I. Ca bệnh
Bệnh nhân nam, 6 tuổi, sống tại quận 7, Tp. HCM tới khám với lý do ngứa mi mắt cả hai bên và bé hay chớp mắt. Khám phát hiện mi mắt hai bên của bé đóng vảy, mẩn đỏ, ngứa. Trên đầu bé phát hiện các vảy giải giác, da đầu có các nốt thâm nhiễm, bé hay ngứa về đêm. Gia đình trực tiếp bắt được các con côn trùng giống như chấy rận ở hai mi mắt và trên da đầu của bé. Tại Trung Tâm Khám Bệnh Chuyên Ngành bắt các con côn trùng tại hai mi mắt, trung tâm gửi mẫu bệnh phẩm lên khoa Côn trùng định loại. Kết quả được cử nhân Lê Tấn Kiệt xác định là loài rận mu (rận háng).
Qua tìm hiểu thì phát hiện bé không đi đâu xa ra khỏi Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây, người nhà không có ai bị bệnh như bé. Vậy đây có thể là trường hợp mắc tại chỗ.
Hình ảnh rận mu ở mi mắt và da dầu cháu bé
Trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây xuất hiện các thông tin loài rận mu xuất hiện trở lại sau một thời gian dài.
II. Bàn luận
Rận mu có thật sự nguy hiểm, cách phát hiện, điều trị và phòng bệnh ra sao?
Rận mu hay còn gọi là rận lông mu, rận cua, chấy cua, rận bẹn. Rận mu có tên khoa học là Pthirus pubis, thuộc bộ Anoplura [1] là một loài rận thuộc côn trùng hút máu không có cánh sống và sinh sản ở vùng lông mu của con người như vùng da lông mu, vùng sinh dục nhất là ở nam giới, ngoài ra rận mu còn ký sinh trên mi mắt, lông mày, râu. Rất ít gặp trong tóc. Khi ký sinh trên cơ thể con người, rận mu là tác nhân gây ra bệnh rận mu hay rận lông mu gây ra triệu chứng ngứa ngáy ở những vùng nhạy cảm.
1. Hình thể
Rận mu có kích thước 0,8 - 1,2 mm. Đầu tương đối ngắn và nằm trong một lõm của ngực. Ngực của rận lớn bề ngang, và dính liền với bụng thành một khối. Chân có móng dài và khỏe, cong lại [1].
Hình ảnh rận mu trên kính hiển vi của bệnh nhân do khoa Côn trùng cung cấp
2. Chu kỳ phát triển
Rận sống chủ yếu trên cơ quan sinh dục, trứng dài 0,6 - 0,8mm, dính vào lông, tóc hay sợi vải nhờ chất keo. Trứng đẻ ra môi trường, thường đẻ trứng ở gốc lông [1] sau một tuần nở thành ấu trùng, ấu trùng lột xác 3 lần trong vòng hai tuần thì trưởng thành. Trong suốt cuộc đời rận đẻ khoảng 50 trứng, vòng đời khoảng một tháng [1].
Đây là loài côn trùng có chu kỳ phát triển nội sinh tức hoàn tất vòng đời ngay trên cơ thể ký chủ (con người). Rận có chu kỳ phát triển biến thái không hoàn toàn (tức ấu trùng và con trưởng thành có hình dáng không khác nhau là mấy). Rận sống được 2 ngày ở 50C không cần ăn [1] và thường gặp ở người ở bẩn, ít tắm rửa.
Khi nhiệt độ cơ thể tăng (sốt) hay giảm (lúc sắp chết), rận sẽ rời vật chủ, đi tìm vật chủ khác [1].
3. Dịch tễ học
Rận hiện diện khắp nơi trên thế giới và người là ký chủ duy nhất. Nơi sống thích hợp là lông mu. Rận di chuyển rất chậm. Chúng hút máu trong thời gian dài. Nhiệt độ thích hợp từ 15 - 380C nhưng chết khi quá 400C. Nóng ẩm ở 600C làm trứng chết sau 15 - 30 phút [1].
Rận thường lây truyền qua giao hợp, nhiễm con trưởng thành, ấu trùng hay nhiễm trứng; nhiễm qua bàn cầu, khăn tắm, khăn trải giường thì hiếm hơn [1],[2].
4. Triệu chứng
Bệnh nhân bị rận mu có thể có sốt nhẹ, đau mỏi cơ bắp hoặc nổi hạch cổ, hạch bẹn. Rận mu gây ảnh hưởng tới các sinh hoạt cá nhân, gây khó chịu, làm giảm ham muốn tình dục, ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình.
Nếu bị bệnh, có thể quan sát bằng mắt thường sẽ thấy rận mu hoặc trứng bám trên vùng có lông, tóc của cơ thể.
4.1 Vai trò gây bệnh
Nước bọt gây kích thích, truyền vào người khi rận hút máu, tạo nên một nốt sần nhô cao kèm theo ngứa nhiều thường là bộ phận sinh dục. Triệu chứng ngứa thường xảy ra sau 1 hoặc 2 tuần nhiễm bệnh, mức độ nhạy cảm tùy thuộc vào từng cơ thể. Ngứa gãi làm viêm và bội nhiễm vi trùng, tạo thành mủ, sau đóng vảy. Nhiễm trùng nặng có thể loét da để lại sẹo chai cứng. Nếu lông mi bị nhiễm rận, kèm theo nhiễm trùng thứ cấp có thể đưa tới viêm kết mạc mụn rộp và viêm giác mạc.
Triệu chứng chung của bệnh rận là ngứa ngoài da, mất ngủ, tâm thần ức chế. Ngứa là triệu chứng xuất hiện sớm và nổi bật. Di chứng của việc gãi như vừa mô tả.
Người lớn thường bị nhiễm bệnh rận mu nhiều hơn trẻ em và độ tuổi thường gặp là từ 15-40 tuổi.
4.2 Vai trò trung gian truyền bệnh
Rận cho tới nay chưa phát hiện chuyền bệnh gì. Tác hại mà chúng mang lai đó là các biến chứng và các phiền phức cho người bệnh [1],[2].
5. Chẩn đoán
Dựa vào triệu chứng ngứa, gãi nhiều và di chứng của gãi là loét da do nhiễm trùng thứ phát. Tìm trứng, ấu trùng và con trưởng thành.
Chẩn đoán xác định dựa trên soi kính hiển vi xác định trứng, ấu trùng và con trưởng thành.
6. Điều trị
Vùng bị nhiễm có thể cạo lông, bôi Pommad Llindane, kem DEP, bôi Permethrin 5%, 12 giờ sau tắm lại bằng savon. Điều trị liên tục một tuần vì thuốc không diệt được trứng. Rận ở lông mi, lông mày có thể dùng kẹp gắp ra [2].
7. Phòng bệnh
Để phòng tránh loài rận này, cách tốt nhất là thường xuyên vệ sinh, tắm rửa hàng ngày để giữ cho cơ thể sạch sẽ, không cho rận mu môi trường lý tưởng để ký sinh.
Chú ý quan hệ tình dục an toàn và lành mạnh để tránh lây nhiễm bệnh. Không nên mặc chung quần áo, không dùng chung chăn, chiếu và khăn tắm, không quan hệ tình dục bừa bãi, không mặc quần lót chật, nhất là vào mùa nắng nóng. Vệ sinh cơ thể, đặc biệt là vệ sinh vùng kín sạch sẽ, giữ vùng kín luôn khô thoáng.
Phương pháp diệt rận hàng loạt ở khu tập thể hay gia đình bằng cách tẩm hóa chất diệt côn trùng vào chăn, màn, quần áo đem lại hiệu quả cao.
Người dân hay nhân viên y tế đi vào vùng dịch bệnh lưu hành cần mặc quần áo bảo hộ tẩm hóa chất xua, diệt côn trùng; quần áo trơn láng, bó sát cổ, cổ tay, cổ chân.
Bs. Trần Văn Dũng
Tài liệu tham khảo
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG - TP. HỒ CHÍ MINH
Số 685 Trần Hưng Đạo - Phường 1 - Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh | www.impehcm.org.vn
Điện thoại: 84-028-3923.7117 / 3923.9940 / 3923.7422 / 3923.8091 / 3923.9946 - Fax: 84-8-3923.6734
Giấy phép số 125/GP-BC (9/4/2007)