Bệnh sốt mò là một loại bệnh từ lâu đã không xuất hiện trong danh sách các loại bệnh liên quan đến sốt ở con người. Tuy nhiên, mới đây, căn bệnh này đã trở lại.
Theo báo cáo của sở Y tế tỉnh Yên Bái, bệnh sốt mò đã được phát hiện ở Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Căng Chải, thị trấn Nghĩa Lộ, từ tháng 4 đến tháng 9 vừa qua.
Theo thống kê, đã có tới gần 80 trường hợp bệnh nhân nhiễm bệnh và chủ yếu là đồng bào dân tộc vùng cao. Tuy không lây từ người sang người nhưng bộ Y tế cảnh báo người dân không nên chủ quan.
Bệnh sốt mò là gì ?
Thông tin từ Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế cho biết:
Bệnh sốt mò là một bệnh do tác nhân Orientia tsutsugamushi, có ổ dịch thiên nhiên, truyền ngẫu nhiên sang người khi bị ấu trùng mò đốt. Bệnh lưu hành chủ yếu ở châu Á và Tây Thái Bình Dương. Mầm bệnh Orientia tsutsugamushi (còn có tên R.orientalis, hoặc R.tsutsugamushi), dài 1,2-3mm, rộng 0,5-0,8mm, hình cầu hoặc cầu trực khuẩn, thường xếp thành đám mầu tím đỏ, dưới kính hiển vi điện tử có màng bọc. R.orientalis có 2 ổ chứa trong thiên nhiên là mò và gặm nhấm - thú nhỏ.
Mò và ấu trùng ưa sống ở nơi đất xốp, ẩm mát trong các khe hang, ven bờ sông suối, nơi dâm mát có bụi rậm và cây thấp có quả hạt để chờ thú nhỏ - gặm nhấm lui tới. Người có thể bị đốt trong các điều kiện như sinh hoạt lao động trong ổ dịch; phát rẫy làm nương; bộ đội đi dã ngoại; ngồi, nằm nghỉ, trên bãi cỏ…
Thời kỳ ủ bệnh : trung bình 8-12 ngày (6 đến 21 ngày), triệu chứng lúc đầu tại nơi ấu trùng mò đốt có một nốt phỏng nước bằng hạt đỗ, không đau, bệnh nhân thường không chú ý.
Thời kỳ toàn phát sẽ sốt ≥ 38 – 40 độ C, liên tục, kéo dài 15-20 ngày, thậm chí tới 27 ngày nếu không điều trị; Có khi rét run 1-2 ngày đầu kèm theo sốt thường có nhức đầu nặng, đau mỏi cơ.
Trong những trường hợp không được điều trị kháng sinh đặc hiệu và không tử vong, bệnh nhân thường hết sốt sau 10-14 ngày, những bệnh nhân nặng có thể có sốt kéo dài 21 ngày hoặc lâu hơn.
Triệu chứng điển hình
Khi bị sốt mò bệnh nhân thường có biểu hiện vết loét hình bầu dục. Thường ở vùng da mềm, ẩm, như bộ phận sinh dục, vùng hạ nang, hậu môn, bẹn, nách, cổ…, đôi khi ở vị trí bất ngờ trong vành tai rốn, mi mắt (dễ nhầm với lẹo mắt).
Nốt loét không đau, không ngứa, người bệnh thường chỉ có một nốt hiếm có 2-3 nốt, hình tròn/bầu dục đường kính 1mm đến 2 cm, nốt phỏng ban đầu phát triển dần thành dịch đục trên một nền sẩn đỏ, sau 4 – 5 ngày vỡ ra thành một nốt có vẩy nâu nhạt hoặc sẫm tùy vào vùng da mềm hay cứng và độ non hay già của nốt loét.
Bệnh còn xuất hiện hạch khu vực nốt loét thường hơi sưng và đau, không đỏ, vẫn di động, xuất hiện cùng với sốt hoặc sau 2 – 3 ngày, là chỉ điểm tìm nốt loét, hạch toàn thân sưng đau nhẹ hơn, trừ những ca nặng.
Khi bị nặng hơn, bệnh nhân có triệu chứng tiếng tim mờ, huyết áp thấp, mạch chậm so với nhiệt độ, chảy máu cam, viêm phế quản, viêm phổi không điển hình… Ngoài ra, bệnh sốt mò còn có thể ẩn và thể không điển hình, không có nốt loét.
Phòng bệnh
Để phòng bệnh, cần tránh ngồi nằm phơi quần áo đặt balô trên bãi cỏ, gần bờ bụi, gốc cây; khi đi phát nương làm rẫy, hành quân dã ngoại, trinh sát vào rừng cần mang giầy và tất, chít ống quần.
Diệt mò ở môi trường: phun tồn lưu vào đất ẩm, bờ bụi cây cỏ cao dưới 20 cm quanh nhà nơi dâm mát. Diệt chuột theo mùa, chú ý rắc thuốc diệt mò trước.
(Nguồn: Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế)
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG - TP. HỒ CHÍ MINH
Số 685 Trần Hưng Đạo - Phường 1 - Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh | www.impehcm.org.vn
Điện thoại: 84-028-3923.7117 / 3923.9940 / 3923.7422 / 3923.8091 / 3923.9946 - Fax: 84-8-3923.6734
Giấy phép số 125/GP-BC (9/4/2007)