TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN
1. Thời tiết nắng nóng khu vực Nam Bộ làm tăng nguy cơ mắc các loại bệnh
Bệnh đường tiêu hóa
Thời tiết nắng nóng đang tạo điều kiện thuận lợi cho những loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh tiêu hóa phát triển mạnh. Thức ăn dễ ôi thiu, biến chất là một trong những nguyên nhân chính khiến cả người lớn và trẻ nhỏ phải nhập viện vì rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp, tiêu chảy nhiễm trùng, tiêu đàm máu. Trung bình mỗi ngày tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 có khoảng 30 trẻ bị các bệnh liên quan đến tiêu hóa phải nhập viện điều trị số bệnh nhi bị tiêu hóa tăng cao gấp nhiều lần so với những thời điểm khác trong năm.
Bỏng da do tia cực tím
Thời tiết tại TPHCM và các tỉnh lân cận đang ở mức 38 đến 400C, chỉ số UV là 10 đến 11 (rất cao) sẽ gây nguy hại cho làn da. Bác sĩ cảnh báo, thời điểm từ 10 giờ sáng đến 14 giờ chiều là lúc bức xạ tia cực tím ở mức đỉnh điểm. Nếu da của người trưởng thành tiếp xúc trực tiếp với nắng ở thời gian này khoảng 25 phút sẽ bị bỏng da thì ánh nắng chỉ mất 10 phút để gây ra những thương tổn nghiêm trọng cho làn da của bé, lâu dài có thể gây ung thư da.
Suy giảm miễn dịch
Nắng nóng dễ làm chúng ta rối loạn nước và điện giải do bài tiết mồ hôi nhiều, hoạt động của tim phổi nhiều hơn khiến cơ thể dễ mệt và kiệt sức, hệ miễn dịch sẽ suy giảm nên khả năng chống chọi với vi khuẩn cũng giảm theo.
Hô hấp là bệnh đang khiến rất nhiều trẻ phải nhập viện, theo thống kê sơ bộ tại bệnh viện Nhi Đồng 1, trung bình mỗi ngày có khoảng 50 trẻ bị các bệnh lý như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản phải nhập viện điều trị.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng, tại TPHCM số ca bệnh tay chân miêng phải nhập viện điều trị tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, đang có dấu hiệu gia tăng với gần 40 ca bệnh được ghi nhận trong tuần qua.
Bác sĩ khuyến cáo trong giai đoạn thời tiết nguy hiểm, chúng ta cần: ăn uống đủ chất, tăng cường rau củ quả; bảo quản thức ăn cẩn thận trong ngăn mát tủ lạnh; không sử dụng thực phẩm cũ, đã biến chất; ngủ đủ giấc; hạn chế đi lại trong thời tiết nắng nóng; vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát; khi có dấu hiệu nhiễm bệnh không nên tự ý điều trị mà cần theo dõi triệu chứng, nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị.
2. Nhiễm xoắn khuẩn dễ bị chẩn đoán nhầm với một số bệnh khác
Ngày 28/3, thông tin từ Bệnh viện Nhân Dân 115, TPHCM cho hay, tại đây vừa tiếp nhận nam bệnh nhân 53 tuổi, ngụ tại Củ Chi bị đau bụng cấp được bệnh viện tuyến cơ sở chuyển đến với chẩn đoán “theo dõi nhiễm trùng đường mật”.
Khai thác bệnh sử ghi nhận, bệnh nhân làm bảo vệ cho một công ty nông nghiệp, thường xuyên lội nước ngoài đồng. Cách nhập viện 2 ngày, bệnh nhân bị đau bụng vùng hạ sườn bên phải, đau âm ỉ liên tục tăng dần, lan ra sau lưng, kèm đau nhức vai bên phải. Một ngày sau, bệnh nhân bị sốt kèm lạnh run và xuất hiện tình trạng vàng da, vàng mắt, nước tiểu sậm màu, đi tiêu phân lỏng nhiều lần.
Tổng hợp những kết quả thăm khám, xét nghiệm bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhiễm xoắn khuẩn (Leptospira) mức độ nặng gây tổn thương thận cấp, suy chức năng gan, giảm tiều cầu.
Bệnh xoắn khuẩn vàng da là bệnh của động vật truyền sang người với các thể lâm sàng đa dạng từ nhiễm khuẩn thể ẩn, thể nhẹ không có vàng da hoặc không có biểu hiện viêm màng não đến thể lâm sàng cấp tính điển hình, vàng da nặng gọi là hội chứng Weil có thể tử vong
Theo TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, chẩn đoán Leptospira đang là thách thức lớn do bệnh dễ nhầm lẫn với những bệnh thông thường khác như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm gan và nhiễm trùng huyết… Bệnh nhân trên có những triệu chứng thể nặng nhất của nhiễm xoắn khuẩn nguy cơ xuất huyết phế nang mức độ nặng, tỷ lệ tử vong cao nhưng may mắn được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Phương thức lây truyền:Leptospira có trong nước hoặc đất ẩm ướt đã bị ô nhiễm nước tiểu súc vật sẽ xâm nhập vào cơ thể qua da, đặc biệt là chỗ da bị xước và có thể chui qua lỗ chân lông của da bị ngâm sũng nước hoặc qua niêm mạc ở các hồ bơi bị nhiễm xoắn khuẩn. Có thể bị nhiễm Leptopspira do tiếp xúc trực tiếp với nước tiểu hoặc mô súc vật bị nhiễm xoắn khuẩn. Đôi khi, mắc bệnh do ăn phải thức ăn bị nhiễm nước tiểu của chuột. Thông thường, bệnh có tính nghề nghiệp do bị tiếp xúc qua da, niêm mạc đối với thú y, người chăn nuôi súc vật trong điều kiện vệ sinh chuồng trại kém, nhất là ở các trại nuôi lợn, ngư dân, nông dân làm việc trên những cánh đồng trũng, công nhân làm việc trên đầm lầy, hầm mỏ hoặc vệ sinh cống rãnh v. v... Bệnh cũng thường xảy ra trong mùa mưa, nhất là ở vùng lụt lội hoặc người bơi lội trong ao, hồ bị nhiễm Leptospira từ súc vật. Sự lây truyền bệnh Leptospora từ người sang người là rất hiếm.
TIN Y TẾ QUỐC TẾ
1. Thuốc tránh thai dành cho nam giới
Ngày 26/3 vừa qua, các nhà khoa học Mỹ công bố kết quả thử nghiệm viên thuốc tránh thai dành cho đàn ông. Viên thuốc kết hợp cả hai hormone progestin và testosterone.
Tiến sĩ Christina Wang, Viện nghiên cứu sinh học Los Angeles (Mỹ) cho biết, khi dùng hai hormone riêng biệt, cơ thể sẽ bị phản ứng. Progestin gây ngừng sản xuất tinh trùng, làm giảm nồng độ testosterone tự nhiên. Nếu testosterone giảm quá thấp, nguy cơ cao mắc đông máu, trầm cảm và các vấn đề khác.
Tuy nhiên, hai loại hormone này phối hợp sẽ giải quyết được các vấn đề sức khỏe có thể xảy ra. Các phân tử giữ số lượng tinh trùng ở mức thấp trong khi vẫn duy trì ham muốn tình dục cho người uống thuốc.
Theo các nhà nghiên cứu, thử nghiệm trên người chỉ mới được thực hiện ở nhóm nhỏ và ngắn ngày nên sẽ tiếp tục nhiều thử nghiệm ở phạm vi lớn hơn để đảm bảo hiệu quả cao hơn cho người dùng. Hiện tại, thử nghiệm tiến hành trên chuột để đánh giá xem việc uống thuốc trong ba tháng hoặc lâu hơn có ảnh hưởng dài hạn đến sức khỏe hay không.
"Nếu những phản ứng được khắc phục, thuốc tránh thai dành cho đàn ông này có thể sẽ có mặt trên thị trường trong khoảng 10 năm nữa", tiến sĩ Wang nói.
Ban Biên tập website Viện
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG - TP. HỒ CHÍ MINH
Số 685 Trần Hưng Đạo - Phường 1 - Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh | www.impehcm.org.vn
Điện thoại: 84-028-3923.7117 / 3923.9940 / 3923.7422 / 3923.8091 / 3923.9946 - Fax: 84-8-3923.6734
Giấy phép số 125/GP-BC (9/4/2007)