Theo Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 30/4/2014, tình hình kháng thuốc kháng sinh đang là mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng thế giới.
Báo cáo phát họa bức tranh toàn cảnh về kháng thuốc trong điều trị các bệnh nhiễm trùng cho đến nay, với dữ liệu thu thập từ 114 quốc gia, cho thấy mối đe dọa nghiêm trọng của tính kháng thuốc không còn là một dự đoán ở tương lai, mà là đang xảy ra và có khả năng ảnh hưởng đến bất kỳ ai, với mọi lứa tuổi, ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Theo Trợ lý Tổng Giám đốc WHO, Tiến sĩ Keiji Fukuda, nếu không khẩn cấp phối hợp hành động, thì thế giới sẽ phải đối mặt với một kỷ nguyên hậu kháng sinh, khi đó các bệnh nhiễm trùng thông thường hoặc các vết thương nhẹ trước đây có thể chữa trị được thì nay có thể gây ra chết người do hiện tượng kháng thuốc; do đó, cần nỗ lực hơn nữa trong việc ngăn chặn nhiễm trùng, thay đổi cách sản xuất, quy định và sử dụng thuốc kháng sinh.
Báo cáo cho biết tính kháng đang diễn ra trên nhiều tác nhân gây bệnh khác nhau, tuy nhiên, Báo cáo “Kháng thuốc: Báo cáo giám sát toàn cầu” (“Antimicrobial resistance: global report on surveillance”) chỉ tập trung vào kháng kháng sinh với bảy loại vi khuẩn khác nhau gây ra các bệnh nghiêm trọng, phổ biến như: nhiễm trùng máu, tiêu chảy, viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu và bệnh lậu.
Một số điểm chính của báo cáo
Kháng với các kháng sinh carbapenem lan rộng ra tất cả các khu vực trên thế giới. Các kháng sinh carbapenem (gồm imipenem, meropenem, ertapenem và doripenem) điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn đường ruột Klebsiella pneumoniae (phế trực khuẩn Friedlander) gây ra. K. pneumoniae là nguyên nhân chính gây nhiễm khuẩn bệnh viện như viêm phổi, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh và bệnh nhân điều trị tăng cường. Ở một số nước, kháng sinh carbapenem không còn hiệu quả điều trị với hơn một nửa số người nhiễm trùng K. pneumoniae.
Kháng với thuốc kháng khuẩn fluoroquinolone trong việc điều trị nhiễm trùng đường tiểu do vi khuẩn E. coli gây ra. Các loại thuốc này, gần như không có hiện tượng kháng vào những năm 1980 khi vừa mới ra đời, tuy nhiên ngày nay, lại không có hiệu quả điều trị với hơn một nửa số bệnh nhân ở nhiều nơi trên thế giới.
Kháng với thuốc kháng sinh cephalosporin thế hệ ba, xảy ra ở Áo, Úc, Canada, Pháp, Nhật Bản, Na Uy, Slovenia, Nam Phi, Thụy Điển và Vương quốc Anh. Thuốc kháng sinh cephalosporin không còn hiệu nghiệm trong việc điều trị bệnh lậu trong khi mỗi ngày trên thế giới có hơn 1 triệu người nhiễm bệnh lậu.
Kháng kháng sinh làm kéo dài thời gian bị bệnh, tăng chi phí chăm sóc sức khỏe và tăng nguy cơ tử vong. Ví dụ, ước tính khả năng tử vong của những người có vi trùng Staphylococcus aureus kháng methicillin (MRSA) là 64%, cao hơn so với những người không xảy ra kháng.
So sánh một số điểm nổi bật trong báo cáo của các WHO khu vực cho thấy: hầu như tất cả các khu vực đều xảy ra kháng cao với methicillin trong điều trị Staphylococcus aureus (MRSA); trong đó, Đông Nam Á hơn 25%, Đông Địa Trung Hải hơn 50%, châu Âu 60%, châu Phi 80%, Tây Thái Bình Dương 80%, châu Mỹ 90%. Ngoài ra, 3 khu vực là châu Mỹ, Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á xảy ra kháng cephalosporin thế hệ thứ ba (trong điều trị nhiễm trùng K. Pneumoniae và E. Coli) và fluoroquinolones (trong điều trị nhiễm trùng E. Coli); khu vực châu Phi kháng với cephalosporin thế hệ thứ ba và fluoroquinolones trong điều trị nhiễm trùng E. Coli; Tây Thái Bình Dương kháng với fluoroquinolones (trong điều trị nhiễm trùng E. Coli) và cephalosporin thế hệ thứ ba (trong điều trị nhiễm trùng K. Pneumoniae); khu vực châu Âu xảy ra kháng với cephalosporin thế hệ thứ ba trong điều trị K. Pneumoniae.
Biện pháp đương đầu với kháng kháng sinh
Hiện tại các nước chưa tìm ra biện pháp tốt để giải quyết tình trạng kháng kháng sinh. Do đó, mỗi quốc gia và cá nhân cần phải nỗ lực hành động nhiều hơn nữa, chú trọng thực hiện công tác phòng ngừa nhiễm khuẩn như: làm vệ sinh tốt hơn, xử lý nước sạch, kiểm soát lây nhiễm tại các cơ sở y tế, và thực hiện tiêm phòng. WHO kêu gọi phát hiện các biện pháp chẩn đoán mới, thuốc kháng sinh và các công cụ khác giúp các chuyên gia y tế ngăn chặn tình hình kháng mới nổi.
Báo cáo đánh dấu nỗ lực toàn cầu của WHO trong vấn đề giải quyết kháng thuốc, liên quan đến việc theo dõi kháng thuốc (tìm kiếm các công cụ, tiêu chuẩn và cải thiện sự hợp tác toàn cầu), đánh giá tình trạng sức khỏe, các tác động kinh tế, và thiết kế giải pháp mục tiêu.
Đến thời điểm này, WHO khu vực Đông Địa Trung Hải đã xác định hành động chiến lược để ngăn chặn kháng thuốc và đang hỗ trợ các nước phát triển chính sách, chiến lược và kế hoạch toàn diện; WHO khu vực châu Âu đã thiết lập một mạng lưới các hệ thống quốc gia để giám sát kháng kháng sinh ở tất cả các nước, với tên gọi CAESAR (Central Asian and Eastern European Surveillance of Antimicrobial Resistance network), trong việc thu thập dữ liệu đã được chuẩn hóa để thông tin có thể so sánh; WHO khu vực Đông Nam Á đã xác định kháng thuốc là công việc ưu tiên từ sau Tuyên bố Jaipur (ở Ấn Độ, năm 2011) của các Bộ trưởng y tế trong khu vực cam kết theo dõi, ngăn chặn kháng thuốc; WHO Tây Thái Bình Dương đã phục hồi hợp tác khu vực trong việc theo dõi kháng kháng sinh giữa các nước sau những bất ổn bởi một loạt các tình huống khẩn cấp trong những năm 2000.
Làm thế nào để giải quyết kháng
Việc giải quyết kháng cần có sự phối hợp hành động của người dân, nhân viên y tế, dược sĩ, các nhà hoạch định chính sách và ngành công nghiệp. WHO khuyến cáo người dân chỉ sử dụng thuốc kháng sinh khi và chỉ khi có chỉ định của bác sĩ, uống thuốc đúng và đủ theo toa đã kê ngay cả khi đã đỡ bệnh, đặc biệt, không chia sẻ thuốc kháng sinh hoặc sử dụng thuốc còn sót lại.
Trong khi đó, ngành y và giới chuyên môn cần tăng cường công tác kiểm soát và phòng chống nhiễm trùng; chỉ kê đơn và cấp thuốc kháng sinh khi thực sự cần thiết và đúng với từng loại bệnh. Các nhà hoạch định chính sách và ngành công nghiệp cần tăng cường theo dõi kháng và năng lực phòng thí nghiệm; điều tiết và thúc đẩy sử dụng thích hợp các loại thuốc; khuyến khích cải tiến, nghiên cứu và phát triển các công cụ mới; thúc đẩy hợp tác và chia sẻ thông tin giữa tất cả các bên liên quan.
Cụ thể hóa biện pháp ngăn chặn và giải quyết tình trạng kháng kháng sinh, mới đây, ngày 2/5/2014, WHO kêu gọi nhân viên y tế hãy làm vệ sinh đôi bàn tay thật sạch trước khi chăm sóc bệnh nhân. Biện pháp này góp phần bảo vệ bệnh nhân khỏi các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc tại các cơ sở y tế, đặc biệt là MRSA. Thông qua chiến dịch “HÃY CỨU LẤY SỰ SỐNG: Hãy rửa sạch đôi tay” (“SAVE LIVES: Clean Your Hands”), WHO chỉ ra 5 thời điểm quan trọng mà các nhân viên y tế cần rửa tay bằng nước, xà phòng, đặc biệt là nước rửa tay có cồn, đó là:
- Trước khi chạm vào bệnh nhân;
- Trước khi thực hiện tiệt khuẩn các dụng cụ;
- Sau khi tiếp xúc với bệnh phẩm;
- Sau khi chạm vào bệnh nhân;
- Sau khi tiếp xúc với bệnh phòng.
Thông qua chiến dịch này, WHO tiếp tục nỗ lực hành động trong việc ngăn chặn nhiễm trùng và kiểm soát, giám sát, tối ưu hóa sử dụng kháng sinh, và ngăn ngừa nhiễm trùng vết mổ. Đây cũng là cách góp phần giảm thiểu tình trạng kháng kháng sinh hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
1. WHO. WHO’s first global report on antibiotic resistance reveals serious, worldwide threat to public health. [online] Available at: http://www.who.int/mediacentre/news/releases/2014/amr-report/en/ [Accessed 30 April 2014].
2. WHO. Good hand hygiene by health workers protects patients from drug resistant infections. [online] Available at: http://www.who.int/mediacentre/news/releases/2014/hand-hygiene/en/ [Accessed 2 May 2014].
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG - TP. HỒ CHÍ MINH
Số 685 Trần Hưng Đạo - Phường 1 - Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh | www.impehcm.org.vn
Điện thoại: 84-028-3923.7117 / 3923.9940 / 3923.7422 / 3923.8091 / 3923.9946 - Fax: 84-8-3923.6734
Giấy phép số 125/GP-BC (9/4/2007)