Cụm từ ví von“cái nôi sốt rét và sốt rét kháng thuốc”của cả nước rất phù hợp với Bình Phước khi tỉnh này đứng đầu bảng “top ten” (10 tỉnh) có tỷ lệ ký sinh trùng sốt rét cao nhất nước trong năm 2015 và là địa phương đầu tiên phát hiện Plasmodium falciparum kháng thuốc Artemisinine ở Việt Nam, đây cũng chính là “Boongke” cần sớm được giải quyết trong chương trình quốc gia phòng chống và loại trừ sốt rét.
Bình Phước có tình hình sốt rét cao nhất nước năm 2015
Theo Báo cáo của các Viện Sốt rét - KST - CT tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống sốt rét và giun sán khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng, năm 2015 toàn quốc có 19.252 bệnh nhân sốt rét (BNSR) giảm 30,92% so với năm 2014, trong đó miền Đông Nam Bộ BNSR tăng 4,33%; năm 2015 toàn quốc có 9.331 ký sinh trùng sốt rét (KSTSR) giảm 40,76% so với năm 2014, trong đó miền Đông Nam Bộ tăng 9,07%; năm 2015 toàn quốc có 32 ca sốt rét ác tính (SRAT) giảm 56,16% so với năm 2014, trong đó miền Đông Nam bộ 14 SRAT; năm 2015 toàn quốc có 3 trường hợp tử vong sốt rét (TVSR), thì miền Đông Nam Bộ chiếm 1 ca.
Như vậy, trong năm 2015 miền Đông Nam Bộ thuộc khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng các chỉ số sốt rét (BNSR, KSTSR, SRAT) đều tăng kể cả TVSR và hầu như các chỉ số này đều tập trung ở tỉnh Bình Phước do đó chúng ta có thể nói Bình Phước là “cái nôi sốt rét” của Việt Nam. Trong đó, số KSTSR (tác nhân gây bệnh hay mầm bệnh) của tỉnh Bình Phước trong năm 2015 (1.799 trường hợp) chiếm 19.28% so với cả nước (9331 trường hợp) và tăng 18,28% so với năm 2014 (1.521 trường hợp), chính vì vậy Viện Sốt rét - KST - CT Trung ương đã xếp Bình Phước đứng đầu “top ten” trong danh sách 10 tỉnh có tỷ lệ KSTSR cao nhất Việt Nam (Bình Phước, Gia lai, Ninh Thuận, Đắc Nông, Khánh Hòa, Phú Yên, Đắc Lắc, Quảng Bình, Kon Tum, Bình Thuận).
Lấy máu xét nghiệm và theo dõi P.falciparum kháng thuốc tại Bình Phước
Bình Phước là tỉnh đầu tiên phát hiện P.falciparum kháng Artemisinine ở Việt Nam
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong số 4 quốc gia Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) có tỷ lệ kháng Artemisinine ngày càng gia tăng bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Myanma và Campuchia. Tại Việt Nam, ký sinh trùng sốt rét P.falciparum kháng thuốc Artemisinine được phát hiện đầu tiên tại tỉnh Bình Phước năm 2009, đến nay ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc đã lan rộng và được WHO ghi nhận thêm 3 tỉnh Gia Lai, Đắk Nông và Quảng Nam. Như vậy, Bình Phước là một trong 4 tỉnh xác định có KSTSR kháng Artemisinin ở Việt Nam và cũng đứng đầu bảng trong 4 tỉnh này. Theo các kết quả nghiên cứu từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ tồn tại KSTSR vào ngày thứ 3 điều trị (D3) ở tỉnh Bình Phước liên tục tăng ở mức báo động (có tỷ lệ KSTSR dương tính D3 >10%). Tình hình P.falciparum kháng Artemisinin ở tỉnh Bình Phước làm cho việc điều trị sốt rét trở nên khó khăn, nhất là điều trị sốt rét ác tính vì đây là loại thuốc có hiệu lực cao có tác dụng chống kháng với chủng ký sinh trùng này. Điều khó khăn hơn nữa, sự xuất hiện P.falciparum kháng thuốc ở tỉnh Bình Phước đã bắt buộc Bộ Y tế phải điều chỉnh phác đồ điều trị sốt rét, sử dụng thuốc phối hợp có gốc Artemsinine (ACTs) thay thế, đồng thời với cấm sử dụng đơn trị liệu sốt rét Artemisinine/Artesunate bằng đường uống (thuốc viên).
Lãnh đạo Viện Sốt rét - KST - CT TƯ và Viện Sốt rét - KST - CT TP.HCM
thăm hỏi bệnh nhân tại gia đình
Phòng chống sốt rét ở Bình Phước là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch năm 2016
Trước tình hình sốt rét gia tăng cũng như sốt rét kháng thuốc tại tỉnh Bình Phước, đòi hỏi Dự án quốc gia phòng chống và loại trừ sốt rét trong năm 2016 cần có những biện pháp can thiệp kịp thời để khống chế sự gia tăng sốt rét, đồng thời với ngăn chặn sự lan rộng của P.falciparum kháng thuốc. Theo kế hoạch, hoạt động phòng chống sốt rét ở tỉnh Bình Phước tiếp tục tập trung vào các biện pháp chẩn đoán sớm bằng kính hiển vi hoặc test chẩn đoán nhanh (RDTs), điều trị đủ bằng các loại thuốc chữa sốt rét có hiệu quả, giám sát và theo dõi đánh giá, phân phát màn ngủ tẩm hóa chất có tác dụng tồn lưu lâu (LLIN), phun tồn lưu hóa chất trong nhà (IRS) và đào tạo quản lý sốt rét tại các tuyến. Triển khai thực hiện chương trình ứng phó khẩn cấp với sốt rét kháng artemisinin (Emergency response to artemisinin resistance_ERAR) tại Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) theo khung hành động khu vực (regional framework for action) giai đoạn 2013 - 2015; tham gia thực hiện Dự án “Sáng kiến khu vực ngăn chặn sốt rét kháng thuốc Artemisinin” (Regional Artemisinin - Resistance Initiative_RAI) do Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ tại tỉnh Bình Phước. Đặc biệt, Việt Nam là một trong những quốc gia thuộc GMS đang thực hiện Chiến lược kỹ thuật sốt rét toàn cầu (Global Technical Strategy for Malaria) của WHO giai đoạn 2016 - 2030 mà trong đó cụ thể là “Chiến lược loại trừ sốt rét tại các nước Tiểu vùng sông Me Kong (GMS) 2015 - 2030” nên tỉnh Bình Phước cũng có nhiều cơ hội đẩy lùi sốt rét trong năm 2016.
Với sự đầu tư của Dự án quốc gia phòng chống và loại trừ sốt rét, sự hỗ trợ của WHO và các dự án quốc tế khác, sự nỗ lực của đội ngũ y tế các tuyến trong tỉnh Bình Phước cùng kinh nghiệm của các chuyên gia Viện Sốt rét - KST - CT thành phố Hồ Chí Minh chắc chắn “Boongke kháng thuốc” và “cái nôi sốt rét” tại Bình Phước sẽ sớm bị loại trừ khỏi địa bàn khu vực cũng như phạm vi quốc gia.
Một số hình ảnh điều tra tại thực địa dân di biến động vào vùng sốt rét
BS. Vũ Hải An
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG - TP. HỒ CHÍ MINH
Số 685 Trần Hưng Đạo - Phường 1 - Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh | www.impehcm.org.vn
Điện thoại: 84-028-3923.7117 / 3923.9940 / 3923.7422 / 3923.8091 / 3923.9946 - Fax: 84-8-3923.6734
Giấy phép số 125/GP-BC (9/4/2007)