Sốt rét ở phụ nữ có thai: nghiên cứu đánh giá các nguy cơ trong 3 tháng đầu của thai kỳ

Tóm tắt: Sốt rét ở các phụ nữ có thai trong những tháng đầu làm gia tăng nguy cơ xảy thai một cách đáng kể, nhưng nếu được điều trị sốt rét thì sẽ tương đối an toàn và làm giảm nguy cơ này. Kết quả của một nghiên cứu lớn nhất từ trước đến nay về việc đánh giá tác hại của bệnh sốt rét và hiệu quả của các thuốc sốt rét khác nhau sử dụng trong những tháng đầu của thai kỳ cho thấy, chỉ cần xảy ra một cơn sốt rét trong vòng 3 tháng đầu là nguy cơ xảy thai tăng lên gấp 3 lần.

Nhóm nghiên cứu cũng khám phá: ở các phụ nữ được điều trị sốt rét đã không xảy ra bất cứ một tác dụng phụ nghiêm trọng nào, hoặc làm tăng khả năng xảy thai.

Bệnh sốt rét cướp đi sinh mạng của khoảng một triệu người mỗi năm, chủ yếu trẻ em và phụ nữ mang thai. Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 125 triệu phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc sốt rét.

Bệnh sốt rét gây ra do nhiễm ký sinh trùng sốt rét (KSTSR). Phụ nữ mang thai ở vùng Đông Nam Á thường bị nhiễm 2 loài KSTSR chủ yếu là Plasmodium falciparumPlasmodium vivax. KSTSR xâm nhập vào máu do bị muỗi anophen nhiễm KSTSR đốt. Sau đó các KSTSR này xâm nhập vào gan, ở đây chúng được nhân lên trước khi giải phóng khỏi tế bào gan và xâm nhập vào hồng cầu. Plasmodium vivax có khả năng gây tái phát do KSTSR này có thể ngủ trong gan. Hiện nay, thuốc điều trị thể này bị chống chỉ định ở phụ nữ có thai. Sốt rét ở phụ nữ có thai có thể gây thiếu máu nặng, nhiễm KSTSR bào thai, tăng nguy cơ trẻ sơ sinh nhẹ cân, sinh non, tử vong sơ sinh, và tử vong mẹ.

Thuốc có hiệu quả nhất để điều trị sốt rét Plasmodium falciparum là artemisinin. Thuốc này thường được dùng dưới dạng phối hợp. Mục đích của thuốc phối hợp là để tăng hiệu quả điều trị và làm giảm nguy cơ KSTSR đề kháng với thuốc.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng thuốc sốt rét phối hợp có artemisinin (ACT) cho các trường hợp sốt rét do Plasmodium falciparum, ngoại trừ ở phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu do những kết quả nghiên cứu trên động vật đã chứng tỏ thuốc có thể gây độc tính đối với bào thai, nó có khả năng gây dị dạng hoặc gây xảy thai.

Mặc dù có những nguy cơ đối với phụ nữ mang thai, nhưng cho đến nay, sự hiểu biết của những nhà khoa học về tác hại của bệnh sốt rét hoặc lợi ích và tai hại của thuốc điều trị sốt rét cho ở phụ nữ có thai ở giai đoạn sớm của thai kỳ còn hạn chế, hiện rất ít những bằng chứng được công bố đề cập về hậu quả của bệnh sốt rét và phơi nhiễm với thuốc sốt rét trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Điều này, một phần do thiếu cơ sở y tế chăm sóc trước sinh ở những vùng nhiệt đới hẻo lánh, và nếu có thì các phụ nữ mang thai cũng hiếm khi đến các phòng khám trước 3 tháng giữa của thai kỳ. Một phần nữa là do những phụ nữ có thai thường bị loại ra khỏi những nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng đánh giá thuốc mới do nguy cơ của các tác dụng phụ. Cho đến nay chưa tiến hành các thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên nào để đánh giá cách nào tốt nhất để điều trị sốt rét trong 3 tháng đầu của thai kỳ, và do vậy, đây là một vấn đề quan tâm của nhiều nhà khoa học.

Trong kết quả nghiên cứu được xuất bản mới đây trên tạp chí Lancet, nhóm nghiên cứu của SMRU, một bộ phận của Wellcome Trust - Trường Đại học Mahidol - Chương trình nghiên cứu y khoa nhiệt đới Trường Đại học Oxford đã kiểm tra toàn bộ hồ sơ y khoa của những phụ nữ đến khám tại bộ phận này từ tháng 5/1986 đến 10/2010 để đánh giá tác hại của bệnh sốt rét và hiệu quả của các thuốc sốt rét khác nhau (chloroquin, quinin và artemisinin) sử dụng ở phụ nữ có thai 3 tháng đầu ở vùng biên giới Thái Lan - Miến Điện

Trong tổng số 48.426 phụ nữ có thai, có 17.613 đạt tiêu chuẩn nghiên cứu: có 16.668 phụ nữ không bị sốt rét trong thời gian mang thai được so sánh với 945 phụ nữ chỉ có duy nhất một cơn sốt rét trong 3 tháng đầu của thai kỳ và không có cơn sốt trong những tháng còn lại và thấy rằng ở phụ nữ nhiễm ký sinh trùng lạnh thì nguy cơ xảy thai tăng gần tới 3 lần so với người không bị mắc sốt rét, (95%CI 2.04-3.59). Trong khi đó, ở phụ nữ sốt rét lâm sàng so với phụ nữ không bị mắc sốt rét, nguy cơ này cao hơn ít nhất là 4 lần (3.10-5.13). Những yếu tố khác liên quan đến xảy thai là hút thuốc lá, tuổi mẹ, tiền sử xảy thai, và các sốt khác.

Ở những phụ nữ mắc sốt rét, tình trạng bệnh nặng hơn, mật độ KSTSR trong máu cao, nhiễm bệnh ở giai đoạn thai kỳ sớm khiến nguy cơ xảy thai cao hơn. Nguy cơ xảy thai do nhiễm Plasmodium falciparum và nhiễm Plasmodium vivax tương tự nhau.

Nhóm nghiên cứu đã khám phá ra rằng nguy cơ xảy thai ở các phụ nữ có thai 3 tháng đầu khi được sử dụng thuốc chloroquin, quinine hoặc artesunate là tương đương: 92/354 (26%) xảy thai sau khi dùng chloroquin, 95/355 (27%) sau khi dùng quinin và 20/64 (31%) sau khi dùng artesunat. Không phát hiện sự khác biệt đáng kể giữa các phác đồ điều trị trên về các vấn đề khác như là trẻ nhẹ cân, chết khi sinh. Không giống các kết quả từ các nghiên cứu ở động vật, nhóm nghiên cứu không phát hiện ra thêm những tác hại ở các phụ nữ được điều trị bằng artesunat. Các tác giả khuyến cáo “từ kết quả này, cần lưu ý chính sách phòng ngừa và điều trị sốt rét ở phụ nữ có thai 3 tháng đầu và cần tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên điều trị thuốc phối hợp có artemisinin ở phụ nữ có thai 3 tháng đầu để có thể đưa ra các khuyến nghị vững chắc về độ an toàn và hiệu quả khi sử dụng nhóm thuốc sốt rét này đối với các phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu”.

P. QLKH - ĐT

Nguồn: http://medicalxpress.com/news/2011-12-malaria-pregnancy-trimester.html
Malaria during pregnancy: new study assesses risks during first trimester, the Lancet 13/12/2011

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,