VĂN BẢN PHÁP LÝ, CHỈ ĐẠO
1. Tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19
Trước tình hình dịch COVID-19 có nguy cơ bùng phát trong nước, nhất là nguồn nhập cảnh, nhập cảnh trái phép, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch.
Theo đó, Công điện số 541/CĐ-TTg ngày 23/4/2021 có nêu rõ, dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, số lượng ca mắc mới và tử vong vẫn tăng ở nhiều nước. Đặc biệt ở một số nước láng giềng có chung đường biên giới với nước ta, dịch bệnh đang bùng phát mạnh trên diện rộng. Trong nước, tuy đã được kiểm soát tốt, song nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại luôn thường trực, nhất là từ nguồn nhập cảnh, nhập cảnh trái phép; đã có tình trạng lơ là, chủ quan, thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, xuất hiện hiện tượng ngại tiêm vaccine phòng bệnh.
Chi tiết Công văn số 541/CĐ-TTg ngày 23/4/2021.
TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN
1. Hưởng ứng ngày thế giới phòng chống sốt rét 25/4
Ngày 24/4/2021, Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM đã phối hợp với Sở Y tế Bình Phước tổ chức Mít tinh kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống sốt rét (25/4) tại xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Chủ đề năm nay là “Loại trừ và ngăn ngừa sốt rét quay trở lại” (Zero malaria - Draw the line against malaria). Chủ đề này nhấn mạnh việc hướng đến một thế giới không còn sốt rét, bên cạnh đó tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm phòng ngừa sốt rét xâm nhập, quay trở lại và duy trì bền vững kết quả loại trừ sốt rét ở những năm tiếp theo.
Với mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ sốt rét giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Việt Nam: Đảm bảo tất cả người dân đều được tiếp cận với chẩn đoán sớm bệnh sốt rét, điều trị kịp thời và hiệu quả tại các cơ sở y tế. Những người có nguy cơ mắc sốt rét được trang bị kiến thức và các biện pháp bảo vệ phù hợp. Người nhiễm ký sinh trùng sốt rét được giám sát và điều trị khỏi bệnh, tránh lây lan cho cộng đồng.
2. Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè
Theo Cục Y tế dự phòng: Từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước ghi nhận 19.048 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có năm người chết tại các tỉnh Phú Yên, Bình Dương, Sóc Trăng và TP. HCM. So với cùng kỳ năm 2020, số mắc giảm 12,7%, số người chết tăng hai trường hợp. Hiện diễn biến dịch tễ tương tự các năm trước, không ghi nhận địa phương có số mắc gia tăng đột biến và ổ dịch tập trung. Tuy nhiên, một số tỉnh miền nam tăng so với cùng kỳ năm 2020 là Bạc Liêu, Bình Dương, Cà Mau, Tây Ninh. Trong khi đó, tại các địa phương cũng đã ghi nhận 18.436 trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng (TCM), trong đó có bốn trường hợp chết tại các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Ðắk Lắk. So với cùng kỳ năm 2020, số người mắc trên cả nước tăng 4,3 lần và gia tăng chủ yếu tại khu vực miền nam và cục bộ tại một số tỉnh, thành phố như: Ðồng Nai, Long An, Ðồng Tháp, An Giang, TP. HCM …
Hiện nay, thời tiết ở nước ta đang chuyển sang mùa hè, khí hậu nóng ẩm tại khu vực miền bắc và bắt đầu mùa mưa tại khu vực miền trung và miền nam; sự đi lại của người dân tăng cao, trong khi ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của một số người chưa cao là những điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và phát triển, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như: sởi, cúm, TCM, tiêu chảy do virus Rota...; các bệnh do muỗi truyền như SXH, viêm não do vi-rút, viêm não Nhật Bản… Ðây là những bệnh thường có nguy cơ gia tăng số ca mắc và có thể bùng phát thành dịch tại cộng đồng.
Trước tình hình đó, Bộ Y tế yêu cầu ngành y tế cần quyết liệt trong công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, cách ly, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng; đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng, bảo đảm đạt tỷ lệ hơn 95% quy mô xã, phường, thị trấn; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Mặt khác, củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết.
TIN Y TẾ QUỐC TẾ
1. Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới
Tính đến ngày 25/4, thế giới ghi nhận hơn 147 triệu ca mắc COVID-19, trong đó hơn 124,7 triệu ca đã bình phục và hơn 3,1 triệu ca tử vong. Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch, số ca mắc được ghi nhận là 32,7 triệu ca và hơn 585 nghìn ca tử vong. Thứ hai là Ấn Độ, với 16,9 triệu ca mắc và 192,3 nghìn ca tử vong. Tại đây, riêng ngày 23/4 đã ghi nhận thêm 332.730 ca mắc mới, cao hơn 314.835 ca của ngày trước đó. Tâm điểm của làn sóng COVID-19 thứ hai ở Ấn Độ là bang Maharashtra giàu nhất nước, với thủ phủ tài chính Mumbai; chỉ riêng bang miền tây này đã ghi nhận hơn một triệu ca mắc mới tính từ đầu tháng 4. Thủ đô New Delhi cũng đã bước vào ngày thứ 6 của đợt phong tỏa một phần kể từ ngày 19/4, chỉ các dịch vụ thiết yếu mới được phép hoạt động.
Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia là quốc gia có số ca mắc lớn nhất với 1,63 triệu ca và hơn 44 nghìn ca tử vong. Tiếp đến là Philippines, số ca mắc là hơn 989 nghìn và số ca tử vong là 16,6 nghìn.
Tại Việt Nam, tổng số ca mắc COVID-19 là 2.833, số ca khỏi 2.516 và số ca tử vong 35. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly là gần 40.000. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 514, tại cơ sở khác là hơn 25.000. Theo Chương trình tiêm chủng quốc gia, ngày 24/4 thêm 22.935 người được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Tổng cộng đã có 198.972 người được tiêm ở cả đợt 1 và 2. Đó là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội.
Ban Biên tập website Viện