Giun Guinea và chiến dịch loại trừ trên toàn cầu

TỔNG QUAN

Giun Guinea có tên khoa học là Dracunculus medinensis, là một loại ký sinh trùng của người và động vật. Đây cũng là một trong những loại ký sinh trùng cổ xưa nhất, khi có nhiều tài liệu ghi nhận giun Guinea xuất hiện ở Hy Lạp từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên.

Những ký sinh trùng nhỏ bé này sống phổ biến ở châu Á và châu Phi. Giun Guinea là loài giun tròn có thể dài khoảng từ 70 cm - 1,2m và là ký sinh trùng nguy hiểm khi xâm nhập vào cơ thể người.

Giun Guinea xâm nhập cơ thể vật chủ (người và động vật) chủ yếu qua nước uống có chứa ấu trùng giun. Khoảng hơn một năm sau, ấu trùng này sẽ phát triển, tạo ra một nốt sần trên da vật chủ, thường là ở chân hoặc bàn chân. Nốt sần này gây cảm giác vô cùng đau đớn khi giun chui ra. Ngâm chân vào nước, người bệnh sẽ cảm thấy dễ chịu nhưng hành động này khiến cho giun cái có cơ hội "xuất" hàng trăm ngàn ấu trùng vào nước, vô tình nhân bản ký sinh trùng trong nước [1].

DỊCH TỄ

Chiến dịch diệt trừ toàn cầu đã có những tiến bộ vững chắc, tính đến năm 1980 chỉ còn 20 quốc gia có căn bệnh này.

Năm 1986, ước tính có 3,5 triệu trường hợp mới xảy ra.

Trong năm 1989, có 892 055 trường hợp đã được báo cáo xảy ra ở 15 trong số 20 quốc gia (trừ Chad, Cộng hòa Trung Phi, Senegal và Sudan). Trong năm 2012, căn bệnh này chỉ còn tại 4 quốc gia: Chad, Ethiopia, Mali và Nam Sudan, đến cuối năm 2012, tổng cộng 542 trường hợp được báo cáo, giảm 49% so với 1058 trường hợp được báo cáo trong năm 2011, và giảm hơn 99% so với các trường hợp của năm 1989. Năm 2012, Nam Sudan đã báo cáo 521 trường hợp, chiếm 96% tổng số vụ toàn cầu. Trong phần còn lại các trường hợp của năm 2012 Chad chiếm 10 trường hợp, Ethiopia: 4, Mali: 4 , và Niger: 3 trường hợp. Trong số 542 trường hợp được báo cáo trong năm 2012, có 273 trường hợp là phụ nữ và 201 trường hợp là trẻ em dưới 15 tuổi. Trẻ em nữ dưới 15 tuổi chiếm hơn 87% các trường hợp nhiễm giun Guinea trong năm 2012; phụ nữ và trẻ em dưới 15 tuổi chiếm khoảng 72% của tất cả các trường hợp trong năm 2011.

Tính đến cuối năm 2012, có 192 quốc gia, vùng lãnh thổ và các khu vực đã được chứng nhận hết bệnh do giun Guinea. 14 nước khác đã được chứng nhận, trong đó có 4 nước (Angola, CHDC Congo, Somalia và Nam Phi) gần đây không có bệnh do giun Guinea. Chỉ còn 10 quốc gia là Chad, Ethiopia, Mali, Nam Sudan, Côte d'Ivoire, Ghana, Kenya, Nigeria, Niger và Sudan đang trong giai đoạn tiền loại trừ [3].

Năm 2013 có 148 trường hợp đã được báo cáo ở các nước (Chad, Ethiopia, Mali và Nam Sudan) .

Năm 2014, chỉ có 126 trường hợp đã được báo cáo, giảm 15% so với năm trước (2013) [2].

Trong năm 2015, chỉ có 22 trường hợp đã được báo cáo trên toàn thế giới, giảm 83% so với năm trước (2014), loại trừ giun tròn Guinea trên toàn cầu là trong tầm tay [2].

Cho tới nay, ở Việt Nam chưa có thông báo nào nói về có ca bệnh do Dracunculus medinensis gây ra.

Hình 1: Tình hình ca bệnh từ 1986 đến 2014

http://www.cdc.gov/parasites/images/guineaworm/gw_infographic2015.jpg

VÒNG ĐỜI:

Người bị nhiễm giun Guinea do uống nước có chứa chân chèo (động vật, giáp xác nhỏ) mang ấu trùng của D.medinensis. Sau khi uống nước, các chân chèo chết và ấu trùng được thả ra sẽ xâm nhập vật chủ sau đó vào dạ dày ruột và khoang bụng, phúc mạc để phát triển thành giun trưởng thành. Sau khi giun trưởng thành, con đực và con cái giao phối với nhau, giun đực sau đó chết và những con cái (dài 70-120 cm) sẽ di chuyển trong các mô dưới da. Khoảng một năm sau khi nhiễm, giun cái gây ra một nốt sần trên da, thường ở các chi, khi tổn thương tiếp xúc với nước, nốt sần vỡ ra và giun cái “xuất” ấu trùng vào nước, ấu trùng được nuốt vào bụng của chân chèo và sau hai tuần đã phát triển thành ấu trùng. Người nuốt phải ấu trùng trong chân chèo và ký sinh trùng tiếp tục chu kỳ mới [5].

Hình 2. Chu kỳ giun Guinea [5]

BỆNH HỌC

Bệnh do giun Guinea được chẩn đoán bằng cách nhìn thấy những con giun đang nổi lên từ các tổn thương trên chân của người bị nhiễm bệnh và bởi vị trí của ấu trùng. Chúng di chuyển xuống dưới, thường là các chi thấp hơn, thông qua các mô dưới da. Khi chúng di chuyển sẽ có đau dữ dội. Theo kinh nghiệm của những người bị nhiễm căn bệnh này thì sẽ có cảm giác rất rát và đau nên bệnh này được gọi là "con rắn lửa". Các triệu chứng khác bao gồm sốt, buồn nôn, và nôn mửa. Giun cái gây ra phản ứng dị ứng trong quá trình hình thành nốt sần dưới da, gây đau rát dữ dội. Phản ứng dị ứng như phát ban, buồn nôn, tiêu chảy, chóng mặt, phù nề. Khi nốt sần vỡ, phản ứng dị ứng giảm đi, nhưng da sẽ bị loét, thông qua đó các con giun có thể nhô ra. Chỉ khi các con giun được lấy ra thì bệnh mới được chữa lành hoàn toàn. Cái chết của giun trưởng thành trong khớp có thể dẫn đến viêm khớp và tê liệt trong tủy sống [1].

Hình 3: Giun Guinea ký sinh ở chi dưới

https://en.wikipedia.org/wiki/Dracunculiasis#/media/File:Dracunculus_medinensis.jpg

PHÒNG NGỪA

Không có thuốc ngừa, cũng như không có bất kỳ loại thuốc nào để điều trị căn bệnh này. Tuy nhiên, các chiến lược phòng ngừa dẫn đến gần như diệt trừ được bệnh này. Một số công việc của những chiến lược này:

- Tăng cường giám sát để phát hiện mọi trường hợp trong vòng 24 giờ khi giun nhô lên.

- Dự phòng lây nhiễm bằng cách xử lý, làm sạch và băng bó thường xuyên vết thương ở da, vùng bị tổn thương cho đến khi giun hoàn toàn bị trục xuất ra khỏi cơ thể.

- Ngăn ngừa lây nhiễm từ nước bằng cách tư vấn cho bệnh nhân tránh lội xuống nước.

- Lọc nước trước khi uống.

- Thực hiện kiểm soát vectơ bằng cách sử dụng hoá chất diệt ấu trùng temephos, và tăng cường giáo dục sức khỏe và thay đổi hành vi[7].

CON ĐƯỜNG DẪN TỚI LOẠI TRỪ BỆNH

Trong tháng 5 năm 1981, Ban chỉ đạo liên ngành quốc tế về hợp tác hành động vì sự nghiệp Uống Nước sạch và Vệ sinh Thập kỷ (1981-1990) đề xuất xem việc loại bỏ bệnh do giun Guinea như là một chỉ số thành công nhất của thập kỷ. Trong cùng năm đó, Đại hội đồng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thông qua Nghị quyết WHA 34,25 nhận định rằng chiến dịch quốc tế Uống Nước sạch và Vệ sinh môi trường trong thập kỷ này đã mở ra cơ hội để loại bỏ bệnh do giun Guinea. WHO và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa kỳ (CDC) đã xây dựng chiến lược và hướng dẫn kỹ thuật cho một chiến dịch diệt trừ.

Trong năm 1986, Trung tâm Carter tham gia cuộc chiến chống lại căn bệnh này, và trong quan hệ đối tác với WHO và UNICEF, đã đi đầu trong các hoạt động diệt trừ. Năm 2011 WHO kêu gọi tất cả các nước thành viên nơi có bệnh giun Guinea lưu hành tiến hành việc giám sát toàn quốc để đảm bảo loại trừ bệnh do giun Guinea [7].

CHỨNG NHẬN

Để được chứng nhận loại trừ bệnh do giun Guinea, một quốc gia cần có báo cáo là không có ca bệnh mới xảy ra và sau đó duy trì giám sát chủ động trong ít nhất 3 năm.

Sau khoảng thời gian này, một uỷ ban chứng nhận quốc tế sẽ đến đất nước đó để đánh giá sự phù hợp của hệ thống giám sát và xem xét hồ sơ của các trường hợp được báo cáo và các hành động tiếp theo đã được thực hiện.

Các chỉ số cải thiện nguồn nước uống ở các khu vực có bệnh được kiểm tra và đánh giá. Cuối cùng, một bản báo cáo được trình lên Ủy ban quốc tế về chứng nhận Loại trừ bệnh giun Guinea (ICCDE) xem xét.

Từ năm 1995 ICCDE và WHO đã xác nhận 198 quốc gia, vùng lãnh thổ và khu vực (thuộc 186 quốc gia thành viên), không còn bệnh giun Guinea [7].

GIÁM SÁT LIÊN TỤC

WHO khuyến cáo cần giám sát hoạt động ở quốc gia hoặc khu vực mà gần đây đã không còn bệnh giun Guinea trong tối thiểu 3 năm.

Vì thời gian ủ bệnh của bệnh giun Guinea mất từ 10 -14 tháng, một trường hợp mới xảy ra duy nhất sẽ trì hoãn nỗ lực loại trừ thêm một năm hoặc hơn. Bằng chứng của sự tái xuất hiện bệnh giun Guinea đã được thấy ở Ethiopia (2008) mặc dù quốc gia này đã tuyên bố loại trừ bệnh, và gần đây ở Chad (2010), bệnh lại xuất hiện sau khi nước này báo cáo không có trường hợp bệnh mới trong gần 10 năm nay.

Một quốc gia báo cáo là không có trường hợp bệnh mới trong khoảng thời gian 14 tháng liên tiếp sẽ được xem xét để được cấp giấy chứng nhận, giai đoạn này kéo dài ít nhất là 3 năm kể từ khi trường hợp nhiễm cuối cùng được báo cáo. Ngay cả sau khi đươc cấp giấy chứng nhận, việc giám sát cần được duy trì cho đến khi bệnh được công bố là đã bị loại trừ trên toàn cầu [7].

THÁCH THỨC

Việc phát hiện các trường hợp bệnh còn lại cuối cùng có thể là giai đoạn khó khăn và tốn kém nhất của quá trình loại trừ bệnh ở vùng không thể tiếp cận, vùng sâu vùng xa.

Một hạn chế lớn là việc không an toàn khi vào các vùng bệnh còn lưu hành, đặc biệt là ở những nước như Chad, Ethiopia, Mali và Nam Sudan.

Tại Chad, một dịch bệnh do giun Guinea bất thường đã được báo cáo trên chó dọc theo sông Chari. Bệnh do giun Guinea ở chó mới nổi lên gần đây, giống như ở con người, đã được phát hiện trong cùng một khu vực có nguy cơ cao trong năm 2012, 2013 và 2014. Nghiên cứu sâu hơn đang được tiến hành.

Ngoài ra còn có một nguy cơ của sự lơ là khi số bệnh giảm [7].

PHẢN ỨNG WHO

WHO chủ trương loại trừ bệnh, cung cấp hướng dẫn kỹ thuật, phối hợp hoạt động loại trừ, thực thi giám sát tại khu vực không còn những trường hợp nhiễm mới và báo cáo tiến bộ đạt được.

WHO là tổ chức duy nhất được ủy quyền xác nhận các nước không có trường hợp nhiễm bệnh do giun Guinea, theo khuyến nghị của ICCDE. ICCDE bao gồm 9 chuyên gia y tế công cộng để đánh giá tình trạng lây truyền trong nước áp dụng cho chứng nhận loại trừ bệnh giun Guinea và giới thiệu việc một quốc gia nên được chứng nhận là không còn bệnh[7].

Dương Công Thịnh, Trần Thị Xuyến

Tài liệu tham khảo:

  1. Dracunculiasis.https://en.wikipedia.org/wiki/Dracunculiasis
  2. Dracunculiasis. http://www.cdc.gov/parasites/guineaworm/
  3. Dracunculiasis. http://www.who.int/dracunculiasis/eradication/en/
  4. Dracunculiasis.http://www.who.int/dracunculiasis/no_new_case_for_seventh_consecutive_months/en/
  5. Dracunculiasis.http://www.cdc.gov/parasites/guineaworm/biology.html
  6. Dracunculiasis.https://en.wikipedia.org/wiki/Dracunculiasis#Treatment
  7. Dracunculiasis.http://www.who.int/mediacentre/factsheets/fs359/en/
Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,