Thực hiện Quyết định số 3975/QĐ-BYT ngày 03/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc kiểm tra, chỉ đạo công tác PCSR năm 2014, Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM tổ chức Đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bệnh sốt rét (PCSR) tại 2 tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước từ 20-24/10/2014.
Đoàn do ThS. Phùng Đức Truyền, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM làm trưởng đoàn và các cán bộ của Viện, cán bộ đại diện Cục Y tế dự phòng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM. Nội dung công tác là kiểm tra, chỉ đạo việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện các hoạt động PCSR, sốt rét kháng thuốc, hoạt động tập huấn, điều trị bệnh nhân và truyền thông PCSR, cung ứng và sử dụng thuốc điều trị sốt rét; công tác hậu cần...
Kết quả cho thấy:
Về tình hình sốt rét:
Tại Lâm Đồng, tình hình sốt rét trong 9 tháng năm 2014 tăng đột ngột ở một số xã của các huyện Đức Trọng, Đạ Tẻh, Đơn Dương, Đam Rông, Lạc Dương. BNSR tăng 37 ca, SRAT tăng 1 ca, KST SR tăng 50 ca, không có tử vong do sốt rét. Đối tượng mắc sốt rét là những người dân đi rừng, ngủ rẫy, đi khai thác lâm sản ở Ninh Thuận, Bình Thuận, đa số trong độ tuổi lao động từ 16-58 tuổi, chủ yếu là nam giới... Mặc dù BNSR tăng ở một số xã nhưng đối với toàn tỉnh, các chỉ tiêu, mục tiêu PCSR đều đạt, tỷ lệ BNSR/1.000 dân là 0,27/1.000 dân (chỉ tiêu 0,31/1.000 dân); tỷ lệ KST < 0,26/1.000 dân (chỉ tiêu 0,30/1.000 dân);không có tử vong, không có dịch xảy ra;chỉ riêng BNSR tăng 11,67% so với cùng kỳ năm 2014 (chỉ tiêu giảm 5%).
Tại Bình Phước, tình hình sốt rét 9 tháng 2014 giảm so với cùng kỳ, BNSR giảm 42,72 %; SRAT giảm 72,72%; KST sốt rét cũng giảm 43,17%; Không có tử vong do sốt rét, giảm 100%; Không có dịch sốt rét xảy ra. Tuy nhiên số mắc tăng cao theo mùa; đặc biệt là cuối mùa mưa cho đến Tết Nguyên đán. Nguyên nhân do dân vào rừng, rẫy nhiều hơn và nhiều nhất là đối tượng từ các vùng miền khác nhau về làm ăn theo vụ mùa. Diễn biến tình hình sốt rét tại 3 điểm nóng của tỉnh cũng giảm mạnh: Xã Đắk Ơ giảm 44,69%; Xã Bù Gia Mập giảm 65,67%; Xã Đắk Nhau giảm 62,6%.
Về tổ chức thực hiện hoạt động PCSR/sốt rét kháng thuốc
- Các hoạt động phòng chống sốt rét đều thực hiện thường xuyên như:
+ Giám sát dịch tễ sốt rét tại các huyện, thị, thành phố;
+ Kiểm tra và đánh giá chất lượng chẩn đoán, điều trị sốt rét.
+ Kiểm tra hoạt động điểm kính hiển vi.
+ Công tác phòng chống véc tơ ở Lâm Đồng đạt tỷ lệ trên 90%, tuy nhiên với đối tượng đi rừng không phát huy hiệu quả, màn đôi tẩm hóa chất tồn lưu lâu dài cấp cho các đối tượng đi rừng nhưng họ không nằm màn, do nhóm đối tượng này đi khai thác gỗ vào ban đêm. Ở Bình Phước phun, tẩm hóa chất phòng chống véc tơ đạt 62%, đang tiếp tục triển khai đợt 2 vào những tháng cuối năm nay.
+ Công tác đào tạo, tập huấn đặc biệt được chú trọng ở Lâm Đồng như hội thảo phương hướng kế hoạch hoạt động chương trình PCSR năm 2014 (74 học viên), đào tạo xét nghiệm viên KST sốt rét (12 học viên), tập huấn phân vùng dịch tễ sốt rét (24 học viên), tập huấn cho y tế thôn bản về PCSR (180 học viên), tập huấn cho cán bộ côn trùng sốt rét tuyến huyện (24 học viên), tập huấn nâng cao KST sốt rét (15 học viên),… Ở Bình Phước tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực mạng lưới y tế tham gia PCSR cho 14 lớp và có 84 học viên tham dự.
+ Công tác truyền thông PCSR gặp khó khăn ở cả 2 tỉnh,TT YTDP/PCSR tỉnh không nhận được sự phối hợp của Trung tâm Truyền thông - GDSK để thực hiện. Mặc dù vậy, các đơn vị vẫn duy trì công tác truyền thông PCSR trên đài phát thanh của tỉnh, loa truyền thanh tại xã. Phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội vận động nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia công tác PCSR, tổ chức nói chuyện trực tiếp theo các cụm dân cư, thôn xóm thông qua các buổi họp dân, chiếu phim, các buổi tổ chức phun, tẩm, mít tinh nhân ngày thế giới PCSR 25/4.
+ Công tác thống kê báo cáo số liệu kịp thời, chính xác và đầy đủ; có biểu đồ theo dõi dự báo dịch sốt rét. Công tác hậu cần thực hiện tốt, tiến độ thực hiện hoạt động chuyên môn và giải ngân theo đúng kế hoạch.
- Về tình hình sốt rét kháng thuốc, ở 2 tỉnh hiện tại đang triển khai các hoạt động: quản lý, kiểm soát và điều trị triệt để ca nhiễm bệnh tại vùng kháng thuốc; theo dõi KST SR ngày D3; tăng cường các biện pháp phòng chống véc tơ bằng cách phun thuốc, tẩm màn và cấp màn cho người dân đi rừng ngủ rẫy, tập huấn cho mạng lưới PCSR các cấp; tập huấn cho y tế tư nhân điều trị đúng phác đồ hướng dẫn; tăng cường tuyên truyền để người dân biết cách tự phòng bệnh; thuốc sốt rét được cung cấp kịp thời...
Về những khó khăn, đề xuất
- Dân di cư từ nơi khác đến địa phương làm thuê, nhất là vào các mùa vụ hái café, chè, hái nấm, khai thác gỗ, … gây khó khăn trong công tác quản lý, tiếp cận để triển khai các biện pháp PCSR.
- Kinh phí hoạt động PCSR bị cắt giảm ảnh hưởng đến công tác.
- Chưa có sự phối hợp giữa Trung tâm Truyền thông - GDSK với chuyên ngành sốt rét ở địa phương.
- Chất lượng giám sát dịch tễ còn yếu, một số ít tuyến huyện còn chưa nắm được quy trình giám sát dịch tễ sốt rét (Bình Phước).
- Điểm KHV hoạt động không đều, KHV hỏng, cũ không sử dụng được. Các điểm kính tuyến xã chưa làm hết chức năng, nhiều bệnh nhân có sốt đến Trạm y tế không được xét nghiệm KST sốt rét bằng KHV.
- Một số cơ sở hành nghề y dược tư nhân vẫn điều trị và bán thuốc Artesunat đơn thuần.
Thay mặt đoàn công tác, PVT. Truyền đánh giá cao những kết quả PCSR mà địa phương đã đạt được, đồng thời chia sẻ những khó khăn tại địa phương, chỉ đạo địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện những công việc sau:
1. Đề nghị các đơn vị quan tâm chỉ đạo y tế địa phương, đặc biệt là y tế xã và y tế thôn bản, giám sát chặt chẽ người đi rừng về, lấy lam máu xét nghiệm và điều trị triệt để ngay người có ký sinh trùng sốt rét; Cấp thuốc tự điều trị cho tất cả các đối tượng đi rừng ở các xã, theo dõi, đánh giá và quản lý tốt việc sử dụng thuốc của nhân dân, kiểm tra và phổ biến các quy định về chẩn đoán, điều trị sốt rét ở các tuyến y tế cơ sở. Giám sát chặt chẽ quần thể muỗi ở các xã có nhiều đối tượng đi rừng, vận động nhân dân ngủ màn, màn tẩm hóa chất.
2. Đề nghị các TT chủ động triển khai tốt các hoạt động PCSR theo kế hoạch đã được phê duyệt, đồng thời có biện pháp dự phòng cho tình huống diễn biến sốt rét bất thường và có khả năng đáp ứng nhanh hiệu quả, kể cả tình huống dịch sốt rét xảy ra.
3. Kiện toàn hệ thống các điểm kính hiển vi đảm bảo độ bao phủ cho phù hợp với phân bố lưu hành bệnh sốt rét, bố trí thêm nhiệm vụ xét nghiệm KST khác cho các điểm kính hiển vi. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của điểm kính hiển vi trong việc phát hiện, chẩn đoán KST sốt rét. Thực hiện tốt các quy định về kiểm tra chất lượng cũng như hoạt động của điểm kính hiển vi.
4. Nghiêm cấm việc mua bán, sử dụng thuốc uống artemisinin và dẫn xuất đơn chất. Đề nghị xử lý nghiêm khắc khi phát hiện những vấn đề liên quan đến chất lượng thuốc như bảo quản, quy chế về mua bán và sử dụng thuốc uống artemisinin và dẫn xuất đơn chất đường uống tại các cơ sở y tế tư nhân.
5. Phối hợp với chính quyền có biện pháp quản lý dân di biến động (dân đi làm nương ngủ rẫy, dân di cư theo mùa vụ làm kinh tế từ vùng không có sốt rét lưu hành vào vùng sốt rét nặng, giao lưu qua biên giới tại một số vùng thuộc biên giới Việt Nam - Campuchia), đồng thời chỉ đạo các ban ngành đoàn thể phối hợp tốt với y tế nhằm bảo vệ dân nguy cơ sốt rét đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra đặc biệt bảo vệ cho được các đối tượng di dân đi và về với các vùng sốt rét lưu hành.
6. Đề nghị Sở Y tế 2 tỉnh chỉ đạo Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏephối hợp với các đơn vị chuyên ngành sốt rét đẩy mạnh công tác truyền thông PCSR, đặc biệt chú trọng đến các đối tượng đi làm rừng, rẫy, vào rừng và ngủ lại qua đêm, các đối tượng làm thuê theo thời vụ và đối tượng mới đến định canh tại các rẫy hoặc bìa rừng.