VĂN BẢN PHÁP LÝ, CHỈ ĐẠO
1. Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch và đảm bảo công tác y tế dịp Tết Nguyên đán năm 2021
Ngày 31/12/2020, Bộ Y tế đã ban hành chỉ thị 26/CT-BYT về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch và đảm bảo công tác y tế dịp Tết Nguyên đán năm 2021. Theo đó, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ về việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong đợt cao điểm từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu, đặc biệt trong công tác kiểm soát nhập cảnh.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng yêu cầu ngành y tế các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là phòng, chống dịch COVID-19 nhằm phát hiện sớm, xử lý ngay những trường hợp đầu tiên, không để dịch lây lan; phối hợp với các cơ quan truyền thông thực hiện tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân, thông điệp 5K của Bộ Y tế; chuẩn bị, dự trữ đầy đủ vật tư, hóa chất, thiết bị đảm bảo đáp ứng nhu cầu chống dịch.
TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN
1. Chuyển đổi số trong ngành Y tế
Ngày 30/12, Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức Hội nghị chuyển đổi số y tế quốc gia nhằm trao đổi kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp, hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số ngành y tế. Mục tiêu chính của chuyển đổi số trong y tế là nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cùng ngày, Bộ Y tế chính thức khai trương "Nền tảng hồ sơ sức khỏe cá nhân", "Nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở V20" và "Mạng kết nối y tế Việt Nam".
Chương trình chuyển đổi số y tế quốc gia thực hiện theo Nghị quyết số 52-NQ/TƯ ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
2. Hội nghị Y tế toàn quốc
Ngày 06/01, Hội nghị Y tế toàn quốc đã được tổ chức tại Hà Nội, nhằm đánh giá kết quả đạt được năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021.
Năm 2020, ngành Y tế Việt Nam có nhiều thành tích nổi bật như: năng lực điều trị ở các tuyến được nâng lên rõ rệt; hầu hết các kỹ thuật cao trên thế giới đã được thực hiện ở Việt Nam, như ghép tạng, phẫu thuật nội soi, can thiệp tim mạch, điều trị ung thư, góp phần điều trị hiệu quả, cứu sống được nhiều người bệnh, việc phòng chống và điều trị bệnh COVID-19 thành công trên mọi phương diện. Nhiều kỹ thuật trước đây chỉ làm được ở các bệnh viện Trung ương, tuyến cuối nay đã trở thành thường quy ở nhiều bệnh viện tỉnh, huyện.
Về nhiệm vụ năm 2021, thực hiện đồng bộ các biện pháp ngành y tế, tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại cộng đồng và trong các cơ sở y tế, cần có các biện pháp mạnh để ngăn chặn nhập cư trái phép; thực hiện công khai chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh để người dân được biết và có quyền lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh; công khai, minh bạch trong quản trị ngành, trong mua sắm, đấu thầu; chống tiêu cực, tham nhũng bằng ứng dụng công nghệ thông tin ở các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc; thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, nghiên cứu sản xuất vắc-xin, thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế; xây dựng và triển khai Đề án đào tạo nhân lực y tế vùng khó khăn (cho 28 tỉnh), Đề án tổng thể tăng cường năng lực cán bộ y tế cơ sở, mục tiêu đến 2025 đảm bảo cơ bản nhân lực cho vùng sâu, vùng xa và đến năm 2030 đảm bảo đủ nhân lực.
TIN Y TẾ QUỐC TẾ
1. Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới
Tính đến ngày 4/1, thế giới ghi nhận hơn 85,4 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 60,4 triệu ca đã khỏi, hơn 23,1 triệu ca đang điều trị và hơn 1,8 triệu ca tử vong. Mỹ vẫn là vùng dịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19, nước này ghi nhận hơn 21,1 triệu ca mắc và hơn 360 nghìn ca tử vong. Thứ hai là Ấn Độ, với số ca mắc là hơn 10,3 triệu và hơn 149 nghìn ca tử vong. Tiếp đến là Brazil, số ca mắc được ghi nhận là hơn 7,7 triệu ca và hơn 196 nghìn ca tử vong.
Tại Đông Nam Á, Indonesia tiếp tục là vùng dịch lớn nhất khu vực với hơn 765 nghìn ca mắc và hơn 22 nghìn ca tử vong. Tại Philippines, ghi nhận hơn 477 nghìn ca mắc và 9,2 nghìn ca tử vong.
Những ngày qua, Việt Nam đã ghi nhận 4 ca lây nhiễm COVID-19 do nhập cảnh trái phép từ Myanmar (bệnh nhân 1440, 1451, 1452, 1453). Trong đó, bệnh nhân 1440 cư trú tại Vĩnh Long, 1451 và 1453 ở TP. HCM và 1452 ở Đồng Tháp. Những người thuộc diện tiếp xúc với nhóm bệnh nhân này hầu hết hiện xét nghiệm âm tính, một số người còn chờ kết quả. Hiện tại, tổng số ca mắc là 1.494, trong đó 1.339 người đã khỏi, 35 ca tử vong. Sáng 4/1 đánh dấu 33 ngày không lây nhiễm cộng đồng. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly hơn 18.000. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện hơn 150; cách ly tập trung hơn 16.000, còn lại ở nhà hoặc nơi lưu trú.
Ban Biên tập website Viện
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG - TP. HỒ CHÍ MINH
Số 685 Trần Hưng Đạo - Phường 1 - Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh | www.impehcm.org.vn
Điện thoại: 84-028-3923.7117 / 3923.9940 / 3923.7422 / 3923.8091 / 3923.9946 - Fax: 84-8-3923.6734
Giấy phép số 125/GP-BC (9/4/2007)