense gây ra. Bệnh sốt mò lưu hành tại các vùng đồng cỏ, sông ngòi, sân bay, hải cảng, rừng núi.
Loài mò Ascoschoengastia (Lau.) indica sống ký sinh chủ yếu trên các loài chuột nhà, chuột rừng gây bệnh sốt phát ban.
Các loài mạt Ornithonyssus bacoti, Laelaps sedlaceki, Laelaps (E) echidninus và loài mò Gahrliepia (W) chinensis sống ký sinh chủ yếu trên các loài chuột (chuột nhà, chuột nhắt, chuột hươu lớn, chuột hươu bé) gây bệnh sốt hồi quy.
Sốt Q: mầm bệnh là R.burnetti (Coxiella burnetti). Bệnh phát hiện lần đầu tiên ở vùng Queensland (Úc). Hiện nay bệnh phân bố rộng rãi trên toàn thế giới. Bệnh do ve Rhipicephalus, Dermacentor truyền. Các loài ve này cũng sống ký sinh trên chuột. Bệnh cũng có thể lây qua đường hô hấp và tiêu hoá.
Mầm bệnh là xoắn khuẩn Borrelia burrefery, Trung gian truyền bệnh là các loài ve ký sinh trên truột, phát hiện từ năm 1975 tại làng Lyme (Hoa Kỳ). Bệnh xảy ra chủ yếu ở vùng ôn đới gồm: Trung Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ và Liên Xô cũ. Bệnh đã được phát hiện ở Việt Nam trên một bệnh nhân điều trị tại Viện Quân y 103.
Chuột cũng là vật chủ của bệnh leptospirose, xoắn khuẩn leptospira được đào thải qua phân và nước tiểu chuột ra ngoài và xâm nhập vào cơ thể con người qua vết xước, màng nhầy, vết loét... Nước và thức ăn bị ô nhiễm phân và nước tiểu của chuột bị bệnh là ổ khuẩn nguy hiểm cho người và gia súc. Bệnh thường hay xảy ra ở vùng nông thôn, nông trường, khu khai hoang, nơi khai thác lâm nghiệp. Chuột cống, chuột nhà, chột rừng... là ổ chứa bệnh này.
Các loài chuột đồng, chuột nhắt, chuột nhà, chuột cống nhà, chuột rừng đất... cũng là ổ chứa của bệnh palaremia, bệnh do vi khuẩn tularense. Bệnh truyền từ chuột sang người qua các côn trùng trung gian hút máu như ve, mạt, rận, rệp, muỗi... và do tiếp xúc, thức ăn.
Ở nước ta bệnh này chưa được nghiên cứu nhiều. Nhưng ở nhiều nước bệnh cũng đóng vai trò quan trọng ở vùng rừng núi, ven hồ, nông thôn. Chuột còn có thể mắc bệnh nấm và lan truyền cho người qua tiếp xúc trực tiếp, qua quần áo, chăn màn, đồ dùng sinh hoạt bị chuột làm nhiễm bẩn. Đôi khi, nhiều trường hợp bệnh đường ruột nhiễm độc thức ăn do sallmonella spp, cũng do chuột truyền sang cho con người qua ăn thức ăn bị chuột làm nhiễm bẩn.
Ngoài những bệnh thường gặp nêu trên nhiều loài chuột nhà, chuột rừng, chuột đồng còn là vật chủ của nhiều bệnh cho người như sốt chuột cắn, giun xoắn, bệnh than... chuột chẳng có lợi gì mấy so với những cái lợi mà chúng gây ra. Vì vậy khống chế và thanh toán chuột mà trước mắt là chuột sống gần người để giảm bớt thiệt hại về kinh tế do chúng gây ra và để bảo vệ sức khỏe cho con người là rất cần thiết.
3. Cách phòng chống
- Thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, bố trí và sắp xếp vị trí cũng như cấu trúc nhà ở và kho hàng hợp lý, quản lý lương thực, thực phẩm, nuôi mèo, đặt bẫy (chuột thường đi theo lối mòn cố định nên con người thường tìm lối đi của chuột để đặt bẫy), phá vỡ hang tổ chuột, khống chế, phá hủy nơi sinh sản của chuột.
- Diệt chuột đại trà bằng hóa chất, diệt định kỳ hàng năm từ 1 đến 2 lần vào thời gian sinh sản của chuột, thời gian cụ thể tùy từng địa phương. Chỉ sử dụng hóa chất diệt chuột đã được cho phép.
CN. Mai Đình Thắng
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đặng Tuấn Đạt, Nguyễn Văn Châu. Các loài ngoại ký sinh ở Tây Nguyên và vai trò dịch tễ của chúng. Nhà xuất bản Y học ( NXBYH), 2007, 262 trang.
2. Lê Vũ Khôi, 1982. Động vật chí Việt Nam, Bộ ăn sâu bọ: Insectivora Bowdich.
3. Nguyễn Văn Đĩnh, 2005. Giáo trình Động vật Hại Nông nghiệp, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội.
4. Lê Vũ Khôi, 1978. Một số dẫn liệu sinh thái học của chuột chù (Suncus murinus) (Insectivora, Soricidae) ở Việt Nam. Thông tin khoa học của Trường ĐHTH Hà Nội, Chuyên san Sinh vật học, Số 2: 3-4.
5. Lê Vũ Khôi, Nguyễn Văn Biền, 1980. Dẫn liệu sinh thái học của chuột chù (Suncus murinus), (Insectivora, Soricidae), Tạp chí Sinh vật học, 2 (1): 14 - 18.
6. Lê Thành Đồng, 2008. Kỹ thuật xông hơi diệt chuột.
7. Musser, G. G. and M. D. Carleton, 2005. Superfamily Muroidea. pp. 894–1531.
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG - TP. HỒ CHÍ MINH
Số 685 Trần Hưng Đạo - Phường 1 - Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh | www.impehcm.org.vn
Điện thoại: 84-028-3923.7117 / 3923.9940 / 3923.7422 / 3923.8091 / 3923.9946 - Fax: 84-8-3923.6734
Giấy phép số 125/GP-BC (9/4/2007)