Vai trò của phòng bệnh

1. Đặt vấn đề

"Phòng bệnh hơn chữa bệnh" là một câu tục ngữ có nghĩa là "Chúng ta phải ngăn ngừa bệnh trước, chứ không phải để bệnh xảy ra rồi mới tìm kiếm giải pháp chữa bệnh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc nhiều bệnh nguy hiểm. Trong đó, Việt Nam gia tăng bệnh đái tháo đường nhanh nhất thế giới. Có 3,3 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, con số này dự kiến tăng gấp đôi trên 6,3 triệu người vào năm 2035. Trong số 10 bệnh nhân thì có sáu bệnh nhân bị các biến chứng và đa số bệnh nhân không đạt được mục tiêu điều trị, do người bệnh không có ý thức chăm sóc bản thân như kéo theo chế độ ăn uống không điều độ, ít vận động, lối sống công nghiệp với đủ chủng loại thức ăn nhanh, không đảm bảo chất lượng, ít dinh dưỡng nhưng thừa năng lượng, kèm theo áp lực công việc và cuộc sống với tình trạng căng thẳng (stress) kéo dài... làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Khi có dấu hiệu bất thương như giảm cân, mệt mỏi, đi tiểu đêm nhiều …thậm chí gây ra những rối loạn về tinh thần và tàn phá về thể chất thì khi đó, một là chữa trị, hai là không chữa trị và dĩ nhiên khi bệnh đã xảy ra là phải chữa chạy, nếu không thì đời sống con người sẽ bị thu ngắn.

Vì lẽ đó chúng ta coi trọng phòng bệnh hơn chữa bệnh. Bởi bất kỳ một thực thể sống nào luôn tồn tại hai quá trình: Một là, quá trình dị hóa; Hai là, quá trình đồng hóa. Vậy quá trình dị hóa và quá trình đồng hóa diễn ra như thế nào? Mối quan hệ của hai quá trình này?. Các yếu tố nào ảnh hưởng đến sức khỏe con người?. Khắc phục, hạn chế nó con người cần phải làm gì?

2. Cơ sở phân tích

2.1. Chuyển hóa vật chất là tổng hợp của hai quá trình đồng hóa và dị hóa:

Đồng hoá

Dị hoá

- Đồng hóa: Là quá trình biến đại phân tử hữu cơ có tính đặc hiệu theo nguồn gốc thức ăn thành các đại phân tử đặc hiệu của cơ thể: glucid, lipid, protid, acid nucleic [1].

- Dị hóa: Là phân giải các đại phân tử sử dụng của tế bào mô thành các sản phẩm đào thải (Ví dụ: phân giải 1 chất thành chất nhỏ hơn và có thải ra năng lượng (thoái hóa) [1].

2.2. Mối quan hệ giữa đồng hóa và dị hóa

Đồng hóa và dị hóa luôn luôn được tiến hành song song với nhau theo hai chiều trái ngược nhau và liên hệ chặt chẽ với nhau: Đồng hóa thì lấy những chất từ bên ngoài đưa vào cơ thể để tạo những chất hữu cơ đặc trưng, dị hóa thì thải những chất bên ngoài thành những chất đơn giản. Đồng hóa tích năng lượng vào cơ thể, dị hóa giải phóng năng lượng ra. Cơ thể có đồng hóa mới bù được những chất đã phân giải trong lúc dị hóa.

Sự liên hệ giữa hai hiện tượng này chặt chẽ đến nỗi không thể xem là hai hiện tượng riêng biệt mà như hai mặt của quá trình duy nhất là chuyển hóa vật chất.

Chuyển hóa vật chất là biểu hiện của sự sống. Nhờ chuyển hóa vật chất mà sinh vật luôn luôn lấy được chất mới làm cơ thể lớn lên và phát triển. Nếu sựchuyển hóa ngừng thì cơ thể sẽ chết. Những chất mà cơ thể sống trao đổi với môi trường thuộc hai loại: Loại cung cấp chất kiến tạo lẫn năng lượng là protid, lipid và glucid; loại chỉ cung cấp chất kiến tạo là nước, muối khoáng và vitamin.

2.3. Vai trò của các chất dinh dưỡng

- Vai trò của Vitamin nhóm B (B1, B2, B9, B12, B5, PP), Vitamin C, Vitamin A, D, E, K: Tùy theo chức năng sinh lý của từng loại vitamin, chúng có vai trò, tác dụng khác nhau đến sự sinh trưởng phát triển của cơ thể. Ví dụ: Nhu cầu vitamin B1 đối với trẻ em cần mỗi ngày từ 0,2 – 1mg, người lớn trung bình mỗi ngày cần 2 - 2,5mg. Nếu thiếu sẽ rối loạn tiêu hóa

- Các acid amin thiết yếu đối với cơ thể con người

Trong số 22 acid amin tổng hợp nên các loại protein cho cơ thể, có 9 acid amin cơ thể không tự tổng hợp được, và bắt buộc phải được cung cấp từ thực phẩm bên ngoài. Các axit amin này được gọi là axit amin thiết yếu.

Axit amin thiết yếu hay axit amin không thay thế là axit amin mà cơ thể con người không tự tổng hợp được, do đó phải được lấy từ thức ăn. 9 axit amin thiết yếu gồm có: Isoleusine, Leucine, Lysine, Methionine, Phenylalanine, Threonine, Tryptophan , Valine và Histidine. 9 loại axít amin liên kết chặt chẽ với nhau, kích thích cơ thể phát triển mạnh mẽ. Nếu thiếu 1 trong 9 loại quan trọng này có thể dẫn đến một số bệnh nguy hiểm đáng tiếc xảy ra.

2.4. Vai trò của enzyme: Enzym hay còn gọi là men là chất xúc tác sinh học có thành phần cơ bản là protein.Trong cuộc sống sinh vật xảy ra rất nhiều phản ứng hóa học, với một hiệu suất rất cao, mặc dù ở điều kiện bình thường về nhiệt độ, áp suất, pH. Sở dĩ như vậy vì nó có sự hiện diện của chất xúc tác sinh học được gọi chung là enzym.

- Nhờ enzim mà các quá trình sinh hóa trong cơ thể sống xảy ra rất nhạy với tốc độ lớn trong điều kiện sinh lí bình thường. Khi có enzim xúc tác, tốc độ của một phản ứng có thể tăng hàng triệu lần. Nếu tế bào không có các enzim thì các hoạt động sống không thể duy trì được vì tốc độ của các phản ứng sinh hoá xảy ra quá chậm.

- Tế bào có thể điều hòa quá trình chuyển hoá vật chất thông qua điều khiển hoạt tính của các enzim bằng các chất hoạt hoá hay ức chế. Các chất ức chế đặc hiệu khi liên kết với enzim sẽ làm biến đổi cấu hình của enzim làm cho enzim không thể liên kết được với cơ chất. Ngược lại, các chất hoạt hoá khi liên kết với enzim sẽ làm tăng hoạt tính của enzim.

- Ức chế ngược là kiểu điều hoà trong đó sản phẩm của con đường chuyển hoá quay lại tác động như một chất ức chế, làm bất hoạt enzim xúc tác cho phản ứng ở đầu của con đường chuyển hoá.

- Khi một enzim nào đó trong tế bào không được tổng hợp hoặc tổng hợp quá ít hay bị bất hoạt thì sản phẩm không những không được tạo thành mà cơ chất của enzim đó cũng sẽ bị tích luỹ lại gây độc cho tế bào hoặc có thể được chuyển hoá theo con đường phụ thành các chất độc gây nên các triệu chứng bệnh lí. Các bệnh đó ở người được gọi là bệnh rối loạn chuyển hoá.

* Các yếu tố ảnh hưởng tới hoạt tính của enzim: Nhiệt độ, độ pH, nồng độ cơ chất, nồng độ enzim, một số chất hóa học có thể ức chế hoạt động của enzim nên tế bào khi cần ức chế enzim nào đó cũng có thể tạo ra các chất ức chế đặc hiệu cho enzim ấy (Ví dụ: một số chất độc hại từ môi trường như thuốc trừ sâu DDT là những chất ức chế một số enzim quan trọng của hệ thần kinh người). Một số chất khác khi liên kết với enzim lại làm tăng hoạt tính của enzim.

2.5. Quy trình chuyển hóa năng lượng trong cơ thể

* Vị trí trong chuyển hóa các chất

Chu trình Krebs là giai đoạn 3 của sự thoái hóa chung và cuối cùng của G, L, P

G,L,P có nhiều con đường chuyển hóa khác nhau nhưng trong đó có nhiều con đường dẫn đến sản phẩm thoái hóa chung là Acetyl CoA, và Acetyl CoA được thoái hóa qua chu trình Krebs.

G,L,P được thoái hóa qua 3 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Phân ly thành các đơn vị cấu tạo

- Giai đoạn 2: Biến đổi qua nhiều chất trung gian cuối cùng tạo Acetyl CoA

- Giai đoạn 3: Từ acetylCoA vào chu trình Krebs [1]

Ví dụ: Succinyl CoA là tiền chất để tổng hợp Hem cho sự tiêu dùng của thể Ceton ở các mô.

- OAA dùng để tân tạo Glucid, còn có thể chuyển thành Aspartic

- Citrat giữ vai trò chuyển Acetyl CoA từ trong thể ty ra tế bào chấtt để tổng hợp Acid béo.

Từ cơ sở trên cho chúng ta nhận thấy rằng, dù chúng ta quan tâm đến sức khỏe tốt, xong quá trình dị hóa đó vẫn diễn ra bình thường và hoạt động sống của tế bào vẫn diễn ra theo qui luật của nó. Thực tế hai quá trình này vừa mâu thuẫn vừa thống nhất (thể hiện trong qúa trình chuyển hóa vật chất), sản phẩm của quá trình này là nguyên liệu cho qúa trình kia và ngược lại.

Tuy nhiên, hai quá trình nàydiễn ra nghịch biến và chênh lệch nhau ở hai thực thể sống ở người lớn và trẻ em. Nghĩa là, ở trẻ em quá trình đồng hóa diễn ra nhanh, quá trình dị hóa diễn ra chậm; nhưng ở người lớn quá trình dị hóa lại diễn ra nhanh, quá trình đồng hóa diễn ra chậm hơn.

Xong chúng ta vẫn có thể khống chế được bệnh tật phát triển hay nói khác đi là trì hoãn quá trình dị hóa và thay vào đó là quá trình đồng hóa được tăng cường và ổn định. Vì vậy, chúng ta nên ngăn chặn bệnh từ đầu, không được cho phép mình bị ốm nếu có biện pháp phòng ngừa có thể được thực hiện. Vì quá trình dị hóa chỉ diễn ra nhanh, bất thường khi sức đề kháng cơ thể giảm, đồng thời cơ thể có dấu hiệu bệnh tật, từđó gây ra những rối loạn về tinh thần và tàn phá về thể chất và rút ngắn tuổi thọ.

3. Một vài lời khuyên cơ bản

Chính vì vậy, phòng bệnh luôn được coi là hiệu quả, tiết kiệm và được ưu tiên hơn là chữa bệnh. Ngày nay việc phòng bệnh được các tổ chức y tế tuyên truyền và khuyến cáo khá nhiều. Dưới đây là 7 lời khuyên tốt cho sức khỏe và có tác dụng phòng bệnh.

3.1. Thể dục thể thao

Bất cứ lời khuyên nào liên quan tới sức khỏe đều không thể bỏ qua tác dụng của thể dục thể thao. Thói quen này giúp cân bằng năng lượng trong cơ thể, tăng sức đề kháng và có tác dụng phòng ngừa hầu hết các bệnh.

Nhận thức được tác dụng to lớn của nó nhưng biến thành thói quen là việc không hề dễ khi mỗi ngày có vô vàn lý do xen ngang: công việc bận rộn, tiệc tùng, con cái… Đừng bỏ qua một phương thuốc rẻ tiền và có giá trị to lớn. Cũng không phải quá lo lắng vì có thể tận dụng bất cứ khoảng thời gian nào trong ngày hoặc ở bất cứ đâu tiện cho công việc của bạn: đi bộ buổi sáng, tham gia các câu lạc bộ hay đơn giản là đi bộ thay vì thang máy, lang thang trong khu mua sắm thay vì đi xem phim…[2].

3.2. Chăm lo sức khỏe tinh thần

Vui vẻ là trạng thái tâm trạng mà chúng ta hoàn toàn có thể có được và nên có. Giữ cho mình trạng thái luôn vui vẻ đồng nghĩa với việc bạn khỏe mạnh hoặc cho dù có bị bệnh gì đi nữa thì khả năng khỏi bệnh cũng cao hơn rất nhiều.

Trên thực tế, việc phát sinh nhiều bệnh tật có liên quan đến trạng thái tinh thần của con người. Sự kích thích tinh thần hoặc tình cảm mạnh mẽ ảnh hưởng lớn đến chức năng sinh lý của cả cơ thể. Do đó, bạn phải tự điều chỉnh tâm trạng của mình, tránh những kích thích không tốt cho cơ thể. Bạn hãy cùng chia sẻ niềm vui cho mọi người, học cách tư duy nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng tích cực và cảm nhận những hạnh phúc mà cuộc sống mang lại cho mình.

3.3. Không dùng quá nhiều tiện ích

Cuộc sống hiện đại, rất nhiều những tiện ích ra đời giúp tiết kiệm thời gian và sức lực: máy giặt, máy hút bụi, thang máy, điện thoại, máy tính… chúng trực tiếp hoặc gián tiếp làm cho con người “lười” vận động, cùng với chế độ ăn ngày càng nhiều năng lượng, cơ thể trở thành cái “kho tích mỡ”, bị ảnh hưởng bởi sóng điện từ. Đó là nguyên nhân dẫn tới nhiều bệnh.

Đừng quá phụ thuộc vào chúng, hãy chỉ sử dụng khi cần thiết. Giặt quần áo bằng tay có thể khiến bạn mệt trong chốc lát nhưng bù lại buổi tối bạn không phải thòm thèm nhìn món gà rán yêu thích.

3.4. Dinh dưỡng cân bằng hợp lý

- Ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm và đảm bảo đủ 4 nhóm: chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng.

- Phối hợp thức ăn nguồn đạm động vật và thực vật.

- Ăn phối hợp dầu thực vật và mỡ động vật hợp lý, nên ăn vừng lạc.

- Nên sử dụng muối Iốt, không ăn mặn.

- Cần ăn rau quả hàng ngày.

- Đảm bảo an toàn vệ sinh trong lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm.

- Uống đủ nước sạch hàng ngày.

- Cho trẻ bú mẹ ngay sau khi sinh, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, ăn bổ sung hợp lý và tiếp tục cho bú mẹ đến 24 tháng.

- Trẻ sau 6 tháng và người trưởng thành nên sử dụng sữa và các sản phẩm của sữa phù hợp với

- Tăng cường hoạt động thể lực, duy trì cân nặng hợp lý, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, nước có ga và ăn, uống đồ ngọt.

3.5. Tiêm phòng Vắc xin

Tiêm chủng là quá trình cung cấp cho cơ thể, một chế phẩm sinh học, để đề phòng bị nhiễm bệnh. Tiêm chủng làmột trong những phương pháp khoa học Cũ nhấtvàđược biết đến tốt nhất phòng chống. Vắc xin sởi, quai bị, viêm gan A, viêm gan B, thủy đậu, viêm màng não, viêm phổi và vi khuẩn Haemophilus influenzae đã chứng minh rằng "Phòng bệnh hơn chữa bệnh thực sự”. Tiêm chủng đã cứu rất nhiều người và đã loại trừ rất nhiều bệnh ở người trên toàn thế giới. Và dịch bệnh đã được suy giảm khi có vắc xin. Mục tiêu của WHO đã lên kế hoạch diệt trừ bệnh bại liệt trên toàn thế giới. Tiêm chủng cũng đang được phát triển của bệnh nan y khác nhau. Nếu chúng ta không được tiêm chủng đầy đủ thì mầm bệnh có cơ hội phát triển [3].

3.6. Khám bệnh theo định kỳ

Việc theo dõi sức khỏe định kỳ thông qua việc khám bệnh và thực hiện các xét nghiệm sàng lọc sẽ giúp phòng tránh hoặc phát hiện sớm các nguy cơ về bệnh tiểu đường, tim mạch….Điều này giúp bạn duy trì sức khỏe một cách ổn định, giảm thiểu thời gian chi phí điều trị nếu được phát hiện và chữa trị sớm

3.7. Khi sử dụng thuốc: Nên thực hiện 4 đúng

- Đúng bệnh

- Đúng thuốc

- Đúng liều

- Đúng thời gian

Tóm lại, cùng với sự phát triển của xã hội là một sự thay đổi rất lớn về nhu cầu trong cuộc sống, từ “ăn no mặc ấm” sang “ăn ngon mặc đẹp”. Một chế độ dinh dưỡng tốt chỉ có thể có được nhờ một thực đơn cân bằng. Ăn đúng, ăn đủ là điều hết sức quan trọng. Chế độ ăn cân bằng bao gồm đa dạng các sản phẩm từ: lúa gạo, thịt cá và rau quả.

Hạn chế sử dụng đồ ăn liền, vừa thiếu dinh dưỡng vừa nhiều năng lượng dễ gây béo phì, tránh các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá… sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.

Ngũ cốc, rau xanh và trái cây là những loại thực phẩm cơ bản cung cấp vitamin, khoáng chất và các loại carbohydrate (tinh bột và chất xơ) mà cơ thể cần. Chất béo, đặc biệt là chất béo no từ mỡ động vật, cholesterol, đường và muối, thực phẩm chế biến sẵn là những thứ nên tránh, những người có thể trạng khó hấp thu nên sử dụng thêm các sản phẩm bổ trợ.

Chúng ta nên tránh ăn quá nhiều hoặc ăn quá ít một loại thức ăn. Bởi bộ máy tiêu hóa của con người chỉ có thể tiêu hóa trong 24 giờ. Nếu chúng ta nạp quá nhiều một loại thức ăn chỉ lãng phí vì cơ thể không tiêu hóa được sẽ thải ra ngoài, đồng thời tích lũy và sản sinh nhiều khí độc làm chúng ta chướng bụng đầy hơi và có thể nhiễm khí độc, nhất là thứcăn nhiều dầu mỡ, bộ máy phải làm việc nhiều làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngược lại, nếu chúng ta ăn quá ít một thứcăn thì sẽ không đủ cung cấp dưỡng chất cần thiết cho cơ thể làm chúng ta bị thiếu hụt dinh dưỡng dẫn tới bộ máy tiêu hóa phải lấy dưỡng chất dự trữ ở chính cơ thể mình (đây được gọi là tự ăn thịt mình) làm cơ thể chúng ta gầy đi đến giai đoạn nào đó cơ thể không đủ cung cấp dẫn đến cơ thể sẽ bị suy nhược, sức đề kháng bị giảm sút và lúc này là cơ hội cho bệnh tật phát triển. Vì cơ thể người không tự tổng hợp được một số loại axit amin mà phải lấy từ thức ăn nên phải ăn nhiều loại thức ăn khác nhau.

Vì thế, chúng ta phải tổ chức ăn uống đúng đắn và triệt để là lập khẩu phần ăn uống phù hợp, đó là xây dựng khẩu phần ăn trên cơ sở tính toán hợp lý trong thành phần thức ăn đảm bảo số lượng, chất lượng các chất dinh dưỡng chứa trong các thức ăn ấy với điều kiện nhận đủ protid, lipit, gluxit, muối khoáng, vitamin và các vi lượng cần thiết.

Xong việc cung cấp một nguồn dinh dưỡng đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng, cân bằng và hợp lý chưa đủ để đảm bảo cơ thể phát triển khỏe mạnh mà chúng ta cần phải chú ý các yếu như: tinh thần, thể dục thể thao, tiêm phòng vắc xin, khám bệnh theo định kỳ, ….

Vì vậy, chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn tới sự chăm sóc cơ thể, dinh dưỡng và nguyên nhân cũng như sự phòng tránh bệnh tật của mình và đồng thời ý thức được ý nghĩa việc phòng bệnh là rất quan trọng, nó không chỉ mang lại cho con người có sức khỏe, vui tươi mà còn mang lại lợi ích nhiều hơn: Hạnh phúc, tiết kiệm về tài chính và kéo dài tuổi thọ.

ThS. Cao Thị Hường

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Hóa sinh Y học (2010), NXB Y học, CN Thành phố Hồ Chí Minh.

[2]. Hypo.vn>Cẩm nang sức khỏeLời khuyên sức khỏe .

[3]. "Works" - Thomas Adams (1630), the first English version, "Preuention is so much better than healing beause it saues the labor of being sicke".http://m.targetstudy.com/articles/prevention-is-better-than-cure.html .

[4]. http://thanhnien.vn/doi-song/suc-khoe/tieu-duong-sat-thu-nguy-hiem-651381.html.

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,