TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN
1. Bệnh dại tăng cao vào mùa nắng nóng
Bệnh dại là 1 trong số 20 bệnh thuộc nhóm Bệnh nhiệt đới bị lãng quên đang trong tiến trình loại trừ. Việt Nam đang nổ lực để đạt được mục tiêu loại trừ bệnh dại của ASEAN vào năm 2020. Tuy nhiên, tình hình bệnh dại trên cả nước vẫn đang gặp nhiều thách thức, đặc biệt bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng, hầu hết các trường hợp tử vong đều không tiêm vắcxin. Theo báo cáo của Cục Thú y, trong năm 2018 đã có 86 người tử vong vì bệnh dại và hơn 400.000 người phải điều trị dự phòng do bị chó, mèo cắn.
Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của con vật dại trên da bị tổn thương. Biểu hiện của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% đối với cả người và động vật.
Trong hai ngày 2 - 3/4 vừa qua, hai bố con ở Hòa Bình lần lượt tử vong sau khi lên cơn dại do chó cắn. Gia đình họ có 4 người đều bị chó cắn trong dịp Tết nhưng không tiêm phòng dại.
Khi bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn, phải rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng hay nước muối hòa đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn như cồn... Xử lý tại chỗ vết thương càng sớm thì tác dụng sát khuẩn, phòng virus dại càng hiệu quả. Sau đó, nạn nhân phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo gia đình nên tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo. Chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại. Hiện nay chưa có thuốc đặc trị để điều trị bệnh, tuy nhiên có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắcxin và huyết thanh kháng dại. Việc sử dụng vắcxin kịp thời là biện pháp hiệu quả nhất để phòng, chống bệnh dại.
2. Hưởng ứng ngày sức khỏe thế giới
Ngày Sức khỏe Thế giới năm 2019 được Tổ chức Y tế thế giới phát động với chủ đề “Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”, hướng tới mục tiêu tất cả người dân và cộng đồng được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng, hiệu quả, bao gồm chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh tật, khám sàng lọc phát hiện bệnh sớm, điều trị khi mắc bệnh, được bảo hiểm y tế và các nguồn lực xã hội hỗ trợ chi trả, giảm thiểu những rủi ro do gánh nặng tài chính của chăm sóc sức khỏe mang lại.
Ngày 07/4/2019, tại Hà Nội đã diễn ra chương trình “Ngày sức khỏe thế giới năm 2019”. Bộ Y tế đã phát động chương trình vì sức khỏe người Việt với hàng loạt các hoạt động để giảm nguy cơ mắc bệnh đặc biệt là bệnh không lây nhiễm. Bộ Y tế mong muốn mỗi người dân cùng chung tay thực hiện 9 hành động thiết thực chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của chính mình:
1. Tập thể dục giữa giờ nhanh, vui, khỏe
2. 10 nghìn bước chân mỗi ngày - Thay đổi cuộc sống
3. Ăn giảm muối, đường, ăn nhiều rau xanh trái cây để tăng cường sức khỏe, phòng chống bệnh tật
4. Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia
5. Đo đường máu ít nhất một năm 1 lần để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường
6. Sàng lọc phát hiện sớm để chữa khỏi ung thư
7. Chuyển động vì lá phổi khỏe mạnh
8. Hiến máu cứu người một nghĩa cử cao đẹp
9. Hãy nhớ số đo huyết áp như số tuổi của mình.
TIN Y TẾ QUỐC TẾ
1. Tuổi thọ trung bình trên toàn thế giới đã cải thiện đáng kể từ năm 2000
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 4/4/2019, tuổi thọ trung bình trên toàn thế giới đã tăng thêm 5,5 tuổi từ năm 2000 (tăng từ 66,5 lên 72 tuổi), nữ giới có tuổi thọ cao hơn nam giới.
Báo cáo nhấn mạnh thái độ khác nhau đối với chăm sóc sức khỏe giữa nam và nữ đã giúp giải thích sự khác biệt về tuổi thọ giữa 2 giới. Chẳng hạn ở các quốc gia có dịch HIV lan rộng, nam giới ít đi xét nghiệm HIV hơn, do đó khả năng tiếp cận với các liệu pháp kháng virus hạn chế dẫn đến khả năng tử vong vì các bệnh liên quan đến AIDS cao hơn so với phụ nữ. Bên cạnh đó, tỉ lệ tai nạn giao thông hay tự tử ở nam giới cũng cao hơn nữ giới.
Mức thu nhập có tác động mạnh mẽ đến tuổi thọ trung bình của người dân. Tuổi thọ của người dân ở các nước có thu nhập thấp nhất thế giới thấp hơn 18,1 tuổi so với người dân sống ở các nước có thu nhập cao nhất.
Khoảng cách về tuổi thọ giữa nam và nữ được thu hẹp ở những nơi phụ nữ ít được tiếp cận với dịch vụ y tế. Ở những quốc gia có thu nhập thấp – nơi khan hiếm về dịch vụ y tế, tỉ lệ tử vong mẹ lên đến 1/41 so với các quốc gia thu nhập cao chỉ là 1/3300
Báo cáo của WHO nhấn mạnh đến sự cần thiết phải ưu tiên chăm sóc sức khỏe ban đầu, thúc đẩy quản lý hiệu quả các bệnh không truyền nhiễm và hạn chế các yếu tố rủi ro.
2. Trung Quốc ghi nhận ca nhiễm cúm gia cầm H7H9 đầu tiên ở người trong năm 2019
Ngày 6/4, chính quyền vùng tự trị Nội Mông, miền Bắc Trung Quốc, đã chính thức thông báo ca nhiễm cúm gia cầm H7N9 đầu tiên ở người. Bệnh nhân là một cụ ông 82 tuổi, hiện đang được điều trị tích cực tại bệnh viện.
Chính quyền địa phương ngay lập tức đã triển khai biện pháp phòng ngừa khẩn cấp, khử trùng nơi ở của bệnh nhân và khu vực lân cận. Hiện, những người có tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân chưa có các dấu hiệu bất thường.
Trường hợp người nhiễm cúm H7N9 đầu tiên tại Trung Quốc ghi nhận hồi tháng 3/2013. Các trường hợp nhiễm bệnh hầu hết đều ghi nhận vào mùa Đông và Xuân và hầu hết các ca bệnh đều bị phơi nhiễm do tiếp xúc với gia cầm sống hoặc môi trường nhiễm bệnh.
Ban Biên tập website Viện
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG - TP. HỒ CHÍ MINH
Số 685 Trần Hưng Đạo - Phường 1 - Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh | www.impehcm.org.vn
Điện thoại: 84-028-3923.7117 / 3923.9940 / 3923.7422 / 3923.8091 / 3923.9946 - Fax: 84-8-3923.6734
Giấy phép số 125/GP-BC (9/4/2007)