Ngày 30/9/2015, anh Lâm Hữu Thiện nhân viên Công ty TNHH Connel Bros. (Việt Nam), Quận 1, TP. HCM đã đem một mẫu côn trùng “lạ” đến Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM để xác định loài côn trùng này. Qua định loại, Khoa Côn trùng xác định đây là một loài Mọt bột đỏ.
Để có cơ sở khoa học cho việc phòng chống loài côn trùng này, Viện Sốt rét – KST – CT TP. HCM xin cung cấp một số thông tin như sau:
Mọt bột đỏ có tên khoa học là Tribolium castaneum (Herbst, 1797), tên tiếng anh là Red flour beetle. Giới động vật, Ngành chân đốt, Lớp côn trùng, Bộ cánh cứng, Họ tenebrionidae, Giống Tribolium, Loài Tribolium castaneum
Hình 1: Hình thể mọt bọ đỏ trong mẫu gửi
1. Đặc điểm sinh học và vòng đời
Con trưởng thành dài 3 - 4,5 mm, màu nâu đỏ, hình bầu dục dài và dẹt, đầu dẹt rộng, mắt kép màu đen, râu hình chuỳ 11 đốt, ngực trước hình chữ nhật, trên cánh cứng có 10 đường rãnh lõm chạy dọc, trong rãnh có nhiều điểm nhỏ xếp thành hàng.
Mọt bột sinh sản trong các loại ngủ cốc bị hư, hạt lúa mì có độ ẩm cao, bột… Mọt cái đẻ từ 300 - 400 trứng trong bột mì hoặc các loại thực phẩm khác trong một khoảng thời gian 5 - 8 tháng (2 - 3 trứng mỗi ngày). Trong vòng 5 - 12 ngày, trứng nở thành ấu trùng. Chiều dài của giai đoạn ấu trùng khác nhau từ 22 đến hơn 100 ngày; giai đoạn nhộng là khoảng 8 ngày. Sau đó nhộng phát triển thành con trưởng thành. Vòng đời đòi hỏi 7 - 12 tuần, với con trưởng thành có thể sống trên 3 năm. Nhiệt độ thích hợp cho Mọt bột phát triển là khoảng 30oC và sẽ không phát triển hoặc giống ở nhiệt độ thấp hơn 18°C.
Hình 2: Vòng đời Mọt bọ đỏ
(nguồn:http://www.russellipm-storedproductsinsects.com/en/insect/tribolium-confusu)
2. Phân bố
Có khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở các vùng ôn đới.
Thường tấn công các sản phẩm ngũ cốc lưu trữ như bột mì, ngũ cốc, bột, bánh quy giòn, đậu, gia vị, mì ống, bánh hỗn hợp, khô thức ăn vật nuôi, hoa khô, sô cô la, các loại hạt, hạt giống…
3. Phòng chống
3.1. Biện pháp vệ sinh
Thông thường các biện pháp kiểm soát đơn giản và hiệu quả nhất là xác định vị trí nguồn gốc của mọt và nhanh chóng loại bỏ nó. Vứt bỏ các loại thực phẩm bị nhiễm nặng trong bọc, túi nhựa hoặc trong hộp kín. Sau khi loại bỏ tất cả thực phẩm, bao bì thực phẩm, đồ dùng, món ăn,… từ tủ, kệ, hoặc khu vực lưu trữ, dùng máy hút bụi để làm sạch tất cả các loại thực phẩm rơi vải bên ngoài (bột, gạo, vụn bánh nướng, các miếng của thức ăn vật nuôi , nho khô…) từ các vết nứt và khe hở, phía sau, dưới, và trong các thiết bị và đồ nội thất. Chà bằng xà phòng và nước nóng.
3.2. Biện pháp hóa chất xông hơi để diệt
Tỉ lệ liều lượng và thời gian xử lý bằng Methyl bromide là 20 gram/m3 ở 21°C và trên 32 gram/m3 trong 48-72 giờ ở 7-20°C.
Tỉ lệ liều lượng và thời gian xử lý bằng Phosphine 1 gram/m3 trong 5 ngày ở 12-15°C và 4 ngày ở 16-20°C và 3 ngày ở trên 20°C.
CN. Trần Nguyên Hùng
Ths. Đoàn Bình Minh
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG - TP. HỒ CHÍ MINH
Số 685 Trần Hưng Đạo - Phường 1 - Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh | www.impehcm.org.vn
Điện thoại: 84-028-3923.7117 / 3923.9940 / 3923.7422 / 3923.8091 / 3923.9946 - Fax: 84-8-3923.6734
Giấy phép số 125/GP-BC (9/4/2007)