Theo Vietnamnet “Chùm ca bệnh Tân Sơn Nhất biểu hiện rất nhẹ, âm tính nhanh. Theo báo cáo của Bệnh viện dã chiến tại TP. Hồ Chí Minh, hầu hết các bệnh nhân đều không có triệu chứng. Một số ít người có triệu chứng rất nhẹ. Không có trường hợp nào có dấu hiệu nặng trong chùm bệnh nhân này. Nhiều trường hợp đã có kết quả xét nghiệm âm tính rất nhanh sau một thời gian ngắn được cách ly, điều trị”.
Liên quan đến sự lây lan không có triệu chứng của coronavirus, một số nghiên cứu đến nay cho thấy:
* Có tới 50% những người nhiễm COVID-19 ở Iceland không có triệu chứng sau khi xét nghiệm rộng rãi cộng đồng dân dân cư.
* Gần 40% trẻ em từ 6 đến 13 tuổi có kết quả dương tính với COVID-19, nhưng không có triệu chứng, theo nghiên cứu của Đại học Duke. Những trẻ em không có triệu chứng có cùng tải lượng virus SARS-CoV-2 ở vùng mũi như những trẻ có triệu chứng của COVID-19, do đó những trẻ không có triệu chứng có cùng khả năng lây lan virus như những trẻ có triệu chứng của COVID-19.
* Nghiên cứu từ Singapore giai đoạn đầu đại dịch COVID-19 cho thấy những người không có triệu chứng vẫn lây lan SARS-CoV-2 cho người khác.
Sự lây lan không có triệu chứng là một trong những khía cạnh bí ẩn và ám ảnh nhất của SARS-CoV-2.
Sự lây lan không triệu chứng có bất thường không?
Nhiều người hoang mang rằng virus có thể lây lan trước khi người bị nhiễm biết họ đang bị bệnh hoặc có triệu chứng bệnh, điều đó không có gì bất thường bởi SARS-CoV-2 được biết đến như một loại virus RNA.
Nhiễm virus RNA cũng như các virus đường hô hấp khác, thường không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, đó là lý do tại sao nó lan truyền rộng rãi. Ví dụ điển hình như virus West Nile (virus Tây sông Nin), tất cả những người bị nhiễm bệnh bởi virus West Nile thì có khoảng 80% là không có triệu chứng, có thể là do hệ thống miễn dịch bẩm sinh chống lại virus trước khi lây nhiễm. Virus West Nile chủ yếu lây truyền qua muỗi, vì vậy sự lây lan không có triệu chứng có vấn đề riêng biệt. Nhưng đối với các loại virus như Zika và Dengue, một người có thể bị nhiễm bệnh và không có triệu chứng, tuy nhiên, người đó có thể có đủ lượng virus trong cơ thể để một con muỗi đốt họ bị nhiễm virus và từ đó lây lan sang người khác.
Có phải virus thường ảnh hưởng đến những người ở các độ tuổi khác nhau không?
Tuổi tác dường như cũng ảnh hưởng đến mức độ nhiễm virus ở người không có triệu chứng. Nghiên cứu của Đại học Duke về trẻ em bị COVID-19 cho thấy các trường hợp không có triệu chứng cao nhất là ở trẻ em từ 6 đến 13 tuổi, các trường hợp ít phổ biến hơn là ở trẻ em từ 0 đến 5 tuổi và thanh thiếu niên từ 14 đến 20 tuổi. Nghiên cứu không đề cập đến người lớn, nhưng những người lớn tuổi bị COVID-19 cho thấy có tình trạng tồi tệ hơn.
Các bệnh do virus khác nhau ảnh hưởng đến con người ở các độ tuổi theo những cách khác nhau. Một số có thể nghiêm trọng ở trẻ em hoặc thanh niên, nhưng SARS-CoV-2 và cúm thì nguy hiểm đối với người lớn tuổi hơn. Những người có tình trạng sức khỏe kém, người lớn tuổi là những người bị bệnh nặng nhất và tử vong với tỷ lệ cao hơn do COVID-19.
Ngày 13/2/2021, Tạp chí Business Insider đăng bài nói về một nghiên cứu mới cho thấy chỉ có 13-18% những người nhiễm COVID-19 xuất hiện các triệu chứng. Các nhà khoa học đang theo dõi tỷ lệ các trường hợp COVID-19 không có triệu chứng trong cộng đồng.
Trước đây, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ) ước tính khoảng 40% ca bệnh không có triệu chứng. Một nghiên cứu mới đây cho thấy khoảng trên 50% nguy cơ lây truyền là từ những người không có triệu chứng.
Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự lây lan của coronavirus. Để xây dựng mô hình dự đoán sự lây lan từ các ca không triệu chứng, các nhà nghiên cứu đã thực hiện cách tiếp cận “mô hình toán học đơn giản” đánh giá một số tình huống, thay đổi giai đoạn và tỷ lệ lây truyền từ những người không phát triển các triệu chứng của bệnh. Theo mô hình được CDC Mỹ nghiên cứu, 59% số ca lây truyền coronavirus là từ những người không có triệu chứng bệnh, trong đó 35% trường hợp nhiễm từ những người chưa xuất hiện triệu chứng và 24% từ những người không bao giờ có triệu chứng.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới, các trường hợp không có triệu chứng chiếm phần lớn các ca bệnh. Các nhà khoa học tại Đại học Chicago (Mỹ) đã tiến hành khảo sát những ca bệnh ở New York từ tháng 3 tới tháng 6/2020. Kết quả ghi nhận chỉ 13 đến 18% các trường hợp COVID-19 có triệu chứng, con số lớn hơn rõ rệt so với mô hình giả định trước đây. Theo các tác giả, có khả năng các mô hình trước đã đánh giá thấp tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng do dựa trên dữ liệu từ khi bắt đầu đại dịch.
Điều quan trọng là không được đánh giá thấp nguy cơ lây bệnh của những người mắc COVID-19 không triệu chứng, đặc biệt khi xuất hiện các biến thể mới, dễ lây lan hơn. Ngay như ở New York - nơi có 22% dân số đã bị nhiễm bệnh vào tháng 4/2020, có thể vẫn chưa đạt được miễn dịch cộng đồng.
Người bị nhiễm nhưng không có triệu chứng rất khó phát hiện, hầu hết họ cảm thấy khỏe mạnh và do đó không muốn đi khám hoặc xét nghiệm. Từ kết những quả nghiên cứu, các nhà nghiên cứu cho rằng, điểm mấu chốt kiểm soát đại dịch COVID-19 đòi hỏi phải kiểm soát sự lây truyền âm thầm từ những người không có triệu chứng. Các biện pháp làm giảm sự lan tràn dịch bệnh trong cộng đồng cần được sử dụng rộng rãi để có thể làm chậm sự lây lan của SARS-CoV-2 từ tất cả những người bị nhiễm bệnh, ít nhất là cho đến khi vắc xin được sử dụng rộng rãi. Khi cộng đồng xảy ra dịch, bất kể có cảm thấy có hay không có triệu chứng bệnh, chúng ta phải tuân thủ các nguyên tắc: “Mang khẩu trang; Rửa tay; Tránh tiếp xúc với người khác và đi Xét nghiệm coronavirus”.
Nhiều vấn đề về bệnh, về virus, về phòng bệnh, điều trị..., chưa được rõ ràng, do đó biện pháp/giải pháp tốt nhất hiện nay là thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của ngành y tế đối với từng địa phương, từng nhà, từng người mới hi vọng kiểm soát được dịch bệnh.
Tài liệu tham khảo:
NĂM MỚI KÍNH CHÚC MỌI NGƯỜI VUI, KHỎE. PC COVID-19 HIỆU QUẢ!
Ban Biên tập
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG - TP. HỒ CHÍ MINH
Số 685 Trần Hưng Đạo - Phường 1 - Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh | www.impehcm.org.vn
Điện thoại: 84-028-3923.7117 / 3923.9940 / 3923.7422 / 3923.8091 / 3923.9946 - Fax: 84-8-3923.6734
Giấy phép số 125/GP-BC (9/4/2007)