Nhiễm ký sinh trùng là một bệnh khá phổ biến đặc biệt là ở những nước đang phát triển. Các bệnh ký sinh trùng đang là vấn đề nan giải, nó thường mang đặc điểm mãn tính, ký sinh trùng có nhiều cách thoát khỏi sự đào thải miễn dịch của cơ thể vật chủ. Các thuốc diệt chúng ít hiệu lực hoặc quá độc. Đáp ứng miễn dịch chống ký sinh trùng diễn ra dai dẳng, lâu dài nhưng kết quả đôi khi lại dẫn đến những thương tổn bệnh lý nghiêm trọng.
1. Cơ chế bảo vệ không đặc hiệu
Ký sinh trùng sau khi xâm nhập vào cơ thể có thể theo đường da, niêm mạc hay đường máu như: giun chỉ, giun đũa, sốt rét… Chúng sẽ gặp phải:
- Bổ thể hoạt hóa: Các kháng nguyên ký sinh trùng xuất hiện là tác nhân hoạt hóa bổ thể, kết quả dẫn đến ly giải ký sinh trùng nhờ phức hợp tấn công màng. Tuy nhiên, cách này ít hệu quả vì ký sinh trùng có thể trút bỏ những phân tử bề mặt đã gắn bổ thể.
- Thực bào: Đại thực bào có thể ăn các ký sinh trùng nhưng cơ chế này rất yếu thường là ký sinh trùng chống được các cơ chế diệt tế bào của cả tiểu và đại thực bào, thậm chí vẫn tồn tại và phát triển ngay trong tế bào thực bào.
Nhìn chung cơ chế bảo vệ không đặc hiệu ít giá trị và phương thức bảo vệ chủ yếu dựa vào miễn dịch đặc hiệu.
2. Cơ chế bảo vệ đặc hiệu
Tính kháng nguyên cũng như phương thức tồn tại, phát triển của ký sinh trùng trong cơ thể chủ rất khác biệt và đa dạng, do vậy các cơ chế bảo vệ đặc hiệu cũng có tính đặc thù riêng do vậy các cơ chế bảo vệ đặc hiệu cũng có tính đặc thù riêng. Nó được thực hiện theo các cách:
2.1. Đáp ứng miễn dịch dịch thể
Đáp ứng miễn dịch dịch thể được dành cho các ký sinh trùng xâm nhập vào đường máu. Quá trình đó được thực hiện như sau:
- Tăng sản xuất IgE đặc hiệu và tăng bạch cầu ái toan như thường gặp trong nhiễm giun, sán ở người. Đáp ứng này là do kháng nguyên ký sinh trùng kích thích T CD4+ tiết IL-4, IL-5 là những cytokin thúc đẩy lympho B sản xuất IgE và tủy xương sản xuất bạch cầu ái toan.
- Một số Ig khác có khả năng họat hóa bổ thể, opsonin hóa ký sinh trùng để tăng thực bào, tiêu diệt ký sinh trùng. Chính vì vậy, người ta có thể nhận IgG từ những người trưởng thành có miễn dịch bền vững sống trong vùng sốt rét để bảo vệ khỏi nguy cơ bị sốt rét.
- Đại thực bào khi được hoạt hóa cũng có khả năng trực tiếp nuốt và tiêu diệt ký sinh trùng thông qua các gốc tự do.
2.2. Đáp ứng miễn dịch tế bào
Trong nhiễm ký sinh trùng, đáp ứng miễn dịch tế bào cũng chỉ cho những kết quả giới hạn.
3. Sự né tránh của cơ chế miễn dịch ký sinh trùng
Để tồn tại và phát triển trong cơ thể, tùy loại ký sinh trùng mà chúng có những cơ chế lẩn tránh hệ miễn dịch của cơ thể vật chủ khác nhau.
- Một số ký sinh trùng tìm chỗ ẩn nấp ngay bên trong tế bào như Plasmodium, Toxoplasma Gondii vì vậy chúng lẩn tránh được tác động của kháng thể.
- Ký sinh trùng ẩn mình trong 1 lớp vỏ như amip, giun xoắn… nên mọi phương tiện đề kháng miễn dịch không tấn công tới được.
- Ký sinh trùng ngụy trang bởi 1 lớp vỏ bọc protein của cơ thể chủ như ấu trùng A.mansoni và Schistosoma nên phần lớn tránh được đáp ứng miễn dịch.
- Thay đổi kháng nguyên trên bề mặt: suốt trong chu trình sống trong cơ thể chủ, ký sinh trùng luôn thay đổi kháng nguyên bề mặt vì vậy khi cơ thể tạo được kháng thể đặc hiệu thì ký sinh trùng đã chuyển sang giai đoạn khác tránh được sự đe dọa của đáp ứng miễn dịch. Chính sự thay đổi tính kháng nguyên của ký sinh trùng gây ra khó khăn lớn cho việc tạo ra vaccine hữu hiệu đối với ký sinh trùng.
- Ký sinh trùng làm suy giảm đáp ứng miễn dịch, chúng tạo ra các tế bào trơ miễn dịch ví dụ kháng nguyên giun chỉ gây rối loạn trong sản xuất cytokin, ức chế đại thực bào, giảm hoạt hóa lympho T.
ThS. Đỗ Thị Phượng Linh (tổng hợp)
Tài liệu tham khảo:
Nguyễn Ngọc Lanh (1997), Miễn dịch học, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.