MỐI VÀ PHƯƠNG PHÁP PHÒNG TRỪ MỐI

1. VỊ TRÍ PHÂN LOẠI

Lớp côn trùng Insecta

Lớp phụ có cánh Pterygota

Bộ cánh bằng Isoptera

Họ Mastotermitidae

Họ Kalotermitidae

Họ Hodotermitidae

Họ Rhinotermitidae

Họ Termitidae

Queen, King and Workers Dr. Barbara L. Thorne

2. THÀNH PHẦN LOÀI VÀ PHÂN BỐ

Trên thế giới có khoảng 2700 loài mối trong đó bao gồm cả loài hóa thạch. Đại bộ phận mối phân bố ở các vùng á nhiệt đới, một số ít phân bố đến bắc của châu Á, Bắc phi, các nước ven biển Địa Trung Hải, Bắc Mỹ giáp giới với canada, Bắc của châu Mỹ, châu Úc. Nói về châulục thì châu Phi là đại bản danh phân bố các loài mối.

Ở Việt Nam những nghiên cứu về mối được bắt đầu từ năm 1962. Theo tài liệu của Lâm Bình Lợi 1972 và Nguyễn Tân Vương 1997 thì ở Việt Nam có 3 họ (Kalotermitidae, Rhinotermitida, Termitidae) và 44 loài thuộc Isoptera được phát hiện từ đèo ngang trở vào. Đến nay, có khoảng 140 loài thuộc các giống như: mối gỗ ẩm Coptotermes, mối gỗ khô Cryptotermes, mối đất Odontotermes, Macrotermes, Microtermes với các loài phổ biến như: Coptotermes formosanus, Coptotermes ceylonicus, Coptotermes curvignathus, Macrotermesannandalei, Macrotermesbarneyi, Odontotermes hainanensis, Odontotermesformosanus phân bố rất rộng từ Lào Cai đến thành phố Hồ Chí Minh và khu vực miền Tây Nam bộ.

3. ĐẶC TÍNH SINH HỌC CỦA MỐI

3.1. Đẳng cấp loại hình của mối và tác dụng của nó

Đặc tính sinh học của mối là sinh sống thành quần thể. Sự lớn nhỏ của quần thể và số lượng cá thể ít hay nhiều tùy thuộc vào chủng loại khác nhau, chúng chịu ảnh hưởng của thời tiết, các chất dinh dưỡng và điều kiện sinh sống có thể dẫn đến quá trình suy vong và phát triển của quần thể mối. Trong quần thể mối có 2 loại hình lớn: Mối sinh sản và mối không sinh san.

3.1.1. Loại hình sinh sản

Mối vua và mối chúa

Mối cánh trưởng thành sau khi bay giao hoan, rụng cánh đã ghép đôi và sinh sản gọi là mối vua và mối chúa.

Đặc điểm về mặt hình thái, màu sắc của thân hơi thẩm và rắn hơn, có mắt kép và mắt đơn phát triển, mặt lưng ngực giữa và ngực sau còn giữ lại vẩy cánh, sức sinh sản lớn.

Phần lớn trong một quần thể mối chỉ có 1 đôi mối vua, mối chúa nguyên thủy, nhưng một số loài mối có khi phát hiện 2 hoặc 3 đôi mối vua mối chúa nguyên thủy như giống mối đất Odontotermes Macrotermes.

3.1.2. Loại hình không sinh sản

3.1.2.1. Mối lính

Trong chủng loại mối, thì ngoài giống Anoplotermes không có mối lính ra, những chủng loại còn lại thì đều có mối lính. Mối lính có con đực và cái nhưng không sinh sản được.

Mối lính có hàm trên phát đạt hoặc ống trán có khả năng tiết chất độc, nên vai trò của mối lính là kẻ bảo vệ quần thể mối. Mối lính không tham gia xây dựng quần thể mối, không tự lấy thức ăn cho mình, để tồn tại thì mối thợ phải mớm thức ăn cho mối lính.

3.1.2.2. Mối thợ

Mối thợ là đẳng cấp chiếm đông nhất trong loại hình không sinh sản của quần thể mối. Mối thợ cũng có con đực, con cái nhưng cơ quan sinh sản phát dục không hoàn chỉnh nên không đẻ được trứng.

Mối thợ chỉ đảm nhận nhiệm vụ kiếm thức ăn, xây tổ, làm đường mui, mớm thức ăn, chăm sóc mối non, vận chuyển trứng mối… để duy trì sinh sống trong quần thể.

Về hình thái mối thợ gần giống với mối non, nhưng thân hình to hơn mối non và các bộ phận khác với mối non, nhất là hai hàm trên của mối thợ được ky tin hóa cao, có màu nâu hoặc nâu thẫm.

3.2 Thời kỳ bay giao hoan và sự phát triển quần thể mối

Ở nước ta mối thường bay giao hoan từ tháng 4 đến tháng 8. Mối cánh trưởng thành từ trong tổ bay ra, sức bay lượn và cự ly bay từ vài mét đến mấy chục mét tùy theo sức gió và hướng gió quyết định.

Sau khi rơi xuống đất thì con đực đi tìm con cái giao phối, gặp hoàn cảnh thích hợp thì tìm chỗ để trú ngụ xây dựng tổ mới. Khoảng một tuần thì mối bắt đầu đẻ trứng, mới đầu chỉ đẻ từ 10 - 20 trứng/ngày, nhưng sau vài năm có thể đẻ 1000 trứng/ngày hoặc hơn.

Thời gian trứng nở ra mối non khoảng gần 1 tháng. Mối non trong mấy tuổi ban đầu chưa có hiện tượng phân hóa rõ ràng, lúc này rất khó phân biệt những mối non nào tương lai có thể phát dục thành đẳng cấp nào, mối lính hay mối thợ,…

Trước 1 tuổi của mối non mà tương lai là mối lính đến mối lính trưởng thành mới biểu hiện đặc trưng rõ ràng, lúc này đã có kiểu dáng của mối lính hoàn toàn, nhưng còn là màu trắng, đầu, chân còn mềm như mối non, những cá thể tuổi này gọi là “mối lính mô phỏng” hay “mối lính trắng” sau đó lại qua một lần lột xác sẽ thành mối lính.

Mối non mà trong tương lai trở thành mối cánh trưởng thành khi trên lưng ngực giữa và ngực sau sinh ra mầm cánh, sau đó sinh ra mắt kép, thân thể cũng to ra. Sau lần lột xác cuối cùng, 4 cánh mới phát triển hoàn toàn, thân thể có màu và rắn hơn.

Mối non của mối thợ thì từ đầu đến cuối không biểu hiện đặc trưng rõ ràng. Đó là quá trình phân đàn và sinh sống phát triển của quần thể mối.

3.3 Tổ mối

Phần lớn tổ các loài mối ở dưới đất, nhưng cũng có một số loài tổ của chúng ở trong gỗ tùy theo loài, điều kiện ngoại cảnh. Tổ mối thường chia làm 3 loại:

3.3.1. Mối sống trong gỗ

Những loài như Cryptotermes, Glyptotermes thường làm tổ trong gỗ khô hoặc ở trong cành khô của cây hoàn toàn không có liên hệ với đất. Ngoài ra, loài mối nguyên thủy Hodotermosis tổ của chúng trong gỗ mục ẩm tiếp xúc với đất.

Tổ có kết cấu đơn giản, quần thể không lớn, tổ thường là những khe rỗng và có những lỗ nhỏ thông từ hang này sang hang khác và thông với bên ngoài.

3.3.2. Mối sống trong đất

Tổ của những loài mối này dựa vào đất mà làm tổ, có thể ở gần phần rễ của cây hoặc gỗ chôn trong đất, nói chung là tổ của chúng không tách rời đất, tổ của nhóm mối này có thể chìm trong đất hoặc nửa nổi, nửa chìm trong đất như Odontotermes, Macrotermes, Capritermes….

3.3.3. Mối sống trong gỗ, đất

Tổ có thể ở trong gỗ khô, trong thân cây sống, trong gỗ được chôn trong đất hoặc trong đất. Việc tuyển chọn nơi xây tổ không khắt khe như hai nhóm kể trên, tổ khi được xây trong gỗ thì vẫn có đường giao thông nối liền với đất nước. Thường gặp ở hai giống mối Coptotermes Reticlitermes.

3.4 Thức ăn của mối

Mối sử dụng rất nhiều loại thức ăn như: thể thực vật sống, gỗ và thực vật khô, các loại nấm, nước và nước có trong thức ăn, nhưng chủ yếu là thực vật. Khi khan hiếm thức ăn, mối ăn cả da, xác động vật, len, dạ có khi ăn cả trứng mối, thậm chí cả mối non.

4. PHƯƠNG PHÁP PHÒNG TRỪ MỐI

4.1 Phương pháp phòng mối

4.1.1. Cách ly cơ giới và vệ sinh môi trường

Mối xâm nhập vào công trình xây dựng bằng 2 con đường chính: thứ nhất là thông qua những đường mối lộ ra hoặc đường ngầm là những cầu nối dẫn mối từ tổ mối đến những vật thể bị hại; thứ 2 là trong mùa bay giao hoan, mối cánh bay đến những vật thể bị hại rồi chúng rụng cánh, ghép đôi giao phối, làm tổ, sinh sản và phá hại công trình xây dựng.

Để ngăn chặn mối từ ngoài xâm nhập vào công trình xây dựng thì tường và nền nhà người ta tạo một lớp cách ly toàn diện và liên tục. Toàn diện là lớp cách ly được thực hiện trên toàn bộ diện tích, còn liên tục là không bị một vật liệu khác trộn lẫn vào làm mất tính liên tục của lớp cách ly. Lớp cách ly làm bằng vữa xi măng có chiều dày từ 3 – 4cm. Đối với nhà sàn thì chân cột kê trên đá tảng bê tông, có tấm tôn không rỉ hoặc rãnh dầu cách ly.

Vệ sinh môi trường xung quanh không để mối xâm nhập làm tổ và diệt những tổ mối có mối cánh trước mùa bay giao hoan của chúng là biện pháp rất tích cực để phòng mối.

4.1.2 Cách ly hóa học để phòng mối

4.1.2.1. Ngâm tẩm gỗ bằng hóa chất để phòng mối xâm nhập

Tuyển chọn các loại gỗ có khả năng kháng mối tự nhiên cao để ngăn ngừa mối xâm nhập phá hại như: Đinh, lim xanh, muồng đen, gụ mật, trắc…

Trên thực tế hiện nay các loại gỗ kể trên ngày càng hiếm. Vì vậy ngâm tẩm bằng thuốc bảo quản gỗ làm cho dung dịch thuốc bảo quản gỗ đi sâu vào trong gỗ để chống lại sự xâm nhập của mối.

4.1.2.2. Xử lý nền móng bằng lớp hóa chất cách ly

Khi san lấp nền nhà hay móng công trình xây dựng lớn nhỏ cần phải làm sạch móng, nền, vứt bỏ những sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật và những chất hữu cơ khác mà mối thích ăn, diệt những tổ mối khi phát hiện thấy trong khi san lấp.

Đối với móng nhà: Để ngăn ngừa mối xâm nhập người ta tạo một đường hào bằng hóa chất, đường hào này tiếp xúc và bao quanh toàn bộ phía ngoài móng công trình.

Đối với nền nhà: Trên mặt đất nền nhà đã được làm xong, cần rải một lớp thuốc phòng mối sau đó lát gạch bình thường.

4.2 Phương pháp trừ mối

4.2.1. Tìm tổ mối và phun thuốc diệt mối

Đây là một phương pháp phụ thuộc vào thiết bị tìm tổ, hay dò tìm bằng những kinh nghiệm vốn có. Sau khi tìm được tổ người ta dùng thuốc diệt mối phun trực tiếp vào tổ để diệt chúng. Phương pháp này chỉ có thể đào tìm tổ mối ở những nhà tạm, nền đất, còn ở nhà cao tầng thì đào bới sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và vẻ đẹp của công trình.

4.2.2. Tìm tổ mối và diệt chúng bằng thiết bị chuyên dùng

Ngày nay khoa học công nghệ càng phát triển nên đã tạo ra những thiết bị chuyên dùng để dò tìm tổ mối như: thiết bị chuyên dùng thăm dò bằng phóng xạ, bằng điện hoặc bằng sóng siêu âm. Sau khi thăm dò tìm ra tổ mối, người ta sẽ khoan vào tổ mối sau đó phun thuốc sát trùng trực tiếp để diệt diệt.

4.2.3. Diệt mối theo phương pháp lây truyền

Phương pháp này thường áp dụng đối với giống mối nhà Coptotermes vì tần số xuất hiện của giống mối nhà trong các công trình xây dựng là 97%. Các bước tiến hành như sau:

Bước 1: Điều tra khảo sát

Điều tra khảo sát để phát hiện những nơi có mối đang hoạt động và phân loại mối thuộc nhóm mối nào để có phương pháp phòng trừ thích hợp.

Bước 2: Nhử mối

Đặt hộp nhử mối: ở nền nhà; trên tường nhà hay trên mái nhà… Tùy theo mật độ mối có nhiều hay ít mà buộc hộp nhử nhiều hay ít, có thể đặt 1, 2 hoặc 3 hộp nhử ở nơi phát hiện ra mối đang hoạt động.

Phát hiện mối vào hộp nhử: Khi thấy đất bịt kín các kẻ hở của hộp nhử, đó là mối đã vào hộp nhử, thì sau đó 8 – 10 ngày là có thể phun thuốc được. Nếu để quá lâu 2- 3 tháng mối ăn hết gỗ mồi sẽ đi chỗ khác thì mục đích nhử mối không đạt.

Nhử được càng nhiều càng tốt, cần có >15 – 20% cá thể mối trong tổ vào hộp nhử thì, mục đích sẽ thành công.

Bước 3: Phun thuốc

Phun thuốc lây nhiễm phải thao tác nhanh, đều, đủ lượng theo quy định của loại thuốc. Muốn cho nhiều cá thể mối trong một tổ mối bị nhiễm thuốc trong một thời gian ngắn và phải phun liên tục cho đến khi phun xong hộp cuối cùng có mối.

Bước 4: Nghiệm thu và kiểm tra, đánh giá kết quả

Sau khi phun thuốc 2 ngày đến 5 ngày, thu hồi các hộp nhử và hủy hộp bằng cách đốt để đảm bảo vệ sinh môi trường và không sử dụng lại. Kiểm tra những đường mui có mối đi lại trước đây, nếu không thấy mối sống thì diệt mối có kết quả, nếu sau thời gian trên mà còn thấy mối đi lại ở đường mui cũ thì diệt mối chưa có kết quả vì những nguyên nhân sau:

- Mồi nhử mối không thích hợp, đặt không đúng nơi mối đang đi lại nên mối không đến ăn hoặc đến ăn quá ít.

- Phun thuốc không đều, mối nhiễm thuốc ít, không đủ số lượng mối nhiễm thuốc để làm mất cân bằng sinh thái trong tổ mối.

4.2.4. Phương pháp trừ mối gỗ khô

Mối gỗ khô làm tổ trong gỗ đã khô và ăn ngay gỗ làm tổ. Mối gỗ khô không liên hệ với nguồn nước và đất. Sau khi phát hiện ra tổ mối gỗ khô thì có hai cách diệt:

- Bơm trực tiếp: dùng xi lanh tiêm hoặc khoan lỗ rồi bơm đầy thuốc vào các lỗ, khe tổ.

- Xông hơi: khoan lỗ nhỏ vào khe tổ, dùng thuốc xông hơi đưa vào khe tổ rồi dùng keo hoặc băng dính bịt kín các lỗ thông hơi của tổ. Đối với các cấu kiện lớn thì dùng bạt phủ kín trước khi đưa thuốc xông hơi vào.

4.2.5 Phương pháp diệt trừ mối cánh trong khi bay giao hoan phân đàn

Dùng một chậu nước đường kính 50-60cm, ở giữa đặt (kê) một hòn gạch cao để ngọn đèn dầu hỏa hoặc bóng điện cách mặt nước khoảng 20 – 30cm để mối cánh bị rơi xuống nước ướt cánh không bay lên được.

5. THUỐC PHÒNG TRỪ MỐI

Thuốc diệt và phòng chống mối hiện nay có nhiều dạng: lỏng, bột, hơi, nhão,...

Các loại thuốc có trong danh mục của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép sử dụng như: bột PMS 100, Termidor, Mapboxer 30EC hoặc các dạng dung dịch EC.

Việc sử dụng thuốc phải theo chỉ dẫn của nhà sản xuất.

6. Ý NGHĨA KINH TẾ

Mặt có hại: Phần lớn các giống mối xâm nhập và gây thiệt hại cho các công trình xây dựng, thủy lợi, đường sắt các thư viện, bảo tàng… Ngoài ra mối còn phá hại các cây trồng công nghiệp; làm cho cây chết hoặc sinh trưởng kém ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.

Về mặt có lợi: Có nhiều ý kiến cho rằng những hoạt động của mối bảo đảm cho các thảm mục rừng nhiệt đới phân hủy nhanh chóng và thúc đẩy nhanh quá trình tuần hoàn vật chất trong trồng rừng.

ThS. Mai Đình Thắng, CN. Đỗ Quốc Hoa tổng hợp

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Khoa học và Công nghệ (2009). Bảo vệ công trình xây dựng – diệt và phòng mối cho công trình xây dựng đang sử dụng. TCVN 8268 : 2009.
  2. Bộ Y tế (2018). Danh mục hóa chất , chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước. TT:09/2018/TT-BYT, 27/4/2019.
  3. Lê Văn Nông (1999). Côn trùng hại gỗ và biện pháp phòng trừ, NXB Nông nghiệp, Hà Hội, 126-165.
  4. Nguyễn Mạnh Cường (2012). Nghiên cứu thành phần loài mối (Insecta:Isoptera) và đề xuất biện pháp phòng trừ các loài gây hại ở khu phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam. Luận văn Thạc sĩ, Đại học Khoa học tự nhiên .
  5. Nguyễn Khánh Ly (2015). Thực trạng mối hại gỗ tại trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thái Nguyên. Luận văn tốt nghiệp, Đại học Thái Nguyên.
  6. United Nations Environment Programme (2000). Finding alternatives to persistent organic pollutants (POPs) for Termite Management.
Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,