Ngày 28/11/2009 Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP. Hồ Chí Minh long trọng đón tiếp Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cùng với lãnh đạo các Vụ, Cục Bộ Y tế đến thăm và chỉ đạo hoạt động của Viện trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu tới thăm và chỉ đạo tại Viện
Tại buổi họp mặt, TS. Lê Thành Đồng, Viện trưởng thay mặt toàn thể đơn vị báo cáo với Bộ trưởng một số hoạt động của Viện về những thành quả đạt được, những hạn chế và những khó khăn, thách thức, đồng thời qua đó đề xuất với Bộ trưởng chỉ đạo một số mặt công tác trong thời gian tới.
PGS.TS.Lê Thành Đồng báo cáo 1 số hoạt động của Viện
- Về những thành quả đạt được, chủ yếu trong thời gian qua là công tác phòng chống sốt rét. Phải nói chương trình PCSR là một trong những chương trình y tế thành công nhất, cùng với nỗ lực tích cực của hệ thống chuyên khoa PCSR của cả nước, trong đó có sự đóng góp tích cực của Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM, kết quả từ chỗ sốt rét là bệnh ảnh hưởng trầm trọng ở khu vực đã dần dần được khống chế, thu dần phạm vi lưu hành bệnh, bảo vệ được hầu hết dân số khỏi nguy cơ mắc và chết do sốt rét. Trong những năm gần đây, hàng năm so với năm trước tỷ lệ chết và mắc sốt rét giảm ít nhất 5%, không để dịch sốt rét xẩy ra. Trong 9 tháng đầu năm 2009, số bệnh nhân sốt rét là 5.053 (giảm 1% so với cùng kỳ 2008), SRAT là 49 (tăng 40 %), tử vong do sốt rét 5 (giảm 1 ca), dịch sốt rét không xảy ra.
- Về công tác phòng chống các bệnh do ký sinh trùng khác, đặc biệt là bệnh giun, sán, Viện đã tiến hành hoặc phối hợp thực hiện điều tra, can thiệp trên diện hẹp ở một số vùng trọng điểm, tuy nhiên cho đến nay hầu như chưa có số liệu tổng thể về tình hình giun, sán cũng như các KST khác ở khu vực, cần phải tiến hành điều tra, đánh giá tổng thể để có kế hoạch can thiệp.
- Về công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, Viện đã tổ chức nhiều lớp bổ túc chuyên khoa sốt rét, đào tạo lại, đào tạo chuyên khoa nâng cao cho các cán bộ ở các Trung tâm YTDP/ Trung tâm PCSR tỉnh, Trung tâm Y tế huyện về các lĩnh vực phòng chống sốt rét, quản lý và sử dụng thuốc, xét nghiệm KST sốt rét, côn trùng truyền bệnh sốt rét, KST đường ruột, điều trị sốt rét, quản lý phần mềm dự báo sốt rét. Tham gia giảng dạy chuyên khoa tại các trường Đại học ở TP. Hồ Chí Minh, hướng dẫn các đề tài NCKH. Viện đã thực hiện một số đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó tham gia đề tài cấp nhà nước (nghiên cứu thuốc artemisinin từ cây thanh hao hoa vàng). Một số đề tài cấp Bộ cũng được phối hợp hoặc chủ động thực hiện, còn lại là cấp cơ sở, đa số các đề tài được nghiệm thu và đánh giá cao, có khả năng ứng dụng thực tiễn. Hiện tại Viện đang xây dựng và thực hiện một số đề tài cấp bộ và cấp cơ sở, xây dựng các đề cương nghiên cứu khoa học tập trung vào các vấn đề bức xúc hiện nay trong phòng chống sốt rét, sốt xuất huyết, các bệnh do giun, sán ở khu vực.
- Về hợp tác quốc tế, từ trước tới nay, các hoạt động chủ yếu thông qua các dự án như Dự án PCSR Việt Nam - EC, Dự án Qũy toàn cầu PCSR, Dự án Phòng chống bệnh truyền nhiễm khu vực tiểu vùng sông Mekong và một số hoạt động khác của Tổ chức Y tế thế giới. Viện cũng đã phối hợp nghiên cứu với đại học Oxford, tham gia mở lớp quốc tế đào tạo về quản lý PCSR cho các nước trong khu vực. Cử cán bộ đi trao đổi, học tập, nghiên cứu, dự hội nghị ở nước ngoài. Làm việc với nhiều lượt chuyên gia đến làm việc tại Viện. Nhìn chung, hoạt động hợp tác quốc tế đã có những cố gắng nhất định, tuy nhiên còn nhiều hạn chế, thụ động, phần lớn do chưa triển khai mạnh mẽ công tác nghiên cứu khoa học, chưa phối hợp hay kêu gọi các đề tài hợp tác với các đối tác nước ngoài.
Ngoài ra, các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, quản lý đơn vị cũng đã được triển khai thường xuyên theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Về những hạn chế và khó khăn, thách thức trong thời gian tới, ngoài vấn đề chuyên môn - kỹ thuật như KST sốt rét kháng thuốc: P. falciparum chiếm đa số trong cơ cấu KST sốt rét tại một số tỉnh trong khu vực (Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, Sóc Trăng…) và đã kháng với một số thuốc điều trị sốt rét. Đối với artemisinin và các dẫn xuất, thuốc chủ yếu hiện nay được dùng trong phác đồ phối hợp để điều trị P. falciparum, tỷ lệ tái phát cao. Với hiện tượng giảm nhạy/kháng artemisinin của P. falciparum xảy ra ở Cămpuchia, nước biên giới với các tỉnh Nam Bộ càng thêm khó khăn trong công tác PCSR. Thêm vào đó, ở vùng ven biển miền Tây Nam Bộ loài Anopheles epiroticus đã có biểu hiện kháng với hóa chất thuộc nhóm Pyrethroid như Lambda - cyhalothrin, Alpha - cypermethrin… hiện đang sử dụng để phòng chống véc tơ sốt rét. Các bệnh KST, đặc biệt là KST gây bệnh đường ruột rất phổ biến, do điều kiện tự nhiên, sinh hoạt, phong tục tập quán của nhân dân ở khu vực rất thuận lợi cho các bệnh KST lây lan, phát triển. Mặc dù chưa được điều tra, đánh giá tổng thể, nhưng qua các báo cáo, các bệnh này phát hiện ngày càng nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển thể chất, nhất là trẻ em lứa tuổi học đường. Bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh, lan rộng, lưu hành chủ yếu ở khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng, hàng năm có hàng chục ngàn ca mắc và hàng chục ca tử vong, mấy năm gần đây bệnh ngày một gia tăng, chiếm 85% số mắc và 88% số tử vong của cả nước. Các bệnh do đơn bào, bệnh do côn trùng truyền ở khu vực chưa được điều tra, đánh giá và chưa có kế hoạch hay chương trình phòng chống.
Tổ chức mạng lưới y tế địa phương thiếu đồng bộ, thiếu cán bộ và yếu về chuyên môn, kỹ năng phòng chống bệnh, cán bộ y tế cơ sở luôn thay đổi. Phong tục tập quán canh tác, sinh hoạt của nhân dân khu vực liên quan lớn đến mắc bệnh do KST, sốt xuất huyết, các bệnh do véc tơ truyền khác. Mặt khác hiện tượng di biến động dân vào vùng sốt rét, với phần lớn những người từ những vùng không có hoặc không còn sốt rét khi trở về địa phương sẽ là nguồn lây lan KST kháng thuốc.
Bộ máy hiện tại của Viện chưa đáp ứng kịp với nhu cầu phát triển về mặt chuyên môn, chưa thành lập và tổ chức thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao. Nhìn chung số cán bộ của Viện hiện tại thiếu. Trình độ cán bộ thiếu sự quy hoạch và tính kế thừa, phần lớn cán bộ có trình độ, kinh nghiệm công tác tuổi đã cao, trong khi cán bộ trẻ thiếu kinh nghiệm thì chưa được đầu tư đào tạo kịp thời. Số cán bộ có trình độ đại học, trên đại học chưa đủ đáp ứng với nhu cầu trong giai đoạn mới. Công tác nghiên cứu khoa học về phòng chống các bệnh KST ở khu vực chưa có tầm chiến lược, chưa chủ động, do đó không thể tổng hợp thành bức tranh tổng thể các bệnh KST ở khu vực.
Cơ sở hạ tầng hiện tại của Viện không đáp ứng đủ nhu cầu triển khai thực hiện các nhiệm vụ do chật hẹp, cũ và hư hỏng nặng. Tình trạng đan xen, chắp vá chưa được cải thiện để có điều kiện đề xuất đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp với nhu cầu của Viện, phù hợp với quy hoạch của thành phố. Trang thiết bị chưa được đầu tư đáp ứng đủ nhu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ, chỉ có một số mới được đầu tư trong những năm gần đây, thiếu sự đồng bộ, hiện tại đa số thiết bị, phương tiện đã quá cũ, hư hỏng nặng.
Kết thúc báo cáo, TS. Lê Thành Đồng, đại diện cho Viện kiến nghị với Bộ trưởng một số vấn đề trước mắt:
1. Xem xét, chỉ đạo quy định lại Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Viện, bổ sung chức năng, nhiệm vụ phòng chống sốt xuất huyết (phòng chống côn trùng truyền bệnh) đối với các Viện Sốt rét - KST - CT vì hiện nay sốt rét đã giảm, các Viện có đội ngũ nghiên cứu/phòng chống véc tơ lớn nhất, có nhiều kinh nghiệm qua quá trình phòng chống sốt rét. Hơn nữa, để giảm bớt gánh nặng cho các Viện VSDT/Pasteur để các Viện tập trung giải quyết các bệnh dịch nguy hiểm, bệnh mới nổi, tiêm chủng…
2. Cho phép Viện khẩn trương thực hiện chuẩn bị và xây dựng các dự án đầu tư nâng cấp Viện theo Quyết định của Bộ trưởng số 2459 /QĐ - BYT ngày 9/7/2009 về phê duyệt Quy hoạch phát triển Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
3. Cho phép Viện thành lập và triển khai hoạt động của các khoa, phòng, trung tâm, trại theo quy hoạch đã được phê duyệt.
4. Tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện cho Viện từng bước phát triển xứng đáng tầm vóc của Viện khu vực của Bộ Y tế ở khu vực NB - LĐ, ngang tầm với các nước khu vực.
5. Phê duyệt và chỉ đạo thực hiện Kế hoạch phòng chống bệnh giun sán và các bệnh do côn trùng truyền ở khu vực cũng như trên địa bàn cả nước.
6. Chỉ đạo Viện phối hợp với các đơn vị lân cận bố trí lại vị trí làm việc cho phù hợp với việc xây dựng và tổ chức hoạt động, phù hợp với yêu cầu cảnh quan thành phố.
Sau khi nghe thêm phát biểu của đại diện các Vụ/Cục, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đã phát biểu chúc mừng những thành tích mà Viện đã đạt được, chia sẻ những khó khăn, thách thức và động viên tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ, viên chức của Viện nỗ lực, cố gắng, đoàn kết vượt qua khó khăn trước mắt để ổn định và xây dựng đơn vị vững mạnh, phát triển. Bộ trưởng đã chia sẻ một số thông tin về việc Quốc hội và Chính phủ chấp nhận và ủng hộ những tham mưu của Bộ Y tế về đầu tư ngân sách tăng thêm cho ngành y tế, xã hội hóa và tăng cường tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển y tế. Về các đề xuất của Viện, Bộ trưởng đã phân tích tỉ mỉ từng nội dung cụ thể, theo đó Bộ trưởng đã chỉ đạo Viện và các Vụ/ Cục giúp Viện quy định lại Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Viện cho phù hợp với nhiệm vụ mới, bổ sung nhiệm vụ phòng chống sốt xuất huyết; chỉ đạo Vụ Kế hoạch
- Tài chính làm đầu mối giúp Viện quy hoạch lại cơ sở hạ tầng để triển khai nhiệm vụ công tác mới, sau khi xây dựng bố trí hoán đổi lại vị trí với Chi nhánh Nhà xuất bản y học tại TP. Hồ Chí Minh cho phù hợp với việc tổ chức hoạt động, phù hợp với yêu cầu cảnh quan thành phố; chỉ đạo Viện làm đề án phòng chống giun, sán phối hợp với y tế học đường, trước hết phối hợp với Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, sau đó nhân rộng ra các tỉnh, thành phố khác; thành lập và triển khai hoạt động ngay các khoa, phòng, trung tâm, trại, đặc biệt là thành lập và triển khai hoạt động của Trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật có tư cách pháp nhân theo quy định để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn và đời sống cán bộ; Viện phải tăng cường đào tạo sau đại học, thu hút các nhà khoa học làm việc với Viện. Cuối bài phát biểu, Bộ trưởng chỉ đạo Văn phòng Bộ tổng hợp, thông báo những chỉ đạo của Bộ trưởng.
Bộ trưởng chụp hình lưu niệm với Viện
Thay mặt toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động của Viện, Viện trưởng Lê Thành Đồng đã phát biểu trân trọng cảm ơn Bộ trưởng và đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với Viện và đã có những chỉ đạo sát sao, cụ thể đúng theo các nguyện vọng mà Viện đề xuất, đồng thời xin hứa sẽ cố gắng thực hiện đầy đủ những chỉ đạo của Bộ trưởng xây dựng phát triển Viện trong những năm tới.
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG - TP. HỒ CHÍ MINH
Số 685 Trần Hưng Đạo - Phường 1 - Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh | www.impehcm.org.vn
Điện thoại: 84-028-3923.7117 / 3923.9940 / 3923.7422 / 3923.8091 / 3923.9946 - Fax: 84-8-3923.6734
Giấy phép số 125/GP-BC (9/4/2007)