TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN
1. Việt Nam thử nghiệm vaccine COVID-19
Theo đó, Công ty TNHH một thành viên Vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) đã bắt đầu thử nghiệm tiền lâm sàng vaccine COVID-19 trên khỉ. Dự kiến, sau khi tiêm xong, khỉ sẽ được theo dõi khoảng 3 tháng, sau đó tiếp tục lấy mẫu máu gửi về Hà Nội để làm các xét nghiệm. Trước đó, đơn vị này đã thử nghiệm vaccine COVID-19 trên chuột.
Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen dự kiến sẽ triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 (trên người) vaccine COVID-19 ngay trong tháng 11 này. Khi đó, vaccine này sẽ là vaccine COVID-19 đầu tiên của nước ta được đưa ra thử nghiệm trên người. Tại giai đoạn 1 này, vaccine sẽ được sử dụng để tiêm thử nghiệm trên nhóm nhỏ gồm 60 người tình nguyện.
Hiện, Việt Nam có 4 đơn vị nghiên cứu và sản xuất vaccine COVID-19 gồm Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC), công ty TNHH một thành viên Vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Trung tâm Nghiên cứu sản xuất Vaccine và sinh phẩm y tế (POLYVAC), Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược Nanogen.
TIN Y TẾ QUỐC TẾ
1. Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới
Tính đến ngày 9/11, thế giới ghi nhận hơn 50,7 triệu người mắc và hơn 1,2 triệu người tử vong. Tại nhiều quốc gia dịch bệnh đã bùng phát trở lại với tốc độ lây lan và số ca tử vong cao hơn trước đây. Châu Âu đã phải áp đặt một loạt biện pháp chống dịch mới, trong đó hầu hết các nước ban bố lệnh giới nghiêm ban đêm và cấm tập trung đông người.
Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới, nước này ghi nhận hơn 10,2 triệu ca mắc và hơn 243 nghìn ca tử vong. Thứ hai là Ấn Độ, với số ca mắc là hơn 8,5 triệu và hơn 126 nghìn ca tử vong. Tiếp đến là Brazil, số ca mắc được ghi nhận là hơn 5,6 triệu ca và hơn 162 nghìn ca tử vong.
Tại Đông Nam Á, tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp. Indonesia tiếp tục là vùng dịch lớn nhất khu vực với hơn 437 nghìn ca mắc và hơn 14 nghìn ca tử vong. Tại Philippines, ghi nhận hơn 396 nghìn ca mắc và 7,5 nghìn ca tử vong.
Tổng số ca mắc tại Việt Nam là 1.213, trong đó 1070 người đã khỏi, 35 ca tử vong. Sáng 9/11 đánh dấu 67 ngày không lây nhiễm cộng đồng.
2. UNICEF, WHO kêu gọi tiêm chủng sởi, bại liệt
Theo UNICEF và WHO, COVID-19 làm suy yếu các dịch vụ tiêm chủng thông thường và có đến 94 triệu người trên thế giới không được tiêm ngừa sởi, bại liệt do gián đoạn bởi COVID-19. Ngay cả khi vaccine có sẵn, người dân vẫn không thể tiếp cận do sợ nhiễm bệnh, giãn cách xã hội, lệnh phong tỏa và nhiều lý do khác. Điều này đã dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng ở nhiều quốc gia giảm mạnh. Mức thấp nhất là 50%, ghi nhận ở một số quốc gia trong thời kỳ khủng hoảng.
UNICEF cho biết số ca nhiễm sởi mới đã tăng lên mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ vào năm 2019. Mặt khác, sự lây lan của virus bại liệt cũng có thể gia tăng ở Pakistan và Afghanistan cùng nhiều khu vực của châu Phi, nơi trẻ em không được tiêm ngừa đầy đủ.
WHO và UNICEF đang kêu gọi hành động toàn cầu từ lãnh đạo quốc gia, các nhà tài trợ và đối tác. Hai tổ chức cho rằng chính phủ các nước cần ưu tiên ngân sách cho tiêm chủng nhiều hơn và phản ứng nhanh trước sự bùng phát của dịch bệnh.
Ban Biên tập website Viện
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG - TP. HỒ CHÍ MINH
Số 685 Trần Hưng Đạo - Phường 1 - Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh | www.impehcm.org.vn
Điện thoại: 84-028-3923.7117 / 3923.9940 / 3923.7422 / 3923.8091 / 3923.9946 - Fax: 84-8-3923.6734
Giấy phép số 125/GP-BC (9/4/2007)